Khám phá ẩm thực Campuchia
Ẩm thực Campuchia ảnh hưởng phong cách mạnh mẽ của Ấn Độ và Trung Hoa, hầu hết các món ăn có vị lạt, ngọt và béo. Món ăn Ấn Độ tìm thấy hầu hết ở các gia vị được dùng chủ yếu là cay như sa tế, ớt, tiêu, nhục, hồi v.v. Món ăn Trung Hoa được tìm thấy nhiều với vị lạt và khá béo, nhiều dầu mỡ nhất là mang phong cách ẩm thực vùng Tứ Xuyên.
Một số món ăn thông
Tomyam
Món ăn của Campuchia thấy có nhiều nét tương đồng với Thái Lan và Lào. Đặc biệt nhiều món ăn sống và rau trộn là phổ biến. Trong đó món Tomyam – đu đủ bào, một loại gỏi được mỗi nước chế biến theo cách khác nhau. Ở Thái Lan thì có tôm khô, cà chua, đậu đũa, dưa chuột, tỏi, ớt v.v. thì ở Lào lại có thêm ba khía, còn ở Campuchia nó được chế biến lạt hơn và ít thêm nguyên liệu phụ mà nguyên liệu chính là đu đủ.
Đường thốt nốt (palm sugar)
Giống như miền Nam Việt Nam có nhiều dừa, Campuchia đặc trưng với sự hiện diện của cây thốt nốt. Hình ảnh cây thốt nốt gắn bó với đời sống của người dân với nhiều công dụng. Lá thốt nốt dùng để lợp nhà, thân cây dùng làm cột. Nước thốt nốt ngọt, chắt lọc từ hoa thốt nốt nên hương vị rất tinh khiết, được nấu thành đường. Đường thốt nốt không chỉ dùng nấu chè, còn có thể nêm vào thức ăn, canh hay các món kho.
Ngoài ra, nước thốt nốt còn chế biến thành một loại rượu nhẹ như rượu vang rất đặc biệt còn có tên gọi là Tức-thốt-chu (thốt nốt chua).
Chè ngọt
Chè Campuchia rất ngọt, có rất nhiều loại chè khác nhau mà người Campuchia chế biến theo vùng địa phương mang khẩu vị rất lạ. Đặc biệt có món chè thốt nốt-một nguyên liệu lấy chủ yếu từ trái thốt nốt. Với hương vị béo ngậy của nước cốt dừa cùng với trái thốt nốt giòn tan sẽ làm thực khách nhớ mãi.
Cơm lam- một loại xôi nếp được nướng trong ống tre cho hương vị ngon đặc biệt. Món cơm lam nhiều khi được người Campuchia còn trộn lẫn cùng với đậu phộng hay dừa làm cho hương vị xôi ngon nhưng không quá ngán. Nguyên liệu chính để làm xôi này chính là loại nếp thơm – một loại nếp sạch và thơm mà vùng miền quê Campuchia trồng theo kỹ thuật của Thái Lan, loại nếp lùn cho năng suất cao mà hạt nếp rất thơm và đặc biệt rất ít sử dụng thuốc trừ sâu.
Video đang HOT
Hoa sầu đâu – một loại hoa thu họach từ cây sầu đâu ra hoa trong khoảng những tháng từ tháng 12-1-2-3 là một loại hoa được xem là đặc sản của Campuchia. Loài hoa này mang vị khá đắng giống mướp đắng nhưng vị đắng mang tính trầm – có vị thuốc, ăn xong có cảm giác vị ngọt nơi đầu lưỡi. Hoa sầu đâu được chế biến món ăn là trộn chung với khô (khô mực, khô cá, khô nai) xé nhỏ gọi là “gỏi sầu đâu”. Cách trộn món gỏi “hoa sầu đâu” nguyên liệu gồm: củ cải bào mỏng, dưa leo bào mỏng, nước mắm me, sau đó trộn cùng với hoa sầu đâu. Hoa sầu đâu khi trộn gỏi phải trụng sơ với nước sôi, tước bỏ xơ trên hoa rồi trộn chung với tất cả. Khô có thể trộn chung hoa là khô cá lóc, cá trê, cá sặc v.v. Cùng với “hoa sầu đâu” thì một số loại rau dân dã khá ngon khác được người dân Campuchia sử dụng như là một loại đặc sản như rau rừng, hoa lục bình, chùm ruột, bông súng v.v.
Loại thức ăn giàu đạm này được tìm thấy rất nhiều trên đất nước Campuchia. Người Campuchia rất thích dùng côn trùng đẻ chế biến nhiều món ăn. Từ dế cơm, trứng kiến đến con cà cuống, nhền nhện trong các món chiên, xào, dồn đậu phộng đến hấp cơm hay ngâm giấm đều rất ngon. Đắt nhất vẫn là con cà cuống – một loại côn trùng có ích sống nhiều ở đồng ruộng Campuchia với hương vị thơm cay. Cà cuống hiện nay đang trên đà tuyệt chủng vì nạn săn bắt quá mức và do lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.
