Khám phá một số thác nước đẹp ở Kon Tum
Do địa hình chia cắt mạnh, Kon Tum có nhiều thác nước đẹp. Mỗi thác nước là một điểm đến hấp dẫn, thú vị trong hành trình khám phá mảnh đất này trên “Con đường xanh Tây Nguyên”.
Thác Siu Puông, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: NB
Một trong những món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho đại ngàn Kon Tum đó là thác Siu Puông ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông. Thác nằm ở độ cao 1.524m so với mực nước biển, giữa núi rừng hùng vĩ. Chiều cao thẳng đứng từ đỉnh thác đến chân thác ước chừng 140m với có 5 tầng chính theo hình zíc zắc nhau. Bề rộng phần nước chảy của thác tùy thuộc vào mùa mưa hay mùa khô, mùa nước chảy nhiều nhất vào khoảng tháng 10, lúc này bề rộng con thác đạt khoảng 30m. Vì toàn bộ thượng nguồn của thác là rừng nguyên sinh và chưa có sự xâm hại nào nên nguồn nước ở đây trong vắt, mát lạnh quanh năm. Mặc dù đường đi đến thác còn nhiều khó khăn, bất tiện nhưng thật mãn nhãn khi tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm tuyệt vời này của thiên nhiên.
Thác Đăk Chè
Là một thác nước tuyệt đẹp khác mà thượng nguồn là những cánh rừng thuộc khối núi Ngọc Linh, nằm cạnh đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, cách trung tâm huyện gần 25km. Đây là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách khi đi tuyến bắc nam trên cung đường Hồ Chí Minh hoặc xe khách, xe tải có thể dừng nơi này để nghỉ ngơi kiểm tra lại xe và ngắm cảnh thác nước trắng xóa đổ xuống từ trên cao như một liệu pháp giải tỏa mọi mệt mỏi sau những chặn đường dài.
Thác Đăk Bru
Thác Bru, xã Ngọk Linh, huyện Đăk Glei. Ảnh: NB
Xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei không chỉ được biết đến là nơi sinh sống bao đời nay của đồng bào dân tộc Xơ Đăng với những ngôi làng ở lưng chừng núi quanh năm mây trắng bao phủ và cánh đồng ruộng bậc thang trùng điệp mà còn có một con thác rất đẹp, dân làng ở đây gọi là thác Đăk Bru. Thác cao chừng 20 mét, dòng nước ở đây trong xanh quanh năm. Phía dưới chân thác là những tảng đá lớn nổi vân do dòng nước bào mòn theo thời gian. Vào mỗi buổi chiều, người dân các làng xung quanh thường kéo về đây để tắm và giặt giũ. Đặc biệt, phía trên đầu thác và dưới chân thác là những thửa ruộng bậc thang nên khi mùa lúa chín sẽ tạo nên một khung cảnh nên thơ, làm cho bất cứ ai khi đến đây đều muốn lưu lại cho mình những khoảnh khắc đẹp.
Thác Y Hai
Thác Y Hai, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: NB
Từ xã Ngọc Linh dọc theo Tỉnh lộ 673 về xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, đoạn giáp với Tỉnh lộ 672, chúng ta có thể nhìn thấy một dòng thác trắng xóa đổ xuống từ ngọn núi cao vút, đó là thác Y Hai. Phía trên đỉnh thác là Khu Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy Kon Tum với những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm và phía dưới là đồng ruộng bậc thang uốn lượn, xếp chồng lên nhau, tạo nên một bức tranh thủy mặc nơi đại ngàn hùng vĩ.
Thác Tea Prông
Ngoài thác Siu Puông, Y Hai, huyện Tu Mơ Rông còn một thác nước nổi tiếng khác được nhiều người dân trong vùng biết đến là thác Tea Prông ở làng Đăk Chum 2, xã Tu Mơ Rông. Thác nằm cách Tỉnh lộ 672 chừng 500 mét nên có thể nghe tiếng nước chảy khi từ tỉnh lộ rẽ vào con đường đất nhỏ đến thác. Vừa lúc đi qua hết đoạn những bụi cây lô ô đan xen nhau, chúng ta có một cảm giác vỡ òa khi trước mắt là một dòng nước trắng xóa tuôn trào giữa bốn bề cây rừng, đem lại cảm trong trẻo, yên bình đến ngỡ ngàng. Vì hình thành trên địa hình dốc cao, có nhiều vị trí tạo thành các tầng nước khác nhau nên còn được gọi là thác “đa tầng”.
