Khâm phục những huyện nhiều năm lãng quên thuốc bảo vệ thực vật
Nơi nào tràn ngập thuốc sâu, nơi nào đau đớn vì bệnh tật, nơi nào hậu họa môi trường hãy trông về những huyện nhiều năm canh tác thuận theo tự nhiên, hầu như hạn chế tối đa dùng thuốc BVTV…
Nhiều thứ ngược với văn minh lúa nước
Anh Nguyễn Văn Quân – Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho tôi hay địa phương có 7.500 ha lúa, khoảng 80% áp dụng SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến), tức hơn 6.000 ha trong đó hơn 2.000 ha áp dụng toàn diện còn hơn 4.000 ha áp dụng một phần. Điều đặc biệt là có những vụ, có những xã không hề dùng một tí thuốc sâu, thuốc bệnh nào như Hồng Sơn 3 năm liền không dùng, như HTX Hợp Tiến nhiều vụ không dùng, như HTX Đại Nghĩa nhiều vụ không dùng.
Thay bằng phun thuốc, chị Anh dùng liềm để cắt cỏ
Vậy đâu là bí quyết? Thứ nhất là cơ cấu thời vụ. Toàn huyện gieo mạ trong tuần và cấy trong tuần, thường vụ xuân gieo quanh 20-25/1, cấy trong khung từ 16-25/2, vụ mùa gieo 1-8/6 cấy xong trong tháng 6. Thời vụ nhanh và chính xác giúp lệch pha với sâu bệnh. Hơn thế, Trạm BVTV cho điều tra phát dục của các lứa sâu để dự tính, dự báo cho toàn dân biết mà phòng tránh. Nếu thực tế ngoài ruộng đến ngưỡng sâu bệnh, cán bộ BVTV sẽ cắm nêu (que gắn mảnh giấy ghi rõ gia đình ông A, bà B phải phun thuốc, phun thuốc gì).
Thứ hai là cấy thưa thoáng, chỉ sử dụng 4-5 lạng thóc giống/sào, giảm khoảng 60% so với trước đây. Thứ ba là tập huấn nhuyễn cho nông dân liên tục trong nhiều năm với hơn 300 lớp IPM (quản lý dịch hại tổng hợp), với vài ngàn nông dân nòng cốt được đưa về cơ sở để dạy cho bà con cách nhìn vào màu sắc lá lúa mà bón phân cân đối.
Điều quan trọng không thể thiếu là việc nước vào, nước ra trái ngược với cả nền văn minh lúa nước đã tồn tại mấy ngàn năm luôn luôn phải có nước. Việc chỉ đạo rút nước và đưa nước vào ruộng đều do Phó Chủ tịch huyện phụ trách khối thực hiện. Hễ có lệnh rút nước thì mạch nước ngầm được rút ngay, các xã không rút cũng phải rút. Huyện có hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh với những kênh chính, kênh phụ, chúng sâu hơn mặt ruộng nên rút nước dưới mạch nước ngầm thì lập tức nước trên mặt ruộng sẽ bị rút theo.
Một chu kỳ canh tác lúa rút nước làm hai lần. Lần một sau khi lúa bén rễ hồi xanh bón phân thúc lần thứ nhất chờ đẻ nhánh, rút nước cho mặt ruộng nứt nẻ 18-20 ngày tới lúc lúa phân hóa đòng lại đưa nước vào để bón thúc tiếp. Lần hai khi lúa chín sáp tiếp tục rút nước cho đến chín với thời gian khoảng 15-20 ngày. Nhờ rút nước, mặt ruộng thông thoáng, nhiều ô xi, lúa phát triển tốt, chống đổ, đỡ sâu bệnh.
Đi Mỹ để kể chuyện về cây lúa
Tôi về HTX Đại Nghĩa, một trong những cái nôi đầu tiên của SRI. Vụ xuân 2006 sau khi thử nghiệm SRI ở một xã khác không thành công huyện mới đưa mô hình về đây và vấp ngay phải sự phản đối kịch liệt.
Đầu tiên là chuyện rút nước, nhiều gia đình không kịp làm cỏ sục bùn để cỏ mọc lan tràn nên xót ruột, khi gặp ông Trạm trưởng Trạm BVTV huyện cùng các ông Chi cục trưởng, Chi cục phó BVTV thành phố xuống thì cứ xúm lại chửi: “Từ thời thượng cổ đến nay chưa từng thấy chuyện phơi ruộng nứt nẻ như thế này bao giờ, ngớ ngẩn!”. Giải thích sao cũng không lại đành phải gọi cả Chủ nhiệm HTX: “Ông ra mà xem dân ông diễn kịch, cứ bịt kín mặt bằng khẩu trang rồi chửi cán bộ như tát nước ấy”.
