Khám phá mâm cỗ Tết cổ truyền của người Đà Nẵng
Cùng khám phá những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người Đà Nẵng
Trong khi người miền Bắc thích món dưa hành, người miền Nam thích kiệu ngâm chua ngọt, thì người miền Trung lại thích ngâm củ kiệu ngâm chua mặn cùng với cà rốt, ớt, đu đủ, su hào…để khi ăn đỡ ngán.
Thường thì món củ kiệu chỉ ăn vào dịp Tết nên trước đó độ 2 tuần, mọi người bắt đầu đi mua nguyên vật liệu để làm. Củ kiệu phải chọn củ vừa không được quá to hay quá nhỏ vì như thế khi ngâm củ kiệu sẽ thấm không đồng đều. Sau khi ngâm qua nước tro khoảng 1 đêm thì vớt ra để ráo, cà rốt, đu đủ …thì cắt tỉa thành hình bông hoa sao cho đẹp mắt. Tiếp theo là đem phơi nắng, công đoạn này cũng khá là quan trọng, phải lựa những ngày có nắng to phơi sao cho để củ kiệu vừa lúc héo chứ không được để khô vì như vậy sẽ làm giảm độ giòn vốn có của nó.
Món kiệu không thể thiếu nước mắm thật ngon. Để vị mặn của nước mắm giảm đi người ta sẽ pha thêm đường vào theo tỉ lệ 1 bát nước mắm, 1 bát đường, nửa chén nước lạnh. Sau khi đánh cho tan đường ta sẽ đổ vào củ kiệu và ngâm khoảng 1 tiếng trước khi cho vào những hủ nhựa. Một điều lưu ý là nước mắm phải ngậm hết củ kiệu thì củ kiệu mới thấm và ngon được.
Nếu bánh chưng là món không thể thiếu với người miền Bắc thì bánh tét là loại bánh không thể thiếu của người miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Với những nhà có truyền thống nấu bánh tét thì thời điểm thích hợp nhất để nấu chính là đêm 28 hoặc 29, bánh được nấu suốt 24 giờ mới vớt. Sở dĩ nấu sát Tết như vậy là để bánh giữ được lâu hơn.
Mặc dù bánh tét ngày nay được biến tấu với nhiều hương vị khác nhau và hình dạng cũng bắt mắt hơn nhiều, nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là bánh tét nguyên thủy với các nguyên liệu như nếp, đậu phộng hoặc đậu xanh.
Chả bò
Với nguyên liệu là 100% thịt bò tươi, nhiều người nghĩ rằng làm chả bò dễ, thế nhưng để có được một khoanh chả bò đúng điệu thì lại là cả một khâu chế biến đặc biệt.
Video đang HOT
Để có được một đòn chả ngon, trước tiên ta phải chọn nguyên liệu thật tươi, nấu đúng cách, canh nhiệt độ vừa phải, khi cho gia vị vào thịt phải vừa tay sao cho khi nấu vẫn giữ nguyên được mùi vị. Chả được buộc bằng lá chuối đã nhúng sơ qua nước nóng cho mềm. Để có được đòn chả có vị ngọt tự nhiên thì phải canh lửa tầm 45-60 phút, phải giữ đúng nhiệt độ để tránh tình trạng chả bị rổ trên bề mặt.
Khi cắt một khoanh chả thì bên trong ta sẽ thấy có màu hồng đặc trưng, mùi thơm nhẹ nhẹ của tiêu hành, vị ngọt thanh, rất giòn và dai. Chả bò Đà Nẵng không kén người ăn, nó có mùi thơm đặc trưng và vị ngọt đậm đà. Ăn chả bò kết hợp với dưa hành, chút mắm tỏi cay quả là tuyệt ngon.
Thịt dầm
Có thể nói thịt dầm là món “tủ” được rất nhiều người yêu thích. Người dân Đà Nẵng rất thích ăn thịt dầm cuốn với bánh tráng và rau sống, chấm thêm chút nước mắm chua ngọt.
Thịt để làm món này phải lựa thịt tươi không mỡ nhiều quá. Thịt cắt dọc khoảng 15 phân, ngang 4 phân, dùng lạt mỏng buộc chặt lại rồi luộc cho chín. Sau đó bắt đầu dầm mắm. Nước mắm để dầm thịt phải mua loại có độ đạm cao thì thịt mới ngon được, cứ một chén nước mắm thì tương đương với một chén đường. Sau khi xếp thịt vào hũ, người ta đổ mắm ngập bề mặt. Đợi khoảng 4-5 ngày khi thấy lớp da và thịt chuyển sang màu vàng là dùng được.
Khổ qua nhồi thịt
Người ta quan niệm rằng, năm cũ là một năm vất vả, khó khăn thì vào năm mới họ sẽ ăn một bát canh khổ qua (mướp đắng) để cái xấu, cái khổ hãy ở lại năm cũ, đón chào niềm vui, may mắn, hạnh phúc hơn trong năm mới đến.
Những trái khổ qua được cắt thành những khúc nhỏ hoặc rạch ở giữa, bỏ ruột phía trong, thịt băm nhuyễn cùng với nấm mèo, bún sợi nhét khéo vào bên trong trái khổ qua. Cho nước dùng vào nồi sẵn, bỏ thêm chút muối và hạt nêm rồi bỏ khổ qua vào, phải canh lửa và vớt bọt để cho nước dùng trong hơn, ngọt hơn. Khi thấy khổ qua đã chín đều thì tắt bếp, nêm chút gia vị cho vừa miệng rồi múc canh ra tô, trang trí thêm vài cọng hành lá, ngò cho đẹp.
