Khấm khá nhờ nghề nuôi dê, trồng đậu phộng ở đất nhiễm mặn
Những năm qua, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả của nông dân tỉnh Sóc Trăng có sự góp sức của nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trong số này có mô hình trồng đậu phộng (lạc) và nuôi dê sinh sản.
Cây đậu phộng thích ứng với đất nhiễm mặn
Khóm 6, phường 4, TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng) là vùng ven đa số người dân sống nghề nông, chăn nuôi và một số ít mua bán nhỏ nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giúp cho hội viên, nông dân vượt khó thoát nghèo vươn lên, trong những năm qua Hội ND phường 4 đã tham mưu với Đảng ủy, phối hợp với chính quyền đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; quan tâm hỗ trợ ND về vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Mô hình trồng đậu phộng thích ứng với đất nhiễm mặn ở khóm 6, phường 4, TP Sóc Trăng. Ảnh: Thủy Minh
Là vùng đất dễ bị nhiễm mặn và thổ nhưỡng chủ yếu là đất cát nên rất thích hợp trồng các loại như khoai lang, khoai mì, đặc biệt cây đậu phộng có tính chống chịu mặn tốt, năng suất cao, đầu ra ổn định. Vì vậy trong năm 2016-2017, Hội ND phường đã tuyên truyền, vận động được 11 hội viên tham gia Tổ hợp tác trồng đậu phộng, diện tích là 2,5ha, với tổng số vốn đầu tư là 68 triệu đồng, trong đó Quỹ HTND giải ngân hỗ trợ 30 triệu đồng.
Video đang HOT
Qua 1 năm thực hiện mô hình (2 vụ/năm) hiệu quả mang lại rất khả quan, năng suất đậu phộng đạt bình quân 6 tấn/ha, giá bán là 12.000 đồng/kg. Sau 2 vụ đậu phộng, nông dân thu được 360 triệu đồng, sau khi trừ chi phí (hạt giống, phân, thuốc…) khoảng 120 triệu đồng bà con còn thực lãi 240 triệu đồng, bình quân 9.600.000 đồng/công.
Hiện nay, mô hình trồng đậu phộng được nhiều hộ nông dân khóm 6, phường 4 chọn làm mô hình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đã giúp cho nhiều nông dân tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích đất.
Nuôi dê sinh sản cho thu nhập ổn định
Gia đình anh Dương Văn Phương ( xã Song Phụng, huyện Long Phú) thuộc diện chính sách, trước đây cuộc sống rất khó khăn, hộ cận nghèo. Với bản tính cần cù, chịu khó, chi tiêu tiết kiệm, từng bước gia đình anh vượt qua khó khăn nhờ trồng trọt.
Nhận thấy đây là hội viên nông dân tiêu biểu, chí thú làm ăn, gia đình chính sách. Hội ND xã Song Phụng đã phối hợp chọn gia đình anh Dương Văn Phương để lập dự án nuôi dê, số tiền 15.000.000 đồng từ nguồn Quỹ HTND. Anh Phương chia sẻ: “Tôi rất mừng khi tháng 5.2017 được Hội ND xã chọn làm mô hình nuôi dê với số tiền đầu tư 15.000.000 đồng từ nguồn Quỹ HTND xã”. Sau khi tiếp nhận vốn, anh Phương đã đến xã An Mỹ, huyện Kế Sách tìm mua giống dê Boer đầu đỏ gồm 1 con đực và 3 con cái. Đến nay, đàn dê của gia đình anh Phương đã có tổng 11 con.
Theo anh Phương, dê rất dễ nuôi, ít khi bệnh, chuồng trại thiết kế cao ráo, chọn giống dê có nguồn gốc rõ ràng. Hiện nay, anh Phương đang liên hệ những đại lý thu mua dê để bán bớt một số dê con. Anh tâm sự, nếu bán được dê sẽ gửi tiền vào Ngân hàng CSXH vừa có lãi, vừa tích lũy nhằm giảm bớt dần số nợ sẽ trả cho Quỹ HTND khi đến hạn.
Từ hộ nghèo, nhờ chí chú làm ăn, chi tiêu hợp lý và được Qũy HTND hỗ trợ, gia đình anh Dương Văn Phương đã thoát nghèo, dần có thu nhập ổn định.
