Khám phá Sài Gòn qua những công trình kiến trúc Pháp cổ kính
Sài Gòn có rất nhiều công trình kiến trúc cổ, đặc biệt là kiến trúc kiểu Pháp rất đẹp mắt và có dấu ấn riêng, đang được bảo tồn và thu hút du khách tham quan.
Chợ Bến Thành nằm ở vị trí trung tâm Sài Gòn, được xem như biểu tượng của thành phố. Đây cũng là một trong những chợ lớn nhất thành phố và có hàng nghìn du khách đến đây tham quan, mua sắm mỗi ngày.
Gần chợ Bến Thành là toà nhà 3 tầng với màu vàng và ngói đỏ rất nổi bật, hiện là trụ sở của Công ty đường sắt Sài Gòn.
Đi dọc ra đường Võ Văn Kiệt, phía trên đầu hầm Thủ Thiêm, du khách dễ dàng bắt gặp kiến trúc độc đáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, chi nhánh phía Nam.
Qua khỏi cầu Khánh Hội nối quận 1 với quận 4, nhìn sang phía bờ sông, bạn sẽ thấy Bến Nhà Rồng, trước đây là văn phòng của một hãng vận chuyển Pháp. Cũng là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đầu thế kỷ 20, giờ là Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Sài Gòn.
Bến Nhà Rồng nhìn từ bờ Thủ Thiêm, quận 2. Gần đó là bến tàu du lịch với những nhà hàng nổi trên sông phục vụ những món ăn đặc sắc ba miền.
Cuối con phố đi bộ Nguyễn Huệ tính từ bờ sông là toà nhà của Uỷ ban nhân dân TP.HCM với kiến trúc Pháp rất đẹp và uy nghi. Trải qua hàng trăm năm công trình này vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có.
Một góc nhìn khác về phố đi bộ Nguyễn Huệ từ trên cao, chỗ treo quốc kỳ là UBND, toà nhà có ánh sáng vàng là khách sạn Rex, một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Sài Gòn.
Đi bộ băng qua khu vực công viên Lam Sơn cũ là Nhà hát lớn thành phố. Tòa nhà này được hoàn thành vào năm 1900 với nhiệm vụ chính là nơi tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật cũng như tổ chức những sự kiện lớn của thành phố. Mỗi tối rất đông du khách nước ngoài thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc tại đây.
Video đang HOT
Kế bên nhà hát lớn là khách sạn Continental Sài Gòn với kiến trúc cổ kính. Đây cũng là khách sạn cổ xưa nhất Sài Gòn với tuổi đời lên đến hàng trăm năm, từng đón tiếp rất nhiều nguyên thủ, chính khách từ khắp nơi trên thế giới.
Một góc Sài Gòn nhìn từ nhà hát lớn. Thành phố khi đêm về khoác lên mình chiếc áo màu sắc rực rỡ và năng động.
Bên hông khách sạn là đường Đồng Khởi, con đường sầm uất bậc nhất thành phố với hàng trăm cửa hàng, khách sạn, trung tâm mua sắm đẳng cấp. Du khách không thể bỏ qua con đường này khi ghé thăm Sài Gòn.
Góc nhìn trên cao xuống khu vực nhà hát lớn, khách sạn Continental, gần đó là khách sạn Caravelle, trung tâm thương mại Vincom…
Góc nhìn toàn cảnh về khu vực tập trung nhiều khách sạn 5 sao, các trung tâm mua sắm với tâm điểm là đường Đồng Khởi.
Qua phía bờ bên kia sông Sài Gòn, khu vực quận 2 là giáo xứ Thủ Thiêm, đây là cụm công trình kiến trúc kiểu Pháp rất cổ kính hàng trăm năm tuổi.
Từ phía bờ Thủ Thiêm du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Sài Gòn, đặc biệt lúc hoàng hôn.
Một địa điểm không thể bỏ qua với du khách chính là Bưu điện thành phố toạ lạc tại số 2 Công xã Paris. Bưu điện được người Pháp xây dựng trong khoảng thời gian 1886-1891 với kiến trúc phương Tây và phương Đông kết hợp.
Nhưng nếu phải kể tên một công trình kiến trúc Pháp nổi bật nhất ở Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà xứng đáng được nhắc đến đầu tiên. Nhà thờ nằm ở vị trí trung tâm thành phố, là điểm tham quan không thể bỏ qua với du khách.
Ngày 7/10/1887, giám mục Isidore Colombert đã đặt viên đá đầu tiên và sau 3 năm nhà thờ được khánh thành và đi vào hoạt động.
Năm 1895 nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và có 4 chuông đồng lớn. Trên đỉnh tháp có đính cây thánh giá cao 3,5 m và nặng tới 600 kg.
Nguyễn Hải Vinh
Theo Zing
Tiệm trà hơn 100 tuổi của cụ bà ở khu chợ Bến Thành
Giữa không gian sầm uất ở khu chợ Bến Thành, có một tiệm bán trà đã tồn tại suốt 104 năm qua ở ngay trung tâm Sài Gòn.
Nằm lọt thỏm giữa những cửa hàng sầm uất của dãy nhà cổ kính trên đường Phan Chu Trinh (cửa Tây chợ Bến Thành) là căn nhà số 13 khá đìu hiu vì không buôn bán gì. Nơi đây, trước kia vốn là một tiệm trà được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20.
