Khám phá vẻ đẹp hang Nhả Nhung
Cách quốc lộ 6 khoảng 25 km, hang Nhả Nhung, thuộc bản Trạm Hốc, xã Chiềng On ( Yên Châu) có vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều hình thù nhũ đá tự nhiên, vì vậy thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Trong hang có nhiều nhũ đá đẹp.
Theo người dân nơi đây, hang này được bà con trong bản Trạm Hốc phát hiện từ lâu và là nơi để dân bản trú ẩn tránh máy bay Mỹ trong thời kỳ chiến tranh. Đến năm 2008, hang được bản Trạm Hốc quản lý và đưa vào khai thác. Chúng tôi được anh Vì Văn Xôn, tổ trưởng quản lý hang dẫn đường lên hang Nhả Nhung. Theo anh Xôn, từ khi đưa vào khai thác, bản đã kéo đường điện vào trong hang để thắp sáng cho du khách dễ dàng đi lại và thưởng thức vẻ đẹp. Hang gồm 10 khoang và có chiều dài khoảng 2.000 m. Cửa hang có hình elíp rộng 5m, cao hơn 10m, nằm trong một vách đá thẳng đứng, cách chân núi khoảng 12 m. Bắt đầu từ cửa hang vào khoảng 30 m, rẽ trái theo lối đi hẹp gần 10 m đến khoang đầu tiên rộng khoảng 60 m, chiều cao gần 2 m. Trên trần và dưới nền hang có hàng trăm nhũ đá to, nhỏ, với hình thù khác nhau và có hình con rùa chầu ở cửa lối vào. Đi sâu vào khoảng 20 m bên vách hang là một khối nhũ đá chạy liên hoàn như đàn hải cẩu đang nô đùa trên bờ biển. Trên trần hang có nhiều thạch nhũ hình “Bầu sữa mẹ” nhỏ xuống những hạt nước tí tách trong suốt. Bên vách hang có mảng thạch nhũ hình đàn cá đang bơi.
Tiếp tục đi xuống khoang 2, đường khá hẹp, trên trần nhiều thạch nhũ rủ xuống mang hình thù lạ, ở giữa hang có một cột đá hình tượng giống người đàn ông. Tiếp tục đi xuống khoang 3, cao khoảng 5m, rộng 17m, dài 80 m. Nền hang phía ngoài tương đối bằng phẳng, đi sâu vào trong có những viên nhũ đá dưới nền hang được tạo ra như những làn sóng từ cao xuống thấp, giống ruộng bậc thang, các thửa ruộng đều có nước. Theo cầu thang gỗ xuống khoang 4, có tên là hang công chúa, trần hang cao khoảng 40m, lòng hang rộng 600 m, nền hang bằng phẳng, phía bên tay trái có một ngách rộng trên đó có nhiều nhũ đá rủ xuống tạo ra vô số hình thù, nước nhỏ xuống nhũ đá hợp thành những âm thanh như bản nhạc độc đáo. Nhiều khối đá trong động khi gõ vào phát ra những âm thanh trầm bổng khác nhau… Ở giữa hang có khối thạch nhũ mang hình đống thóc lớn, cách đó 10m là “buồng công chúa” rộng khoảng 100 m, trước cửa có 5 cột đá, khu vực này có nhiều tia đá lấp lánh nhũ tuôn chảy từ trần hang xuống tạo thành những đường diềm màu sắc óng ánh. Đi sâu vào bên trong là một dòng nước chảy róc rách, cách đó vài chục mét có khối thạch nhũ hình đôi sư tử đang ngồi canh giữ. Đi sâu vào khoang thứ 5, một bên là dòng suối ngầm chảy trong lòng hang, còn một bên lại khô ráo. Từ trần hang rủ xuống những giải thạch nhũ lấp lánh đủ sắc màu, giống như rễ cây đa cổ thụ thả xuống mặt đất. Còn khoang thứ 6, rộng chừng 500 m. Điểm nhấn của khoang này là hình khối thạch nhũ to lấp lánh như những ánh kim cương. Ngoài ra, hai thành hang là những tảng đá với kích thước đa dạng, có cái giống như cây măng vừa nhú lên mặt đất, cái thì vươn dài tựa như cây tre. Đường vào khoang 7, lòng hang bị thắt lại nên lối đi nhỏ hẹp, khoang dài 200m, có ít nhũ đá hơn. Tới khoang 8 là một loạt các cột nhũ rủ từ trần hang xuống mặt đất, khi soi đèn pin tạo nên ánh sáng lấp lánh như dát bạc; ở bên trái có một cột đá giống như thần vệ nữ và có nhũ đá như một vệ sĩ đang đứng canh cổng, ngoài ra còn có rất nhiều hình người cao thấp khác nhau. Đi theo khe hẹp tới khoang 9, rộng chừng 200 m, phía bên phải là những nhũ đá mang hình nậm rượu và những nhũ đá rủ xuống từ trần hang mang nhiều hình dáng khác lạ… Ở khoang cuối cùng, có 3 hồ nước lớn, trong hồ có những khối nhũ đá hình đàn vịt đang bơi lội, lặn ngụp, co chân rỉa lông… trần hang cao 50m, chiều rộng 40m, nền hang bằng phẳng. Những nhũ đá ở đây không nhiều mà tập trung ở hai bên vách hang, mang đủ loại hình dáng, kích thước, khiến cho người xem có nhiều liên tưởng.
