Khám phá cung đường Tây Bắc
Núi non hùng vĩ, những bản làng hiền hòa thơ mộng, những thửa ruộng bậc thang kỳ ảo, những nụ cười rạng rỡ… tất cả đã làm nên một Tây Bắc vô cùng quyến rũ.
Tuy nhiên, do vùng đất này vẫn còn khá hoang sơ vắng vẻ, dịch vụ du lịch hạn chế. Vì thế để có một chuyến khám phá Tây Bắc an toàn và trọn vẹn, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Thời gian đẹp nhất để khám phá
Mỗi mùa Tây Bắc có một nét đẹp riêng, nhưng có hai mùa trong năm Tây Bắc mới thực sự đẹp nhất, rực rỡ nhất, đó là mùa Xuân và mùa Thu. Mùa Xuân vào khoảng tháng 1 đến tháng 2 âm lịch.
Thời điểm này, hoa ban, hoa mận, hoa đào… những loại hoa đẹp nhất của núi rừng Tây Bắc đua nhau bừng nở. Đây cũng là mùa đồng bào các dân tộc Tây Bắc tổ chức lễ hội, ca hát, vui chơi, trang phục màu sắc, rực rỡ nhất…
Tháng 10 là thời điểm Tây Bắc vào thu, những thửa ruộng bậc thang óng ả một màu vàng đẹp như tranh. Nắng thu Tây Bắc cũng nồng nàn và đượm màu hơn các vùng đất khác. Chợ phiên Tây Bắc thường diễn ra vào thứ 7 hoặc chủ nhật. Đó là dịp để bạn có thêm những trải nghiệm khó quên. Màu sắc, âm thanh cuộc sống của các phiên chợ vùng cao là điều tuyệt diệu không thể bỏ qua.
Nếu bạn chỉ có 3 ngày để khám phá Tây Bắc, có thể đi theo tuyến Hà Nội – Mai Châu – Mộc Châu – Sơn La. Nếu bạn có 7 ngày trở lên thì có thể theo hành trình Hà Nội – Mai Châu – Mộc Châu – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu – Lào Cai. Từ Lào Cai có thể đi xe lửa đêm hoặc theo đường bộ về thẳng Hà Nội.
Phương tiện đi lại
Từ Hà Nội có rất nhiều xe khách đi đến các tỉnh vùng Tây Bắc, nhưng đi xe khách bạn chỉ có thể đến trung tâm các thành phố, mà vẻ đẹp của Tây Bắc chính là hành trình qua mỗi chặng đường. Cách khám phá Tây Bắc tốt nhất là rủ một nhóm bạn đi cùng, thuê xe ô tô hoặc “phượt” bằng xe máy.
Video đang HOT
Phải kiểm tra cẩn thận máy móc, thắng xe, dầu nhớt… trước khi khởi hành. Dù bình xăng còn nhiều hay ít, thấy cây xăng ở đâu bạn nên đổ đầy bình ở đó, không đợi cạn bình xăng mới đổ, phòng những đoạn đường không có cây xăng.
Nếu đi bằng xe ô tô, bạn không nên đi quá 60 km/h khi lên các đèo dốc. Vận tốc tốt nhất là 40 – 50 km/h, bạn vừa có thể ngắm cảnh, vừa đảm bảo an toàn. Đối với xe gắn máy, tốc độ nên giữ từ 30 – 40 km/h khi lên xuống đèo. Mỗi khi lên hết một đỉnh dốc, cần dừng lại nghỉ ngơi vài phút trước khi đổ dốc. Mỗi ngày không nên đi quá 200 km. Những ngày cuối sẽ mệt hơn. Đi khoảng 150 km nên dừng nghỉ một đêm là tốt nhất. Đi du lịch Tây Bắc cần túc tắc để thưởng ngoạn phong cảnh, khám phá đời sống.
Mỗi ngày nên khởi hành từ sáng sớm để tinh thần minh mẫn, hào hứng, có đủ thời gian để đến được thị trấn, thị xã hoặc thành phố tiếp theo và có chỗ nghỉ ngơi trước khi trời tối. Không vượt đèo dốc lúc trời chạng vạng hoặc đã tối hẳn. Đây là điều vô cùng quan trọng, tránh cho bạn gặp phải rủi ro, không an toàn.
Chỗ nghỉ ngơi và ăn uống
Vùng Tây Bắc, thông thường mỗi chặng đường khoảng 50 km sẽ có một thị trấn nhỏ. Mỗi thị trấn đều có nhà nghỉ nhưng điều kiện và chất lượng dịch vụ hạn chế. Tốt nhất bạn nên tính toán cẩn thận hành trình để đến được các thành phố hoặc thị xã trung tâm. Có thể tham khảo thêm người địa phương để tìm chỗ nghỉ.
Tìm chỗ ở gần chợ hoặc trên các đường chính trung tâm giúp bạn dễ tìm chỗ ăn uống và dạo phố đêm. Phần lớn các nhà khách, phòng trọ ở khu vực này giá khoảng 100.000 – 200.000 đồng/đêm. Nên xem phòng trước khi quyết định nghỉ lại.
