Khán giả thích Trịnh Công Sơn hơn Em Và Trịnh: Món ngon chỉ nên ăn vừa đủ, dư chút lại thành ngấy
Dù có chất lượng nội dung tốt hơn, Trịnh Công Sơn lại bị rút khỏi rạp vì doanh thu thua kém Em Và Trịnh.
Em Và Trịnh là tác phẩm điện ảnh Việt Nam đầu tiên cho ra mắt cả hai phiên bản cùng lúc là Trịnh Công Sơn với độ dài 90 phút và Em Và Trịnh tận 135 phút. Trên thực tế thì Trịnh Công Sơn là một bộ phim có chất lượng nội dung tốt hơn. Thế nhưng chỉ sau một tuần chiếu sớm, tác phẩm đã bị rút khỏi rạp một cách đầy tiếc nuối để nhường suất chiếu cho “người anh em” vì doanh thu thua kém.
Trịnh Công Sơn – tác phẩm vừa vặn về một quãng đời của người nhạc sĩ tài hoa
Nếu như Em Và Trịnh tập trung vào tuổi trung niên của Trịnh Công Sơn (Trần Lực) thể hiện thì phiên bản còn lại chỉ xoay quanh thời trai trẻ của nhân vật do Avin Lu thể hiện. Hầu hết cảnh quay trong Trịnh Công Sơn chính là những đoạn hồi tưởng trong Em Và Trịnh được ghép nối lại với nhau kèm lời dẫn truyện để kết nối. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản chỉ có vậy.
Phiên bản 90 phút còn cắt dựng, thay đổi thứ tự, thêm hoặc bớt đi nhiều tình tiết để đưa đến một góc nhìn hoàn toàn mới. Nhờ đó, bộ phim trở nên gãy gọn và liên kết hơn. Thay vì chỉ là những mảnh ký ức rời rạc, Trịnh Công Sơn cho khán giả hiểu suy nghĩ và lý do đằng sau mỗi hành động, nỗi đau của của chàng nhạc sĩ trẻ sau mỗi mối tình dang dở hay những gì đã xảy ra giữa những mốc thời gian trong phim.
Trong khi đó, Em Và Trịnh lại tỏ ra tham lam khi muốn đưa luôn cả tuổi trẻ lẫn khi về già cùng câu chuyện tình với Michiko (Nakatani Akari) lên màn ảnh rộng. Thế nhưng, điều này lại khiến tác phẩm trở nên lê thê và lan man khi không làm nổi bật được bất kỳ yếu tố cốt lõi nào. Mỗi câu chuyện đều trôi qua một cách hời hợt bỗng biến Trịnh Công Sơn thành người đàn ông nông cạn trong cảm xúc, người cũ vừa đi đã yêu người mới, vừa cầu hôn người mới lại quay về bên người cũ.
Phần âm nhạc và bối cảnh trong Trịnh Công Sơn không có sự khác biệt so với Em Và Trịnh, thậm chí còn có phần tốt hơn khi các ca khúc quen thuộc có thời gian lên sóng dài hơn thay vì chỉ vỏn vẹn vài chục giây. Phim chỉ thiếu vắng một vài màn trình diễn của Trịnh Công Sơn đứng tuổi hay Michiko. Tuy nhiên, những ca khúc này không thật sự xuất sắc hay đóng vai trò quá quan trọng trong tổng thể bộ phim.
Sự tiếc nuối trong tình yêu và trăn trở thời cuộc của Trịnh Công Sơn
Do quá ôm đồm về các mối tình của Trịnh Công Sơn mà Em Và Trịnh đã vô tình lướt qua rất nhiều chi tiết đáng giá và có thể khai thác sâu hơn. Đơn cử chính là yếu tố phản chiến trong nhạc Trịnh. Ông là vốn là một người yêu mến và luôn ca ngợi hòa bình, hòa hợp dân tộc. Thế nhưng, Em Và Trịnh chỉ nhồi nhét yếu tố này qua các câu thoại của Michiko một cách gượng gạo.
Trong khi đó, Trịnh Công Sơn thể hiện tình tiết này khéo léo hơn qua số phận của các thành viên Tuyệt Tình Cốc. Từng là nhóm bạn gắn bó keo sơn, họ cuối cùng tan rã, kẻ nhập ngũ, người bị ám sát, kẻ phát điên chỉ vì chiến tranh. Phân cảnh Trịnh Công Sơn đau lòng vì chiến tranh được xây dựng cảm xúc hơn dưới nền nhạc Một Ngày Dài Trên Quê Hương.
