Khám phá Suối Tiên Bình Thuận
“Tiên cảnh giữa sa mạc” là cách để du khách gọi cho Suối Tiên ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Những cột cát nhiều màu sắc làm khách phải ngỡ ngàng vì cứ nghĩ đó là đá.
Chẳng biết bao giờ, con suối ấy vẫn đổ qua những đồi cát hoài ra biển mà không bao giờ cạn.
Suối Tiên xuất phát từ những mạch nước ngầm của những đồi cát kéo dài từ tỉnh lộ 706. Từ khi du lịch Phan Thiết chưa phát triển, Mũi Né vẫn còn là một làng chài ven biển, người dân Bình Thuận đã biết đến con suối này và thường tổ chức dã ngoại đến đây vào dịp lễ, Tết, cuối tuần. Còn bây giờ Suối Tiên được du khách khắp nơi trên thế giới biết đến bởi sự kiến tạo tự nhiên kết hợp giữa nước và cát tạo nên một phong cảnh đẹp mê hoặc.
Dù trời mát hay nắng đang đổ lửa giữa trưa, Suối Tiên vẫn dập dìu người. Phần đông là người nước ngoài. Để khám phá con suối này, khách phải đi bộ ngược dòng suối ở vị trí là điểm gần cuối cùng của nó đổ ra biển. Nơi sâu lắm, nước chỉ tới đầu gối. Du khách xách giày dép đi chân trần trong làn nước mát mang màu đỏ cam của cát. Đi khoảng 200-300 mét, một thế giới kỳ ảo hiện ra trước mắt. Nơi đây chỉ có hoang sơ thuần khiết, không có bất cứ một dấu ấn nào của con người để lại đây ngoài những dấu chân. Những cột cát cao khi xưa là đồi cát bị nước xói mòn tạo nên những hình thù kỳ quái như những khối thạch nhũ trong hang động núi đá vôi. Hai bên bờ suối, nước đã kiến tạo cát thành những chiếc cột hoa mỹ, những bức phù điêu khổng lồ trải dài như một bức trường thành và luôn biến đổi.
Video đang HOT
Dưới đáy con suối là cát mịn màng. Đây là nguồn nước ngọt hiếm hoi ở vùng này. Điều kỳ lạ là dòng nước bắt đầu từ sa mạc cát. Những đồi cát mênh mông chạy dài hàng chục cây số thì nước ngọt quả là quý hiếm. Thế nhưng, bên dưới những đồi cát nóng bỏng ấy lại chứa một túi nước khổng lồ. Chẳng biết từ bao giờ, túi nước ấy bị “rò rỉ” chảy ra bên ngoài, tạo thành một dòng suối. Từ lâu, dân địa phương thấy kỳ lạ và liên tưởng đến những điều thần bí, siêu nhiên. Họ cho rằng, dòng nước này là của trời cho giữa sa mạc cát. Cái tên Suối Tiên xuất phát từ đó.
Dọc theo con suối, có nhiều lối đi lên những đồi cát. Cát được kiến tạo vô tình thành những chiếc cổng tự nhiên, nằm hai bên lối dẫn lên đồi cát. Đứng từ vị trí trên cao của đồi cát nhìn xuống, dòng suối thật nên thơ. Khung cảnh nơi đây không bao giờ làm cho du khách ngừng liên tưởng, so sánh. Ở nhiều góc tiếp cận khác nhau, du khách có một cảm giác lạ và hấp dẫn khác nhau về khung cảnh này. Mùa hè, chỉ có những hàng dừa và hoa lục bình điểm xuyến cho dòng suối. Đến mùa xuân, hoa anh đào nở, Suối Tiên như khoác lên mình chiếc áo mới đầy hương sắc. Những độ hoa bưởi, hoa chanh nở, đi giữa Suối Tiên mà khách như đang đi giữa một rừng hoa ngát hương. Không chỉ cảm nhận con suối thiên nhiên và kỳ bí này bằng mắt, bằng tay mà du khách còn cảm nhận thiên nhiên nơi đây bằng mũi.
Mỗi mùa, mỗi lúc, Suối Tiên có những cảnh vật khác nhau. Cảnh vật dọc theo suối hiện thay đổi. Khi mưa lớn kéo dài, nước là người thợ điêu khắc miệt mài làm việc cả ngày đêm để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo trên cát đầy ngẫu hứng. Vì thế, nếu không kịp ghi ảnh khi trở lại Suối Tiên lần sau, khách khó tìm được những khung cảnh cũ. Màu sắc của cát cũng đã tạo nên sự hấp dẫn, tô điểm cho khung cảnh thêm thơ, thêm mộng. Màu cam chỉ là lớp phủ ngoài bởi trong lòng đồi cát toàn cát có màu trắng, màu kem, thỉnh thoảng là lớp titan có màu sẫm. Màu sắc thiên nhiên, sự kiến tạo tự nhiên đã kết hợp hài hòa với nhau tạo một bức tranh sinh động làm xao lòng du khách.