Video đang HOT
Lão nông Lê Ngọc Thạch (bên phải) từng được đi Mỹ để giảng về cách trồng lúa không cần thuốc trừ sâu.
Còn ông Lê Ngọc Thạch – Chủ nhiệm HTX Đại Nghĩa hồi ấy bảo lúc đầu tính làm thử 4 ha mô hình nhưng chẳng hộ nào muốn tham gia nên phải cam kết đền nếu năng suất thấp hơn bình thường. Được mùa, vụ xuân 2007 mở rộng 20 ha, vụ mùa mở rộng 50 ha. Rồi những năm tiếp theo, ngoài diện tích của mô hình bà con tự làm kín gần 90% diện tích (160 ha/180 ha canh tác), không phải cam kết gì nữa.
Chất “gây nghiện” cho người nông dân là năng suất của lúa SRI cao hơn 10-15%, hầu như không phải phun thuốc, sức khỏe, môi trường cũng như hiệu quả kinh tế gia tăng rõ rệt. Mấy năm sau, SRI được Bộ NN-PTNT chính thức công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới.
Ông Thạch thủng thẳng: “Trước đây bà con vẫn phun thuốc đều thì nay 70% không dùng nữa trong đó có nhiều hộ đã không dùng 10 năm. Một số ít vẫn còn phun là bởi ứng dụng SRI sai quy trình như sử dụng giống hay nhiễm sâu bệnh, gieo cấy lệch thời vụ, bón thừa phân đạm, nhận thức về thuốc BVTV kém”.
Ông cựu Giám đốc HTX cấy 1 mẫu lúa, hơn 10 năm nay chỉ duy nhất 1 lần sử dụng thuốc BVTV là vụ mùa năm 2015 khi có dịch sâu cuốn lá còn tân Giám đốc HTX Đại Nghĩa, anh Nguyễn Trung Trực cấy 6 sào lúa trên 10 năm nay không hề dùng tí thuốc nào. Nếu như trước đây 10 năm hình ảnh người móc cua hầu như vắng bóng trên đồng đất Đại Nghĩa bởi nạn phun thuốc đã hủy diệt tất cả thì nay cánh đồng trở thành kho thực phẩm của người nông dân với cá, ốc, cua, lươn… Năm 2010 FAO (Tổ chức nông lương Thế giới) tổ chức trao giải thưởng ở Mỹ, ông Lê Ngọc Thạch cũng được mời dự để giới thiệu về SRI ở quê mình, mang lại niềm tự hào cho cây lúa Việt, nông dân Việt.
Tôi lại cùng ông đi thăm lúa. Cả cánh đồng là một bản hợp xướng rộn ràng. Gà đồng kêu toóc toóc, cò trắng kêu ò ò, ếch nhái kêu ộp oạp, châu chấu kêu tanh tách, cá mú kêu ùm oàm. Những loại thiên địch được bảo vệ nên có vô số nhện, bọ rùa và kiến ba khoang. Người dân bảo hễ nhìn thấy mạng nhện chăng trên đồng sau mỗi đêm mưa phùn là yên tâm, không có rầy phá hại. Trước đây phun thuốc sâu cuốn lá thiên địch chết hết sẽ gây cháy rầy nên bà con hay nói vui: “Con sâu “đẻ” ra con rầy”.
Tôi gặp chị Lê Thị Anh nhà ở đội 5 đang đi vặt những lá lúa bị sâu cuốn. Gia đình chị cấy 7 sào nhưng 5 năm rồi không dùng thuốc mà năm nào cũng được mùa chỉ trừ vụ mùa 2015, sâu cắn lá rào rào như tằm ăn rỗi, năng suất mỗi sào tụt xuống 50-70kg nhưng vẫn nhất định không phun: “Phun thuốc rất độc, ăn cơm cũng sợ bệnh tật”. Trung bình năng suất lúa của chị với Bắc Thơm (giống chất lượng) đạt 1,5 tạ/sào, với lúa lai Nhị ưu (giống năng suất) đạt 1,8-1,9 tạ/sào. Nhờ không phun thuốc mà chi phí đầu vào giảm hẳn, mỗi vụ quy tiền lãi khoảng 4-5 triệu.
