Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Cần lưu ý điều gì?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm khám tổng thể và khám sức khỏe sinh sản.
Ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm bắt buộc. Bởi đây là một việc làm mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản nói riêng mà còn cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai.
Vì sao cần phải đi khám sức khỏe trước khi kết hôn?
Khi kết hôn, nghĩa là bạn chấm dứt một cuộc sống độc thân. Lúc này bạn bắt đầu một cuộc sống gắn với những trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội… và bắt đầu từ vấn đề tình dục.
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, bạn sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà vốn trước đó bạn chưa có kinh nghiệm. Bạn được tư vấn để chuẩn bị mang thai, sinh đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn.
Tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục, tránh gặp phải những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản. Bên cạnh đó, có thể phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Việc chuẩn bị kiến thức, tâm lý cho cuộc sống tình dục vợ chồng sẽ khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc, không thỏa mãn hay nghi ngờ lẫn nhau, hiểu rõ được những đặc tính của giới và tránh lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục. Giúp bạn biết cách chủ động kiểm soát sự mang thai, thời điểm có con và số con mong muốn.
Khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏ. (Ảnh minh họa: Internet)
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm những gì?
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm khám tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe như viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim, bệnh về đường sinh dục.
Video đang HOT
Khám sức khỏe sinh sản không những giúp bạn phát hiện những bất thường về cấu tạo cơ quan sinh dục, mà còn kiểm tra tình trạng viêm nhiễm và các bệnh lây qua đường tình dục.
Khi khám sức khỏe tổng thể, bạn cần được làm một số xét nghiệm và chụp chiếu cần thiết để phát hiện bệnh sớm. Cụ thể, một số xét nghiệm đó là:
Kiểm tra đường huyết: Giúp phát hiện sớm bệnh tiểu đường, ngăn biến chứng nguy hiểm, tránh để lượng đường trong máu tăng cao quá mức gây ảnh hưởng đến mạch máu, thần kinh, mắt, thận…
Xét nghiệm công thức máu: Xét nghiệm công thức máu để đánh giá số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu, nồng độ hemoglobin… để phát hiện những rối loạn huyết học như giảm số lượng tế bào máu, thiếu máu từ đó xác định nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
Xét nghiệm viêm gan siêu vi B, HIV: Đây là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, đường máu, từ mẹ sang con. Vì vậy cần xét nghiệm để phát hiện sớm để phòng ngừa, tránh lây chéo và có biện pháp điều trị phù hợp.
Kiểm tra chức năng gan, thận: Thận suy yếu sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như phù, thiếu máu, tăng huyết áp… Còn gan tham gia vào hầu hết các hoạt động chuyển hóa và bài tiết của cơ thể, vì vậy cần kiểm tra chức năng gan.
Điện tâm đồ: Hai bạn cần kiểm tra hoạt động của tim. Bởi nếu tim của bạn có vấn đề sẽ gây khó khă hoặc nguy hiểm đến tính mạng khi quan hệ vợ chồng
Phân tích nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu sẽ phát hiện một số bệnh tiềm ẩn như các tổn thương ở cầu thận, ống thận hay đường tiết niệu, nhiễm trùng tiểu… Những bệnh lý này có thể là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong chuyện chăn gối với những chứng bệnh như rối loạn cương dương, lãnh cảm, vô sinh, đau khi giao hợp.
Khi khám sức khỏe sinh sản, bác sĩ sẽ khám cơ quan sinh dục ở cả nam và nữ có gì bất thường không. Ví dụ, với nam giới, bác sĩ sẽ khám hai tinh hoàn và những biểu hiện của sự phát triển tính dục như cương cứng, xuất tinh… để đánh giá khả năng sinh sản của nam giới. Với nữ giới, qua khám bộ phận sinh dục, bác sĩ sẽ phát hiện ra viêm nhiễm hay bất thường (nếu có) để điều trị kịp thời trước khi kết hôn. Ngoài ra, bạn nên thực hiện khám chuyên sâu như:
Với nữ giới: Nên siêu âm tử cung, buồng trứng để phát hiện những dấu hiệu bất thường mà nhiều phụ nữ mắc phải như u nang buồng trứng, tắc vòi trứng, u xơ tử cung… Ngoài ra, bạn gái nên kiểm tra sớm để tầm soát ung thư vú.
Với nam giới: Nên đi làm tinh dịch đồ để đánh giá và tiên lượng khả năng sinh sản, khả năng thụ thai tự nhiên. Nếu tinh dịch có dấu hiệu bất thường thì nam giới sẽ được điều trị kịp thời để không làm ảnh hưởng tới cuộc sống sau này.
Trường hợp gia đình một trong hai người có tiền sử bệnh liên quan đến dị tật, tâm thần, chậm phát triển thần kinh, bệnh di truyền… thì cần kiểm tra gen, nhiễm sắc thể. Và điều quan trọng mà hai bạn không nên quên đó là nếu hai bạn định sinh con luôn thì cần được tiêm phòng các loại vắc-xin phòng các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng tới thai nhi như Rubella, cúm, quai bị, sởi, thủy đậu…
Những lưu ý trước khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân
Nên khám trước khi cưới. Buổi sáng đi khám nên nhịn đói để lấy máu làm xét nghiệm. Người đến khám nên cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử hoạt động của cơ quan sinh dục ( kinh nguyệt, thai nghén, …, xuất tinh, ..), tiền sử bệnh, tật của bản thân và gia đình.
