Khẩn: Học sinh nghỉ học tránh siêu bão Mangkhut
Ngày 17-9 (thứ Hai), toàn bộ học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trong toàn tỉnh Quảng Ninh sẽ nghỉ học tránh bão Mangkhut.
Liên quan đến diễn biến phức tạp của cơn bão Mangkhut được dự đoán sẽ đổ bộ vào đất liền từ ngày 17-9 sắp tới, sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn và các đơn vị trực thuộc Sở chủ động các biện pháp phòng chống siêu bão Mangkhut.
Bên cạnh đó, hoãn thực hiện các hoạt động theo kế hoạch (tập huấn, bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo) trừ cuộc họp phòng chống bão để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản và tập trung phòng chống siêu bão.
Các ngày tiếp theo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Sở chủ động xem xét giải quyết cho học sinh nghỉ học, hoãn các hoạt động hội họp khi trên địa bàn có mưa to, gió lớn hoặc cán bộ, giáo viên, học sinh phải đi qua vùng đang hoặc có nguy cơ lũ quét, ngập lụt, sạt lở, trơn trượt nguy hiểm.
Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm thông báo cụ thể, chi tiết, đầy đủ đến cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh biết về việc nghỉ học, hoãn tổ chức các hoạt động.
Siêu bão Mangkhut nhìn từ vệ tinh
Trường hợp học sinh không nhận được thông báo nghỉ học mà vẫn đến trường hoặc khi hết giờ học có gió mạnh, mưa lớn, ngập lụt …, Thủ trưởng cơ sở giáo dục phải có phương án quản lý học sinh tại trường, chỉ cho học sinh về nhà khi đảm bảo các điều kiện an toàn, đồng thời bố trí cán bộ, giáo viên phối hợp với cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh trên đường về nhà;
Chủ động liên lạc với học sinh, gia đình học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị để kịp thời thông báo về diễn biến mưa bão và nắm tình hình, đặc biệt là những đối tượng có nhà ở gần các khu vực nguy hiểm do ảnh hưởng của siêu bão, nhắc nhở gia đình không để học sinh ra khu vực này.
Khẩn trương thực hiện ngay các phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất của đơn vị; ở những nơi có nguy cơ ngập lụt cần di dời máy móc, trang thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt.
Video đang HOT
Bố trí ít nhất 01 lãnh đạo và một số giáo viên, nhân viên thường trực 24/24 giờ tại đơn vị trong thời gian có mưa bão để kịp thời giải quyết các công việc; phối hợp chặt chẽ với Ban phòng chống lụt bão địa phương để huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và các nguồn lực để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Có kế hoạch kịp thời vệ sinh môi trường trong và xung quanh trường ngay sau khi bão tan; chủ động khắc phục hậu quả (nếu có).
Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo. Khi có sự cố bất thường liên quan đến mưa bão phải chủ động giải quyết, xử lý, đồng thời báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo. Sau bão, tổng hợp thiệt hại (nếu có) và phương án xử lý báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo để có phương án hỗ trợ khắc phục.
CÙ HIỀN
Theo PLO
Bão số 6 sắp đổ bộ, dân miền Bắc cần biết thông tin này
Bão số 6 MANGKHUT sắp độ bộ, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Thanh Hóa; đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình
Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, vào 16h ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách Ma Cao (Trung Quốc) khoảng 770km về phía Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165km/giờ), giật trên cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 380km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 190km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km. Đến 16h ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 360km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 160km tính từ vùng tâm bão.
Vị trí và hướng đi của bão số 6 vào 17h ngày 15/9. (Ảnh: TTKTTVTW)
Do ảnh hưởng của bão, ở Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền phía Nam các tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 22,7 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng khoảng 100km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Từ chiều 16/9, ở vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 7-8, đến đêm tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 4-6m; Biển động rất mạnh.
Trong ngày 17/9, ở Quảng Ninh có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Kạn Hà Giang có gió giật cấp 6-7; các tỉnh khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6.
Ảnh mây vệ tinh của cơn bão số 6. (Ảnh: TTKTTVTW)
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến 16h ngày 18/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 101,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/h).
Cảnh báo:
Từ ngày 17-19/9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ từ 200-300mm, vùng núi phía Bắc có nơi trên 300mm; khu vực Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 100-200mm.
Cảnh báo lũ:
Từ ngày 17-19/9, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, thượng lưu hệ thống sông Mã sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Thao, thượng lưu sông Lô ở mức BĐ2-BĐ3; sông Kỳ Cùng và sông Bằng Giang ở mức BĐ1-BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình, thượng lưu sông Mã ở mức BĐ1.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất:
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình; Ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Hòa Bình.
TÙNG LÂM
Theo VTC
Siêu bão tiến gần, lãnh đạo đi học tập kinh nghiệm trên "bàn nhậu" Nhiều xe biển xanh của hai địa phương đậu trước khách sạn Thanh Bình Gold để trao đổi học tập kinh nghiệm trên "bàn nhậu" Bão số 5 và siêu bão Mangkhut đang đến có nguy thể ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, TP Sầm Sơn và huyện Cẩm Thủy vẫn tổ chức chương trình làm việc, trao đổi...