Khám phá Suối Tiên, khách chỉ mất khoảng một giờ. Thế nhưng, không ít người bỏ thời gian cả ngày để tiếp cận Suối Tiên ở nhiều vị trí khác nhau. Có người hôm sau còn trở lại để khám phá tiếp. Suối Tiên sẽ mãi là điểm đến thú vị của du khách, là sản phẩm du lịch độc đáo để du khách đến Phan Thiết có thêm một lựa chọn ngoài biển xanh, cát trắng.
Khám phá thác trượt Tà Pứa - Bình Thuận
Nép mình bên cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ, thác trượt Tà Pứa có vẻ đẹp hoang sơ đến mê hoặc lòng người.
Đối với những người dân tỉnh Bình Thuận, thác trượt vốn là một cái tên không mấy xa lạ.
Khác với sự ồn ào của những con thác ở vùng cao Tây Nguyên, thác trượt Tà Pứa có độ dốc thoai thoải với dòng chảy nhẹ nhàng, uyển chuyển. Băng mình qua các khối đá bằng phẳng, liền kề như chiếc phản khổng lồ, dòng thác tạo nên một bàn trượt tự nhiên mà không có ở bất cứ nơi nào khác.
Cũng như hầu hết các thác khác của vùng đất này, thác trượt chưa được khai thác du lịch nên thác còn rất hoang sơ, nếu muốn vào thác, du khách phải gửi xe tại trạm kiểm lâm rồi men theo con đường đất nhỏ ẩn hiện trong màu xanh của cây và tre rừng. Thỉnh thoảng trên đường, vài mạch nước trong veo, con suối nhỏ với những viên đá cuội tròn lẳng khiến chuyến đi càng thú vị và nên thơ.
Cuối con đường, thác trượt hiện ra như một bức tranh thanh bình với nước, đá, và cây. Gọi là thác, nhưng thác trượt không có những dòng nước lao thẳng từ trên cao xuống, tạo nên âm thanh hào hùng, không có những màn hơi nước trắng xóa tạo những chiếc cầu vồng nhiều màu sắc dưới ánh mặt trời. Thác chỉ là những tảng đá bằng phẳng, dài khoảng 30m và dòng nước chảy nhẹ như không muốn phá vỡ không gian yên tĩnh của núi rừng. Bao xung quanh thác là rừng lá thấp cùng bãi đá nhiều màu rộng gần 1 héc ta.
So với mặt nước biển thì thác trượt nằm ở độ cao khoảng 200m. Cái đẹp của thác trượt nằm ở đỉnh thác, với những hòn đá nằm chỏng chơ xếp chồng lên nhau. Cũng như các dòng thác khác chịu ảnh hưởng của dòng suối tạo nên nó, đến đây, du khách có thể cảm nhận được tất cả sự thay đổi của thác tùy theo mùa. Vào mùa mưa, thác trông tuyệt đẹp với những dòng chảy tung bọt trắng xóa. Riêng thời điểm từ tháng 11 đến tháng 6 dương lịch thì chính là lúc tham quan thác tuyệt vời nhất, vào thời điểm này, nước chỉ là một màng mỏng chảy trên một phiến đá mà thôi. Tuy nhiên, khung cảnh xung quanh thác thì vô cùng đẹp, rừng núi bao quanh xanh mướt, có những cây cao to rất là xum xuê. Lại có những sợi dây leo dài, thòng xuống hình lưỡi câu như một cái xích đu. Dòng nước của thác vào mùa này rất thích hợp cho trò chơi trượt thác.
Nếu không thích trò chơi trượt thác, du khách có thể chọn cho mình ghềnh nước nhỏ nào đó, ngâm mình để cảm nhận được cái lạnh của dòng nước thượng nguồn, cái trong veo và thanh bình của khu rừng. Sau đó, nhóm bếp lửa, nướng hay chế biến những món ăn mang theo phục vụ cho cái bụng rỗng. Mùi khói, hơi ấm của lửa khiến nụ cười của mọi người như rạng rỡ hơn.
Nằm trên tuyến du lịch Sài Gòn - Đà Lạt - Bình Thuận với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cộng đồng các dân tộc thân thiện, hòa nhã, thác trượt Tà Pứa sẽ là điểm đến thú vị cho du khách vì đến đây du khách có thể tìm về với sự thanh thản và khỏe khoắn trong tâm hồn, bởi khung cảnh thiên nhiên hoang dã, và rừng núi xanh um rất thoáng đãng, chưa kể còn có thể nghe được tiếng nước chảy róc rách...
Nét đẹp huyền bí đồi cát Mũi Né - Phan Thiết Từ trung tâm thành phố Phan Thiết đi ra Hòn Rơm trên tuyến đường 706, du khách sẽ nhìn thấy những đồi cát tựa hoang mạc Sahara. Đồi cát Mũi Né. Ảnh: Ngọc Lân Dọc ven biển miền Trung của nước ta từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận, sự hình thành dải đồng bằng ven biển liên quan chặt chẽ với dãy...