Rùng rợn ký ức một thời
Rời Đại Nghĩa tôi xuống Hợp Tiến gặp anh Nguyễn Hà Tuyển – Giám đốc HTX. Anh bảo rằng 10 năm nay khoảng 80% dân quê mình đã lãng quên chuyện phun thuốc, dùng thuốc BVTV. Trước HTX có 15 đội sản xuất thì có 15 tổ BVTV, mỗi tổ 3-5 người chuyên đi phun thuốc. Ngoài tổ phun, dân còn tự tổ chức phun, cứ mịt mù khắp các cánh đồng. Giờ 15 tổ BVTV ấy bị dẹp bỏ hết. Chỉ duy nhất vụ mùa năm 2015 gặp đợt dịch sâu cuốn lá đơn vị mới phải mua hơn 40 bình phun thuốc bằng tay về phát cho dân, dùng 1 lần rồi bỏ đến nay đã ải mục hết. Thế mà năng suất chung vụ xuân vẫn đạt 73-75 tạ/ha, vụ mùa vẫn 60-62 tạ/ha.
Anh Sản chỉ vị trí năm xưa từng để bình thuốc trừ sâu.
Tôi gặp Lý Văn Sản – thành viên kỳ cựu của tổ BVTV của thôn Hạ Quất một thời. Hồi ấy, cao điểm có thời gian anh đi phun thuốc miết cả tháng trên đồng. Tắc bình thì thò tay vào trong mò thông cánh gió, tắc vòi thì ghé mồm thổi phù một cái là xong. Thỉnh thoảng nhọc mệt tổ lại được thôn bồi dưỡng 1 kg đường pha nước chanh mà uống. Mỗi vụ công sá cho các thành viên chỉ là 2-3 tạ thóc.
Từ hồi giải tán tổ anh Sản túc tắc đi phun thuê với giá 10.000-15.000đ/bình. Tính ra hơn 6.000 bình thuốc đã từng trĩu nặng trên hai vai anh. Thế rồi theo thời thế người dân dần bỏ thuốc. Những thành viên của tổ theo thời gian cũng đau ốm liêu xiêu. Riêng bản thân anh Sản vừa bị hẹp van tim vừa bị khó thở đến mức leo cái dốc trước nhà cũng khó khăn. 3-4 năm nay anh chỉ nghỉ ở nhà, cái bình gắn bó một thủa cũng dần bị mục nát, phải vứt bỏ. Thế mà kỳ lạ thay không hề phun thuốc vẫn có thu hoạch đều đều nhờ áp dụng các kỹ thuật của IPM, của SRI.
Theo Dương Đình Tường (NNVN)
"Chóng mặt" vì hội thảo, nông dân vẫn "dính" phân bón rởm như thường
Trong năm 2017, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn ra hơn 2 cuộc hội thảo, tập huấn...liên quan đến vật tư nông nghiệp, phân bón. Nếu chia cho các thôn, bon trên toàn tỉnh thì gần như thôn, bon nào cũng có ít nhất 1 cuộc hội thảo mỗi năm. Ấy nhưng không ít nông dân, người trồng cà phê vẫn "dính" phân bón, thuốc BVTV rởm như thường...
Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn ra rât nhiêu cuộc hội thảo, tập huấn do doanh nghiêp tô chưc liên quan đến lĩnh vực vật tư nông nghiệp. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước vẫn còn nhiều bất cập đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người nông dân.
Hộ anh Trần Văn San (bên trái), ở xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) năm 2017 mua phải sản phẩm phân bón vi sinh lẫn nhiều tạp chất và có nguy cơ ảnh hưởng tới cây trồng của gia đình.
"Giật mình" với số lượng hội thảo
Trong năm 2017, tổng diện tích gieo trồng của toàn tỉnh đạt hơn 320.000 ha, trong đó có khoảng 207.000 ha cây công nghiệp dài ngày (chủ yếu là cà phê, hồ tiêu và cao su). Theo kê hoach của UBND tỉnh, trong năm 2018, diện tích cây công nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là diện tích cà phê và tiêu. Dự kiến, tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày của toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 217.000 ha.
Toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 450 điểm kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV và khoảng 500 điểm kinh doanh phân bón. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh sử dụng khoảng 300 tấn thuốc BVTV các loại và khoảng 600.000 tấn phân bón hữu cơ (phân chuồng, phân vi sinh, phân sinh học) và phân vô cơ (đạm, lân, kali, NPK...). Nhìn chung, nông dân trong tỉnh sử dụng thuốc BVTV và phân bón còn chưa đúng kỹ thuật, chưa hơp ly, chu yêu theo kinh nghiệm cá nhân. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến đât đai, nguồn nước và chất lượng nông sản.
Diện tích cây công nghiệp lớn nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh hàng năm là rất nhiều. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp - PTNT), hiện toàn tỉnh có 4 công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV và 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón đang hoạt động.
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức hội thảo, tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn người dân sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Trong năm 2017, có 81 doanh nghiệp đăng ký tổ chức hội thảo tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, quảng cáo thuốc BVTV...
