Khẩn trương đưa nghị quyết vào cuộc sống
Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thành công tốt đẹp. Tại đại hội, các đại biểu nhất trí thông qua Nghị quyết đề ra những định hướng phát triển cùng các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể của Thủ đô đến năm 2025, hướng tới tầm nhìn chiến lược trong 10 năm và dài hơn là 25 năm nữa.
Ngay sau đại hội, các cấp, các ngành của thành phố bắt tay xây dựng kế hoạch, đề án để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh, thông minh, hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô. Trong ảnh: Diện mạo Thủ đô Hà Nội hôm nay. Ảnh: DUY LINH
Rõ mục tiêu, cụ thể giải pháp
Cùng với quá trình chuẩn bị, xây dựng kỹ lưỡng, công phu, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa 16 trình Đại hội Đảng bộ lần thứ 17 đã bám sát dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là về tầm nhìn đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045. Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện… Tiếp thu tinh thần đó, trong Văn kiện Đại hội xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Thủ đô với cả nước. Do đó, “gương mẫu” chính là yêu cầu đầu tiên đặt ra trong chủ đề đại hội.
Với tầm nhìn chiến lược, Đại hội Đảng bộ thành phố đã quyết nghị mục tiêu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP Hà Nội có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng trở thành đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đại hội đưa ra những con số cụ thể, có tính định lượng cao. Cụ thể là đến năm 2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, thu nhập bình quân (GRDP) đạt từ 8.300 đến 8.500 USD/người. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh, thông minh, hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết nêu rõ 20 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025. Trong đó, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra cao, đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm lớn của toàn Đảng bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tiêu biểu là tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2025 từ 7,5 đến 8%/năm; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao chiếm 40%, nông thôn mới kiểu mẫu chiếm 20%… Để cụ thể hóa những mục tiêu này, đại hội đề ra năm định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và ba khâu đột phá quan trọng. Đó là ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thật sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển Thủ đô.
Video đang HOT
Cùng với đó, trên cơ sở tám chương trình công tác khóa trước, Thành ủy Hà Nội sẽ ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa 17 ngay trong quý I-2021. Trong đó có ba chương trình hoàn toàn mới nhằm tập trung phát triển đô thị gắn với kinh tế đô thị; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng bộ thành phố với đích đến là xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, đời sống nhân dân được chăm lo tốt hơn.
Biến quyết tâm thành hành động
Được xác định là một trong những ngành “chủ công” trong giai đoạn tới, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, Sở sẽ sớm tham mưu xây dựng Chương trình công tác của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2020 – 2025, tạo bứt phá về đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế Thủ đô. Mục tiêu là xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học và công nghệ của khu vực Đông-Nam Á trong một số lĩnh vực.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho rằng, các mục tiêu, chính sách về an sinh xã hội rất đúng và trúng, phù hợp với xu hướng phát triển. Cụ thể, đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ 75 đến 80%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 55 đến 60%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức dưới 3%; không còn hộ nghèo và hộ tái nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố. Trên cơ sở đó, ngành sẽ phối hợp các sở, ngành, đơn vị chức năng tập trung phát triển hệ thống an sinh xã hội, gắn chính sách an sinh xã hội với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Tinh thần quyết liệt, bắt tay ngay vào việc đã lan tỏa đến các địa phương của thành phố. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, cụ thể hóa quyết tâm của đại hội, cán bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, trở thành vành đai xanh, vùng quê trù phú và đáng sống. Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt khẳng định, quận đang tích cực huy động các nguồn lực, cách làm để đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông khung trên địa bàn. Phát huy lợi thế về hạ tầng tổ chức các giải thể thao lớn và sự kiện quốc tế, quận đang tập trung rà soát quy hoạch quỹ đất để báo cáo thành phố điều chỉnh theo hướng hình thành hạ tầng, không gian thương mại, dịch vụ văn hóa, giải trí, du lịch ẩm thực tạo thành chuỗi liên kết để phát triển kinh tế.
Những việc làm này thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17. Trong đó, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành của thành phố xây dựng kế hoạch, đề án để cụ thể hóa và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống. “Mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu tuyệt đối không thỏa mãn với thành tích đã đạt được, phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao, có tầm nhìn và tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô và cả nước”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Sự đồng lòng thực hiện các mục tiêu của đại hội đảng bộ các cấp cùng các giải pháp cụ thể của các cấp ủy, chính quyền là những cơ sở quan trọng để Hà Nội từng bước biến quyết tâm thành hành động và hành động có hiệu quả để thành công, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nhiệm vụ, trách nhiệm hàng đầu
Thành tố đầu tiên trong chủ đề Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội là "gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Nghị quyết Đại hội đã nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ và trách nhiệm hàng đầu này.