Tiệm trà mang tên Ô Tòng Ký, hiện do bà Kha Quyên (84 tuổi) sở hữu. Bằng chất giọng Việt lơ lớ đặc trưng của những người Hoa, bà chia sẻ: "Tổ phụ tôi là người Trung Hoa, di cư sang Sài Gòn cách đây hơn một thế kỷ. Đến đời cha tôi thì mở tiệm trà này vào năm 1913, khi ấy chợ Bến Thành vẫn đang xây dựng".
Bà Quyên đã tuổi cao lại không gia đình, các con cháu cũng định cư nước ngoài nên tiệm trà đã đóng cửa hàng chục năm nay. Dù vậy, người chủ vẫn giữ nguyên vẹn không gian quán, các vật dụng, sinh hoạt có từ khi mới mở tiệm.
Những bộ bàn ghế, tấm bảng hiệu, kệ để hàng... vẫn còn nguyên vẹn, có tuổi đời ít nhất 50 năm. Nhìn không gian căn nhà cổ kính, bà Quyên tâm sự: "Hai dãy nhà bên hông chợ Bến Thành vốn của gia đình chú Hỏa. Sau thời Pháp thuộc, con đường được đổi tên thành Phan Chu Trinh nhưng số nhà vẫn không thay đổi suốt trăm năm qua. Căn nhà này tôi cũng chỉ thuê, mãi đến năm 1974 mới mua được".
Hiện tại, bà Quyên ở cùng cháu ngoại đã ngoài 50 tuổi. Nhìn những hộp đựng trà bằng kim loại, ông Minh (cháu ngoại) chia sẻ: "Ngày xưa người ta chỉ đựng trà trong hộp này. Khi ấy, dãy phố này bán đủ mặt hàng, có quán ăn, giải trí nhộn nhịp lắm. Họ gọi nguyên khu Bến Thành là chợ Sài Gòn. Cả chợ thì chỉ có nhà tôi bán trà".
Những hộp đựng trà bằng kim loại cỡ nhỏ, có in hình người sáng lập tiệm vẫn được giữ lại. Theo bà Quyên, ban đầu tiệm bán chủ yếu các loài trà Trung Quốc, sau có thêm trà Bảo Lộc, Lạng Sơn, trà con khỉ...
Thậm chí, cả túi giấy gói trà cách đây hơn nửa thế kỷ cũng được gia đình gìn giữ cẩn thận. Thời hoàng kim của tiệm là những năm 50 - 70 của thế kỷ trước. Sau giải phóng, tiệm hoạt động cầm chừng rồi lụi tàn dần do thời thế thay đổi.
Nhớ lại thời ấy, bà Quyên bồi hồi: "Cả nhà tôi ai cũng tập trung kinh doanh. Trà giao khắp nơi, nhiều nhất là vùng Biên Hòa. Hồi ấy, làm ăn phát đạt, cha tôi mua đến 3 căn nhà ở đường Trần Quốc Toàn (tức đường Ba Tháng Hai ngày nay) nhưng nay đã bán hết, chỉ còn đúng căn nhà này".
Ngoài bán trà, hồi ấy gia đình bà Quyên còn dành một không gian để bán rượu Tây, bánh trung thu, các loại kẹo mè, đậu phộng, mứt Tết. Toàn bộ các kệ hàng vẫn được giữ nguyên vẹn, đúng cách bày trí ngày xưa. Vào thời thịnh đạt nhất của Ô Tòng Ký, những ngày lễ Tết, hàng hóa chất kín cả khu vực bên trong nhà mới đủ cung cấp cho nhu cầu của khách mua.
Một trong những món đồ quý nhất trong tiệm là chiếc cân Thiên Bình, có từ khi mới mở quán. "Cả Sài Gòn giờ kiếm có khi không còn cái cân này. Nó cân không khi nào sai", bà Quyên nói.
Những quả cân, các đồng tiền cổ từ thời Pháp thuộc vẫn được lưu trữ. "Có nhiều người trong lẫn nước ngoài tới hỏi mua lại mấy món trong tiệm này như bộ cân hay mấy chục cái thùng đựng trà này rồi đó chứ. Tới cái tay nắm cửa tủ rượu này họ cũng hỏi mua nữa".
"Con hổ này cũng nằm im trong tủ kính ngót nửa thế kỷ rồi. Giờ mở cửa để vậy thôi chứ hầu như chẳng còn ai biết đến sự tồn tại của Ô Tòng Ký nữa", bà bùi ngùi.
Nhìn phố xá nhộn nhịp, những tòa cao ốc sang trọng ở trung tâm Sài Gòn, bà Quyên tâm sự: "Tôi giữ nguyên trạng tiệm dù không bán nữa để khi đi ra đi vào nhìn cũng đỡ hoài niệm. Những người ở đây ngày trước họ đi hết rồi. Thi thoảng, có những người từ xa về thăm, thấy mình còn ở đó, họ ghé lại uống ly nước trà cũng vui rồi".
Quỳnh Trần
Theo VNE
Vòng xoay trước chợ Bến Thành được phá bỏ để xây ga ngầm metro Để thi công nhà ga trung tâm Bến Thành (quận 1, TP HCM), vòng xoay Quách Thị Trang và trạm điều hành xe buýt ở trung tâm TP HCM sẽ bị phá bỏ. Vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành sẽ bị phá bỏ. Ảnh: Hữu Công. Ban Quản lý dự án 1 (phụ trách tuyến Bến Thành - Suối Tiên)...