Khan hiếm dịch truyền chống sốc sốt xuất huyết
Hiện đang là mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết, số ca mắc bệnh lẫn ca bệnh nặng có sốc đều tăng cao. Theo phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế, các cơ sở y tế phải dùng dung dịch cao phân tử Hes 200/0,5 để điều trị cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn Đồng Nai đều rơi vào tình trạng khan hiếm dung dịch truyền chống sốc sốt xuất huyết. Ảnh: B. Nhàn
Nhưng thực tế, toàn tỉnh chỉ có Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai dự trù 1.500 chai dịch này. Trong khi nhà cung ứng thuốc lại thông báo thuốc hết hạn đăng ký (visa) để nhập khẩu. Điều này khiến các bệnh viện lo lắng thiếu dịch truyền cấp cứu cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết.
* Hết hàng Hes 200/0,5
Mới đây, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3705/QĐ-BYT ngày 22-8-2019 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue. Quyết định này đã quy định rõ 3 loại dung dịch cao phân tử trong điều trị sốc sốt xuất huyết (mạch nhanh, huyết áp tụt) là Dextran 40 (40.000 UI), Dextran 70 (70.000 UI) và Hydroxyetyl stach (Hes 200/0,5).
Các bác sĩ đánh giá, thực tế, dung dịch Hes 200/0,5 có trọng lượng phân tử lớn, giúp giữ nước trong lồng mạch, chống sốc sốt xuất huyết cho bệnh nhân, tác dụng phụ cũng ít hơn nhiều so với các loại khác. Tuy nhiên, không phải ca sốc sốt xuất huyết nào cũng sử dụng dung dịch cao phân tử mà dựa vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân. Ngay cả phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế cũng cho thấy, giai đoạn đầu của sốc sốt xuất huyết chỉ dùng các loại dung dịch điện giải thông thường (Ringger lactate hoặc Gelatin hoặc NaCl 0,9%). Chỉ khi việc chống sốc bằng các dung dịch trên không hiệu quả mới sử dụng dung dịch cao phân tử Hes 200/0,5.
Dược sĩ Bùi Quốc Tuấn, Trưởng khoa Dược Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho hay, mặt hàng Dextran 40 và Dextran 70 đã không xuất hiện trên thị trường nhiều năm nay. Như vậy, chỉ còn Hes 200/0,5 là sản phẩm duy nhất theo đúng phác đồ của Bộ Y tế được dùng trong điều trị sốc sốt xuất huyết.
Nhiều năm qua, phác đồ điều trị cũ của Bộ Y tế (năm 2011) không quy định rõ loại dịch cao phân tử nào trong điều trị chống sốc sốt xuất huyết. Do đó, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã sử dụng dung dịch Hes 130/0,5. Trong thực tế điều trị, khi các bác sĩ sử dụng Hes 130/0,5 vẫn xảy ra tình trạng thoát mạch (khi truyền thuốc, hóa chất vào khoang mạch máu bị rỉ hoặc thấm ra ngoài mạch máu) do dung dịch này còn loãng.
Lâu nay, Khoa Dược Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đều xây dựng loại dung dịch này trong đấu thầu hằng năm. Riêng đợt đấu thầu thuốc năm 2018 (sử dụng cho năm 2019), bệnh viện trúng thầu 1.500 chai dung dịch Hes 200/0,5. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã nhận được 799 chai.
“Mới đây, công ty cung ứng loại dung dịch này đã gửi thông báo hết hàng cung ứng cho bệnh viện do visa nhập khẩu thuốc này hết hạn, đang chờ ý kiến của Bộ Y tế” – dược sĩ Bùi Quốc Tuấn cho biết. Cụ thể, tháng 8, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đặt 200 chai nhưng phía công ty cung ứng (Công ty cổ phần dược phẩm Việt Hà) chỉ cung cấp được 49 chai; tháng 9, đặt 300 chai, công ty không có hàng để cung cấp.
