Khánh Hòa: Gà mặt quỷ đen sì giá vài triệu đồng 1 con vẫn khan hiếm
Gà mặt quỷ ( gà Indonesia) được đưa về Việt Nam vài năm gần đây nhưng hiện nay giống gà này khá khan hiếm do giá gà giống quá đắt. Tại tỉnh Khánh Hòa, rất ít người nuôi và có thu nhập cao từ đối tượng này.
Ông Lê Công An (thôn Xuân Tây, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), người đầu tiên nuôi gà mặt quỷ tại Vạn Ninh cho biết, do đầu ra của gà thông thường khó khăn nên ông chuyển sang nuôi gà mặt quỷ, một giống gà lạ và hiếm hiện nay.
Gà mặt quỷ nuôi tại Khánh Hòa.
Ông Lê Công An mua gà giống 100 con hết 20 triệu đồng (200.000 đồng/con). Sau 4 tháng nuôi, trừ hết chi phí, ông lãi được 107 triệu đồng, bình quân lãi 1 triệu đồng/con.
Theo ông An, nhiều người cho rằng nuôi gà mặt quỷ sẽ mạo hiểm vì giá gà giống quá cao. Tuy nhiên, giống gà này rất khỏe, sức đề kháng mạnh, dễ nuôi, chỉ cần quan tâm chăm sóc cẩn thận giai đoạn gà dưới 1 tháng tuổi.
Nhờ nuôi gà mặt quỷ mà 3 năm qua, bà Đinh Thị Kiều Hoa (thôn 3, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) có thu nhập khá cao. Bình quân 1 tháng bà thu khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán gà mặt quỷ. Bà cho biết, những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhiều người gọi điện đặt hàng nhưng không có gà mặt quỷ để bán.
Hiện nay, người nuôi giống gà mặt quỷ này không bán gà thịt, chỉ để sinh sản. Do vậy, thị trường chủ yếu tiêu thụ trứng và gà con để tái đàn. Gà mặt quỷ 1 tháng tuổi giá 1 triệu đồng/con; 2 tháng tuổi 1,5 triệu đồng/con; trứng gà mặt quỷ 200.000 đồng/quả; gà mặt quỷ sinh sản bố mẹ 10 triệu đồng/cặp…
Ngoài gà mặt quỷ, bà còn nuôi gà Đông Tảo, rắn mối. Giống gà mặt quỷ ban đầu bà lấy trực tiếp từ Indonesia thông qua một người bạn của con trai từ nước bạn gửi về.
Video đang HOT
Theo nhiều tài liệu, gà mặt quỷ (Indonesia gọi là gà Ayam Cemani) có xuất xứ từ đảo Java, Indonesia. Gà có ngoại hình đen tuyền từ ngoài vào trong: lông, chân, móng, mào, yếm, thịt, xương đều có màu đen, thậm chí nội tạng cũng tối màu.
Đầu gà mặt quỷ nhỏ, mắt dẹt, đen tuyền trông dữ dằn nên có tên là gà mặt quỷ. Sở dĩ gà mặt quỷ có ngoại hình như vậy là do chất Fibromelanosis trong cơ thể gà thúc đẩy sự phát triển mạnh của tế bào sắc tố đen xuất phát từ các gen đột biến.
Gà mặt quỷ trống có cân nặng 2 – 2,5kg, gà mái 1,5 – 2kg. Theo ông An, gà mặt quỷ mái đẻ bình quân 80 trứng/năm giống như các giống gà ta thông thường. Quá trình nuôi gà mặt quỷ cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, kết hợp phòng bệnh, tẩy rửa chuồng trại thường xuyên.
Thịt gà mặt quỷ ngọt, thơm và dai nên rất ngon. Ngoài ra, tại Indonesia, người ta coi giống gà mặt quỷ này mang tới sự may mắn và thịnh vương nên giá rất cao, thời gian đầu có giá 50 triệu đồng/con gà trưởng thành. Người có tiền mang về nước làm gà cảnh hay “giải hạn” nên gà có giá trị về mặt phong thủy.
Sở dĩ gà mặt quỷ còn khan hiếm là do người nuôi chưa nhiều, ước tính toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có vài hộ nuôi với số lượng hạn chế. Vì thế, theo bà Hoa, giá gà mặt quỷ vẫn đang ở mức cao, trong khi gà Đông Tảo đã hạ “sốt” và tiêu thụ chậm. Giá gà Đông Tảo 1 tháng tuổi 300.000 đồng/con, 2 tháng tuổi 500.000 đồng, gà thịt 700.000 đồng/kg, gà bố mẹ 5 triệu đồng/cặp.
Theo VL (Báo Khánh Hòa)
Loài điệp seo tỉnh Khánh Hòa vừa nhân giống, bán đắt như tôm hùm
Đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo Comptopallium radula tại Khánh Hòa" vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu, đánh giá cao.
Đề tài đã tạo thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nuôi điệp seo-hướng đi mới
Theo Thạc sĩ Phan Thị Thương Huyền - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, chủ nhiệm đề tài, tại Việt Nam, điệp seo được phân bố chủ yếu ở vùng biển vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh), Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) ở độ sâu 5 - 25m.