Song, tình tiết ghi điểm nằm ở cuối phim khi Trịnh Công Sơn cùng Khánh Ly (Bùi Lan Hương) cùng nhau trình bày các ca khúc phản chiến tại nhiều tụ điểm. Phim cũng cho phát lại lời kêu gọi hòa bình và ăn mừng thống nhất của ông trên kênh phát thanh ngay sau ngày giải phóng qua bài hát Nối Vòng Tay Lớn kinh điển – chi tiết mà Em Và Trịnh hoàn toàn không có.
Không chỉ yếu tố phản chiến mà nỗi buồn trong tình yêu của chàng nhạc sĩ xứ Huế cũng rõ nét hơn ở Trịnh Công Sơn. Vì bỏ hết tuyến truyện của Michiko và sự trở lại của Dao Ánh (Phạm Quỳnh Anh) tuổi trung niên, phim thoát được cảm xúc lạc lõng khi tính cách hai phiên bản Trịnh Công Sơn thiếu kết nối của Em Và Trịnh.
Đồng thời, Trịnh Công Sơn còn cho thấy hình ảnh một nhạc sĩ tài hoa nhưng vẫn mãi cô độc. Trong khi những “nàng thơ” khác đều có gia đình êm ấm, khán giả nhận thấy một Trịnh Công Sơn vẫn mãi tình yêu với âm nhạc, vẫn biết ơn cuộc đời qua ca khúc Cho Đời Chút Ơn do Hồng Nhung (Hoàng Yến Chibi) trình bày. Ngoài ra, phim còn thẳng tay cắt đi chi tiết Khánh Ly ghen với Dao Ánh khi ở ngoài đời, nữ ca sĩ nhiều lần khẳng định cả hai chỉ là tri kỷ.
Vì sao Trịnh Công Sơn bị rút khỏi rạp?
Sau những ngày chiếu sớm, Trịnh Công Sơn có doanh thu chỉ bằng 1/10 so với Em Và Trịnh. Hậu quả tất yếu là bộ phim bị rút khỏi rạp để nhường suất chiếu cho phiên bản dài hơn. Điều này cho thấy rằng không phải cứ phim hay thì sẽ có doanh thu cao mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
Đầu tiên là do Em Và Trịnh là từ khóa được quảng bá rầm rộ từ nhiều tháng qua. Trong khi đó, Trịnh Công Sơn là phiên bản được nhà phát hành công bố chỉ vài ngày trước khi ra rạp. Nhờ vậy mà Em Và Trịnh có độ nhận diện cao hơn trong mắt khán giả. Bên cạnh đó, tâm lý người xem luôn muốn coi một tác phẩm có thời lượng dài hơn cho “đáng tiền vé”. Những bài đánh giá cũng không nhấn mạnh điểm khác biệt của Trịnh Công Sơn khiến nhiều người cho rằng đây chỉ là bản “thu nhỏ” của Em Và Trịnh chứ không phải một bộ phim tốt hơn hẳn.
Trailer Em Và Trịnh
Còn nhiều tranh cãi, "Em và Trịnh" vẫn đạt doanh thu khủng, kỳ vọng 100 tỷ có thành hiện thực?
Có khá nhiều tranh cãi về việc khắc họa chân dung cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong "Em và Trịnh". Tuy nhiên, sau 1 tuần ra rạp, phim đã đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng.
Trailer Em và Trịnh
Tranh cãi hình tượng Trịnh Công Sơn trong "Em và Trịnh"
Sau một tuần công chiếu, "Em và Trịnh" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vẫn là đề tài được quan tâm, bàn luận trên nhiều diễn đàn: có khen có chê.
Giống như nhiều phim điện ảnh lấy nguyên mẫu, phần đông ý kiến khán giả vẫn tỏ ra chưa hài lòng với chân dung Trịnh Công Sơn và các "nàng thơ". Đặc biệt, trên diễn đàn "In The Mood For Film", "Box Office Vietnam Group", có bài đăng chia sẻ thẳng thắn: "Em và Trịnh xây dựng hình tượng Trịnh Công Sơn tệ như thế nào?". Cụ thể, người viết chỉ ra rằng ngay từ cách phim đặt tiêu đề "Em và Trịnh" đã thể hiện rằng, đối tượng chính trong bộ phim sẽ là "Em", thay vì "Trịnh". Đồng thời đặt câu hỏi: Liệu đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chọn hướng đi này có phải một nước đi thông minh?