Video đang HOT
* “Chạy” khắp nơi mượn thuốc
Trước tình trạng không có dung dịch Hes 200/0,5 dự trữ, công ty cung ứng lại hết hàng, các bệnh viện phải “chạy vạy” khắp nơi để tìm nguồn mượn hoặc mua ngoài thầu. Các cơ sở y tế như: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, Trung tâm y tế Trảng Bom… đều đang “mượn tạm” dung dịch Hes 200/0,5 của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.
Dược sĩ Bùi Quốc Tuấn cho hay: “Chúng tôi chỉ có thể tương trợ cho các đơn vị với số lượng nhỏ vài chai Hes 200/0,5 vì bệnh viện cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu. Trong kho thuốc của bệnh viện, số lượng dung dịch Hes 200/0,5 còn cũng chỉ đủ sử dụng được khoảng 1 tháng nữa”.
Khoảng 2 tháng nay, tuần nào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng tiếp nhận vài ca sốc sốt xuất huyết. Mỗi bệnh nhân sử dụng khoảng 2-3 bịch (1-1,5 lít) dung dịch cao phân tử. Nhiều năm qua, các bệnh viện điều trị sốt xuất huyết cho người lớn thường chỉ sử dụng dung dịch Volulyte 6% (tương ứng với dung dịch cao phân tử Hes 130/0,5) do Công ty Kabi sản xuất (Đức nhượng quyền cho Việt Nam sản xuất). Trước quy định mới của Bộ Y tế, bệnh viện đang phải kiếm nguồn dịch truyền theo đúng phác đồ điều trị.
“Chúng tôi đang yêu cầu Khoa Dược làm đề xuất báo cáo lên Sở Y tế để giải quyết tình trạng này. Không có dung dịch cao phân tử Hes 200/0,5 sử dụng theo phác đồ của Bộ Y tế khiến chúng tôi lo lắng, sợ bệnh nhân khởi kiện khi có tình huống xấu xảy ra” – bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai băn khoăn.
Dự kiến, khoảng 1 tháng nữa, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai hết dung dịch Hes 200/0,5. Như vậy, các bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng, có sốc phải chuyển tuyến. “Nhưng biết chuyển bệnh nhân đến bệnh viện nào điều trị vì các nơi đều thiếu dung dịch này. Tôi đã liên hệ với Bệnh viện nhi đồng 1, Bệnh viện nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) nhưng họ cũng đang khan hiếm dung dịch này, số lượng còn rất ít, chỉ đủ dùng trong khoảng 2 tuần” – dược sĩ Bùi Quốc Tuấn lo lắng.
Theo dược sĩ Tuấn, mặt hàng này được coi là thuốc cấp cứu, Bộ Y tế nên bổ sung vào danh sách các loại thuốc quý hiếm để khi có dịch có thể nhập khẩu theo nhu cầu. Nếu cứ để loại dung dịch này nhập khẩu theo dạng visa rất nhiêu khê, mất thời gian và không đáp ứng kịp nhu cầu.
* Kiến nghị sớm giải quyết
Trước tình trạng khan hiếm dịch cao phân tử, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đã làm văn bản gửi Sở Y tế báo cáo tình hình và có văn bản gửi Công ty cổ phần dược phẩm Việt Hà để làm cơ sở báo cáo Bộ Y tế. Ngay sau khi nhận được báo cáo của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và phản ảnh của các bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã làm văn bản gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xem xét và chỉ đạo để có đủ và kịp thời thuốc phục vụ cho công tác điều trị.
Dược sĩ Trần Văn Phú, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho biết, tình trạng khan hiếm dung dịch Hes 200/0,5 do số đăng ký loại thuốc này hết hạn. Công ty trúng thầu cũng đã gửi công văn cho Cục Quản lý dược để xin cấp visa nhập khẩu loại thuốc này. Theo quy định, những loại thuốc dùng trong trường hợp cấp cứu, chỉ có một số đăng ký, Cục Quản lý dược chỉ có 7 ngày để xét duyệt.