Một loại mắm chế biến theo nguyên tắc giữ được thực phẩm lâu bằng cách ướp muối và đường. Mắm bồ hóc, hay pohok được làm từ những con cá con tốt nhất, mổ ruột ướp muối rồi để trong tủ đậy kín, vài tháng sau mới đem ra ăn. Có thể nói đây là món ăn truyền thống được chế biến trong đời sống ẩm thực Campuchia và cả những dân tộc Nam phần Việt Nam có ảnh hưởng từ văn hóa ẩm thực Khơme. Ngoài ra, còn có nhiều món ăn khác không kém phần hấp dẫn như cá lóc quấn trong bẹ chuối và nướng trực tiếp trên bếp than. Khô cá trèn, khô cá lóc, đặc biệt cá amok hấp nước cốt dừa với cà ri có vị rất riêng Khmer. Trong các món xào như bò xào kruong, cá amok hấp, mắm bồ hóc đều có nước cốt dừa, nghệ, riềng, chanh rừng, lá ngót và cà ri,v.v. Khác với mắm của Việt Nam, mắm bồ hóc rất mặn do chỉ ướp muối và không màu. Đây được xem là món ăn đặc sản của Campuchia. Mắm bồ hóc được người dân giữ lại lâu bằng cách ướp muối khi đánh bắt cá ở Biển Hồ không sử dụng hết và được dự trữ để dùng dần. Từ đó mắm đã trở thành món ăn không thể thiếu trong người dân. Mắm bồ hóc chính là tổ tiên của mắm cá Châu Đốc Việt Nam. Dựa theo nguyên tắc làm mắm bồ hóc, bà Giáo Khỏe, tên gọi thân mật của người dân An Giang dành cho bà đã cất công lặn lội sang Campuchia, mày mò và sáng tạo, cuối cùng bà đã sáng tạo một loại mắm mới mang phong cách rất riêng cho dân tộc Việt Nam. Mắm Châu Đốc đa dạng hơn mắm bồ hóc gồm nhiều loại: mắm cá linh, mắm cá trèn, mắm cá chốt, mắm cá lóc, mắm cá sặc, v.v. Mắm Châu Đốc dễ ăn, thơm và màu sắc đẹp hơn mắm bồ hóc. Mắm bồ hóc có thể nấu bún nước lèo, nấu canh rất ngon ăn cùng rau ghém, hoa lục bình, bông súng, giá sống thái nhỏ cùng với thịt cá, ốc nấu nhừ chan vào.
Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nuớc dùng sau đó cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào. Đây được xem là món ăn mà ai khi đến Campuchia cũng phải thưởng thức. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua, mực v.v. nhưng nhất thiết phải có thịt bằm. Không giống như hủ tiếu Trung Hoa và hủ tiếu Mỹ Tho của Việt Nam, hủ tiếu Nam Vang có vị ngọt của nước lèo chính là thịt bằm nhỏ khá đặc biệt.
Theo Tạp Chí Ẩm Thực
Chè Thái
Cuối tuần, bạn có thể vào bếp trổ tài làm món chè Thái theo cách hướng dẫn dưới đây.
Nguyên liệu: (cho 4 người)
- 200g mít
- 250g nhãn tiêu
- 10g thạch
- 1 gói thốt nốt
- 100g nấm tuyết
- 150g củ năng
- 1 lít nước cốt dừa
- 500g đường phèn
- 3 cọng lá dứa
- 1 ống vani
- 0,5 lít sữa tươi
- 300g sầu riêng (đã bỏ hột)
- 500g bột năng
- Sirô màu xanh và đỏ
- 1kg đá bào
- 1 lít nước lọc
Thực hiện:
Cho đường nước lọc lá dứa hương va ni vào nồi, nấu cho thật sôi, đến khi nước đường hơi keo lại là được. Vớt bỏ lá dứa, chỉ lấy nước đường.
Cho sầu riêng sữa tươi vào nồi đánh nhuyễn, cho vào nồi nấu trên lửa liu riu, quậy đều tay cho đến khi đặc lại.
Nấu thạch rồi cho ra khay để nguội, sau đó cắt thành những sợi lớn nhỏ tùy thích.
Cắt củ năng thành hạt lựu, cho sirô (xanh, đỏ) vào nồi cùng với củ năng, nấu nhỏ lửa đợi sôi, cho tiếp bột năng vào quậy nhẹ tay để lớp bột năng bọc đều hạt lựu. Sau đó cho nước vào luộc chín hạt năng, khi chín, hạt năng nổi lên trên, vớt ra cho vào tô nước lạnh, sau đó vớt ra để ráo, bạn sẽ có được những hạt lựu màu xanh, đỏ.
Làm bánh lọt: nhào bột năng với nước sôi cho thật kĩ rồi cán mỏng bột. Sau đó cắt sợi rồi luộc chín, vớt ra ngâm vào nước đá, để ráo là được.
Cắt mít thành những sợi nhỏ
Bóc vỏ nhãn tiêu (không bỏ hạt )
Cắt nấm tuyết thành những miếng nhỏ.
Thốt nốt cắt làm đôi.
Pha chè: trộn tất cả những thành phần đã làm ở trên với nước cốt dừa và đá bào. Dùng lạnh
Theo PLXH