Nữ không khám trong kỳ kinh nguyệt. Nam không xuất tinh dưới mọi hình thức. Mạnh dạn trao đổi với bác sĩ những vấn đề về sức khỏe của mình. Thẳng thắn trao đổi, đặt ra những câu hỏi với bác sĩ về vấn đề sức khỏe mà bạn quan tâm.
Box: Năm 2003, Tổng cục DS-KHHGĐ đã mở rộng địa bàn triển khai thí điểm thành công mô hình cung cấp kỹ năng, khiến thức cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên trước khi bước vào cuộc sống gia đình. Đến năm 2013, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai các hoạt động mô hình với tên thống nhất là ‘Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân’.
Trong khoản 1, điều 23 của pháp lệnh dân số cũng có nêu ‘Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khoẻ trước khi đăng ký kết hôn’.
ThS.Quốc Tuấn
Theo Suckhoedoisong.vn
Khám phá thú vị về 'túi giống' của đàn ông
Tinh hoàn là cơ quan sản xuất ra tinh trùng, đồng thời đóng vai trò như tuyến nội tiết, tiết ra hormon testosteron làm cho cơ thể phát triển nam tính. Có nhiều điều mới lạ về tinh hoàn mới được khám phá.
Là nơi nhạy cảm
Khi chủ nhân quan hệ tình dục, các "túi giống" có thể gia tăng tới gấp đôi kích cỡ bình thường. Hưng phấn tăng cao kích thích lượng máu lưu thông tới khu vực này nhiều hơn, từ đó làm tăng kích cỡ tinh hoàn.
Đặc biệt, đàn ông gần lên đỉnh, hai tinh hoàn sẽ cứng hơn. Không chỉ là nơi sản xuất "con giống", tinh hoàn sản xuất ra testosteron giúp gia tăng ham muốn yêu của đấng mày râu. Đây là lí do các chuyên gia tình dục học đề xuất bạn tình của họ nên dùng tay vuốt ve hoặc chạm nhẹ vào "túi giống" để gia tăng kích thích và hưng phấn trong cuộc yêu.
Sơ đồ cấu trúc của tinh hoàn
Dương vật chứa nhiều dây thần kinh hơn nhưng tinh hoàn lại có nhiều hơn các thụ cảm đau. Bởi vậy, chúng rất nhạy cảm với các kích thích từ bên ngoài. Lực siết trong một thời gian dài dễ khiến chúng bầm tím. Nếu bị đá mạnh, tinh hoàn có thể bị tổn thương, ảnh hưởng khả năng sản sinh tinh trùng.
Không phải một cặp song sinh
Hai bên tinh hoàn thường không đối xứng nhau, bên nào có kích cỡ lớn hơn sẽ ở vị trí thấp hơn bên còn lại. Tinh hoàn bên trái thường có xu hướng lớn hơn và treo thấp hơn trong bìu.
Khi sắp xuất tinh, 2 bên tinh hoàn trong bìu sẽ dịch chuyển dần lên vị trí cao hơn. Điều thú vị là gần 85% nam giới có tinh hoàn bên phải thường nhích lên phía trên trước tinh hoàn bên trái. Bình thường, tinh hoàn sẽ nằm ở bìu treo ngoài cơ thể do nhiệt độ lý tưởng để sản xuất tinh trùng phải thấp hơn từ 1-2 độ so với nhiệt độ cơ thể. Khi cảm thấy lạnh, chúng sẽ co lại gần cơ thể để ấm hơn.
Nổi gân xanh khi chàng không thể đạt đỉnh
Khi đàn ông hưng phấn trong một khoảng thời gian dài mà không thể đạt đỉnh, họ có thể bị đau do tinh dịch tích tụ mà không được giải phóng. Cảm giác khó chịu này có thể khiến hai bên bìu tinh hoàn nổi gân màu xanh nhạt do các mạch máu tại khu vực này bị căng. Cảm giác đau sẽ giảm khi người đàn ông xuất tinh.
Một làm việc bằng hai
Vì lý do nào đó bạn bị mất một bên tinh hoàn thì đừng lo ngại. Một bên tinh hoàn khỏe mạnh đủ khả năng sản xuất đủ tinh trùng cho quá trình thụ tinh, đồng thời sản xuất đủ testosteron để kích thích ham muốn.
Theo Sức khỏe đời sống
11 lầm tưởng về 'chuyện ấy' Khi "yêu", sự va chạm cơ thể sẽ làm cho cả hai đều có cảm hứng song mức độ không như nhau. Bạn đang sung sướng, chưa chắc nàng cũng vậy. 1. Phụ nữ sẽ đạt cực khoái khi được kích thích điểm G Chạm vào điểm G chỉ giúp gia tăng thêm hứng khởi cho phụ nữ mà thôi chứ không làm...