Khám phá vẻ đẹp vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa)
Từ thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1 đi vào hơn 40km, đến ngã ba, rẽ sang phía đông, vượt qua cầu Long Hồ tráng lệ bắc qua đầm Thủy Triều là đến Cam Ranh.
Cam Ranh rộng khoảng 100km, bề ngang rộng năm đến sáu ki-lô-mét, cửa vịnh sâu từ 15-20m, bề dài gần 15km.
Với lợi thế vừa rộng, vừa sâu lại vừa kín (do bốn bề đều có núi đá vây quanh, suốt năm nước lặng như tờ), Cam Ranh có thể đón tàu biển trọng tải lớn khoảng 10 vạn tấn vào tận cảng và tàu 20 vạn tấn đậu ở ngoài cửa vịnh. Vẻ đẹp của Vịnh Cam Ranh vốn nổi tiếng từ lâu. Núi và biển nơi đây kết hợp với nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt tác. Dường như quanh năm suốt tháng ở Cam Ranh chỉ thấy có hai mầu tương phản: màu trắng của cát và màu xanh của biển trời, núi non và cây cỏ.
Cam Ranh thuở xưa thật ồn ào, náo nhiệt, nhưng nay thì êm ả, bình lặng. Phố xá nơi đây đông vui là thế, nhưng về đêm lại yên tĩnh lạ thường. Những làng chài nằm dọc theo bờ vịnh, ẩn mình trong đám dừa rợp bóng hoặc chìm khuất trong cánh rừng phi lao rút bóng thướt tha. Khách du lịch đến Cam Ranh được thưởng thức phong cảnh hiếm có: núi và biển kết hợp với nhau thành một bức tranh tuyệt diệu. Ven bờ lại có dải đồng bằng xinh xắn, mọc lên những khu phố Ba Ngòi, á Bạc, vùng Bảo Giếng và phần bán đảo nằm bên kia vịnh, bao gồm vùng Mỹ Ca, Bình Ba, Vũng Nồm và đặc biệt là đầm Thủy Triều nước rất cạn, là nơi sinh sản của loại sò huyết. Sò huyết Thủy Triều ngon nổi tiếng chẳng thua gì sò huyết ở đầm Ô Loan (Phú Yên), với câu ca truyền tụng:
Tôm hùm Bình Ba
Nai khô Diên Khánh
Cá tràu Võ Cạnh
Sò huyết Thủy Triều
Nếu có dịp đến thăm Cam Ranh, du khách có thể đi thuyền máy khoảng 40 phút từ cảng á Bạc (Ba Ngòi) đến Bình Ba. Bình Ba quanh năm lộng gió, sóng nước mênh mang, phong cảnh hữu tình, nơi có Vũng Nồm – một làng chài sầm uất – quanh năm sống bình thản, tràn ngập bóng dừa xanh và những rừng nhãn ngọt ngào. Thức ăn ở đây thật phong phú, nổi tiếng nhất là tôm hùm Bình Ba, to như bắp chân, râu dài cả thước, có con nặng đến bảy, tám ký. Ngoài ra, Cam Ranh còn có ốc, cua, ghẹ, rau câu, mực, cá đủ các loại, tha hồ thưởng thức, vừa rẻ lại vừa ngon. Nếu đến Cam Ranh vào mùa xoài, du khách sẽ có dịp thưởng thức loại xoài cát nhỏ trái, vỏ mỏng lại thơm ngọt vô cùng.
Cam Ranh có nhiều tiềm năng về kinh tế và du lịch. Những thắng cảnh, danh lam chung quanh bờ vịnh, nhất là những động cát, làng chài, những đồi núi của vùng cực nam bán đảo quanh năm mai vàng nở đón khách tham quan. Cam Ranh còn là một cửa ngõ lớn của nước ta, nơi xuất khẩu những sản phẩm phong phú của Tây Nguyên và miền trung như lâm sản, cao-su, chè, cà-phê, thuốc lá, đường, hoa quả. Cam Ranh sẽ trở thành trung tâm công nghiệp lớn. Cát Ba Ngòi trắng và chứa nhiều si-lic sẽ là nguyên liệu quý cho công nghiệp hóa chất, thủy tinh pha lê. Cơ sở đóng tàu biển dựa vào gỗ rừng Tây Nguyên. Ngư trường cá và chế biến hải sản cung cấp cho các khách sạn và xuất khẩu.
