Khám phá uy lực khinh hạm “khủng” hơn cả Gepard 3.9
Bộ tư lệnh hải quân Nga cho biết, sắp tới, khinh hạm đầu tiên của Dự án 11356 thuộc lớp Krivak III cải tiến mang tên “Đô đốc Grigorovich”, sẽ được hạ thủy và đến đầu năm 2014 sẽ được biên chế chính thức cho hải quân Nga.
Nhà máy đóng tàu Yantar (tỉnh Kaliningrad) bên bờ Baltic là đơn vị chịu trách nhiệm chế tạo toàn bộ 6 tàu thuộc Dự án 11356 của Nga và 6 phiên bản xuất khẩu lớp Talwar cho hải quân Ấn Độ. Tất cả 6 tàu thuộc dự án của Nga sẽ được bàn giao trong 3 năm từ 2014 – 2016.
Hiện nay 3 chiếc đầu tiên đã được triển khai đóng, chiếc “Đô đốc Grigorovich” bắt đầu được dựng khung vào tháng 12/2010, chiếc thứ 2 là “Đô đốc Essen” và chiếc thứ 3 là “Đô đốc Makarov” lần lượt được đặt lườn vào tháng 7/2011 và tháng 2/2012.
Cuối thập niên 90 thế kỷ trước, hải quân Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 1 lô 3 khinh hạm Talwar thuộc Dự án 11356, với giá 300 triệu USD/chiếc. 2 khinh hạm đầu tiên là INS Talwar và INS Trishul được bàn giao tháng 11/2000, chiếc thứ 3 mang tên INS Tabar được chuyển giao tháng 5/2001.
Chiếc đầu tiên trong loạt tàu đóng cho Nga là “Đô đốc Grigorovich”
Hải quân Ấn Độ rất hài lòng về chất lượng của 3 khinh hạm này nên đến tháng 2006 họ lại ký tiếp hợp đồng mua 3 chiếc loại cải tiến với tổng trị giá 1,5 tỷ USD. Các khinh hạm này được chế tạo riêng theo yêu cầu của Ấn Độ, thay thế tên lửa chống hạm Kaliber bằng tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos.
Chiếc đầu tiên thuộc lớp Talwar là INS Teg đã gia nhập Hải quân Ấn Độ vào ngày 27-4-2012, chiếc thứ hai mang tên Tarkash cũng cập cảng Mumbai của Ấn Độ vào ngày 30-12-2012, còn chiếc thứ 3 là Trikand sẽ được bàn giao cho người Ấn vào tháng 6 năm nay.
Ngày 17-4 vừa qua, khinh hạm Trikand có cuộc thử nghiệm xuất sắc khi tiêu diệt thành công một mục tiêu giả định là tên lửa hành trình chống hạm bay ở độ cao 50m so với mực nước biển bằng hệ thống tên lửa hạm đối không trên tàu.
Do quá ấn tượng với tính năng tác chiến của nó, hải quân Ấn Độ đã lên kế hoạch sẽ ký kết hợp đồng mua thêm 3 chiếc nữa với tổng giá trị lên tới 3 tỷ USD, ngay sau khi phía Nga bàn giao con tàu này cho Hải quân Ấn Độ vào tháng 6-2013.
Tên lửa hành trình chống hạm Kaliber-N 3M-54E
Video đang HOT
Khinh hạm lớp Krivak III có lượng giãn nước không tải 3850 tấn, đầy tải 4035 tấn, chiều dài 124,8m, rộng 14,2m, mớn nước 4,2m. Nó có tính năng tàng hình rất mạnh nhờ thiết kế góc cạnh giảm tối đa diện tích phản xạ radar. Tàu được trang bị đầy đủ hệ thống tên lửa chống hạm, chống ngầm và phòng không, đảm bảo cho nó có khả năng tấn công và phòng thủ toàn diện.
Tàu được lắp đặt 2 động cơ turbin khí DS-71, 2 động cơ turbin khí DT-59 sử dụng trong hành trình và tăng tốc, tổng công suất hệ thống động cơ đạt 56.000Hp; hệ thống động lực 2 trục COGAG đảm bảo cho tàu có vận tốc tối đa tới 32 hải lý/h (tương đương 59 km/h), phạm vi hành trình 4850 hải lý, tương đương 8800km, với vận tốc tuần hành 14 hải lý/h (tàu Ấn Độ có phạm vi hành trình 4500 hải lý).