“Thiếu thuốc cũng do dịch bệnh đang bùng phát và nhà thầu không có thuốc để cung ứng. Trước tình trạng này, các đơn vị trong tỉnh cần phải điều chuyển cho nhau để đảm bảo cấp cứu cho bệnh nhân. Sở Y tế vừa gửi công văn cho Bộ Y tế, vừa làm việc với nhà thầu để tìm phương án cung cấp cho các đơn vị” – ông Phú nói.
Bích Nhàn
Theo baodongnai
Sốt xuất huyết vào mùa, các bệnh viện phía nam cạn kiệt thiếu thuốc điều trị
Các bệnh viện khu vực phía nam đang 'chạy vạy' khắp nơi nhưng đều thiếu nghiêm trọng dịch cao phân tử - một loại dịch dùng trong điều trị sốt xuất huyết, có tác dụng chống sốc cho bệnh nhân nặng.
Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, dịch cao phân tử ở viện chỉ còn cầm cự khoản 2 tuần nữa. Hiện tình hình bệnh sốt xuất huyết ở viện tăng 300% so với cùng kì năm ngoái.
Phương án tạm thời bệnh viện là mua lại dịch cao phân tử từ các bệnh viện xung quanh. Song, bác sĩ cho rằng đây là phương án không khả thi, vì hầu hết các bệnh viện phía nam đang thiếu thuốc như nhau.
Trong kho các bệnh viện hiện đang thiếu dịch cao phân tử Refortan trị sốt xuất huyết.
Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre cho hay,lượng thuốc viện chỉ có thể duy trì trong vài tuần. Hiện, bệnh viện đang tìm nguồn mua dịch cao phân tử sau khi nhận thông tin ngưng cung ứng từ công ty nhập khẩu. Các bác sĩ lo lắng nếu tình hình sốt xuất huyết gia tăng thì khó lòng đảm bảo thuốc để đám ứng điều trị nếu các ca bệnh nặng tăng theo.
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, khoảng dự trữ dịch cao phân tử đáp ứng được yêu cầu để điều trị sốt xuất huyết tịa viện. Bệnh viện đã hỗ trợ một phần cho các bệnh viện tỉnh.
Lý giải tình trạng thiếu dịch cao phân tử Refortan, bác sĩ cho rằng đây là thuốc nằm trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết nặng, giúp chống sốc. Do nhà cung ứng thuốc thông báo tạm ngưng với các bệnh viện vì đang vướng thủ tục nhập khẩu. Các bệnh viện phía nam đã làm tờ trình báo cáo tình trạng trên cho Sở Y tế địa phương và Bộ Y tế để sớm tháo gỡ.
Do nhà cung cấp ngưng nhập khẩu nên lượng thuốc đang thiếu trầm trọng ở các bệnh viện phía nam
Cục quản lý dược nói gì?
Sau khi nhận thông tin về tình trạng thiếu thuốc, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có Công văn số 16102/QLD-KD ngày 13/09/2019 chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc.
Cục Quản lý dược đang hướng đẫn các đơn vị nhập khẩu thuốc lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại Việt Nam. Cục sẽ xem xét, cấp phép nhập khẩu để đảm bảo nguồn thuốc đầy đủ, kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Cục Quản lý dược đang cố gắng xin "Visa" nhập thuốc để đảm bảo cung ứng các cơ sở khám chữa bệnh.
Hiện theo phác đồ điều trị sốt xuất huyết của Bộ y tế, dung dịch cao phân tử được chỉ định trong việc chống sốc trên bệnh nhân có sốt xuất huyết nặng. Các loại dịch cao phân tử đang được sử dụng ở nước ta gồm: dung dịch dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Số thuốc trên được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Hiện, có 6 thuốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam còn hiệu lực, được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu. Song, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu các thuốc trên rất thấp nên hiện nguồn cung các thuốc này rất hạn chế.
Phan Nhơn
Theo vietnamnet
Căng mình chống dịch sốt xuất huyết Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa cao điểm. Tại nhiều tỉnh, thành, nhất là TPHCM, khu vực ĐBSCL, Đông Nam bộ, số ca mắc SXH tăng rất cao so với cùng kỳ, nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Phun hóa chất diệt muỗi phòng trừ sốt xuất huyết Số ca...