Với vẻ đẹp huyền bí do thiên nhiên ban tặng, năm 2011 hang Nhả Nhung được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm, rất cần các cấp, các ngành quan tâm đầu tư cải tạo đường lên cửa hang, hệ thống chiếu sáng và quảng bá hình ảnh hang… để nhiều du khách thập phương biết đến.
Ngôi làng '3 không' nghìn tuổi đẹp lạ, nằm ẩn mình trong mây ở Hà Giang
Là bối cảnh của một bộ phim ăn khách công chiếu hồi cuối tháng 10 vừa qua, ngôi làng nghìn tuổi không điện, nước, sóng điện thoại ở Hà Giang nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút du khách bởi vẻ đẹp bình yên, nguyên sơ, pha chút ma mị.
Nằm cách trung tâm huyện Đồng Văn (Hà Giang) khoảng 20km, làng Sảo Há (thuộc thôn Khó Chơ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn) thời gian gần đây trở thành điểm đến được nhiều tín đồ ưa xê dịch tìm kiếm, khám phá.
Video đang HOT
Trước đó, làng Sảo Há không được nhiều du khách biết đến song khi xuất hiện trong một bộ phim Việt "ăn khách" công chiếu hồi tháng 10, nơi đây nhanh chóng nổi lên như một "hiện tượng" trên bản đồ du lịch Hà Giang, thu hút nhiều du khách tới ghé thăm.
Làng Sảo Há nằm giữa khu rừng già Vần Chải, là nơi sinh sống của bà con dân tộc Mông (Ảnh: Huỳnh Cẩm Tú)
Theo tiếng Mông, Sảo Há có nghĩa là "thung lũng trên cao". Ngôi làng này nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển. Vì ít dân cư sinh sống, lại được bao bọc bởi rừng thiêng nên nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, phảng phất chút ma mị.
Nhiều du khách từng đến Sảo Há nhận xét, ngôi làng này mang nét đẹp lạ lùng và tĩnh mịch. Núi rộng, làng hẹp, lại không có điện, nước sinh hoạt và sóng điện thoại nên du khách chỉ ghé thăm trong ngày.
Làng Sảo Há nằm ở trên cao, biệt lập với cuộc sống sôi động bên ngoài nên mang lại cho du khách cảm giác trong lành, thư thái dễ chịu (Ảnh: Giàng A Phớn)
Tới đây, du khách không khỏi ấn tượng với lối kiến trúc nhà trình tường của bà con dân tộc Mông (dùng đất đắp thành tường để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt trên cao nguyên đá), mái ngói âm dương, hàng rào đá vững chãi.
Những ngôi nhà này nằm thành cụm, được bao bọc bởi khu rừng cổ thụ nguyên sinh rộng chừng 500ha.
Những hàng rào ở làng Sảo Há cao khoảng 1,5m, được xếp bằng đá mà không cần vật liệu kết dính vẫn vững chắc suốt hàng chục năm (Ảnh: Huỳnh Cẩm Tú)
Do địa thế hiểm trở nên cuộc sống của người dân trong làng khá đơn giản, chủ yếu sống theo phương thức tự cung tự cấp. Họ thường trồng lanh, trồng ngô, rau cải mèo và chăn dê, dệt vải thủ công.
(Ảnh: Giàng A Phớn)
Từ trung tâm thành phố Hà Giang, du khách đi theo Quốc lộ 4C tới dốc Thẩm Mã rồi rẽ vào xã Vần Chải. Tiếp đó, khách di chuyển tới khu vực Khó Chớ rồi hỏi tiếp đường lên làng Sảo Há.
Còn từ huyện Yên Minh, du khách đi qua con đèo dài khoảng 17km với những khúc cua tay áo và dốc dài, đến chân dốc Thẩm Mã thì di chuyển thêm khoảng 4km để tới xã Vần Chải.
Để tiếp cận làng Sảo Há, du khách chỉ có thể di chuyển theo hai cách, đi bộ hoặc đi xe máy chứ không thể ngồi ô tô (Ảnh: Phạm Quốc Tiệp)
Vì làng nằm sâu trong rừng nên để đến được đây, du khách phải di chuyển bằng xe máy, vượt quãng đường mòn dài chừng 2km. Đoạn đường từ ngoài tới làng là đường bê tông nhưng rất nhỏ, nhiều đất đá và dốc cao, cua khá nguy hiểm.
Thời điểm lý tưởng để ghé thăm Sảo Há là vào mùa xuân. Khi ấy, hoa đào nở rộ, tỏa sắc hồng tươi, xua đi vẻ lạnh lẽo, trầm mặc của ngôi làng.
(Ảnh: Cừu Bé)
Tới Sảo Há, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng rừng nguyên sinh, khám phá cuộc sống người Mông hay kết hợp tham quan rừng trúc, nhà cổ, miếu Sảo Há,... Ngôi làng này hiện cũng chưa khai thác dịch vụ du lịch, các tín đồ ưa xê dịch có thể lựa chọn cắm trại ở rừng trúc, hòa mình vào thiên nhiên.
Tuy nhiên, tới đây, du khách cần lưu ý không xả rác bừa bãi, không nói chuyện quá ồn ào làm ảnh hưởng đến cảnh quan và cuộc sống của người dân.
Những địa điểm thích hợp đi du lịch một mình Du lịch một mình là xu thế được các tín đồ xê dịch chuộng hơn cả bởi đi một mình sẽ giúp bạn có thể vui chơi, khám phá hay nghỉ ngơi theo ý muốn của bản thân Dưới đây là top những gợi ý dành cho bạn với các địa điểm vui chơi, giải trí phù hợp khi du lịch một mình:...