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV thì trong năm 2017, đã có 792 cuộc hội thảo diễn ra tại 8 huyện, thị xã với gần 35.000 lượt người dân tham dự. Các cuộc hội thảo tập trung chủ yếu ở các thị trường "tiềm năng" do có diện tích cây công nghiệp lớn như: Đắk Song (159 cuộc), Đắk Mil (138 cuộc), Đắk R'lấp (136 cuộc)...
Như vậy trong năm 2017, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh diễn ra hơn 2 cuộc hội thảo, tập huấn... liên quan đến vật tư nông nghiệp. Nếu chia cho các thôn, bon, bản thuộc 71 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh thì gần như thôn, bon nào cũng có ít nhất 1 cuộc hội thảo mỗi năm. Số lượng tưởng chừng như "giật mình" này lại tỏ ra khiêm tốn nhất trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, toàn tỉnh diễn ra 858 cuộc hội thảo trong năm 2014, 1.209 cuộc trong năm 2015 và năm 2016 diễn ra 840 cuộc.
Anh Trần Văn San, ở xã Kiến Thành (Đắk R'lấp) phản ánh một sản phẩm phân bón vi sinh lẫn nhiều tạp chất và có nguy cơ ảnh hưởng tới cây trồng của gia đình.
Bất cập trong quản lý
Số lượng cuộc hội thảo, tư vấn, giới thiệu vật tư nông nghiệp tăng nhưng chất lượng lại không theo tỷ lệ thuận ấy. Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sơ Nông nghiêp - PTNT), mật độ các cuộc hội thảo được tổ chức quá nhiều dễ khiến người dân bị "nhiễu" thông tin. Nhiều đơn vị chủ yếu bán hàng bằng việc tổ chức hội thảo, tiếp thị, khuyến mãi dễ khiến người nông dân bị "bội thực" thông tin và dẫn tới việc mua phải vật tư kém chất lượng, lâm vào cảnh "tiền mất, tật mang".
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra không ít vụ việc người dân kiến nghị, phản ánh về việc cây trồng bị chậm phát triển hoặc chết sau khi sử dụng một số loại phân bón, thuốc BVTV. Điều đáng nói là có nhiều trường hợp cây trồng bị ảnh hưởng sau khi sử dụng phân bón, thuốc BVTV mua tại các cuộc tập huấn, hội thảo, giới thiệu sản phẩm.
Trong năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) và các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện và tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt hành chính rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV không bảo đảm chất lượng, quá hạn sử dụng... Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành tiêu hủy hàng chục tấn vật tư nông nghiệp quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng, dù cơ quan chức năng xử lý mạnh tay đến đâu thì vẫn còn nhiều trường hợp người dân bị thiệt hại nặng nề, thậm chí lâm vào "nợ nần chồng chất" do không may mua và sử dụng phân bón, thuốc BVTV nhập lậu, giả hoặc kém chất lượng.
Một thực tế là dù các cuộc hội thảo, tập huấn liên quan đến vật tư nông nghiệp diễn ra dày đặc nhưng không thể không cấp phép. Ông Nguyễn Tuấn Khải chia sẻ: "Theo Nghị định 108/NĐ-CP ngày 20/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý phân bón, Sở Nông nghiệp - PTNT là đơn vị cấp phép cho việc tổ chức hội thảo phân bón. Nếu các đơn vị có đầy đủ giấy tờ, tài liệu đăng ký tổ chức hội thảo theo quy định thì Sở buộc phải cấp phép tổ chức hội thảo. Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thẩm quyền dừng các cuộc hội thảo đã được cấp phép trong trường hợp phát hiện đơn vị tổ chức quảng cáo sai sản phẩm đăng ký hoặc tổ chức sai thời gian."
"Trong điều kiện thông tin bị "nhiễu", người nông dân cần phải sàng lọc thông tin và cân nhắc khi mua sản phẩm thuốc BVTV hoặc phân bón. Người dân nên lựa chọn những sản phẩm vật tư nông nghiệp uy tín, có thương hiệu trên thị trường. Đối với những sản phẩm chưa có thương hiệu, uy tín nhưng có giá rẻ và nhiều chương trình khuyến mãi, người dân nên tham khảo, tìm hiểu kỹ càng trước khi sử dụng để tránh phải "trả giá đắt", ông Nguyễn Tuấn Khải.
Theo Lê Phước (Báo Đắk Nông)
Thuốc bảo vệ thực vật bán chung với... bánh kẹo Tình trạng bán chui thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở Quảng Trị đã đến mức báo động, buộc Sở NNPTNT phải đề nghị UBND tỉnh này ra chỉ thị toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV nhằm hướng đến nền nông nghiệp sạch. Dễ mua, thuốc gì cũng có Trong vai một nông...