Thác Đăk Pe
Video đang HOT
Thác Đăk Pe, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà. Ảnh: NB
Đăk Pe là một thác nước đẹp nằm cách trung tâm huyện Đăk Hà khoảng 30km về phía Bắc. Từ Tỉnh lộ 677 rẽ vào con đường bê tông nhỏ qua thôn 10, xã Đăk Pxi khoảng 2,5km, len lỏi qua những ngôi nhà của người Xơ Đăng và những rẫy mì, ruộng bậc thang là đến khu vực thác. Do cấu tạo địa hình núi cao, chia cắt mạnh nên khi dòng suối Đăk Tia chảy đến đây thì đổ ào xuống theo những ghềnh đá tạo nên một thác nước đa tầng mềm mại, uyển chuyển. Lối vào thác cũng rất nên thơ, mát rượi, uốn lượn qua những hàng lô ô che bóng mọc đan xen hai bên bờ suối. Nhờ rừng ở thượng nguồn được gìn giữ mà lưu lượng nước ở đây ổn định quanh năm. Khu vực quanh thác còn vắng vẻ, hoang sơ chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc sống hiện đại, có thể nghe những âm thanh trầm hùng của dòng nước vang vọng từ rất xa. Phải nói rằng, thác Đăk Pe là một món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đăk Pxi và cho những ai yêu thích chinh phục, khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên đến thưởng ngoạn cảnh quan yên bình, tận hưởng không khí trong lành mát mẻ rất đặc trưng của rừng núi Tây Nguyên.
Thác Khỉ
Thác Khỉ, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy. Ảnh: NB
Một thác nước được nhiều du khách đến tham quan trong thời gian gần đây đó là thác Khỉ. Thác nằm sâu trong rừng thuộc Khu bảo tồn Chư Mom Ray địa phận xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy. Cái tên thác Khỉ khá đặc biệt này có nguồn xuất phát từ việc đây là nơi sinh sống quần cư của nhiều loài linh trưởng. Chúng thường tập trung tại đây tìm kiếm các loại quả rừng để ăn, nô đùa vua chơi và uống nước tại thác. Vốn không có được sự hoành tráng và hùng vĩ như những thác nước khác nhưng thác Khỉ được nhiều bạn trẻ tìm đến để chinh phục, khám phá vì không quá xa thành phố Kon Tum và quanh khu vực thác có những điểm thích hợp để tổ chức các hoạt động picnic, dã ngoại, tìm hiểu về các loại động thực vật nơi đây.
Thác Mơ
Ngay tại thành phố Kon Tum cũng có một thác nước hết sức nên thơ hữu tình nhưng ít người biết đến đó là thác Mơ ở xã Hòa Bình. Sở dĩ ít người biết là vì thác chỉ có nước từ tháng 5-11 hàng năm, các tháng còn lại ở nơi đây chỉ là một dòng suối đá khô cằn, trơ trọi. Thác Mơ gồm có 2 thác nhỏ nằm gần nhau mà thượng nguồn là những ngọn đồi thuộc dãy núi Chư H’reng.
Ghềnh đá Kon S’kôi
Ghềnh đá Kon S’Kôi. Ảnh: NB
Ngược dòng Đăk Bla – dòng sông được hình thành bởi sự hợp lưu của ba con sông nhỏ ở phía Đông là sông Đăk Pne, sông Đăk Kôi và sông Đăk S’nghé, có nhiều thác nước còn hoang sơ, thơ mộng, hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên trở thành địa điểm được các tín đồ xê dịch yêu thích. Ngay điểm hợp lưu của các con sông để trở thành dòng Đăk Bla có một ghềnh đá rộng, trải dài với nhiều thác nước liên liếp nhau, đó là ghềnh đá Kon S’kôi. Những thác nước trắng xóa nằm đan xen giữa mênh mông ghềnh đá và điểm lên là cây rừng xanh tươi tạo nên một khung cảnh yên bình, mát lạnh. Người dân làng Kon S’kôi thường qua lại nơi này trên những chiếc thuyền độc mộc, đánh bắt tôm cá và tắm mát hàng ngày càng làm cho ghềnh đá Kon S’kôi thêm phần nên thơ, gần gũi.
