Khám phá rừng dừa Bảy Mẫu (Quảng Nam)
Ở nơi “hội thủy” của 3 con sông lớn Thu Bồn, Trường Giang, Đế Võng, có một rừng dừa nước ngập mặn đang là điểm đến thú vị..
Sắc xanh trong vùng lõm
Cách khu phố cổ Hội An chừng 5km về phía đông, rừng dừa nước ngập mặn Bảy Mẫu (thuộc địa bàn thôn 2 và 3, xã Cẩm Thanh) được bao bọc bởi sông nước. Nước trải ra giữa mênh mông trời mây. Nơi đây từng là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến và là một trong những phần lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hội An – Cù Lao Chàm. Ông Trần Bừa, cán bộ cách mạng ở thôn 2, kể: “Nhờ địa hình kín đáo mà từ thời kháng Pháp, ta đã tổ chức lực lượng du kích địa phương đánh bại nhiều trận càn của địch”.
Từng bị giặc Pháp “cày trắng” nhưng với sức sống mãnh liệt, những ngọn dừa bị chặt đi lại mọc lên xanh. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng nhưng du kích địa phương đã dựa vào rừng dừa gây cho địch nhiều tổn thất. Sau Hiệp định Giơnevơ, giai đoạn khó khăn của cách mạng, rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành nơi che chở, trú ẩn cho nhiều cán bộ cách mạng của Thị ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam trong những đợt “tố cộng, diệt cộng”.
Đêm 27/9/1964, nhân dân Cẩm Thanh đã đứng lên nhất tề đồng khởi, rừng dừa Bảy Mẫu đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Với kế nghi binh dùng súng bẹ dừa và hành quân rầm rộ khiến địch hoang mang, hốt hoảng, quân ta đã đánh úp đồn phòng vệ dân sự, bắt gọn một trung đội nghĩa quân và nhiều tên ác ôn, tuyên bố giải phóng hoàn toàn Cẩm Thanh.
Bà Võ Thị Hóa, nguyên cán bộ du kích Cẩm Thanh, nhớ lại: “Sau 1965, dọc theo 2 tuyến của rừng dừa là hệ thống hầm hố, chướng ngại vật cản đường, hệ thống giao thông hào, các lớp hàng rào được xây dựng chằng chịt với các bãi chông tre, hầm chông để ngăn bước tiến của quân thù vào vùng giải phóng”. Nhằm tiêu diệt khu căn cứ địa này, Mỹ – ngụy đã tổ chức tấn công nhiều lần, kể cả dùng chất độc hóa học làm trụi lá rừng dừa. Nhưng bất chấp mọi thủ đoạn, căn cứ này vẫn gây ra nhiều tổn thất cho quân địch. Rừng dừa đã thực sự trở thành nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của Hội An và là bàn đạp để quân ta xuất kích tiến đánh nội ô Hội An, làm nên những trận thắng lừng lẫy.
Video đang HOT
Khám phá
Rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ là khu di tích có giá trị lịch sử đặc biệt, đây còn là vùng sinh thái độc đáo với hệ rừng ngập nước có thắng cảnh hữu tình. Trước những năm 1980, rừng dừa trải rộng trên các thôn 1, 2, 3, 8 của xã Cẩm Thanh với diện tích lên tới hàng trăm héc ta. Ngày nay, tuy đã bị thu hẹp chỉ còn 58ha nhưng rừng dừa vẫn là nét đặc trưng hiếm có ở vùng sông nước. Ông Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý – bảo tồn di tích Hội An cho biết: “Thành phố đã đề nghị công nhận khu di tích này và có kế hoạch quản lý, bảo tồn nghiêm ngặt. Đây còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học với nhiều đặc điểm độc đáo và hiếm có”.
Tại vùng này, trên các cồn gò và các vực nước chung quanh có hệ sinh thái cỏ biển. Đây còn là nơi cư trú, sinh sống của nhiều loài động vật biển giá trị, nhất là các loài tôm, cua, ghẹ và động vật thân mềm. Các thảm cỏ biển là nơi sinh sống và bắt mồi của nhiều loài hải sản. Các hệ sinh thái ngập mặn này còn đóng vai trò như một máy lọc sinh học, tích tụ và phân hủy chất thải, làm trong sạch nguồn nước trước khi về với biển. Năm ngoái, UNESCO đã công nhận Hội An – Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có hệ sinh thái vùng ngập mặn thuộc hạ lưu sông Thu Bồn này.
Khai thác du lịch ở vùng sinh thái này phải phù hợp với tiêu chí thân thiện, gần gũi với môi trường. Du khách vừa khám phá hệ sinh thái ngập nước của rừng dừa, bơi thuyền thúng, đạp xe đạp hoặc câu cá trong rừng dừa vừa tham gia thu gom rác thải, góp phần bảo vệ môi trường. “Năm năm trở lại đây, một số doanh nghiệp đã tổ chức khai thác tour du lịch khám phá rừng dừa này. Vấn đề đặt ra là công tác quản lý di tích và khai thác du lịch phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp” – bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại – du lịch Hội An khẳng định
Chùa thiêng trên đảo Cù Lao Chàm
Từ Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam nếu bạn muốn khám phá đảo Cù Lao Chàm, phương tiện thuận tiện nhất là tàu siêu tốc hành trình khoảng 20 phút, nếu đi bằng thuyền gỗ mất khoảng 60 phút.
Năm 2009, Cù Lao Chàm trở thành điểm đến ưu thích của nhiều du khách khi khu vực này được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nằm trong khu vực này có chùa Hải Tạng. Ngoài việc phục vụ nhu cầu tâm linh, chùa Hải Tạng còn là chứng tích khẳng định chủ quyền lãnh thổ và là địa điểm tham quan kỳ thú cho du khách.
Tượng Phật Bà Quan Âm nhìn từ mặt trước ngôi chùa. Ảnh: Văn Sơn
Theo cuốn Di tích và Danh thắng Quảng Nam (Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam, năm 2006): "Cù Lao Chàm từng tồn tại một cảng rất cổ để tàu thuyền ngoại quốc của các nước như Bồ Đào Nha, Trung Hoa, Nhật Bản... đổ hàng vào Trà Nhiêu, Hội An (Quảng Nam) mà trên đó, còn có một ngôi chùa thờ Phật nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân trên đảo và cho thương thuyền các nước ghé vào trú tránh bão và hành lễ, cầu nguyện...".
Từ nhà sinh hoạt văn hóa thôn Bãi Làng, men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo chừng 300m là đến xóm Cấm, nơi có chùa Hải Tạng uy nghi, cổ kính. Đến thăm chùa Hải Tạng, thế nào bạn cũng đi qua cổng tam quan đầy rêu phong nhuộm màu thời gian.
Tam quan với lối kiến trúc xưa gồm 4 trụ biểu, chóp trụ có khối hình hoa sen cao 5m, rộng 1,5m. Tam quan được chia làm 3 cổng, với 2 lối vào nhỏ và 1 lối vào lớn được thiết kế theo kiểu mái vòm, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển và bên trên lợp ngói âm dương. Kết nối cổng tam quan là bức tường thành bằng đá bao bọc xung quanh được thiết kế trang nhã với những đường nét hoa văn gọn gàng bao quanh lấy khu vực và cả khuôn viên của ngôi chùa. Phía trước chùa là tượng Phật Bà Quan Âm đứng trên đài sen giữa lòng hồ sen nhỏ. Mặt hướng về phía Biển Đông như che chở cho cuộc sống an lành của những ngư dân nơi đây.
Sau khi làm lễ thắp hương tại tượng Phật Bà, từ đây, du khách có thể vào tham quan ngôi chùa để trải nghiệm lòng mình với Phật. Khuôn viên chùa Hải Tạng không quá bề thế. Chánh điện nằm giữa khu đất, nhà tổ nối tiếp ngay sau chánh điện và có diện tích nhỏ hẹp. Phía tả chánh điện là tăng phòng, hữu là nhà khách nằm vuông góc. Tất cả đều là nhà cấp bốn mà không phải dựng tầng lầu như thường thấy ở các chùa trên đất liền. Một phương đình làm nơi dừng chân của du khách, cách khu nhà khách chừng 5m về phía trước. Gần phương đình có một miếu Bà nhỏ, thờ Ngũ Hành tiên nương.
Bên trong ngôi chùa còn khá nguyên vẹn. Chánh điện có diện tích khoảng 180m2 nằm chính giữa khuôn viên chùa. Lầu chuông và lầu trống nằm hai bên tả, hữu hiên, dựng kiểu "trùng thiềm", bên trong đặt trống và đại hồng chung. Riêng tượng Hộ pháp đặt ở nội thất mà không phải ở hai đầu hồi hiên như thường thấy ở đa phần chùa Quảng Nam. Ở mái hiên, dép hoành cách điệu với hình lồng đèn, thân chạm hình hoa lá, đầu là những cánh sen lật đỡ thẳng lên đòn tay, dưới chạm nổi hình đầu rồng. Hệ thống cửa, "thượng song hạ bản", gồm 3 bộ, mỗi bộ 4 cánh ngăn không gian bên ngoài với không gian nội thất.
Nội thất chùa khá hoành tráng là nhờ hệ thống hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng, uy nghiêm, lớp lang huyền ảo thiêng liêng và hệ thống tượng thờ đồ sộ, đa dạng trên những bàn hương án tả hữu. Nổi bật là bộ Tam thế gồm 3 tượng Phật. Kế đến là tượng Phật Thích Ca ngồi trên đài sen. Đặc biệt, trong chùa hiện vẫn còn lưu giữ một quả Đại Hồng chung rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa. Trên chuông có một con rồng mang phong cách những năm đầu thời Lê sơ. Có nhiều ý kiến cho rằng, quả chuông ở chùa Hải Tạng có thể có niên đại trước cả thời điểm xây dựng chùa.
Cũng theo cuốn Di tích và Danh thắng Quảng Nam: "Cùng với sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong, chùa Hải Tạng là một ngôi cổ tự biểu tượng kiến trúc văn hóa Phật giáo độc đáo tiêu biểu trên đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam và cho cả vùng đất thiêng liêng nằm về phía Đông của Tổ quốc Việt Nam. Chùa Hải Tạng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ XIX (1758). Sau đó, do có bão lớn làm hư hại nặng, chùa được dời về vị trí như hiện nay vào năm Tự Đức Nguyên niên (1848). Chùa Hải Tạng thuộc hệ phái Phật giáo Đại thừa, là công trình khá đẹp, có quy mô lớn với kiến trúc kiểu "chồng rường giả thủ" chia 3 gian 2 lòng, có hậu tẩm, kết cấu vì kèo gỗ và các chi tiết kiến trúc được chạm trổ công phu. Chùa Hải Tạng thờ Phật và Thánh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân trong vùng và cũng là nơi thương thuyền các nước tín ngưỡng Phật giáo ghé vào hành lễ, cầu nguyện cho chuyến đi biển được thuận lợi".
Theo lời kể của các bậc cao niên ngụ cư ở thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp trên Cù Lao Chàm: "Tương truyền, các cây cột được vận chuyển từ ngoài Bắc đem vào làm một chùa nào đó trong Nam, nhưng khi đi ngang Cù Lao Chàm, trời tối nên phải neo thuyền nghỉ lại. Sáng ra, thuyền tiếp tục lên đường, nhưng thật lạ, biển tự dưng sóng dậy, thuyền cứ xoay tròn, lòng vòng không đi ra khỏi Cù Lao Chàm được. Sau có người trong đoàn lên cúng, xin keo cho hay, số gỗ này không được đem đi mà phải để lại dựng chùa trên đất Cù Lao Chàm. Vì thế, chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng. Chùa Hải Tạng được gắn với nhiều truyền thuyết hay và tên chữ Hải Tạng mang hàm ý đẹp: Kinh Tạng của nhà Phật. Hoặc theo đó, tên Hải Tạng còn được lý giải: Hải là biển, Tạng là Tam Tạng kinh điển. Với ý nghĩa chùa Hải Tạng là nơi hội tụ kinh Tam Tạng mênh mông như biển cả".
Chùa Hải Tạng tọa lạc sát sườn núi phía Tây thuộc đảo Hòn Lao, nằm ở xóm Cấm, thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp (thành phố Hội An), phía sau tựa vào núi, phía trước là một không gian rộng lớn, có đồng ruộng và cây xanh ngút ngàn, tạo nên một bức tranh yên bình của làng quê Việt Nam. Cảnh sắc Cù Lao Chàm vẫn còn giữ được vẻ hiền hòa, thuần khiết và nhuốm màu hoang sơ, kỳ bí trong quần thể di tích cổ xưa. Sự hài hòa giữa thiên nhiên và vẻ đẹp tự nhiên, cùng với sự có mặt của ngôi chùa với lối kiến trúc độc đáo đã đi vào tâm thức của bao người dân, nó còn là một địa chỉ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Hội An (Quảng Nam) và thêm một minh chứng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Khám phá "Miền Tây giữa lòng phố Hội" Đến Hội An, du khách không chỉ được khám phá một Di sản Văn hóa thế giới với những khu phố cổ yên bình, mà còn có dịp khám phá những điều vô cùng thú vị tại Khu Di tích lịch sử văn hoá Rừng dừa Bảy Mẫu - nơi được ví như là "Miền Tây trong lòng phố Hội". Trong công cuộc...