Khách Vip tát tiếp viên hàng không: Có thể khởi kiện
Khách tát sưng má tiếp viên là vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, ảnh hưởng đến tinh thần của tiếp viên.
Có thể khởi kiện dân sự vụ hành khách tát tiếp viên hàng không
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Đỗ Minh Ánh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, về vụ việc khách tát tiếp viên hàng không do không tìm thấy điện thoại iPhone, nữ tiếp viên hoàn toàn có thể khởi kiện dân sự, yêu cầu vị khách này phải bồi thường thiệt hại cho mình.
Cụ thể, theo luật sư Ánh, vị khách này đã tát nữ tiếp viên ngay trên khoang máy bay, trước công chúng. Điều này làm tổn hại danh dự, nhân phẩm của tiếp viên. Đó là chưa bàn đến vấn đề sức khoẻ cũng như việc làm mất hình ảnh của tiếp viên khi đang làm nhiệm vụ.
“Điều 604, Bộ luật Dân sự nêu rõ, người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đồng thời, theo Điều 307 của Bộ luật này, người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cả vật chất và bù đắp tổn thất về tinh thần”, luật sư Ánh nêu rõ.
Video đang HOT
Được biết, tiếp theo Quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với nam hành khách tát tiếp viên hàng không, đầu giờ chiều 18/8, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn tiếp tục ký Quyết định cấm vận chuyển có thời hạn bằng đường hàng không với nam hành khách này. Theo đó, hành khách Mai Thanh Bình sẽ bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không dân dụng trong thời gian 6 tháng tính từ ngày 22/8/2016 đến ngày 22/2/2017 do có hành vi hành hung thành viên tổ bay. Các hãng hàng không của Việt Nam và nước ngoài khai thác tại Việt Nam trên các chuyến bay nội địa và quốc tế không được vận chuyển hành khách trên. TCT Cảng hàng không VN chỉ đạo lực lượng kiểm soát An ninh hàng không và các bộ phận có liên quan kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ giấy tờ của hành khách sử dụng đi tàu bay để phát hiện và ngăn chặn kịp thời…
Được biết, nữ tiếp viên hàng không bị khách tát đã xin nghỉ 3 ngày để ổn định tâm lý. Lãnh đạo Đoàn tiếp viên của Vietnam Airlines cho biết, đây là một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, gây ảnh hưởng đến tinh thần của tiếp viên khi làm nhiệm vụ.
Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, tối 13/8, khi chuyến bay VN255 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi TP HCM vừa hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nam hành khách ngồi ghế hạng thương gia tên Mai Thanh Bình vì không tìm thấy điện thoại iPhone 6 Plus của mình đã tát vào má trái nữ tiếp viên hàng không do nghi ngờ nữ tiếp viên lấy điện thoại của mình mà không thừa nhận.
Khoảng 20 phút sau khi hành khách rời máy bay, chiếc điện thoại được tìm thấy dưới chân ghế của hành khách VIP. Vụ việc được tổ bay VN255 trình báo Cảng vụ Hàng không miền Nam xử lý, vị khách này đã thừa nhận hành vi của mình.
Theo T.Bình (Báo Giao thông)
Từ vụ khách VIP tát tiếp viên: Có tiền là có quyền kệch cỡm?
Việc khách hạng thương gia tát tiếp viên hàng không chỉ vì bị thất lạc chiếc điện thoại cho thấy sự kệch cỡm, lố bịch của một bộ phận những người được coi là thương gia, khách "VIP" đang rất đáng báo động.
Ảnh minh họa.
Cấm bay là chưa đủ
Ngày 18/8, Phó Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Sơn ký quyết định cấm vận chuyển bằng đường hàng không 6 tháng đối với ông Mai Thanh Bình (sinh năm 1970, trú tại số 27 Đường 1, KP6 phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM).