Tré
Tré là một món ăn ngon, lạ miệng nhưng cũng khá kén người ăn. Tré được làm từ thịt nạc và thịt ba chỉ cắt mỏng, sau đó trộn với tiêu, hành, tỏi, ớt, muối, đường được ủ trong 2,3 ngày cho lên men. Tré phải được bọc trong lá ổi rồi ở ngoài bọc thêm lá chuối. Khi ăn tré, bạn có thể kèm thêm một chút lá ổi non, vị chát nhè nhẹ của lá ổi cộng với vị chua chua của tré thật rất kích thích vị giác. Để tăng thêm hương vị, tré có thể ăn kèm với đậu phộng, cà rốt, đu đủ thái sợi, củ kiệu và chút ớt cay
Bánh khô mè
Bánh khô mè có 2 loại là bánh nổ và bánh mè nhưng nguyên liệu chính thì vẫn là bột gạo nếp, chỉ khác nhau ở lớp vỏ ngoài. Bên cạnh đó thì bánh còn sử dụng đường non, gừng tươi, bột quế Trà My, mè để tăng thêm vị ngon. Bánh khô mè nhìn thoạt có vẻ giống mè xửng Huế nhưng vị của nó thì khác xa.
Mè xửng Huế dẻo nhưng bánh khô mè ở đây thì rất giòn, khô, xốp, cắn một miếng đã thấy giòn tan trong miệng. Chiếc bánh đạt chuẩn phải có lớp mè rang vàng phủ phía ngoài, vị ngọt vừa phải, ăn không ngán. Những khoanh bánh nhỏ nhắn hình vuông, màu sắc bắt mắt, ăn kèm với trà nóng thì rất tuyệt vời.
Theo MNMN
Dưa món trong ngày Tết ở miền Trung
Dưa món được làm từ củ cải, cà rốt, dưa leo, đu đủ, củ kiệu... có vị chua mằn mặn lại giòn.
Trong ngày Tết, người miền Bắc ăn bánh chưng với dưa hành, người miền Nam có món bánh tét với tôm khô củ kiệu, thì với người miền Trung dưa món không thể thiếu khi ăn kèm cùng bánh tét. Dưa món được kết hợp từ nhiều nguyên liệu như cà rốt, đu đủ, dưa leo, củ cải, củ kiệu.... được ngâm chua mặn, khi ăn lại hơi giòn giòn. Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để có được hủ dưa món đầy sắc và vị thì tốn không ít thời gian và sự tỉ mỉ.
Dưa món ăn kèm với bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung. Ảnh:C.K.
Đầu tiên là củ kiệu, mua về cắt bỏ lá và rễ, sau đó ngâm cùng với củ cải trong nước tro hòa tan để bớt đi mùi hăng. Sau một ngày, vớt củ kiệu ra để ráo, tiếp tục ngâm trong nước pha phèn chua để trắng và giòn.
Củ cải vớt ra, gọt vỏ thái sợi hoặc thái lát. Các loại củ khác như cà rốt, su su được gọt vỏ, thái sợi hoặc tỉa thành hình cánh hoa, ngôi sao. Dưa leo được thái lát hoặc sợi, đu đủ gọt bỏ vỏ, thái thành từng sợi hoặc tỉa cánh hoa.... Sau khi đã chuẩn bị xong thì đem phơi nắng cho đến khi vừa héo là được.
Củ kiệu được ngâm qua tro cho bớt mùi hăng, lột vỏ và rửa sạch. Ảnh: Khánh Hòa.
Phơi các loại củ đơn giản là thế nhưng đòi hỏi bạn phải biết canh lượng nắng. Nếu phơi chưa đủ nắng, các loại củ này sẽ dễ bị nhũn, không giòn và nhanh hư. Nhưng nếu phơi quá héo, khi ăn sẽ dai, không ngon miệng. Trong thời tiết nắng to, chỉ cần phơi một nắng là được.
Ngoài phần nguyên liệu, nước mắm để làm dưa món cũng rất quan trọng, gồm có nước mắm, đường cát và nước lạnh. Nước mắm phải chọn loại nước mắm ngon, trong và không bị lắng cặn. Các nguyên liệu được hòa tan theo tỷ lệ một bát nước mắm, một bát đường, nửa chén nước lạnh cho lên bếp và nấu sôi. Trong quá trình nấu nhớ khuấy thật đều để các nguyên liệu hòa tan vào nhau, sau đó tắt bếp và để nguội.
Các công đoạn của quá trình làm dưa món. Ảnh: C.K.
Rửa sạch lọ thủy tinh và lau khô, xếp các nguyên liệu vào trong lọ, nếu muốn ăn cay thì cho thêm vài quả ớt phơi khô vào. Sau đó đổ nước mắm đã để nguội và ngập mặt dưa rồi đậy nắp lại. Trong quá trình ngâm, bạn nhớ để ý khi nào nước mắm trong lọ bị rút xuống, vì thấm vào trong các loại củ thì nhớ đổ thêm nước mắm đã nấu vào. Dưa món để trong khoảng 3 ngày là có thể dùng được.
Trong những ngày Tết, trong bàn ăn gia đình, đĩa dưa món không thể thiếu khi ăn kèm bánh tét. Lát bánh tét dẻo mềm, được ăn kèm với những lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng rất khó quên, một hương vị rất riêng của ngày Tết.
Khánh Hòa
Theo VNE
Quà Tết miền Trung giữa Sài Gòn Từ bánh chưng, bánh tét cho đến bánh thuẫn hay củ kiệu, dưa món... tất cả món ăn đặc trưng trong ngày Tết của người miền Trung đều được bán ở Sài Gòn. Đặt bánh chưng, bánh tét Tết ở Sài Gòn Người miền Trung lập nghiệp ở Sài Gòn, mỗi năm đến giáp Tết lại tìm đến chợ Bà Hoa (quận Tân...