Khám sức khỏe cho người lao động: Đừng làm cho có lệ
Tôi là một lao động từng có hơn 20 năm làm trong ngành sản xuất giày da, hằng ngày phải đối diện với mùi cao su, hóa chất độc hại.
Mặc dù công ty đã có chế độ ưu đãi cho lao động làm việc ở khâu độc hại bằng việc tăng tiền hỗ trợ, bồi dưỡng sữa… nhưng làm việc ở môi trường này sức khỏe của tôi giảm sút thấy rõ.
Người lao động được khám sức khỏe định kỳ tại khoa bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh tư liệu
Nhiều lần, tôi đang làm việc thì bị ngất, được đưa đi cấp cứu và bác sĩ chẩn đoán tôi bị “sốc” dung môi, yêu cầu phải chấm dứt ngay việc tiếp xúc với hóa chất. Tôi được chuyển sang làm ở khâu khác nhưng 2 năm nay, khắp người tôi nổi những đốm nâu nhỏ li ti. Khi khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ nói tôi chỉ dị ứng hóa chất, không làm ở khâu này nữa, những đốm nâu này sẽ nhạt dần và biến mất. Thế nhưng khi đi khám bệnh ở Bệnh viện da liễu TP.Hồ Chí Minh, tôi được chẩn đoán là mắc bệnh da nghề nghiệp – do thường xuyên làm việc trong môi trường hóa chất độc hại. Đối với bệnh da nghề nghiệp có một quá trình ủ bệnh kéo dài, trong khi nhiều lần khám sức khỏe định kỳ trước đó, tôi không được phát hiện bị bệnh này, chỉ đến khi bệnh phát ra ngoài da tôi đi khám mới biết mình bị bệnh.
Hiện nay, mỗi lần khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ khám rất qua loa, chủ yếu hỏi, ghi chép, siêu âm, xét nghiệm máu…và sau đó thông báo đủ sức khỏe làm việc. Thực sự sau khi khám sức khỏe định kỳ xong, tôi cũng như nhiều lao động khác cũng chưa an tâm với kết luận của bác sĩ. Vì thực tế có không ít công ty hợp đồng với cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ với giá rất rẻ, chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với giá quy định của Bộ Y tế, mà đã rẻ thì khó có chất lượng.
Sức khỏe người lao động là vốn quý nên việc doanh nghiệp quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động như một mũi tên trúng hai đích: bảo vệ sức khỏe người lao động và giữ được sự ổn định hoạt động cho nhà máy. Nếu công nhân không khỏe, thao tác sẽ chậm, thiếu chính xác dễ gây tai nạn lao động, thậm chí có thể dẫn đến chết người. Khi sự cố xảy ra, quy trình hoạt động của nhà máy bị ách tắc, thậm chí ngưng trệ, hợp đồng không hoàn thành, công ty sẽ phải bồi thường hoặc bị cắt hợp đồng… Chưa kể, khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động sẽ tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì thế, tôi mong muốn mỗi khi khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, nên thực hiện một cách thực chất. Các ngành chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra hoạt động khám sức khỏe định kỳ của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm đối với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ không đúng quy trình…
Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (phường Hóa An, TP.Biên Hòa)
Theo baodongnai
Ai được xét nghiệm thủy ngân miễn phí sau vụ cháy công ty Rạng Đông?
Người dân đi khám sức khỏe tại trạm y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung sẽ được miễn phí xét nghiệm thủy ngân trong máu tại các bệnh viện nếu như có chỉ định của bác sĩ.
Video đang HOT
Từ sáng nay (6/9) hàng trăm người dân sống gần Công ty Cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã tới khám và tư vấn sức khỏe miễn phí tại Trạm Y tế phường Hạ Đình và phường Thanh Xuân Trung sau vụ cháy kho nhà máy này.
Sở Y tế Hà Nội tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người dân ở khu vực gần vụ cháy trong bán kính 500m - khu vực cảnh báo nguy hiểm. Khoảng 10 bác sĩ từ các bệnh viện tuyến 1 của Hà Nội như Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang... sẽ túc trực trong khoảng 1 tuần.
Theo ghi nhận, tại trạm y tế phường Hạ Đình vào chiều 6/9 nhiều người dân gồm người già, trẻ nhỏ đến để khám và tư vấn sức khỏe.
Các bệnh nhân đến trạm y tế phường khám chủ yếu nghe tim phổi, đo huyết áp, khám tai, mũi, họng và tư vấn tại chỗ. Hết buổi sáng, có hơn 400 người dân thuộc các phường bị ảnh hưởng bởi vụ cháy tới khám và tư vấn sức khỏe.
Người dân được bác sĩ đo huyết áp tại bàn tiếp đón.