Vẻ đẹp Pu Sam Cáp (Lai Châu)
Đến với Lai Châu du khách không những đắm mình trong khung cảnh núi non hùng vĩ, những cung đèo quanh co uốn lượn ngụp lặn trong những đám mây, hay say sưa khám phá những nét văn hoá của 20 dân tộc anh em, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của quần thể hang động Pu Sam Cáp.
Quần thể hang động Pu Sam Cáp gồm 3 động: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh; nằm cách thị xã Lai Châu chừng 7km men theo đường tỉnh lộ 129 đi Sìn Hồ. Hoang sơ, huyền bí, động Thiên Môn hiện ra với vòm cửa lớn, trong sâu hun hút. Dò dẫm trong khoảng tối huyền bí ấy ta như cảm nhận được hơi lạnh từ đá toả ra, sự hứng thú trên mỗi bước chân với trò đùa của màn đêm. Từng giọt nước từ nhũ đá nhỏ xuống nghe tí tách, có khi rơi vào mặt, vào tóc du khách tạo cảm giác như đi trong cơn mưa đầu mùa hạ. Khi đến trung tâm động Thiên Môn, du khách sẽ ngỡ ngàng bởi vòm hang cao, rộng, nền động như mặt hồ gợn sóng với hàng nghìn nền bĩ nhũ. Những giọt nước từ vòm hang rơi xuống tí tách như một bản giao hưởng thính phòng êm ái. Đến cuối động một cột sáng chiếu xuống tạo nên một khoảng không gian tương phản sáng tối mờ mờ ảo ảo. Vượt qua khoảng sáng ấy, du khách lại được thưởng thức một cảm giác mạo hiểm. Lối đi men theo vách đá trơn trượt chỉ đủ cho một người, làm cho du khách phải tỉ mỉ và cẩn thận đến từng bước chân nếu không thì sẽ ngã.
Đi hết động Thiên Môn, chúng ta đến với động Thiên Đường. Động hiện ra trước mắt với đường xuống thật cheo leo, hiểm trở, du khách sẽ tìm được cảm giác mạnh bởi phải bám vào một sợi dây leo mem theo những sườn vách đá. Động Thiên Đường như món quà kì diệu được tạo hoá ban tặng để trí tưởng tượng của du khách sẽ được phát huy khi bắt gặp những nhũ đá được sắp đặt một cách tự nhiên đầy huyền bí. Những đường cong uốn lượn như những thửa ruộng bậc thang. Đi sâu vào bên trong, ta cảm giác như lạc vào tiên bồng, với nhiều hình thù kỳ vĩ những nhũ đá như một giàn hoa với đủ các loài của vùng đất Tây Bắc như: hoa lan, hoa ban... tất cả tạo nên một sức hút. Những cột nhũ đá với hoa văn uốn lượt quanh hồ nước trong vắt được tạc bởi "bàn tay" thiên nhiên. Một cột nhũ vàng đứng sừng sững, phía trên xoè ra rồi rủ xuống như hình chiếc lọng, mọi người vẫn gọi đó là "thiên lọng". Tiếp tục đi vào phía trong du khách bắt gặp một suối nhũ hiện ra với những hình thù kỳ lạ. Mỗi người có thể tưởng tượng ra một hình khác nhau như: ông phúc, ông thọ, cột chống trời, cột vàng, cột bạc hay trống đồng... Đến cuối động ta choáng ngợp bởi một cung điện nguy nga, lộng lẫy, với những cột nhũ cả mấy người ôm như được dát vàng óng ánh của tạo hóa.
Hiện nay Công ty Cổ phần Pu Sam Cáp chưa mở cửa khai thác động Thủy Tinh. Động Thủy Tinh hứa hẹn sẽ là điểm du lịch hấp dẫn với du khách ưa mạo hiểm chinh phục.
Khoảng nửa ngày khám phá hang động đầy hứng thú, du khách còn được thả hồn mình vào thiên nhiên hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh và thưởng thức tiếng nhạc rừng của buổi chiều tà được tạo nên bởi tiếng chim hót véo von trên những cánh rừng nguyên sinh. Quần thể hang động Pu Sam Cáp đầy bí hiểm đã để lại trong lòng mình một ấn tượng tuyệt vời.
Khám phá 'mắt thần' nơi cửa biển Hà Tĩnh Ngọn hải đăng không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, mà còn là biểu tượng niềm tin cho ngư dân, như "mắt thần" canh gác cho ngư dân an tâm vươn khơi bám biển. Toàn cảnh Trạm Hải đăng Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhìn từ trên cao. Một số...