Ông Bình là người đã tát mạnh vào mặt tiếp viên C.T.T của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) khi ông này không tìm thấy điện thoại. Sau khi tát chị T, ông Bình còn lớn tiếng dọa đánh cả tiếp viên trưởng. Lát sau, chiếc điện thoại của ông Bình được tìm thấy ngay dưới gầm ghế.
Sau sự việc, khuôn mặt của tiếp viên T bị tấy đỏ. Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng T xin nghỉ 3 ngày. "Lãnh đạo Đoàn tiếp viên đã đến thăm. T vẫn bị chấn động tâm lý mạnh. Đây là sự việc nặng nề nhất từ đầu năm đến nay, anh chị em trong đoàn đều rất xôn xao" - Bà Nghiêm Thị Mai Hoa, Trưởng đoàn Tiếp viên của VNA cho hay.
Bà Hoa cho biết, T vào VNA năm 2004, làm việc tốt nên năm 2007 được cử đi học để phục vụ khách hạng thương gia. T ngoan ngoãn, hiền lãnh, chưa có khuyết điểm gì, được nhận nhiều bằng khen.
Ngoài việc bị phạt 15 triệu đồng, việc cấm bay 6 tháng được coi là thích đáng hơn đối với những người không thiếu tiền nộp phạt như ông Bình (khách đi hạng thương gia là khách hàng thường xuyên hoặc có tiền mua vé lẻ hạng thương gia, đắt hơn 2-3 lần vé thường). Quyết định cấm bay với ông Bình dựa vào các quy định về an ninh hàng không. Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, Phó Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Sơn nhấn mạnh cái chính là để răn đe và cảnh báo về mặt văn hóa đối với hành khách đi máy bay.
Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng Văn phòng Luật sư An Phất Phạm cho hay, ngoài các quy định chuyên ngành, các cơ quan chức năng có thể xem xét để xử lý hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác, hay hành vi vu khống chị T lấy điện thoại...
"Ít nhất, phải yêu cầu ông Bình công khai xin lỗi chị T. Nếu xác định được thiệt hại về danh dự, tinh thần, pháp luật cũng có các quy định rất cụ thể để xử phạt thêm ông Bình bằng tiền", luật sư Phất nói.
Có tiền là có quyền lố bịch ?
Sự kệch cỡm, lố bịch của các khách hàng hạng sang đang có dấu hiệu tăng thời. Năm 2015, trong lúc bay trên tàu bay của một hãng hàng không, giám đốc doanh nghiệp về xây dựng ở tỉnh miền Trung có hành vi sàm sỡ 4 nữ tiếp viên. Khách này đề nghị sử dụng phòng vệ sinh nhưng hai phòng vệ sinh đều có người. Tiếp viên thông báo chưa thể sử dụng, vị giám đốc liền lớn tiếng, có hành động dùng điện thoại đánh vào mông tiếp viên. Sau đó, ông này còn tiếp tục dùng điện thoại đánh vào vị trí nhạy cảm của 3 tiếp viên khác, trong đó một tiếp viên nước ngoài.
Năm 2012, việc hành khách Việt bị bắt quả tang khi sàm sỡ nữ tiếp viên cũng gây chấn động. Theo đó, khi chuyến bay của VNA từ Đức về TP. HCM cất cánh được 4 giờ, hành khách có tên Nguyễn Ngọc Đức chọc ghẹo tiếp viên. Khi bị nhắc nhở, anh này tấn công luôn tiếp viên phó và hành khách gần đó. Ngay lập tức, tổ bay buộc phải khống chế, bắt trói ông này.
Theo Bizlive
Lãi vài trăm triệu, tiếp viên hàng không "chăm" buôn lậu vàng Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu lý giải với Góc nhìn thẳng, nhiều vụ buôn lậu vàng qua đường hàng không đều liên quan đến tiếp viên và tổ lái. Mức lãi có thể lên tới vài trăm triệu/chuyến. Ảnh minh họa. Vụ việc tiếp viên hàng không móc nối với thợ máy buôn lậu vàng 3kg sang Hàn Quốc...