Sau khi khám sức khỏe, nhiều người dân được cấp giấy giới thiệu đến xét nghiệm máu và nước tiểu tại các bệnh viện tuyến trên.
Bà Phạm Thị Mùi (ngõ 236 Khương Đình) phải đón cháu nội 3 tuổi đang học mầm non về sớm để đến Trạm Y tế phường Hạ Đình khám sức khỏe. Theo bà, hai ngày nay bé có biểu hiện ho nhiều, chảy nước mắt, sổ mũi nên gia đình đưa đi khám để yên tâm.
"Nhà tôi cách đám cháy khoảng 400m. Khi xảy cháy thì gia đình đang ở nhà và chỉ nghe được thông tin qua hàng xóm, cũng chỉ biết đóng cửa chính và các cửa sổ lại cho khói bụi không bay vào nhà", bà Mùi cho hay.
Bà cho biết, khi tới khám các bác sĩ chủ yếu đo huyết áp, nghe tim phổi, hỏi có viêm họng, khó thở... chứ không thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
"Tôi nghĩ rằng tất cả người dân ở gần đám cháy nên đi khám, xét nghiệm để chắc chắn. Chứ sự việc cũng đã xảy ra rồi, có hoang mang thì cũng chẳng được. Hiện tại tôi thấy sức khỏe mình vẫn bình thường nhưng nếu có dấu hiệu lạ thì sẽ khám ở bệnh viện tuyến trên", bà cho hay.
Phần lớn người dân cho biết họ mong muốn được làm các xét nghiệm thử máu, thử nước tiểu để biết chính xác tình trạng sức khỏe của mình ra sao.
Có các biểu hiện ho, mệt mỏi, chảy nước mắt, bủn rủn chân tay ngay trong đêm xảy ra vụ cháy nhưng chị Đinh Thị Sen (chung cư A2, ngõ 85 Hạ Đình - sát ngay Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) chỉ nghĩ là bị cảm cúm do thời tiết thay đổi.
Sau đó, chị Sen đã tự mua thuốc cảm cúm về dùng, tuy nhiên sau 1 tuần vẫn chưa khỏi và phải sử dụng khẩu trang cả ngày. Chỉ khi biết thông tin cảnh báo về vùng nguy hiểm sau vụ cháy chị Sen mới tới khám tại trạm y tế phường Thanh Xuân Trung.
"Tôi có nói các triệu chứng của mình thì bác sĩ bảo là bình thường, kết luận bị cảm cúm", chị Sen cho biết.
Khi được hỏi về mức độ hài lòng với việc khám sức khỏe miễn phí cho người dân khu vực chịu ảnh hưởng của vụ cháy, chị Sen cho biết bản thân vẫn mong muốn được khám chuyên sâu, xét nghiệm máu và nước tiểu để xác định chắc chắn bản thân có bị nhiễm thủy ngân hay không.
"Tôi sống lâu trong khu vực ảnh hưởng của vụ cháy nên nếu chỉ khám sơ sài như đo huyết áp, nghe tim phổi mà đã kết luận là bình thường thì không thể yên tâm được. Chắc chắc tôi sẽ tới khám ở bệnh viện tuyến trên", chị Sen lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (ngõ 85 Hạ Đình) cho biết những người dân gần nhà đã chuyển đi ngay sau khi có khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình.
"Tuy Bộ Tài nguyên đã cảnh báo về phạm vi nguy hiểm là 500m nhưng cũng không nói đến việc di tản nên tôi cũng chưa biết như thế nào", chị Hạnh bày tỏ sự e ngại.
Theo người dân này, công việc của chị chủ yếu là làm ở nhà nên từ sau khi xảy ra vụ cháy, dù ở trong phòng chị cũng phải dùng khẩu trang.
Chị này cho biết: "Bác sĩ nói chiến sĩ cứu hỏa không bị nhiễm độc thủy ngân. Nhưng tôi là người sống ở đó, hằng ngày hít thở không khí gần nhà máy thì sao lại không lo lắng cho được".
Về việc sử dụng thực phẩm, nguồn nước hằng ngày chị Hạnh cho biết mình sử dụng nước ngầm, đồ ăn mua ở siêu thị nên khá yên tâm và chỉ lo lắng về chất lượng không khí.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, với những bệnh nhân được khám ở các điểm khám, tư vấn miễn phí và có bác sĩ chỉ định chuyển lên bệnh viện tuyến trên để xét nghiệm thì tại các cơ sở khám chữa bệnh này, người dân sẽ được miễn phí hoàn toàn tiền xét nghiệm máu, nước tiểu.
Theo thoidai
Không chủ quan, nhưng đừng quá hoang mang Thủy ngân được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt vào danh sách 10 hóa chất độc hại đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Độc tố này có thể tác động lên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, thận, da và mắt. Ảnh minh họa Sau vụ...