Khám phá thành cổ Diên Khánh
Thành cổ Diên Khánh nằm tại thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), cách thành phố Nha Trang khoảng 10km về phía tây.
Sơ khởi, thành là một đồn lũy của chúa Nguyễn xứ Đàng Trong. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần cho quân nam tiến và chiếm vùng đất này, lập dinh Thái Khang và hệ thống đồn lũy phòng thủ. Năm 1690, dinh Thái Khang được đổi tên thành Bình Khang, sau đó là thành Diên Khánh. Năm 1775, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy chiếm được vùng đất Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh. Năm 1792, Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu. Sau đó 1 năm, quân Nguyễn Ánh tái chiếm vùng đất này và Nguyễn Ánh đã xây dựng Diên Khánh thành căn cứ quân sự để phòng ngự, kiểm soát khu vực Nam Trung Bộ.
Thành Diên Khánh được xây theo kiểu Vauban, có diện tích 36.000m2, chu vi 2.693m. Mặt bằng thành có hình lục giác không đều với 6 cửa, hiện chỉ còn cửa Tiền (phía nam), cửa Đông, cửa Tây, cửa Hậu (phía bắc). Tường thành được đắp bằng đất cao khoảng 3,5m. Mặt ngoài thành dựng đứng, mặt trong dốc thoải. Bên ngoài tường thành có hào nước sâu khoảng 3 – 5m, rộng 20 – 30m. Các cổng thành được xây hai tầng bằng gạch. Tầng dưới gắn liền với tường thành, có lối đi xây cuốn vòm; tầng trên là vọng lâu xây kiểu cổ lầu lợp mái ngói. Trong thành có nhiều công trình kiến trúc quan trọng như: Hoàng cung, dinh Tuần vũ, dinh án sát, dinh Lãnh binh, nhà lao, nhà kho… Sau này, thành Diên Khánh trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa thời nhà Nguyễn (1802 – 1945).
Năm 1885, khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), ra chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước khởi nghĩa chống Pháp. Tại Khánh Hòa, thành Diên Khánh trở thành Tổng hành dinh của nghĩa quân Cần Vương do Trịnh Phong chỉ huy.
Ngày 19-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Khánh Hòa, trực tiếp là Đảng bộ Diên Khánh, các đội Thanh niên tự vệ đã dẫn quần chúng cách mạng tiến vào thành Diên Khánh giành chính quyền, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.
Thành cổ Diên Khánh ngày nay đã bị phá hủy gần hết. Tuy vậy, cấu trúc thành vẫn còn nguyên vẹn với tường thành, hào nước và các cổng thành. Công trình đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988.
Thâm trầm thành cổ Tà Kơn
Ở vùng đất xa xôi của tỉnh Bình Định, có một nơi sẽ gây tò mò với những người lần đầu đến xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Đó là thành đá cổ Tà Kơn. Chỉ vỏn vẹn có mấy từ thôi nhưng để khám phá di tích này thật sự cũng không dễ.
Từ lâu, vùng đất Vĩnh Sơn đã được xem như xứ "Đà Lạt của Bình Định" bởi khí hậu ôn đới, nhiều thắng cảnh đẹp hội tụ. Nằm trên núi cao, gần 800 m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn mang nét đẹp nguyên sơ, đặc trưng riêng. Đặc biệt, nơi đây có thành cổ Tà Kơn khá lạ.
Thành đá nằm trong rừng, cách đường chính gần 4 km, lối rẽ vào băng qua một ba-ri-e do trạm kiểm lâm kiểm soát. Đường vào khá nhỏ, nhiều biển báo chỉ dẫn ở những chỗ nguy hiểm bởi con đường nhỏ lắt léo như rắn trườn, qua khúc này lại quẹo khúc kia, chưa kể đường dốc lên, dốc xuống thất thường.
Những ai chưa từng đặt chân tới, hẳn sẽ nghĩ đây là di tích một tòa thành cổ bằng đá, nhưng có lẽ chữ "thành" ở đây mang ý nghĩa khác. Theo ngôn ngữ của người Ba Na, "Tà Kơn" có nghĩa là "chồng lên nhau", ý nói những tảng đá chồng lên nhau một cách bí ẩn khó có thể giải thích được. Quả thật, nơi đây có những khối đá hình lăng trụ chồng khít lên nhau, kéo dài khoảng hơn trăm mét, dốc theo triền núi. Những tảng đá to riêng lẻ xếp chồng lên nhau như những cây cột khổng lồ. Nhìn bức tường thành bằng đá hùng vĩ giữa rừng già, hình dung lại những trận chiến bảo vệ lãnh địa của người Ba Na xưa có thể từng xảy ra nơi đây, bây giờ tất cả lại chìm trong trầm mặc và rêu phong giữa núi rừng. Tưởng tượng là vậy, nhưng thực chất đây là những phiến đá được hình thành do biến đổi kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm. Những khối đá hình lục lăng, hình trụ xếp liền kề lên nhau, tạo nên bức tường sừng sững, đứng hùng vĩ giữa đại ngàn Vĩnh Sơn.
Thành Tà Kơn đã đi vào sử thi và trở thành huyền thoại của cư dân Ba Na Kriêm. Tương truyền, khu vực thành Tà Kơn khi xưa là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa. Ngày nay, thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào ngày 25/12/2013.
Hành trình khám phá 6 thành phố ở Italy của cô gái Việt Đã đến nhiều quốc gia nhưng với Dung Trần, hành trình trải nghiệm ở Italy vẫn mang lại cho cô nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Dung Trần có tình yêu đặc biệt dành cho Italy. Với cô, Italy là nơi Dung học tập để mở mang "nhận thức lẫn trái tim". Cô ấn tượng với các công trình kiến trúc, văn hóa, nghệ...