Thành ủy Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Trong ảnh: Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành trung ương.
Phải có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao
Bên cạnh những đánh giá về kết quả tích cực, khẳng định bài học kinh nghiệm là phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội (Nghị quyết Đại hội XVII) đã thẳng thắn nhìn nhận: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng còn thấp; cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số nơi còn hạn chế; có cấp ủy đã có biểu hiện mất "đoàn kết nội bộ". Ý thức, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Còn có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một số cán bộ, đảng viên, cá biệt có đảng viên còn có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm, bị kỷ luật và xử lý hình sự...
Nhìn nhận thẳng thắn bao nhiêu thì mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XVII cũng thể hiện rõ quyết tâm bấy nhiêu. Nội dung đầu tiên được nêu trong phần mục tiêu là: "Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu". Đại hội quyết nghị 3 chỉ tiêu về xây dựng Đảng, trong đó so với khóa XVI, chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới từ 12.000 đồng chí/năm, nay còn 9.000-10.000 đồng chí/năm, nhưng tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm được nâng lên thành 75% thay vì 70% của khóa trước, tức là chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên.
Trong quá trình xây dựng Báo cáo chính trị và dự thảo Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã tiếp thu ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà khoa học, từ đó đổi mới cách sắp xếp vị trí để hướng sự tập trung lớn hơn vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từ vị trí thứ năm trong 5 nhiệm vụ chủ yếu nhiệm kỳ trước, trong Nghị quyết Đại hội XVII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đưa lên vị trí thứ nhất trong 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết ghi rõ: "Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Từ vị trí số 14/14 định hướng trọng tâm phát triển trong Nghị quyết Đại hội XVI, "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh" được đưa lên vị trí số 1/14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội XVII.
Đây chính là bước tiến, là nét đổi mới trong tư duy và tầm nhìn mà Đảng bộ thành phố từ kinh nghiệm thực tiễn quý báu đã cụ thể hóa thành nội dung Nghị quyết Đại hội XVII.
Toàn tâm, toàn ý bắt tay vào việc
Cụ thể hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XVII, trong 10 chương trình công tác toàn khóa, chương trình được xếp ở vị trí số 1, có ý nghĩa "cốt lõi", "xương sống" tương tự khóa trước là về "Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025". Chủ động tiếp thu và triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII, các cấp ủy Đảng trực thuộc Thành ủy cũng xác định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ hàng đầu phải tập trung toàn tâm, toàn ý bắt tay vào thực hiện ngay.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, ý thức trách nhiệm với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Sự tiên phong, gương mẫu phải bắt đầu từ trách nhiệm tham gia sinh hoạt Đảng thường xuyên của mỗi đảng viên; từ sự nêu gương giữa đời thường... Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, để làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ mới trước hết phải tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, trong đó lấy công tác đánh giá cán bộ làm trung tâm, là cơ sở quan trọng trong việc đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn cho biết, trên tinh thần của Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm vụ hàng đầu trong nhiệm kỳ mới được Quận ủy Tây Hồ xác định là phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối, Đảng ủy Khối sẽ tập trung cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng thành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như phấn đấu 100% tổ chức cơ sở Đảng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc; hằng năm, 100% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành nhiệm vụ trở lên...
Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng kiến nghị, Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc củng cố, nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn như nhiệm kỳ khóa XVI đã làm; trong đó, chú trọng bố trí cán bộ giỏi về những vùng khó khăn, nơi thực hiện nhiệm vụ quan trọng.
Đối với cấp ủy cơ sở, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Đơn cử tại phường Phương Mai (quận Đống Đa), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Thị Bảo Phương cho biết, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận và Đảng bộ thành phố, Đảng ủy phường có riêng một chương trình công tác về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là xây dựng Đảng bộ phường mạnh từ chi bộ mạnh lên.
Còn Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Nam cho hay, Đảng ủy xã sẽ xây dựng chương trình công tác từ nay đến năm 2025 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt và hiệu quả lãnh đạo của chi bộ dân cư.
Sự vào cuộc với ý thức trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy Đảng là cơ sở để Đảng bộ thành phố Hà Nội - đảng bộ có hơn 45 vạn đảng viên, chiếm số lượng lớn nhất cả nước - tiếp tục nỗ lực phấn đấu tạo những dấu ấn tích cực, thực sự gương mẫu, đi đầu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đồng chí Trần Hoàng Danh tái đắc cử Bí thư Quận ủy quận 12 Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ quận 12 gồm 41 đồng chí. Tại kỳ họp thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ đã bầu Ban Thường vụ gồm 13 đồng chí. Đồng chí Trần Hoàng Danh tái đắc cử Bí thư Quận ủy quận 12 (nhiệm kỳ 2020-2025). Sáng 27-8, sau 3 ngày làm việc, Đại hội đại biểu Đảng...