Khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng nay (12/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 36 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 36
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài từ ngày 12-16/8 để xem xét một số nội dung theo thẩm quyền. Cụ thể:
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 05 dự án luật và 01 dự thảo Nghị quyết là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Thư viện và Nghị quyết của Quốc hội về miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Theo Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là nội dung được Chính phủ đề nghị rất nhiều lần nhưng đến phiên họp này mới có đủ tài liệu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Thứ ha i, tiến hành giám sát các nội dung chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018″; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014- 2018″ để đoàn giám sát tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới.
Video đang HOT
Thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc bổ sung Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 02 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đối với đề án biên chế kiểm toán Nhà nước do còn một số nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung thêm nên chưa đưa ra phiên họp lần này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Nhấn mạnh những nội dung tại phiên họp lần này đều rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thời gian, chương trình công tác để dành thời gian tham gia phiên họp đầy đủ. Đồng thời, các cơ quan tổ chức hữu quan cũng cần tập trung, đặc biệt là thành phần dự họp để tham gia nghe thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp thu hoàn thiện chỉnh lý các văn bản.
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.
* Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Báo cáo số 433 /BC-UBTVQH14 ngày 02/8/2019 về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Trước đó tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, theo đó, sau 20 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình. Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để ban hành những quyết sách quan trọng, đúng đắn, hợp lòng dân, củng cố vững chắc những thành tựu đã đạt được, tạo đà cho đất nước phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, 10 nghị quyết, cho ý kiến về 9 dự án luật khác; phê chuẩn nhân sự, tiến hành giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận công tác phục vụ kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, thường xuyên được rà soát, kiểm tra, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội yên tâm dự họp. Việc phục vụ tài liệu, cung cấp thông tin tư liệu có nhiều cải tiến, đổi mới. Phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu kỳ họp bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải mang theo, tiết kiệm chi phí. Việc lấy ý kiến đại biểu Quốc hội qua hệ thống điện tử vừa bảo đảm tính chính xác, vừa thể hiện tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch. Các công tác bảo đảm khác được chú trọng quan tâm, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc của đại biểu.
Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra việc tổ chức kỳ họp thứ 7 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm như một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao. Hồ sơ tài liệu của một số dự án luật, nghị quyết gửi đến đại biểu Quốc hội quá chậm, ảnh hưởng đến chất lượng tham gia ý kiến và quyết định của đại biểu Quốc hội. Việc bổ sung một số nội dung trong thời gian diễn ra kỳ họp làm ảnh hưởng tới thời gian thảo luận một số dự án luật. Việc tổng kết, đánh giá tác động trong một số dự án luật chưa được quan tâm đúng mức. Sự phối hợp của một số cơ quan soạn thảo trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật còn chậm, chưa kịp thời.
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước chưa tập trung phân tích những vấn đề mới, nổi cộm so với báo cáo trình tại kỳ họp trước. Ý kiến thảo luận về kinh tế – xã hội còn dàn trải, trùng lặp, chưa tập trung vào những vấn đề lớn cần được Quốc hội quyết định.
Ngọc Mai
Theo Congly
Có đoàn ĐBQH vắng họp tới... 13 vị!
Họp Quốc hội mà đại biểu vắng quá nhiều, có đoàn trong một buổi họp vắng tới 13 đại biểu. Đó là cách làm việc không nghiêm túc.
Nhiều ý kiến đánh giá về vấn đề này tại phiên họp thứ 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 7, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, sáng16/7.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 7, cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá, họp Quốc hội mà đai biểu vắng quá nhiều. "Đại biểu do nhân dân bầu ra, tốn kém bao nhiêu tiền của nên phải có trách nhiệm, chứ không phải quyền đại biểu mà quên đi nghĩa vụ. Lấy ý kiến đại biểu về các vấn đề lớn nhưng thu về ý kiến quá ít, gần 500 đại biểu mà thu về 300 ý kiến là không ổn, phải xem lại vì đây là ý kiến tham khảo để quyết định", ông Giàu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng : "Đại biểu vắng quá nhiều, có đoàn trong 1 buổi vắng 13 đại biểu, như vậy là không nghiêm túc. Đoàn có thể có Bí thư, Chủ tịch thì chỉ có Bí thư, Chủ tịch về họp là vắng 1-2 người thôi chứ sao vắng cả 13 người. Cử tri rất băn khoăn về tỷ lệ biểu quyết khi phiên biểu quyết có lúc vắng 70-80 đại biểu".
Chấn chỉnh, nâng chất lượng thảo luận tổ thời gian tới, ông Phúc nêu rõ, cần tiếp tục quán triệt đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng; thực hiện đúng quy định về gửi hồ sơ, tài liệu kỳ họp đến các vị đại biểu Quốc hội; không bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp sau khi khai mạc kỳ họp, trừ trường hợp thật sự cấp thiết.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật, bảo đảm kỹ thuật xây dựng luật trước khi trình Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, các hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động của các dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).
"Cần tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm như: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách tư pháp, gian lận thi cử, giá xăng, giá điện, mê tín dị đoan, bạo lực học đường, bạo lực gia đình,... góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân", ông Phúc nói.
Nhìn từ kết quả Kỳ họp thứ 7, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh vào nội dung thảo luận tổ. "Một đoàn nghỉ sớm, chất lượng thảo luận không cao. Không nên bỏ thảo luận tổ mà Văn phòng Quốc hội cần điều chỉnh, không nên ghép quá nhiều nội dung, nâng cao chất lượng thảo luận tổ", bà Nga nói.
Liên quan tới nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng khẳng định: "Không bỏ thảo luận tổ vì đó là nội quy kỳ họp. Vấn đề ở đây là do cách làm. Tôi đề nghị giữ nguyên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường về nội dung kinh tế - xã hội và ngân sách thì nên để 2 ngày như Kỳ họp thứ 7. Còn về thời gian thảo luận, mỗi người là 7 phút hay 5 phút đề nghị trình ra do Quốc hội quyết định".
Ngoài câu chuyện chất lượng thảo luận tổ, bà Nga còn đánh giá, nhiều luật do Quốc hội thông qua có đời sống quá ngắn. Lý do nêu ra là do chất lượng luật không tốt. Hiện nay, có xu hướng tổng kết thi hành luật không kỹ, có luật tổng kết mang tính võ đoán, không tổng kết thực chất, đề nghị công tác tổng kết thi hành đưa đến nguyên nhân cần làm kỹ hơn.
Nguyễn Việt
Theo DĐDN
Cần cơ chế kiểm soát đặc quyền, lợi ích nhóm khi xây dựng luật Theo một số ĐBQH, khá nhiều luật được ban hành vừa qua thiếu tính ổn định, phải sửa liên tục, đặc biệt quy định trong một số luật còn mang tính khẩu hiệu dẫn đến tình trạng đặc lợi, đặc quyền, lợi ích nhóm ... ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) Chiều nay, Quốc hội đã thảo luận về dự kiến...