Ngoài ra, khán giả theo dõi phim cũng bày tỏ, với việc xây dựng kịch bản như thế, vô tình biến Trịnh Công Sơn là một người hời hợt trong tình yêu: đến rất nhanh và ra đi cũng rất dễ dàng. Bởi xuyên suốt phim có thể thấy, Trịnh say nắng Bích Diễm trong một chiều mưa, liền bám theo cô về đến tận nhà. Thế rồi cô chị Bích Diễm đi du học, nỗi buồn mới chỉ nổ chưa đầy ba nháy, Trịnh đã ngỏ ý với cô em: "Hay là anh viết thư cho Dao Ánh nhé?".
Trong lúc vẫn thư từ yêu đương với Dao Ánh, Trịnh qua lại với Khánh Ly. Và trước đó, cũng hơi mơ về Thanh Thúy và viết cho cô đôi bản nhạc. Khi về già, Trịnh gặp Michiko - lúc này đang độ xuân thì, qua một chuyến du lịch, rồi ăn xong tô bún bò, thì Trịnh cầu hôn.
Theo khán giả yêu Trịnh Công Sơn, nếu đọc tiểu sử của vị nhạc sĩ quá cố có thể nhiều người sẽ gật gù đây là một người đàn ông đào hoa, từng yêu rất nhiều cô. Nhưng phải nghe nhạc Trịnh, thì mới lờ mờ hiểu, với Trịnh tình yêu không phải một thứ dễ dàng, không phải yêu để vui, hay để lấp đầy chỗ trống như bộ phim đã truyền tải.
"Em và Trịnh tô hồng thời hoa niên của Trịnh Công Sơn, biến nhạc sĩ thành một kẻ đào hoa trăng gió, vô âu lo. Trong khi người nhạc sĩ ấy, những năm tháng tuổi trẻ, đã từng có lúc phải thốt lên: "Ngọn gió hoang vu, thổi buốt xuân thì", khán giả bày tỏ.
Ngoài ra, khán giả cũng không hài lòng khi cho rằng "Em và Trịnh" đã biến Trịnh Công Sơn thành người bàng quan, mơ hồ trước thời cuộc. Nguyên do bởi phim bám sát vào những sự kiện có thật trong cuộc đời Trịnh Công Sơn như việc ông từng lên núi dạy học để tránh đi lính. Bộ phim tái dựng lại sự thật, thế nhưng lại không đào sâu vào sự thật đó. Nội tâm của Trịnh Công Sơn trong thời kỳ biến động ấy thế nào? Ông có cái nhìn thế nào về thời kỳ đó? Là những thứ gần như bị phớt lờ.
Trước khi ra rạp, nhiều người cho rằng "Em và Trịnh" sẽ đảm bảo phần NGHE bởi những sáng tác của Trịnh Công Sơn quá tuyệt vời. Thêm vào đó, âm nhạc dưới bàn tay của nhạc sĩ Đức Trí được kỳ vọng mang lại màu sắc mới mẻ cho nhạc Trịnh qua giọng hát của Bùi Lan Hương, Avin Lu. Thế nhưng khi phát hành, mảng sáng tác của Trịnh Công Sơn cũng bị cho chưa được khai thác kỹ. Trong phim, trừ ca khúc "Diễm xưa" được giới thiệu chi tiết, các nhạc phẩm còn lại chỉ vang lên nhằm phụ trợ, nâng đỡ cảm xúc cho cảnh quay.
"Em và Trịnh giống như một chuỗi những MV ca nhạc nối tiếp nhau, phần nhìn đẹp, nhưng rỗng ruột. Đây là hệ quả của việc mải chạy theo "minh họa" cho từng bài nhạc, quá chú ý đến giai điệu và phần nhìn, thay vì đào sâu vào cốt lõi tâm lý của người tạo ra những ca từ ấy", ý kiến khán giả.
Điểm sáng lớn nhất nhận nhiều lời khen từ khán giả dành cho phim chủ yếu đến từ sự đầu tư về bối cảnh, trang phục. Những khung cảnh xứ Huế trong cơn mưa, con đường rợp bóng cây xanh, căn nhà cũ của cố nhạc sĩ, không gian núi rừng bao la hùng vĩ, ngôi nhà lụp xụp của thầy giáo Trịnh hay mái trường với những học sinh nơi miền núi, các tụ điểm âm nhạc... đều được đạo diễn, nhà sản xuất tái hiện công phu, đầy chất thơ.
