Khám phá thế giới xe buýt và xe tải sặc sỡ ở Pakistan
Các chủ xe tải và xe buýt ở Pakistan sẵn sàng chi nhiều tiền cho xe hơn cả cho nhà ở.Một tài xế ở Balochistan, Pakistan, cho biết anh mới mua một khung xe tải Hino với giá tương đương 35.000 USD và đã đưa thẳng tới cửa hàng trang trí Masallah trong khu xưởng dịch vụ International Truck Yard ở Karachi. Tại đó, anh có thể chi thêm 25.000 USD để làm thân xe, sơn, và trang trí. Trong thời gian chờ thợ làm xe, có thể kéo dài nhiều tuần, anh sẽ ngủ ngay bên trong hoặc dưới gầm xe, trong túi ngủ.
Việc thêm các chi tiết trang trí như ruy băng, bộ ốp la-zăng hoa văn cầu kỳ và các hình con vật trang trí bằng thép lên một chiếc xe buýt cỡ nhỏ sẽ tốn ít nhất 800 USD. Và đó được xem như một chi phí quảng cáo. Một chiếc xe buýt trang trí cầu kỳ thường là lựa chọn số 1 của hành khách khi đứng trước nhiều xe.
Trong khi đó, việc trang trí một chiếc xe tải thường tốn từ 3.000-5.000 USD riêng cho ngoại thất. Đây là số tiền không nhỏ, xét trong tương quan mức thu nhập bình quân đầu người của Pakistan, theo cách tính sức mua tương đương (PPP), là hơn 2.000 USD trong năm tài chính 2010-2011.
Trào lưu này đã làm thay đổi bộ mặt ngành trang trí xe tải và xe buýt trong những năm qua ở Pakistan. Đồ trang trí cho xe không còn được làm thủ công cho từng xe, mà đã được sản xuất đại trà.
“Ban đầu các xe buýt ở Pakistan được trang trí bằng đồ gỗ thủ công và sơn tay,” ông Kurram Awan, chủ một cửa hàng bán đồ trang trí ô tô ở Lahore, cho biết. “Giờ đây cửa hàng của tôi bán hơn 1.000 mặt hàng khác nhau, trong đó có các loại dải viền trang trí, đèn nháy và ăng-ten.”
Việc trang trí xe tải ở Pakistan không chỉ là sự quan tâm về mặt thẩm mỹ, mà còn thể hiện quan điểm tôn giáo, tình cảm và sở thích của chủ xe hoặc tài xế.
Hình vẽ trang trí trên xe tải và xe buýt ở Pakistan chia làm 5 nhóm:
- Sự lý tưởng hoá cuộc sống, như một ngôi làng hay phong cảnh đẹp lãng mạn, những phụ nữ đẹp
- Hình ảnh đời sống hiện đại, như ảnh các chính trị gia hay các nhà ái quốc
- Những vật bùa chú, thờ tế, như sừng, đuôi bò Tây tạng…
- Các biểu tượng mang tính tín ngưỡng như đôi mắt, cá, chim…
- Những hình ảnh hay biểu tượng tôn giáo, như ngựa thiêng Buraq chở nhà tiên tri Muhammad về trời
Hãy cùng khám phá thế giới xe buýt và xe tải đầy màu sắc ở Pakistan:
Video đang HOT
Một chiếc xe buýt trang trí cầu kỳ, hình ảnh không hiếm gặp ở Pakistan
Một chiếc Hino trang trí “tưng bừng” đang đợi bảo dưỡng động cơ diesel tại xưởng dịch vụ International Truck Yard ở Karachi.
Các chủ xe buýt và xe tải ở Pakistan thường để cho tài xế thoả sức trang trí xe theo sở thích. Lương trung bình của tài xế ở đây là khoảng 75 USD/tháng.
Chim là hình trang trí thường thấy trên xe buýt và xe tải ở Pakistan (trong ảnh trên là hình con chim trước chân kính chắn gió), bên cạnh cá và hình ảnh nhà thờ hồi giáo ở thánh địa Mecca, hay ngựa thiêng Buraq chở nhà tiên tri Muhammad.
Những hình ảnh hiện đại hơn cũng được sử dụng, như máy bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan hay một ca sĩ nổi tiếng.
Nội thất xe thường được trang trí còn “mãnh liệt” hơn ngoại thất.
Người “ngoại đạo” khó thấy sự khác biệt, nhưng cánh tài xế thì có thể nhận ra một chiếc xe đến từ vùng nào của Pakistan dựa trên kiểu trang trí. Xe tải ở Balochistani và Peshawari thường được trang trí với nhiều chi tiết bằng gỗ. Xe ở Rawalpindi và Islamabadi dùng nhiều chất liệu nhựa. Các hoạ sĩ Sindh lại hay dùng đồ trang trí làm bằng xương lạc đà.
Một thợ hàn của xưởng dịch vụ International Truck Yard đang thêm khung trên nóc xe để làm chỗ ngủ cho tài xế.
Một chiếc Hino với kính chắn gió được che kín khi tài xế ngả lưng.
Những chiếc ăng-ten sặc sỡ chỉ để trang trí, không phải bắt sóng.
Cản trước được trang trí với hàng chục chiếc chuông.
La-zăng cũng được trang trí hoa văn màu sắc
Thân xe thường được sơn vẽ kín, với các hình ảnh biểu trưng khác nhau, thường mang tính biểu trưng và thi ca, cùng những chi tiết trang trí bằng kim loại.
Xe tải Nissan và Hino với thiết kế cabin bẹt mũi, đa phần được lắp ráp tại Pakistan, là lựa chọn thông dụng ngày nay cho nhu cầu chở hàng, thay cho dòng xe Vauxhall Bedford của Anh, với thiết kế cabin truyền thống, trước đây rất thịnh hành ở Pakistan.
Người làm trang trí cũng lưu ý sử dụng sơn phản quang để chiếc xe trông nổi bật trong đêm
Nhân viên của một cửa hàng trang trí xe tải đang đấu điện cho hệ thống đèn mới. Tạp chí Saudi Aramco World năm 2005 cho biết, có hơn 50.000 người ở Karachi làm công việc trang trí xe buýt và xe tải.
Theo Dân Trí