Thác Bring
Thác Bring, xã Đăk Tơ Lùng, huyện Kon Rẫy. Ảnh: NB
Từ Quốc lộ 24, rẽ vào Tỉnh lộ 677 khoảng 12km đến xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy rồi rẽ trái men theo con đường bê tông ta sẽ vào thác Bring. Thác Bring gồm 2 tầng, tầng trên cao chừng 60 mét, tầng dưới thấp hơn và tại đây dòng nước chia ra thành 2 dòng trước khi đổ xuống một cái hồ nhỏ. Xung quanh thác được bao bọc bởi những “bức tường” cây xanh ngát, che khuất cả tầm mắt tạo cho khung cảnh thêm phần kỳ bí, hoang sơ và mát lạnh. Người dân địa phương vẫn thường xuyên đến thác vào các dịp đặc biệt như lễ tết, hội mừng lúa mới để cúng Yàng cầu mong bình an, sức khỏe và mùa màng bội thu. Bởi người dân quan niệm, thác Bring chính là cầu nối để Yàng có thể nghe được những lời thỉnh cầu của họ.
Thác Kôi Tó
Từ thác Bring, dọc theo Tỉnh lộ 677 đến xã Đăk Kôi những thôn làng yên bình nép mình bên chân núi, hướng mặt ngắm dòng sông Đăk Kôi hiền hòa, thơ mộng, đến cánh đồng ruộng bậc thang thôn 7, nhìn từ xa có thể nhìn thấy những dòng nước trắng xóa của thác Kôi Tó đổ xuống từ đỉnh núi. Băng qua đồng ruộng bậc thang đến tận thác một cách dễ dàng. Từ đỉnh thác dòng nước chia thành nhiều dòng chảy xuống những cái hồ nhỏ ở phía dưới và tiếp tục chảy về sông Đăk Kôi. Bên những vách đá rêu phong, giữa những tiếng vang vọng của dòng nước và những cây rừng nghiêng nghiêng tỏa bóng mát, làm cho du khách có cảm giác mát lạnh, lâng lâng, quên đi bao mệt nhọc.
Thác Đăk R’ve
Thác Đăk R’ve, thị trấn Đăk R’ve, huyện Kon Rẫy. Ảnh: NB
Thác nước nhỏ nằm ngay dưới chân cầu Đăk Rve, ở đoạn đầu đèo Măng Đen theo hướng từ huyện Kon Rẫy đi Kon Plông. Cao độ của thác tầm 30m, dòng nước trong vắt, chảy quanh năm. Ấn tượng nhất của thác nước này là vào mùa thay lá và ra lộc non của cây dẻ rừng mọc xung quanh tạo nên một bức tranh phong thủy rực rỡ giữa bốn bề xanh thẳm. Đường xuống chân thác hơi khó khăn nên thường chỉ có người dân địa phương đi làm rẫy, dẫn nước tưới tiêu mới đến còn phần lớn du khách chọn cách ngắm nhìn thác từ Quốc lộ 24.
Thác Pa Sỹ
Thác Pa Sỹ, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: NB
Thác Pa Sỹ là một thác nước trong truyền thuyết “bảy hồ. ba thác” ở Măng Đen. Để đến được thác Pa Sỹ bạn phải đi xuyên qua khu rừng dưới những hàng cây ngợp bóng. Từng bước di chuyển đến thác Pa Sỹ là những thang đá gập ghềnh. Càng đến gần, bạn sẽ thấy thác nước hiện ra dần dần như một cánh cửa thần tiên. Ngọn thác như một dải lụa trắng tinh khôi giữa phông nền xanh của núi rừng đại ngàn. Dưới chân thác là một hồ nước trong xanh, bốc lên những hơi nước đầy sự mát mẻ. Vì nguồn nước chảy từ trong rừng sâu nên vô cùng trong lành, sạch, mát. Ở đây, bạn sẽ cảm nhận được sự lan tỏa của một mùi hương dễ chịu mang hương vị núi rừng. Nước chảy ầm ầm như tiếng sư tử đang gào thét tạo cảm giác thật uy hùng. Hơi nước phả vào không gian mát lạnh khiến ta như đang phiêu ở chốn tiên cảnh. Chính sự kết hợp độc đáo đó sẽ khiến du khách sẽ thêm yêu và muốn khám phá nơi này.
Thác Đăk Ke
Thác Đắk Ke là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Kon Tum nói chung và Măng Đen nói riêng. Đây cũng là một trong ba con thác nổi tiếng trong truyền thuyết “bảy hồ, ba thác” ở Măng Đen. Do vị trí nằm gần trung tâm nên thác Đăk Ke là một trong những con thác được hỗ trợ, phát triển thành khu du lịch sớm nhất tại Măng Đen. Khung cảnh nơi đây hết sức trong lành, yên tĩnh. Ngay tại thác có những không gian rộng rãi và nên thơ phù hợp cho các buổi cắm trại, dã ngoại, khám phá, cảm nhận quang cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên.
