Khám sức khỏe ở… chợ trời
Giấy khám sức khỏe, bản chứng thực bằng tốt nghiệp giả cần bao nhiêu cũng có.
Trên quốc lộ 15, đoạn từ ngã tư Tam Hiệp đến cổng KCN Long Bình (TP Biên Hòa, Đồng Nai) được nhiều người xem như một “ chợ trời giấy giả”. Dù công an đã triệt phá, khởi tố nhiều người nhưng sau các đợt công an xử lý, vấn nạn này vẫn tồn tại.
“Chợ” này hầu như đáp ứng rất nhiều loại giấy tờ giả. Từ bằng cấp đến giấy khám sức khỏe, bản chứng thực bằng tốt nghiệp THPT giả… Nhiều người dân TP Biên Hòa ví von: “Thiếu bằng cấp gì thì ra Long Bình mà in chứ học chi cho mệt!”.
Mua giấy giả như… mua rau
Theo anh T. chạy xe ôm, các loại bằng cấp giả như thạc sĩ, đại học, THPT… có giá cao, ít người mua. Còn các loại giấy tờ khác, thứ gì cũng có.
Trong vai một công nhân đi mua hồ sơ để xin việc làm, chúng tôi tiếp cận một loạt các cơ sở trưng bảng giới thiệu việc làm, photocopy, chụp ảnh như: Cơ sở giới thiệu việc làm Kim Bảo N. Công ty Dịch vụ Gia V.; cơ sở chụp hình M. ở phường Long Bình, TP Biên Hòa… và dễ dàng có trong tay một giấy khám sức khỏe giả với giá từ 60.000 đến 70.000 đồng.
Video đang HOT
Tại Công ty Dũng Đ.P. đặt tại phường An Bình, chúng tôi chứng kiến một thanh niên mua giấy khám sức khỏe với giá 60.000 đồng. Khi tiếp cận, một phụ nữ khoảng 30 tuổi hỏi người thanh niên về chiều cao, cân nặng và… điền vào mẫu giấy chứng nhận sức khỏe đã có sẵn mộc dấu, chữ ký xác nhận tình trạng sức khỏe của các bác sĩ mà không cần cân, đo. Chưa đầy 5 phút, người thanh niên cầm giấy khám sức khỏe ra về.
Sau hai lần đến “chợ trời giấy giả”, chúng tôi có cả xấp giấy khám sức khỏe, bằng tốt nghiệp THPT công chứng giả.
Nhân viên các cơ sở in, chụp ảnh giao dịch với chúng tôi để giao giấy tờ giả. (Ảnh cắt từ các clip)
Tại Công ty TNHH Triệu A.P. của phường An Bình, chúng tôi được một người phụ nữ xưng là Miss Th. “khám”. Người này cũng vừa hỏi tên, tuổi, cân nặng, chiều cao… vừa hí hoáy viết. Khi hỏi xong các thông tin cũng là lúc Miss Th. chìa cái giấy khám sức khỏe cho chúng tôi với đầy đủ chữ ký, mộc tên, mộc dấu của giám đốc BV Đa khoa Biên Hòa!
Trả 70.000 đồng cho cái giấy dỏm xong, chúng tôi lân la hỏi chuyện: “Công ty đang cần loại giấy này với số lượng lớn cho công nhân để qua mặt đợt kiểm tra của Liên đoàn Lao động, liệu chị có đáp ứng không?”. Miss Th. khẳng định cần bao nhiêu cũng có. “Nếu mua với số lượng 100 tờ trở lên, tôi sẽ lấy giá 50.000 đồng/tờ”. Chúng tôi tỏ ý lo ngại những giấy khám sức khỏe này sẽ khó qua mặt cơ quan chức năng, Miss Th. nói chắc nụi: “Chắc chắn không ai phát hiện được!”.
Chứng thực không cần bản gốc
Ngày 7-8, trong vai trưởng phòng tổ chức nhân sự một công ty đi “bùa” hồ sơ cho công nhân, chúng tôi trở lại Công ty Dũng Đ.P. ở phường An Bình hỏi mua giấy khám sức khỏe giả số lượng lớn cho công nhân, người của công ty này ra giá 35.000 đồng/tờ.
Chúng tôi bày tỏ ý định cần 20 bằng tốt nghiệp THPT có công chứng mà chẳng có bằng gốc, người thanh niên nói ngay: ” 50.000 đồng/bản và đảm bảo không ông nào phát hiện được đó là đồ giả!”.
Từ đầu năm 2012 đến nay, Công an phường Long Bình, Công an TP Biên Hòa và cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai) liên tiếp bắt giữ hàng chục đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Qua đó thu giữ hàng ngàn bằng cấp, chứng chỉ giả các loại.
Đã giữa trưa, chúng tôi tấp vào cơ sở chụp ảnh M. ở phường Long Bình. Khi vào trong, tôi cố tình nói chuyện điện thoại lớn cho chủ tiệm nghe: “Hả, giấy khám sức khỏe và bản sao bằng tốt nghiệp. Dạ, để em xoay sở…”. Sau đó, tôi chụp ảnh thẻ và nói với nhân viên của tiệm M: “Tôi muốn hai loại giấy tờ trên, chị có giúp được không?”. Người phụ nữ tên Thúy nói giấy chứng thực bằng THPT 30.000 đồng/bản; giấy khám sức khỏe 70.000 đồng. Sau khi để lại tờ giấy photocopy bằng tốt nghiệp THPT, khoảng 1 giờ sau chúng tôi quay lại và nhận tờ photocopy bằng THPT có đầy đủ dấu mộc “sao y bản chính” cùng chữ ký, con dấu của lãnh đạo UBND phường Long Bình.