Theo Danviet
Hưng Yên: Lan tỏa hội nghề nghiệp giúp nhau cùng làm giàu
Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động, Hưng Yên) được Hội ND xã thành lập ngày 12.6.2017, trong bối cảnh giá cả thị trường năm 2017 rất bấp bênh. Chi hội có 31 hội viên tham gia với tổng diện tích trang trại là 45ha chăn nuôi và trồng cây ăn quả, số lượng đầu vịt sinh sản là 65.000 con.
Bà Nguyễn Thị Tranh - Chủ tịch Hội ND xã Phạm Ngũ Lão cho biết: Nghề chăn nuôi vịt đã có ở địa phương hàng chục năm nay. Tuy nhiên, trước đây các hộ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, ít quan tâm tới khoa học kỹ thuật nên hiệu quả chưa cao. Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi xã Phạm Ngũ Lão được thành lập với kỳ vọng sẽ phát triển thế mạnh nghề chăn nuôi vịt ở địa phương.
Được vay vốn Quỹ HTND, nhiều hộ chăn nuôi vịt ở xã Phạm Ngũ Lão đã có thu nhập cao. Ảnh: Thu Hà
"Để hỗ trợ chi hội, ngay sau khi thành lập Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp Hội ND xã giải ngân 1 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ HTND do T.Ư Hội NDVN ủy thác cho 10 hộ thành viên trong chi hội nghề nghiệp vay. Theo đó, mỗi hộ được vay tối đa 100 triệu đồng, thời gian vay 2 năm"- bà Tranh thông tin.
Được Hội ND hỗ trợ, đến nay, Chi hội nghề nghiệp xã Phạm Ngũ Lão đã có những bước tiến rất nhanh. Các thành viên trong chị hội đã cùng liên kết mở rộng diện tích trang trại lên 55ha; quy mô đàn vịt bố mẹ lên tổng đàn là 120.000 con, tăng gấp 2 lần so với thời điểm ban đầu thành lập.
Điểm mấu chốt, từ mô hình chi tổ hội nghề nghiệp này, các thành viên đã chủ động được đầu vào và thị trường đầu ra. "Đầu năm 2018, để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, các thành viên trong chi hội đã cùng liên kết góp vốn trực tiếp mua nguyên liệu, thuê nhà máy gia công thức ăn cám, từ đó giá thành thức giảm 10% so với trước đây mua nhỏ lẻ của các công ty cám. Về đầu ra, toàn bộ con giống vịt của các thành viên đều được chi hội cam kết bao tiêu. Thu nhập các thành viên được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ có thu nhập tiền triệu mỗi ngày", ông Ngô Đức Thắng - Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp xã Phạm Ngũ Lão phấn khởi nói.
Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp Hội tỉnh Hưng Yên quản lý là hơn 65,5 tỷ đồng giúp Hội ND xây dựng hàng trăm mô hình sản xuất. Điển hình như dự án "Trồng và thâm canh cây nhãn chín muộn" tại xã Đông Kết (huyện Khoái Châu); dự án "Trồng chuối tây" tại phường Lam Sơn (TP.Hưng Yên)... Bà Trần Thị Tuyết Hương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hưng Yên cho biết: Nguồn vốn Quỹ HTND tăng trưởng 41 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ - đây là giai đoạn Quỹ HTND tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay. "Quỹ HTND là một nguồn lực quan trọng của các cấp Hội trong tỉnh. Nguồn vốn quỹ đã và đang hỗ trợ ND phát triển sản xuất nâng cao đời sống, góp phần tích cực nâng cao vị trí, vai trò trung tâm nòng cốt của tổ chức Hội trong việc tổ chức các phong trào ND tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng tổ chức Hội ND cơ sở vững mạnh" - bà Hương khẳng định.
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hưng Yên vào tháng 4.2018 vừa qua, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN đã đặc biệt ấn tượng với mô hình Chi hội nghề nghiệp nuôi vịt ở xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động).
Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng, đây là một trong những mô hình chi hội nghề nghiệp thuộc Top đi đầu ở Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung. Chủ tịch đề nghị, thời gian tới các cấp Hội ND tiếp tục xây dựng và lan tỏa các chi tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; tìm những giải pháp để nông dân có khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường...
Theo Danviet
Qua cơn "hoạn nạn" mới biết bạn là...Quỹ Hỗ trợ nông dân Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) trong thời điểm giữa năm 2017 đã giúp người chăn nuôi lợn ở xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) vượt qua "cơn bão" giá lợn. Giờ nhiều người nói vui: Qua cơn "hoạn nạn" mới biết bạn là...Quỹ Hỗ trợ nông dân. 1 tỷ đồng tiếp sức người nuôi lợn Là...