Thác Lô Ba
Vừa lên hết đỉnh đèo Măng Đen, rẽ trái theo con đường nhựa nhỏ khoảng 3km dẫn tới bãi đậu xe của thác Lô Ba. Từ đây, chúng ta đi bộ 251 bậc tam cấp dẫn xuống lòng suối và tiếp tục men ngược theo dòng suối một đoạn ngắn sẽ tới thác Lô Ba. Thác Lô Ba vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ của nó vì chưa có các dịch vụ du lịch nào kinh doanh tại đây. Vẻ đẹp của thác là dòng nước bắt nguồn từ những cánh rừng hoang sơ chảy qua các triền đá trải dài rồi đổ xuống một hồ nước ngay bên dưới. Những bọt nước trắng xóa, những bông hoa đỗ quyên rừng khoe sắc, tiếng cây rừng lao xao trong gió và tiếng chim kêu, tất cả hòa quyện vẽ nên bức tranh rất yên bình, thơ mộng ở nơi đây.
Thác Đăk Tăng
Thác nước đẹp nằm bên đường tỉnh lộ 676, cách Măng Đen khoảng 33km và cao độ 1.170m so với mực nước biển. Dòng nước ở đây trong veo, mát lạnh quanh năm chảy xuôi theo những ghềnh đá đổ xuống thành những vệt màu trắng mềm mại như những dải lụa phất phơ, uốn lượn giữa đại ngàn xanh thẳm. Dân làng thường ra thác để tắm, sinh hoạt hàng ngày tạo nên khung cảnh yên bình, nên thơ, thu hút những ai có dịp đi ngang qua nơi này.
Ngoài những thác nước trên, Kon Tum vẫn còn nhiều thác nước khác. Mỗi thác nước có những vẻ đẹp rất riêng và tùy theo mùa mà nước có thể nhiều hay ít, giao thông có thể thuận lợi hoặc khó khăn. Tuy nhiên, để tận mắt chiêm ngưỡng những thác nước, chúng ta cần phải có sức khỏe tốt, cần trang bị những kiến thức cơ bản về leo trèo, về sinh tồn trong rừng và những kiến thức về bảo vệ môi trường để có những chuyến đi thú vị, tận hưởng đầy đủ những khoảnh khắc đẹp mà thiên nhiên mang lại cho chúng ta.
Khám phá thác Siu Puông
Siu Puông là một trong những thác nước đẹp ở xã Đak Na, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum). Thác nằm ở độ cao 1.524 mét so với mực nước biển, có 5 tầng chính, chiều cao từ đỉnh thác đến chân thác khoảng 140 mét.
Để tận mắt chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của thác, du khách phải băng qua những cung đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu và lội bộ dưới tán rừng khoảng 20 phút. Thời điểm phù hợp để tham quan, thưởng ngoạn thác Siu Puông là từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm.
Toàn cảnh thác Siu Puông như dải lụa trắng buông xuống giữa rừng già.
Để đến được thác Siu Puông, du khách băng qua những cánh rừng thông thật đẹp...
Những đồng cỏ mênh mông, nơi chăn thả gia súc của người dân xã Đăk Na
... và những con suối nhỏ.
Dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống bên bờ suối mát.
Tiếp tục băng qua rừng già để đến thác.
Thác Siu Puông hiện ra gồm 5 tầng chính liên tiếp nhau.
Tầng thứ 2 của thác là nơi dừng chân tuyệt vời của du khách.
Du khách có thể cắm trại, ăn uống và không quên phải giữ vệ sinh môi trường khu vực thác.
Chụp những tấm hình lưu niệm ghi lại những khoảnh khắc đẹp.
Khám phá thác Que Tua ở Măng Cành Huyện Kon Plông (Kon Tum) có rất nhiều thác nước đẹp và thơ mộng như thác Pa Sỹ, thác Đăk Ke, thác Lô Ba, thác Đăk Tăng, thác Đăk Ka... Đặc biệt, mới đây, một thác nước mới được phát hiện - thác Que Tua - nằm ở thượng nguồn của suối Đăk Lô (làng Kon Kum, xã Măng Cành) được giới trẻ...