Mỗi chiếc khinh hạm lớp này được trang bị hệ thống 8 ống phóng 3S-14E đặt dưới boong tàu và 8 quả tên lửa chống hạm Kaliber-N kiểu 3M-54E/3M-54E1 có tầm bắn 220-300km, được điều khiển bởi hệ thống kiểm soát hỏa lực 3R-14N-11356. Tên lửa có thể bay ở độ cao 10-15m, tránh sự phát hiện của radar tàu địch, tốc độ tối đa 3M (kiểu của Ấn Độ thay bằng tên lửa BrahMos).
Chiếc thứ hai trong lớp Talwar đóng cho Ấn Độ mang tên Tarkash
Khinh hạm Krivak III được trang bị hệ thống tên lửa phòng không rất mạnh, với hệ thống tên lửa phòng không tầm trung 3S-90M Shtil-1 ống phóng thẳng đứng, sử dụng tên lửa phòng không 3M917 (SA-N-12), cơ số 24 quả tên lửa. Đồng thời, nó còn được trang bị hai hệ thống pháo/tên lửa phòng không tầm gần (CIWS) Kashtan gồm 64 quả tên lửa 9M311-1E
Ngoài ra, nó còn được trang bị một pháo hạm 100mm A-190E với cơ số đạn 500 viên, được điều khiển bằng hệ thống kiểm soát hỏa lực 5P-10E; 2 cụm, mỗi cụm 2 ống phóng ngư lôi 533mm DTA-53-11356; Hệ thống ống phóng chống ngầm RBU-6000, với 12 ống phóng (chứa 48 tên lửa 90R hoặc bom nước sâu RGB-60.
Trên tàu có 1 sàn đỗ cho trực thăng tác chiến chống ngầm (ASW) loại Ka-28 hoặc Ka-31 (hoặc Dhruv). Với hệ thống hỏa lực chống hạm, chống ngầm và phòng không cực mạnh, tàu hộ vệ 11356 lớp Krivak III được cho là mạnh hơn, so với các tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 thuộc Dự án 11661 của Nga.
Theo ANTD
Hệ thống tên lửa S-500: Xứng danh "Độc cô cầu bại" ?
Mạng thông tin Tổng hợp CNQP Nga vừa trích dẫn lời Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Oleg Ostapenko cho biết, công tác nghiên cứu, phát triển hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa S-500 đang diễn ra rất tích cực, theo đúng tiến độ đề ra.
Thứ trưởng Oleg Ostapenko cho biết, hệ thống S-500 được chế tạo mới mục đích đối phó với các cuộc tập kích từ trên không, bao gồm các loại máy bay có người lái và không người lái, tất cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn cho đến tầm trung có tốc độ bay từ hạ âm cho đến siêu âm.
Trả lời câu hỏi, liệu S-500 có được bàn giao đúng thời hạn vào năm 2015 hay không? Ông Ostapenko không đưa ra thời điểm cụ thể mà chỉ đáp chung chung: "Tất cả mọi việc đều đang theo đúng tiến độ đề ra, chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đúng kỳ hạn".
Hệ thống phòng không S-500 có tính năng vượt xa S-400 hiện đang sử dụng
Trước đây, Nga đã công bố các hệ thống phòmg không/phòng thủ tên lửa sẽ được biên chế chính thức vào năm 2015. Đến trước năm 2020, quân đội Nga sẽ sản xuất đủ số lượng trang bị cho 10 tiểu đoàn để làm nòng cốt trong lực lượng phòng thủ không gian Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 mà Nga đang chế tạo không chỉ sử dụng trong tác chiến phòng không mà nó còn là một "sát thủ" đáng gờm đối với các loại tên lửa đạn đạo. Với tính năng phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian ưu việt của mình, S-500 sẽ trở thành hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa nòng cốt trong lực lượng phòng thủ không gian Nga.
Khả năng phòng thủ tên lửa của S-500 được công ty Almaz-Antei bí mật nghiên cứu và thử nghiệm đã lâu, đến khi S-500 sắp được triển khai, Nga mới tiết lộ thông tin trên. S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3500 km, cự ly đánh chặn lí tưởng khoảng 600km. Nó còn có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ
Riêng về độ cao và vận tốc đánh chặn thì S-500 đứng đầu thế giới. Nó có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 200km, với vận tốc 7km/s (tương đương 25.200km/h Mach23). S-500 có khả năng đánh chặn tất cả các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, tầm ngắn cấp chiến dịch, chiến thuật, tên lửa hành trình siêu âm.
Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sẽ biên chế 10 tiểu đoàn S-500. Mỗi hệ thống S-500 được cấu thành từ các đơn nguyên riêng rẽ: radar cảnh giới tầm xa, ra đa dẫn bắn, xe điều khiển trung tâm, các xe chở, nạp đạn... Các tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến này sẽ triển khai trên các xe di động, với các bệ phóng đặt trên xe vận tải hạng nặng bánh lốp 10x10.
