Khám xét nơi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường
Liên quan đến vụ khởi tố ông Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế, sáng 4/11, lực lượng công an và Viện kiểm sát đã đến làm việc tại trụ sở Bộ Y tế.
Ngày 3/11/2021, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Cường bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Trương Quốc Cường sinh ngày 9/11/1961, quê quán, xã Hưng Long, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên . Ông Cường được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế vào năm 2016. Trước đó, ông Cường là Cục phó rồi Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế (Ảnh: Mạnh Quân).
Công an và Viện kiểm sát làm việc tại trụ sở Bộ Y tế
Ghi nhận của PV Dân trí, sáng ngày 4/11, khoảng 3 xe ô tô của cơ quan công an cùng đại diện Viện kiểm sát đi vào trụ sở Bộ Y tế trên đường Giảng Võ để làm việc.
Đến khoảng 10h45, lực lượng chức năng ra xe, rời khỏi trụ sở Bộ Y tế.
Theo Cơ quan điều tra, ông Trương Quốc Cường bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện Quyết định nêu trên đối với bị can Trương Quốc Cường.
Theo nguồn tin của PV, sáng cùng ngày cơ quan công an cũng đã tiến hành khám nơi ở của ông Cường.
Đoàn xe chở công an cùng đại diện Viện kiểm sát rời trụ sở Bộ Y tế. Theo kết luận điều tra, trong vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh liên quan đến thuốc điều trị ung thư H-Capita, ông Trương Quốc Cường – khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý dược (hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế) – đã duyệt, cấp phép nhập khẩu đối với thuốc H-Capita theo đơn hàng của VN Pharma, trong khi hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu thuốc có một số điểm chưa thống nhất, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, cấp phép nhập khẩu.
Trước đó, hồi tháng 9/2019, trong phiên tòa xét xử vụ án mua bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty VN Pharma, tòa đã triệu tập Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Để làm rõ các vấn đề của vụ án, Hội đồng xét xử quyết định triệu tập 9 thành viên trong hội đồng giám định Bộ Y tế.
Xe ô tô của cơ quan chức năng rời trụ sở Bộ Y tế sau cuộc làm việc.
Công ty VN Pharma, Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM và Cục quản lý dược cũng được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
"Bộ sậu" Công ty VN Pharma đối mặt với khung hình phạt nào?
Theo cáo buộc, Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm nhập khẩu thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả rồi bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc với số tiền 51,7 tỷ đồng.
Hơn 600.000 hộp thuốc đã được bán ra thị trường
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố bị can Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần VN Pharma), cùng đồng phạm về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, theo khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng.
Kết luận điều tra xác định bị can Nguyễn Minh Hùng đã có hành vi trực tiếp thỏa thuận với Võ Mạnh Cường để mua 838.100 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, để nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ.
Sau khi nhập khẩu 838.100 hộp mang nhãn mác Health 2000 Canada, VN Pharma đã bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng 623.819 hộp với số tiền 51,7 tỷ đồng, hưởng lợi 31,5 tỷ đồng.
Số thuốc bị tiêu hủy là 95.935 hộp, số thuốc còn lại Bộ Công an không xác định được VN Pharma tiêu thụ hay tiêu hủy do không thu thập được dữ liệu.
Kết quả tương trợ tư pháp do Canada cung cấp xác định Health 2000 không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada và không sản xuất bất kỳ loại dược phẩm nào...
Health 2000 không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Cơ quan chức năng Canada khẳng định không cấp FSC (giấy chứng nhận tự do lưu hành) cho các thuốc mang nhãn mác Health 200 Canada; không cấp bất kỳ giấy phép sản xuất thuốc và GMP (giấy chứng nhận thực hành sản xuất tốt thuốc) nào cho nhà máy của Health 2000.
Như vậy, toàn bộ số thuốc do VN Pharma nhập khẩu không phải do Health 2000 sản xuất, giả về nguồn gốc, xuất xứ.
Về ý thức chủ quan, Nguyễn Minh Hùng biết rõ toàn bộ lô thuốc trên là giả mạo. Từ đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kết luận số thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada trên là hàng giả.
Bị cáo Võ Mạnh Cường.
Trước đó, vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma giai đoạn 1 đã được xét xử tại TAND TPHCM. Võ Mạnh Cường bị phạt 20 năm tù, Nguyễn Minh Hùng 17 năm; các bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù với cáo buộc buôn bán thuốc giả là H-Capita 500mg.
Cán bộ hải quan "để VN Pharma nhập thuốc giả"
Liên quan tới vụ án, bị can Lê Đình Thanh (công chức Cục Hải quan TPHCM) bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong thời gian công tác tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4, Lê Đình Thanh được phân công tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, giải quyết thông quan đối với tờ khai hải quan theo hợp đồng giữa VN Pharma và Austin Hồng Kông.
Sau khi VN Pharma được thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan điện tử trên hệ thống được chấp nhận, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động cấp số tờ khai và phân luồng kiểm tra mã 2.
Khi thực hiện kiểm tra chứng từ giấy tờ hồ sơ hải quan, Lê Đình Thanh đã thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, không phát hiện tờ khai của VN Pharma khai nhập số lượng thuốc 38.500 hộp H2K Ciproflxacin nhưng trên hợp đồng chỉ có 30.000 hộp, không có phụ lục hợp đồng.
Trên Invoice (hóa đơn) ghi "HELIX PHARAMACEUTICALS INC, 392 WILSON AVENUE, TORONTO, ONTARION, CANADA" và trên Packing list (bảng kê) ghi "HEALTH2000 INC, LB4 3B2, CANADA", nhưng tất cả đều đóng dấu Health 2000.
Do vậy, lô thuốc H2K Ciprofloxacin trị giá 2,6 tỷ đồng có hồ sơ hải quan không đầy đủ, không phù hợp nhưng Lê Đình Thanh vẫn xác nhận thông quan vào Việt Nam.
Lô thuốc được tiêu thụ tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Tri 100 hộp, Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh 160 hộp, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu 2.630 hộp (3 bệnh viện trên đều ở tỉnh Bến Tre), Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế 17.000 hộp, Công ty cổ phần dược Đại Nam Hà Nội 18.000 hộp.
Riêng 610 hộp còn lại cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an không thu thập được tài liệu để làm rõ việc tiêu thụ.
Kết luận xác định bị can Lê Đình Thanh thừa nhận đã sơ suất, không phát hiện ra sự không đồng nhất, không phù hợp trên nên đã xác nhận thông quan lô thuốc. Bên cạnh đó, Bộ Công an ghi nhận cho bị can Thanh một số tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo, có nhiều đóng góp cho ngành hải quan...
Liên quan tới vụ án, Bộ Công an xác định 3 đồng nghiệp của Thanh có sai phạm trong việc để VN Pharma nhập thuốc giả nhưng chưa đủ căn cứ xử lý hình sự.
Vụ 'bay lắc' trong bệnh viện: Giám đốc quay lại điều hành Bộ Y tế đồng ý để ông Vương Văn Tịnh quay lại điều hành bệnh viện sau hơn 30 ngày tạm đình chỉ công tác. Chiều 5/5, Hội đồng kỷ luật của Bộ Y tế do Thứ trưởng Y tế Trần Văn Tuấn chủ trì có cuộc họp xem xét trách nhiệm, hình thức kỷ luật đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám...