Khám phá ôtô có thể bay ở độ cao 2.500 mét, vận tốc 190 km/h
Công ty KleinVision ở Slovakia vừa trình làng ôtô bay mang tên AirCar. Chiếc xe này có thể bay ở độ cao 2.500 mét, đạt vận tốc 190 km/h.
AirCar nguyên mẫu 1 được trang bị 1 cánh quạt cố định cùng động cơ BMW 160 mã lực. Nhờ đó, nó có thể bay ở độ cao 2.500 mét với vận tốc tối đa 190 km/h. AirCar sử dụng động cơ xăng, có thể chở được 2 ngời.
AirCar nguyên mẫu 1.
Công ty KleinVision cho biết, AirCar đã hoàn thành hơn 40 giờ bay thử nghiệm dưới sự giám sát của Cục Hàng không Dân dụng Slovakia. Phương tiện này rất phù hợp để làm taxi thương mại, cho thuê tự lái…
Dự kiến, trong vòng 1 năm tới, KleinVision sẽ trình làng AirCar nguyên mẫu 2 với động cơ 300 mã lực, đạt tốc độ tối đa 300 km/h với tầm hoạt động 1.000 km. Đến thời điểm này, KleinVision vẫn chưa hé lộ thời điểm thương mại hoá AirCar.
Cuộc đua phát triển ôtô bay của thung lũng Silicon
Nhiều công ty dành cả thập kỷ phát triển các dòng xe bay an toàn và dễ điều khiển, có mức giá phải chăng để ai cũng có thể tiếp cận.
Một phương tiện bay được thiết kế với kiểu dáng đẹp, hình nón, và một chút hơi hướng viễn tưởng. Đó không phải là một chiếc trực thăng, cũng không phải là một chiếc máy bay. Nó là một loại phương tiện lai, với thân tàu cong, hai cánh ngắn và tám cánh quạt xếp trên mũi và đuôi.
Marcus Leng, nhà phát minh người Canada đã thiết kế ra máy bay BlackFly, cho biết: "Nó có thể giống một con quái vật kỳ lạ, nhưng nó sẽ thay đổi cách thức con người di chuyển".
Marcus Leng, CEO của Opener, tại trụ sở chính ở California.
Video đang HOT
BlackFly thường được gọi là ôtô bay, loại phương tiện điện có thể cất, hạ cánh mà không cần đường băng. Các kỹ sư tin rằng những phương tiện loại này sẽ rẻ hơn và an toàn hơn máy bay trực thăng, từ đó cung cấp cho bất kỳ ai một phương tiện tốc độ cao mà không phụ thuộc vào những con phố đông đúc, chật chội.
Sebastian Thrun, một kỹ sư phát triển ôtô bay, cho biết: "Ước mơ của chúng tôi là giải phóng thế giới khỏi giao thông đường bộ".
Mặc dù hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng giấc mơ đó là một chặng đường dài so với hiện thực, nhiều ý tưởng và đột phá công nghệ mới đang rút ngắn mục tiêu này. Hiện hàng chục công ty tại thung lũng Silicon đang nghiên cứu chế tạo những chiếc máy bay này, gần đây đã có 3 công ty niêm yết thành công với tổng giá trị thương vụ lên tới 6 tỷ USD. Trong nhiều năm, những người như ông Leng và ông Thrun đã phải giữ bí mật các nguyên mẫu của mình với phần còn lại của thế giới, nhưng giờ đây họ đang bắt đầu vén bức màn tiết lộ nhiều hơn về sản phẩm xe bay.
Công ty của Leng, Opener, đang chế tạo một phương tiện bay cá nhân để sử dụng ở các vùng nông thôn và có thể bắt đầu bán ra trong năm nay. Những công ty khác chọn hướng phát triển các phương tiện lớn với hy vọng triển khai dịch vụ taxi hàng không trong thành phố sớm nhất vào năm 2024 - một Uber trên bầu trời. Một số khác lại tập trung vào thiết kế phương tiện bay có thể hoạt động mà không cần phi công.
Một trong những công ty taxi bay hàng đầu tại thung lũng Silicon, Kitty Hawk, được điều hành bởi Thrun, giáo sư khoa học máy tính của Đại học Stanford, và cũng là người đã thành lập dự án xe hơi tự lái của Google. Ông cho rằng hệ thống tự lái trên không sẽ mạnh hơn nhiều so với dưới mặt đất và nó sẽ đi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta sớm hơn nhiều.
Đó là một sự so sánh đầy rủi ro và thách thức, bởi Google và các công ty phát triển ôtô tự lái khác chưa hề đưa ra lời hứa nào về viễn cảnh taxi robot sẽ chạy quanh các thành phố của chúng ta. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được các nhà đầu tư và các công ty vận tải đổ hàng tỷ USD vào ôtô bay.
Miền Tây hoang dã của ngành hàng không
Một buổi tối năm 2009, Larry Page, nhà đồng sáng lập Google, đưa cho Sebastian Thrun xem một bảng tính chi chít những con số mô tả sự phát triển của động cơ điện và pin sạc. Thời điểm đó, nhiều công ty đã chế tạo máy bay không người lái nhỏ với động cơ và pin, nhưng khi ngồi dùng bữa với Thrun, Larry Page tin rằng họ có thể tiến xa hơn thế.
Thrun chỉ mới khởi động dự án ôtô tự lái của Google vào năm đó, nhưng ông chủ của ông đã có một ý tưởng thậm chí còn khó tin hơn: ôtô có thể bay. Cặp đôi bắt đầu gặp gỡ thường xuyên với các kỹ sư hàng không vũ trụ bên trong một tòa nhà văn phòng ngay gần trụ sở Google ở Mountain View, California.
Những cuộc họp thường chỉ là những buổi trao đổi ý tưởng tự do, nhưng cuối cùng nó đã dẫn đến cam kết hàng tỷ USD để tái định nghĩa phương tiện di chuyển hàng ngày. Page đã đầu tư tiền vào nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ôtô bay, bao gồm Opener và Kitty Hawk.
Mark Moore, một cựu kỹ sư NASA, nói: "Đó là miền Tây hoang dã của ngành hàng không. Đó là thời điểm của sự thay đổi nhanh chóng, những bước chuyển mình lớn và số tiền lớn".
BlackFly được chính phủ Mỹ xếp vào loại hàng không siêu nhẹ, vì vậy nó không cần sự chấp thuận của cơ quan quản lý trước khi được bán. Nhưng một phương tiện bay siêu nhẹ lại không thể di chuyển qua các thành phố hoặc các khu vực đông dân khác.
Hiện để đảm bảo an toàn, Opener thực hiện hầu hết các thử nghiệm của BlackFly mà không cần người lái trên máy bay. Nhưng khi được bán ra, BlackFly sẽ có buồng lái một người và phi công có thể học cách bay thông qua mô phỏng thực tế ảo hoặc dịch vụ lái tự động theo lệnh.
Với khả năng bay khoảng 40km cho một lần sạc, trải nghiệm di chuyển bằng Blackfly được đánh giá là phấn khích và giống như lái một chiếc Tesla trên bầu trời. Leng coi tất cả những điều này là một bước tiến tới tương lai nơi những chiếc ôtô bay là điều phổ biến. "Tôi luôn có một ước mơ rằng chúng ta có thể có được tự do ba chiều không bị ràng buộc, chúng ta có thể cất cánh và bay xung quanh như loài chim", Leng nói.
Ban đầu, BlackFly sẽ đắt hơn nhiều so với một chiếc xe ôtô bình thường (có lẽ từ 150.000 USD trở lên). Sự kết hợp giữa tuổi thọ pin và quãng đường đi được cũng chưa đủ thỏa mãn nhu cầu của hầu hết mọi người về lộ trình đi làm hàng ngày.
Nhưng Leng tin rằng công nghệ này sẽ được cải thiện, giá ôtô bay sẽ giảm xuống còn bằng một chiếc SUV và thế giới cuối cùng sẽ đón nhận ý tưởng ôtô bay trong đô thị. Ông so sánh BlackFly với một phát minh khác của mình: một loại đệm mút tự uốn theo cơ thể khi bạn ngồi lên. Ban đầu Leng không biết nó sẽ làm được gì, nhưng loại "đệm ghi nhớ hình dạng" này hiện đang được sử dụng ở nhiều loại ghế văn phòng, ghế xe hơi và nệm. Theo cách tương tự, ông không chắc BlackFly sẽ hoạt động như thế nào trong cuộc sống hàng ngày, nhưng Leng tự tin về khả năng.
Những người khác trong lĩnh vực này tỏ ra hoài nghi. Họ ước tính sẽ mất nhiều năm - hoặc thậm chí nhiều thập kỷ - trước khi các cơ quan quản lý cho phép một phương tiện như vậy bay ở các thành phố.
Sẽ mất nhiều thời gian hơn mọi người nghĩ
Ngoài những rào cản về quy định, phương tiện ôtô bay trong môi trường đô thị thực tế rất khó tìm điểm hạ cánh và gặp khó khăn khi di chuyển bởi hệ thống đường dây điện và các máy bay bay thấp khác.
Ngoài ra còn có yếu tố tiếng ồn, một đặc điểm nổi trội khi so sánh với máy bay trực thăng sử dụng động cơ đốt trong. Ngồi cách chiếc xe vài chục mét, Thrun khoe về việc máy bay chạy êm, nhưng khi nó cất cánh, ông không còn cách nào khác ngoài việc ngừng nói. Không thể nghe thấy Thrun qua tiếng của cánh quạt.
Mặc dù vậy, Thrun cho biết Kitty Hawk sẽ xây dựng một dịch vụ gọi xe giống như Uber. Tuy nhiên, giá bán của Heaviside thậm chí còn đắt hơn BlackFly với chi phí sản xuất khoảng 300.000 USD. Nhưng với dịch vụ gọi xe, các công ty có thể chia chi phí cho nhiều hành khách.
CEO của Kitty Hawk, Sebastian Thrun, với nguyên mẫu Heaviside. Ảnh: New York Times.
Giống như BlackFly, Heaviside chỉ cung cấp một chỗ ngồi, nhưng các phiên bản trong tương lai sẽ cung cấp ghế thứ hai và khả năng tự hành. Thrun cho biết, bằng cách sản xuất hàng loạt một chiếc máy bay hai chỗ ngồi và chia sẻ phương tiện cho nhiều người lái, cuối cùng công ty có thể giảm chi phí mỗi dặm xuống mức ngang bằng với ôtô ngày nay.
Nhiều người tin rằng đây là cách những chiếc ôtô bay sẽ hoạt động: như một chiếc taxi, không cần phi công. Về lâu dài, họ cho rằng việc tìm kiếm và trả lương cho các phi công sẽ quá đắt.
Một sản phẩm như vậy về mặt kỹ thuật là có thể thực hiện được ngày nay. Kitty Hawk đang thử nghiệm chuyến bay tự hành. Nhưng một lần nữa, việc thuyết phục các cơ quan quản lý về ý tưởng này là điều không hề đơn giản. Cục Hàng không Liên bang thậm chí chưa bao giờ phê duyệt máy bay điện, huống chi taxi bay tự hành. Các công ty cho biết họ đang thảo luận về các phương pháp chứng nhận mới với các cơ quan quản lý, nhưng vẫn chưa rõ việc này sẽ tiến triển như thế nào.
"Sẽ mất nhiều thời gian hơn mọi người nghĩ", Ilan Kroo, Giáo sư Stanford, người từng là giám đốc điều hành của Kitty Hawk, cho biết. "Còn rất nhiều việc phải làm trước khi các cơ quan quản lý chấp nhận những phương tiện này là an toàn".
Khi Uber gặp Tesla trên không
Không ai bay bằng một chiếc taxi điện trong năm nay, hoặc năm sau. Nhưng một số thành phố đang chuẩn bị sớm cho điều này vào năm 2024.
Tại một cánh đồng ở California không xa nơi Kitty Hawk và Opener đang thử nghiệm nguyên mẫu, Joby Aviation gần đây đã thử nghiệm nguyên mẫu mang tên Joby Aircraft. Phương tiện này dự kiến được công ty triển khai thương mại vào năm 2024 tại Los Angeles hoặc Miami. Joby cũng đang lên kế hoạch cho dịch vụ taxi bay kèm phi công.
Joby tin rằng các cơ quan quản lý khó có thể sớm phê duyệt loại hình bay tự hành. Chủ tịch điều hành của công ty, Paul Sciarra, cho biết: "Cách tiếp cận của chúng tôi giống Tesla hơn là Waymo. Chúng tôi muốn đưa ra một cái gì đó dần dần trên con đường để tự hành hoàn toàn".
Để hỗ trợ cho những kế hoạch này, Joby đã hợp tác với Toyota để sản xuất máy bay và mua lại Uber Elevate, dự án taxi bay của "gã khổng lồ" gọi xe. Trong những tháng tới, Joby có kế hoạch sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt, hay SPAC, và tổ chức IPO với mức giá ước tính 6,6 tỷ USD.
Sau khi ra mắt ôtô bay tại một thành phố, công ty cho biết sẽ nhanh chóng mở rộng sang các thành phố khác, mang lại doanh thu 2 tỷ USD và lợi nhuận gộp hơn 1 tỷ USD trong vòng hai năm. Cho đến lúc đó, Joby sẽ mất hơn 150 triệu USD mỗi năm cho việc duy trì nghiên cứu.
Reid Hoffman, nhà đầu tư mạo hiểm và đồng sáng lập LinkedIn, ngưỡng mộ yếu tố đột phá của chiếc xe. "Giống như Uber gặp Tesla trên không vậy", ông nói. Nhưng ông bị thu hút nhiều nhất bởi tiềm năng của công ty trong việc quy hoạch lại kiến trúc thành phố, tuyến đường và giải quyết vấn đề tắc nghẽn cho người dân.
Trong số ba công ty sắp IPO, Joby là hãng duy nhất có nguyên mẫu thành công. Cả hai đối thủ của nó đều đang phải đối mặt với những vấn đề về công nghệ. Một công ty đang bị kiện với cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ, công ty còn lại gần đây đã bỏ nguyên mẫu vì cháy pin.
Một số người tin rằng ngay cả khi có phi công trong buồng lái, các công ty này sẽ khó có thể tung ra các dịch vụ vào năm 2024. "Có một khoảng cách lớn giữa việc sản xuất được ôtô bay và sẵn sàng có doanh thu", Dan Patt, người làm việc về công nghệ ôtô bay tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết.
Ôtô bay có thể tiếp cận thị trường trong vài năm tới. Nhưng chúng sẽ không giống như những phương tiện chúng ta tưởng tượng. Nhiều khả năng, chúng sẽ hoạt động giống như trực thăng, với phi công đưa người từ địa điểm này tới địa điểm khác. Chúng sẽ xanh hơn máy bay trực thăng và ít phải bảo dưỡng. Chúng sẽ yên tĩnh hơn một chút, và cuối cùng có thể rẻ hơn.
Sân bay dành cho taxi bay ở Anh Dự án sân bay dành cho ôtô bay tại thành phố Coventry của Anh sẽ nhận nguồn vốn 1,65 triệu USD từ chính phủ Anh.