Trang phục của dàn diễn viên cũng được chú trọng để phản ánh một phần công việc, tính cách và trải dài theo tuyến tính thời gian. Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, ê-kíp sử dụng 700 bộ phục trang với 3.000 diễn viên quần chúng. Đặc biệt, nhân vật Trịnh Công Sơn được tái hiện trải dài 3 thập kỷ, đòi hỏi sự kỹ lưỡng về phục trang, tạo hình.
"Nàng thơ" của cố nhạc sĩ không xem phim; con số doanh thu đáng kỳ vọng
Mặc dù chê không ít, góp ý cũng nhiều song với nhiều khán giả biên độ sáng tạo của kịch bản "Em và Trịnh" có thể chấp nhận được, do phim là sản phẩm hư cấu, không tuân theo tuyệt đối cuộc đời nhân vật.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái Trịnh Công Sơn - cho biết sau khi phim ra rạp, bà và các thành viên trong gia đình hài lòng về tác phẩm. Từng chứng kiến những "bóng hồng" đi qua đời anh trai, bà tâm đắc cách xây dựng hình tượng lãng mạn của nhạc sĩ: Yêu hồn nhiên, bản năng và giàu thủy chung. Trịnh Vĩnh Trinh cũng cho rằng giọng Huế của dàn diễn viên đạt yêu cầu của cá nhân bà. Bà giải thích: "Thời trẻ anh Sơn vốn sống lang bạt ở nhiều địa phương, rày đây mai đó. Theo thời gian, ngữ điệu của anh cũng phôi phai đi ít nhiều, không còn rặt giọng Huế như ban đầu".
Còn mới đây nhất, khi hỏi Khánh Ly - một "nàng thơ" trong cuộc đời Trịnh Công Sơn, bà thẳng thắn từ chối xem phim. Tuy nhiên, lý do đưa ra rất bất ngờ: "Tôi đã có một Trịnh Công Sơn thật ngoài đời, vậy cần gì phải xem thêm một hình tượng hư cấu. Tôi nghe nói phim quay đẹp, nhạc hay nhưng cũng có nhiều ý kiến chê. Mọi người xem một phim hư cấu thì phải chấp nhận thôi".
Nói về phim, Khánh Ly cho rằng khán giả hoàn toàn nên đi xem phim để ủng hộ điện ảnh nước nhà. Theo nữ danh ca, nhà sản xuất có thể gặp khó khăn khi xây dựng phim dựa trên nguyên mẫu có thật, lại là người có sức ảnh hưởng lớn.
"Tôi khẳng định bộ phim chẳng ảnh hưởng gì đến hình ảnh ông Trịnh Công Sơn đâu. Khi mọi người đã yêu nhạc sĩ, không điều gì có thể thay đổi tình yêu ấy. Những người làm phim mong muốn tri ân nhạc sĩ, muốn ông sống mãi trong lòng mọi người. Nhưng mỗi người lại yêu Trịnh Công Sơn theo một cách khác nhau. Nếu năm nay "Em và Trịnh" chưa hay, năm tới ta lại làm Trịnh và em", danh ca hóm hỉnh chia sẻ.
Con số doanh thu trên website Box Office Vietnam tính đến trưa 17/6
Bất chấp những khen chê, tính đến 12h00 ngày 17/6, "Em và Trịnh" ghi nhận mức doanh thu hơn 40 tỷ đồng, theo thống kê từ Box Office Vietnam. Đặc biệt, con số này vẫn không ngừng tăng lên theo từng giờ.
Theo đại diện của cụm rạp Lotte Cinema chia sẻ với truyền thông, nhà rạp kỳ vọng phim sẽ có mức doanh thu trên 100 tỷ đồng sau khi rời rạp. "Lượng khách đến rạp mua vé xem phim "Em và Trịnh" vẫn tăng theo từng ngày. Chúng tôi đang tăng cường suất chiếu cho tác phẩm. Hy vọng bộ phim có doanh thu vượt 100 tỷ đồng, tạo ra cú hích cho phim Việt trong thời gian tới", Theo Giám đốc kinh doanh của Lotte Cinema cho biết.
Trịnh Công Sơn: Phiên bản thanh xuân ngắn gọn và cảm xúc hơn của Em Và Trịnh So với Em Và Trịnh, Trịnh Công Sơn chỉ tập trung khắc họa tình yêu và những biến cố thời cuộc của người nhạc sĩ tài hoa khi còn trẻ. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, một bộ phim ra rạp cùng lúc hai phiên bản là Trịnh Công Sơn và Em Và Trịnh. Trịnh Công Sơn là phiên...