Khẳng định lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển
LTS: Hôm qua 10-12, thế giới kỷ niệm tròn 30 năm ngày ra đời Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Nhân dịp này, tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) Hồ Xuân Sơn về Công ước Luật biển LHQ – một Hiến pháp về đại dương được thế giới thừa nhận và thực thi ba thập kỷ nay.
Cách đây đúng 30 năm, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), được 107 quốc gia; trong đó có Việt Nam, ký tại Vịnh Montego thuộc Jamaica, đánh dấu thành công của Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3, với sự tham gia của trên 150 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức quốc tế phi chính phủ.
Những mầm non tương lai trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: Thanh Giang
Hiến pháp về đại dương
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (gọi tắt là Công ước) là một văn kiện quốc tế đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và 9 Phụ lục. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và đã trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX đồng thời là điều ước quốc tế phổ cập với 164 quốc gia thành viên, tính đến thời điểm hiện nay. Công ước đã trù định toàn bộ các vấn đề liên quan đến các vùng biển của các quốc gia ven biển cũng như những vấn đề liên quan đến việc sử dụng, khai thác vùng biển quốc tế và đáy đại dương.
Những vấn đề cơ bản được đưa vào nội dung Công ước như Quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; Chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy đại dương-di sản chung của loài người; Việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật; Vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; Vấn đề giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; Quy chế hoạt động của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, Tòa án Luật biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước… Công ước được đánh giá là bản Hiến pháp về đại dương. Những quy định của Công ước là kết quả của quá trình hợp tác, đấu tranh, thỏa hiệp và xây dựng trong nhiều năm giữa các quốc gia trên thế giới với các chế độ chính trị- xã hội, trình độ phát triển kinh tế, góc nhìn luật pháp khác nhau.
Việt Nam là một trong số 107 quốc gia tham gia ký Công ước ngay trong ngày văn bản này được mở và để ký. Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này. Điểm 1 của Nghị quyết nêu rõ: “Bằng việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam biểu thị quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển.”
Việc Việt Nam trở thành thành viên của Công ước có ý nghĩa rất to lớn vì Công ước là cơ sở pháp lý quốc tế xác nhận các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển. Việc tham gia Công ước đã chính thức hóa cơ sở pháp lý quốc tế về phạm vi các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Gia nhập Công ước, Việt Nam được quốc tế thừa nhận có vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Việt Nam tôn trọng và tuân thủ Công ước quốc tế
Công ước còn là cơ sở pháp lý quốc tế cho việc phân định vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam với các nước ven Biển Đông, góp phần tạo môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực. Vận dụng Công ước, trong những năm qua Việt Nam đã tiến hành đàm phán, phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam với các nước xung quanh Biển Đông như phân định ranh giới biển với Thái Lan (năm 1997); phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc (năm 2000); phân định ranh giới thềm lục địa vớiIndonesia (năm 2003).
18 năm sau khi phê chuẩn Công ước, ngày 21/6 vừa qua, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Biển Việt Nam. Lần đầu tiên, Luật Biển Việt Nam đã quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam theo đúng nội dung của Công ước. Luật Biển Việt Nam là cơ sở quan trọng cho việc thống nhất quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của Việt Nam. Qua việc thông qua Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã làm cho thế giới thấy rõ Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, luôn luôn tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của nhà Việt Nam phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Trong những năm gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp. Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và tuân thủ Công ước, vận dụng Công ước để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như tôn trọng lợi ích của các nước liên quan. Trong khi tìm kiếm một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần kiềm chế, không làm gì để tình hình phức tạp thêm, phù hợp với các quy định của Công ước.
Kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng sức mạnh tổng hợp; kiên trì giải quyết tranh chấp Biển Đông và các vấn đề nảy sinh trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982, Việt Nam đã và đang thể hiện là một thành viên có trách nhiệm của Công ước, tích cực vận dụng Công ước nhằm thiết lập một trật tự pháp lý công bằng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia.
Theo ANTD