Chúng tôi mang các loại giấy tờ mua được ở “chợ trời giấy giả” đến gặp lãnh đạo UBND phường Long Bình nhờ “giám định” giúp. Vừa nhìn qua tờ sao y bằng tốt nghiệp THPT, vị này nói ngay: “Đây không phải chữ ký của tôi”.
Còn các giấy khám sức khỏe thì ông Võ Tấn Tràng, Giám đốc BV Đa khoa Biên Hòa, nói: “Toàn là đồ dỏm. Chỉ cần nhìn mộc tên thôi là đã biết giấy giả chứ chưa nói đến các yếu tố khác”.
Dường như nguồn thu từ việc “kinh doanh” các loại giấy tờ giả quá dễ và quá lớn khiến những cuộc ra quân triệt phá một số cơ sở của các cơ quan chức năng không làm giảm tệ nạn này.
Theo Báo Công Lý
Tội phạm tham nhũng nghỉ hưu không thoát
Hôm qua, 24-7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời trực tuyến về nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm.
Cần nâng cao nghiệp vụ của công chứng viên và các văn phòng công chứng
nhằm phát hiện những trường hợp sử dụng giấy tờ giả
- Hiện nay, có hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng "sổ đỏ" giả thông qua hợp đồng có công chứng, Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?
- Đúng là có những trường hợp lừa đảo để chiếm đoạt tài sản người khác thông qua những hợp đồng có công chứng như vậy. Do cán bộ công chứng, kể cả văn phòng công chứng nghiệp vụ còn non kém, chưa có máy móc phát hiện giấy tờ giả. Thêm nữa, kết nối thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng với các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch chưa được thông suốt, nên có hiện tượng lợi dụng mang giấy tờ giả đến công chứng. Thậm chí, có trường hợp cố ý tiếp tay cho những người lừa đảo. Thực tế, có trường hợp đã bị khởi tố hình sự. Chúng tôi cũng đã đề xuất với Chính phủ ban hành quy định mới theo hướng đảm bảo kết nối các dữ liệu thông tin, để kiểm tra chéo. Bộ cũng khuyến khích cho phép thành lập Hội Công chứng để tự giám sát về đạo đức nghề nghiệp, không tiếp tay cho lừa đảo.
- Pháp luật quy định bãi bỏ việc bắt buộc yêu cầu công chứng đối với một số dạng hợp đồng, giao dịch về nhà đất, vậy tại sao trong thực tiễn chưa thực hiện?
- Đúng là Nghị quyết của Chính phủ đã quy định bãi bỏ, tuy nhiên, cần nghiên cứu, sửa đổi các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự... Do đó, phải trình Quốc hội sửa đổi các luật này. Cho đến khi các luật chưa được sửa đổi, bổ sung thì việc công chứng bắt buộc đối với các loại hợp đồng, giao dịch về nhà đất vẫn thực hiện theo pháp luật hiện hành. Đối với các hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến việc định đoạt quyền sở hữu như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn về nhà đất, tiềm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp phát sinh, vẫn cần thiết bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên ký kết hợp đồng.
- Khi nào mới có thể áp dụng hình thức truy tố đến cùng người phạm tội (Ví dụ như tham nhũng) dù người đó đã nghỉ hưu, chuyển công tác?
- Bộ luật Hình sự đã xác định rõ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng... là từ 10 năm đối với các tội nghiêm trọng, 15 năm đối với các tội rất nghiêm trọng, 20 năm đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Việc nghỉ hưu, chuyển công tác... đều không được coi là lý do, điều kiện miễn trách nhiệm hình sự. Nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nói trên.
- Dư luận gần đây quan tâm vấn đề có công nhận mại dâm là một nghề hay không? Ý kiến cá nhân của Bộ trưởng?
- Có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, nên công nhận mại dâm là một nghề với quy chế quản lý đặc thù. Nếu làm như thế sẽ dễ dàng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, ngăn ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ và các tội phạm khác liên quan. Nhưng đây là vấn đề lớn, liên quan đến truyền thống, đạo đức, văn hóa xã hội. Vì vậy, có luồng ý kiến thứ 2 không đồng tình quan điểm trên. Tôi cho rằng, phải tiếp tục có những nghiên cứu rất thấu đáo trên tất cả các phương diện về đạo đức, xã hội, kinh tế, pháp luật và quyền con người thì mới có thể có ý kiến chính thức theo phương án nào.
- Thưa Bộ trưởng, kể cả không hợp thức hóa thì mại dâm vẫn tồn tại?
- Mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không thì nó vẫn tồn tại cùng xã hội. Có lẽ, đã đến lúc, cần có sự thay đổi trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế - xã hội phù hợp hơn là biện pháp mang tính chế tài tư pháp để giải quyết vấn đề. Với việc bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm trong Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua, chúng ta cũng đã có cách nhìn nhận cởi mở hơn về vấn đề xã hội này.
- Quan điểm của Bộ trưởng về việc có công nhận hay không hôn nhân đồng tính?
- Hiện có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế. Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh, không phải chữa trị và không thể chữa trị. Luồng ý kiến thứ 2 là không đồng ý. Tôi cho rằng, việc công nhận hay không cần phải dựa trên những nghiên cứu cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật...
Theo ANTD
Vì sao nhiều người muốn mua cả bằng... tiến sĩ Nếu chỉ gõ trên mạng mà biết được nhân viên học trường nào, tốt nghiệp loại gì, năm bao nhiêu... thì bằng giả chắc chắn sẽ bị tận diệt. Công an quận Đống Đa, Hà Nội vừa phá đường dây làm giả bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng... Sự việc một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động...