Các quán ăn trên cung đường này không nhiều, nhất là những chặng xa thị trấn, trung tâm thị xã, thành phố. Nếu thấy hàng quán, bạn nên dừng lại ăn, đừng kén chọn hoặc đợi quán tốt hơn, bạn có thể sẽ bị đói. Phần lớn hàng quán ở đây ít khách và khách đến vào các giờ khác nhau nên chủ quán ít khi nấu sẵn thức ăn. Chỉ đến khi bạn đến, gọi món thì chủ quán mới nấu để thức ăn được nóng sốt. Vì thế đừng ngại những quán ăn trông “nghèo nàn”, hãy mạnh dạn vào hỏi, bạn sẽ có bữa cơm nóng ấm bụng trước khi tiếp tục hành trình.Các món ăn “tủ” của hàng quán cung đường Tây Bắc là đậu hũ sốt cà, bò xào cần, canh rau đay ăn với cà pháo… Mấy món này khách ăn thường xuyên nên thực phẩm tươi, nấu cũng ngon hơn, lại đủ chất cho hành trình dài. Vài nhà hàng đoạn Mộc Châu có món cá suối chiên khá ngon, ăn kèm với dưa muối chua. Đoạn Sơn La – Điện Biên có món măng chua, hoặc gà rang mặn… Tôn trọng văn hóa của người bản địa
Trừ vài điểm đến đã được “du lịch hóa”, nhiều vùng đất dọc theo cung đường Tây Bắc còn khá hoang sơ, người dân chân chất hiền lành, khi đến đây, bạn phải tuyệt đối tôn trọng văn hóa của người bản địa.
Không đùa cợt quá mức, không trêu chọc các em gái địa phương, không cười nói ồn ào khi vào các bản làng vì sẽ làm phiền dân bản, không chụp ảnh họ nếu họ không cho phép hoặc có ý không vui.
Nếu bạn thân thiện, gần gũi, tôn trọng người bản địa, bạn sẽ nhận lại được những điều như vậy. Có khi bạn còn được mời vào nhà chơi và trò chuyện với chủ nhà. Dù muốn tìm hiểu đời sống của người dân, bạn cũng không nên dòm ngó quá mức vào các góc trong nhà, đặc biệt không ngó nghiêng vào chỗ ngủ của gia chủ. Những điều cơ bản khác cần ghi nhớ
Phải xem kỹ bản đồ về đường đi trước khi lên đường. Không nên đi cung đường này theo kiểu ngẫu hứng, sao cũng được. Để có một chuyến đi an toàn cho bản thân bạn, và không ảnh hưởng đến người khác, cần chuẩn bị cẩn thận mọi thứ. Phải tính toán hành trình mỗi ngày để đi và đến an toàn.
Phải bảo vệ phương tiện di chuyển của mình, khi thấy có đoạn khó đi cần xuống xe quan sát trước khi vượt qua. Phải làm chủ vận tốc xe trong mọi tình huống. Khi thấy mệt nên tìm chỗ an toàn dừng lại nghỉ ngơi, không đi cố…
Nên dự trữ thức ăn trên xe như bánh ngọt, chocolate, vài loại trái cây như táo, mận, cam.. phòng khi đói bụng mà không gặp hàng quán dọc đường. Luôn mang theo áo ấm dù đi cung đường này vào mùa Đông hay mùa Hè.
Và đừng quên mua nhiều kẹo, bánh để sẵn trong xe vì bạn có thể gặp trẻ em ở bất cứ nơi nào trên đường và món quà tuyệt vời nhất cho lũ trẻ vùng cao chính là bánh, kẹo. Nhìn lũ trẻ vui cười hớn hở với những chiếc kẹo xinh xinh, chuyến đi của bạn sẽ thêm trọn vẹn và ấm áp hơn.
Theo Zing
Vẻ đẹp tiên cảnh tại nơi an nghỉ của Lão Tử
Ngọn núi Laojun cao 2.217 m ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, được biết đến là nơi an nghỉ của Lão Tử và có cảnh sắc như chốn bồng lai.
Khu bảo tồn thiên nhiên núi Laojun thuộc tỉnh miền trung Trung Quốc không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp mê hoặc mà còn là vùng đất thiêng của Lão giáo Trung Quốc.
Trên đỉnh núi là ngôi đền Laojun cổ kính, được bao quanh bởi 3 điện nhỏ tọa lạc trên 3 đỉnh núi nhô cao. Chúng chỉ mới được xây dựng năm 2013 mang phong cách kiến trúc triều Minh - Thanh.
Để lên được đỉnh núi Laojun, du khách phải ngồi cáp treo gần 20 phút hoặc leo 10 km đường núi.
Hoàng hôn buông là thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đền Laojun.
Shi Li Hua Bing - "bức họa 10 dặm" xanh ngắt một màu.
Núi non hùng vĩ chìm trong sương khói.
Bầu không khí tuyệt đối trong lành và tinh khiết đem đến cho du khách những phút giây thư giãn hiếm có.
Theo VNE