Phương pháp tổ chức này dựa trên cơ sở chiến thuật "trang bị phân tán, hỏa lực tập trung", trong tác chiến nếu một đơn nguyên nào bị thiệt hại thì sẽ nhanh chóng được bổ sung, thay thế, khôi phục ngay lập tức sức mạnh chiến đấu của cả tổ hợp.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot-3 của Mỹ
Hệ thống tên lửa phòng không S-500 có tính năng vượt trội so với "người tiền nhiệm" S-400 "Triumph", không chỉ về chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, mà S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác chỉ trong khi S-400 mất 9-10 giây, hơn nữa S-500 nhỏ gọn và tính năng cơ động cao hơn các hệ thống S-300 và S-400 rất nhiều.
Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, có phạm vi phủ sóng vượt trội so với S-400, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1000km.
Với tính năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao, tầm xa siêu việt của mình, S-500 đã làm lu mờ cả 3 hệ thống tên lửa lưỡng dụng phòng không và phòng thủ tên lửa Patriot-3, hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất là THAAD và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis (bao gồm cả SM-3 và SM-2). 3 hệ thống này chính là cái ô 3 tầng, phòng thủ tên lửa tầm thấp, trung, cao cho Mỹ.
Hệ thống radar phòng thủ tên lửa Voronezh-M của Nga
Trong cả 3 hệ thống của Mỹ thì chỉ có hệ thống Aegis sử dụng tên lửa SM-3 có tính năng tiệm cận với S-500 nhất. Kiểu cơ bản của loại tên lửa thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis SM-3 Block IIB là tên lửa đánh chặn SM-3 (còn gọi là RIM-161A) được chế tạo dựa trên nguyên mẫu của loại SM-2 Block IV, có tầm bắn trên 500km, độ cao đánh chặn đạt tối đa 160k, với vận tốc 9600km (gần Mach8) và chỉ phù hợp đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Tên lửa SM-2 ngoài khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, nó cũng có khả năng bắn hạ cả máy bay giống S-500 của Nga, nhưng chỉ bắn hạ được mục tiêu trong khoảng 200 km, bằng 1/3 của S-500. Còn tên lửa PAC-3 và THAAD là các hệ thống tầm trung và tầm thấp nên tính năng kém hơn nhiều (THAAD có tầm bắn 200km và độ cao đánh chặn 25km).
Xét về đơn lẻ từng hệ thống SM-2, PAC-3 và THAAD có tính năng lưỡng dụng tương tự S-500 nhưng cơ bản vẫn thiên về phòng thủ tên lửa, các tham số kỹ thuật thấp hơn rất nhiều, SM-3 có tầm bắn và độ cao tiệm cận S-50, nhưng chỉ đánh chặn tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay xác định, không có khả năng tấn công máy bay tàng hình, có quỹ đạo bay khó lường như S-500.
Tên lửa Standard Missile-3 (SM-3) có giá 10 triệu USD/quả
Như vậy, tính năng của S-500 đã tích hợp được tất cả những ưu điểm của PAC-3, Aegis và THAAD, cả 3 hệ thống của Mỹ chưa có tham số nào ngang bằng S-500. Điểm đặc biệt là, tuy chức năng phòng thủ tên lửa của S-500 mạnh như vậy, nhưng nó là hệ thống thiên về phòng không, vậy các hệ thống phòng thủ tên lửa chính hiệu của Nga là A-135 "Amur" và A-235 "-" sẽ mạnh đến cỡ nào? Sự phối hợp của bộ 3 "lá chắn thần" này sẽ tạo thành một chiếc ô phòng thủ tên lửa cực kỳ vững chắc trên bầu trời Nga.
Với tính năng phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ không gian ưu việt của S-500, người Nga đã chứng tỏ tuy ngân sách quốc phòng hạn hẹp, không thể phát triển rầm rộ các loại vũ khí như Mỹ, nhưng khả năng tích hợp tính năng đa dụng hơn xa so với Mỹ, công nghệ đỉnh cao vẫn không hề thua kém, thậm chí nhiều mặt còn hơn Mỹ rất xa.
Theo ANTD
Nga phát triển hệ thống tên lửa phòng không cơ động Morfey Ngày 24-4, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Oleg Ostapenko cho biết, quân đội nước này sẽ bắt đầu tiếp nhận hệ thống phòng không tầm ngắn Morfey mới vào năm 2015. Morfey là một hệ thống tên lửa phòng không di động có tầm bắn hiệu quả 5 km. Hệ thống phòng không tầm siêu ngắn này đã được phát triển từ năm...