Hiện nay, điệp seo có giá bán khá cao, giá thương phẩm thu mua tại chỗ từ 450.000 đến 600.000 đồng/kg tùy kích cỡ. Những năm gần đây, do việc khai thác không hợp lý (khai thác kích thước còn quá nhỏ, từ 40 đến 70 mm - kích thước điệp seo chưa tham gia sinh sản lần đầu) nên nguồn lợi điệp seo mất dần khả năng tự tái tạo, phục hồi mật độ quần thể.
Thả giống nuôi thương phẩm điệp seo.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, những năm 2000, sản lượng khai thác điệp seo khoảng 30 - 40 tấn/năm. Những năm gần đây, sản lượng giảm dần và đến nay, theo người dân, sản lượng thu được không đáng kể. Do đó, việc nuôi điệp seo từ con giống nhân tạo là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và phục hồi nguồn lợi.
Tư thực tế đó, năm 2017, đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo, thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo Comptopallium radula tại Khánh Hòa" được triển khai thực hiện.
Điệp seo khai thác tự nhiên ngoài biển ngày càng khan hiếm và giá đắt đỏ. Ảnh: internet.
Qua 2 năm, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo điệp seo đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật như: Tỷ lệ điệp seo bố mẹ thụ tinh đạt 86,72%, tỷ lệ nở trung bình đạt 92,03%; tỷ lệ sống của ấu trùng chữ D đến con giống cấp I (1 - 3 mm) dao động từ 3,5 đến 4,4%; tỷ lệ sống của con giống từ cấp I lên cấp II (10 - 15mm) đạt 30,28%.
Sau 3 đợt sản xuất, đề tài đã thu được 510.000 con giống điệp seo cấp I và 154.000 con giống điệp seo cấp II. "Hình thức ương điệp seo cấp I lên cấp II ngoài lồng bè cho sinh trưởng cao hơn nuôi trong bể xi măng. Tuy vậy, tỷ lệ sống của điệp seo nuôi trong bể xi măng cao hơn nuôi biển do môi trường nước ổn định, trong sạch và không có địch hại", bà Huyền cho biết.
Chủ động được nguồn giống điệp seo
Đề tài đã chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo điệp seo cho 5 cơ sở sản xuất. Kết quả, các cơ sở đã sản xuất giống cấp II với tổng sản lượng 28.200 con.
Ông Hà Ngọc Khoa (thôn Tân Thành, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa), một trong những hộ tham gia sản xuất giống cấp II cho biết: "Sau 3 tháng tập huấn thực hành tại cơ sở thực nghiệm của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, cơ sở của tôi đã tự sản xuất được 6.000 con giống với kích cỡ từ 10 đến 15mm, điệp seo phát triển rất tốt".
Điệp seo là một trong những loài hải sản ngày càng quý hiếm, chế biến thành nhiều món ăn ngon hảo hạng, đắt tiền. Ảnh: internet.
Song song với quy trình sản xuất con giống, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được 2 mô hình thử nghiệm nuôi thương phẩm điệp seo (nuôi đơn và nuôi ghép) tại thôn Xuân Tự 1 và thôn Xuân Vinh (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh).
Sau 12 tháng nuôi thử nghiệm, 2 mô hình thu được 109,05kg điệp seo thương phẩm. Trong đó, mô hình nuôi đơn điệp seo có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mô hình nuôi ghép. Cụ thể, mô hình nuôi đơn đạt 69,1mm chiều dài, 71,2mm chiều cao, trọng lượng đạt 50,2gam; mô hình nuôi ghép đạt 64,2mm chiều dài, 65,8mm chiều cao, trọng lượng 47,7gam.
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng đánh giá: "Đây là một đề tài khó nhưng có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng nhu cầu con giống của người dân. Lâu nay, người dân chủ yếu khai thác điệp seo ngoài tự nhiên, không chỉ sản lượng ít mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Năm 2005, tỉnh đã có đề tài nghiên cứu bước đầu về điệp seo. Trên cơ sở đó, đề tài lần này đã hoàn thiện hơn quy trình sản xuất giống điệp seo...".
"Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã sản xuất được giống nhân tạo điệp seo phù hợp với điều kiện tự nhiên Khánh Hòa. Đồng thời, từ chính con giống này, nhóm nghiên cứu đã nuôi thử nghiệm thành công điệp seo thương phẩm. Điệp seo phát triển tương đương với ngoài tự nhiên và đã chủ động được nguồn giống nuôi. Đề tài đã tạo thêm một đối tượng nuôi mới, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Huỳnh Kỳ Hạnh.
Theo Cẩm Vân (Báo Khánh Hòa)
Khánh Hòa: Cả làng thơm mùi trầm hương, khách Ả rập thích đến Nhà trưng bày sản phẩm trầm hương Vạn Thắng ra đời là sự mong mỏi bao đời của người dân thôn Phú Hội (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Công trình này mở ra cơ hội mới cho làng trầm và từ đây, ý tưởng về du lịch làng nghề được nhen nhóm. Cơ hội mới cho làng nghề trầm...