Khách Việt hoãn lấy ôtô chờ lệ phí trước bạ giảm
Nhiều khách đề nghị đại lý tạm ngưng xuất hóa đơn, đợi đến khi chính sách giảm lệ phí trước bạ được áp dụng.
Đỗ Long, nhân viên kinh doanh một công ty truyền thông ở Hà Nội, phân vân giữa CX-5 và Tucson, muốn lấy xe trong năm nay. Sau khi không chắc chắn thời gian Tucson mới ra mắt, Long quyết định ký mua CX-5. Nhưng nghe nhiều nhân viên bán xe và “người trong ngành” nói sắp có ưu đãi lệ phí trước bạ, Long găm xe lại ở đó, chưa vội nhận để đi đăng ký.
Hôm 27/10, Bộ Tài chính đưa ra Dự thảo Nghị định dự kiến giảm 50% cho xe CKD, áp dụng từ ngày 15/11 năm nay đến hết 15/5 năm sau, hoặc có thể chậm hơn 15 ngày. Đọc báo thấy thông tin này, Long càng thêm phần yên tâm vào quyết định chờ của mình.
Long là một trong số nhiều trường hợp khách trì hoãn nhận xe vì muốn đợi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ của nhà nước cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước (CKD) được ban hành. Và sau dự thảo, tâm lý này càng lan rộng.
Khách hàng trao đổi với nhân viên về xe và giá bán, sáng 28/10 ở một đại lý tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hải
Nhiều đại lý ôtô tại Hà Nội cho biết, từ 28/10, đa số khách đều hỏi nhân viên bán hàng về độ chính xác của thông tin sắp giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp. Phần lớn trong số họ báo lại sẽ hoãn, chưa muốn nhận xe đăng kí ngay.
Video đang HOT
Nếu chính sách được triển khai, khách hàng hưởng lợi 50% lệ phí trước bạ, tương ứng khoảng 20 triệu đồng (với xe cỡ A) cho tới hàng trăm triệu đồng (với xe sang). Vẫn có một nhóm nhỏ không quan tâm tới ưu đãi, vì cần đăng ký xe ngay để phục vụ công việc, gia đình.
Tình huống này tương tự năm 2020, khi có thông tin Chính phủ sẽ giảm trước bạ, khách mua xe chờ 1-2 tháng để được hưởng chính sách.
Tại TP HCM, nhiều đại lý ghi nhận lượng lớn khách ký hợp đồng nhưng chưa vội xuất hóa đơn. Quản lý bán hàng một đại lý Toyota ở quận 7 cho biết, thống kê từ đầu tháng 10, thời điểm đã râm ran xuất hiện tin đồn về giảm lệ phí trước bạ cho xe CKD, đến nay có khoảng 120 hợp đồng ký chờ, chiếm khoảng 50% doanh số hàng tháng.
Vị này cho biết thêm, từ 28/10, nhiều khách liên hệ để hỏi thời điểm áp dụng chính sách trước bạ. “Nhiều người chọn cách đặt cọc, ký hợp đồng để hưởng ưu đãi hoặc chuyển tiền đủ, còn xuất hóa đơn thì dời lại một thời gian để chờ đến khi có quyết định giảm trước bạ của nhà nước”, anh nói. “Đại lý hỗ trợ thoải mái bởi không ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh doanh, miễn sao nguồn cung vẫn đảm bảo”.
Khách xem xe tại một đại lý Toyota ở TP HCM. Ảnh: Phạm Trung
Các đại lý khác như Honda, Hyundai, Mazda, Kia bán xe CKD cũng có nhiều khách hoãn lấy xe ngay. Phó giám đốc kinh doanh một đại lý Honda ở TP HCM nói, từ đầu tháng 10 đến nay có khoảng 15 hợp đồng ký chờ, nhưng riêng trong ngày 28, sau khi có tin trước bạ, đại lý ký tới 3 hợp đồng chờ. Anh cho biết, ưu đãi hiện nay cho các xe lắp ráp như City, CR-V hiện khá tốt, người mua vì thế cũng muốn ký ngay để hưởng khuyến mãi, còn việc xuất hóa đơn thì đại lý linh động giãn cho khách.
Tại một đại lý Hyundai ở quận 12, từ đầu tháng 10 đến ngày 28, có khoảng 80 hợp đồng ký chờ nhận xe, tương đương khoảng hơn 60% doanh số hàng tháng. Quản lý bán hàng của showroom này cho biết, đại lý nói thẳng với khách về việc có thể cắt bớt khuyến mãi nếu chính sách giảm lệ phí trước bạ chính thức áp dụng. Và đây là thời điểm tốt để mua xe, còn việc hoãn xuất hóa đơn cũng bị giới hạn thời gian chứ không phải bao lâu cũng được.
Các đại lý cho biết có nhiều cách để khách hàng trì hoãn việc nhận xe đi đăng ký, chờ chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực. Tuy nhiên, một số nơi chỉ hỗ trợ khách hàng xuất hóa đơn trong tháng hoặc một khoảng thời gian nhất định.
Trừ những trường hợp đã chuyển tiền đủ, đại lý không thể mãi ưu tiên cho những khách chỉ mới chốt cọc, trong khi không ít người có nhu cầu mua và nhận xe ngay. Ảnh hưởng từ nguồn hàng tồn kho và chỉ tiêu kinh doanh của đại lý không cho phép người mua trì hoãn nhận xe quá lâu.
Khách Việt chưa mặn mà sắm ôtô sau giãn cách
Lượng khách đến tham khảo xe giảm ở nhiều showroom so với giai đoạn bình thường, hợp đồng chốt xe cũng tương tự sau hai tuần bình thường mới.
Thanh Vũ (31 tuổi, Hà Nội) từ nửa năm trước đã có ý định mua xe, nhưng sau đợt giãn cách dài, Vũ nghĩ lại. Nghề làm nội thất sàn gỗ bấp bênh trong những ngày dịch bệnh. Vợ nói phải lo tiết kiệm nhiều hơn, nên dù các nhân viên bán xe hàng ngày nhắn tin Zalo, Facebook các chương trình ưu đãi, Vũ vẫn chưa đủ tự tin để xuống tiền. Mà đúng hơn, là chưa đủ tự tin để xin vợ.
Những người như Vũ đang khiến showroom ôtô dù đã mở cửa trở lại, vẫn khá đìu hiu. Tại Hà Nội, nhiều đại lý cho biết lượng khách tới xem xe trực tiếp không biến động so với trước giãn cách, khách hàng tiềm năng cũng thấp hơn và nhiều khách hoãn kế hoạch mua xe. Một số khác lại muốn chờ đến khi giảm lệ phí trước bạ, dù đây chỉ là thông tin đồn thổi.
Các nhân viên bán hàng cho biết khách tìm hiểu qua mạng nhiều hơn nhưng chủ yếu là tìm hiểu thông tin xe chưa ra mắt, hoặc mới ra mắt nhưng xe chưa về đại lý, lượng khách muốn lái thử cũng thấp hơn. Một số tư vấn bán hàng cho biết, nhìn chung cuối năm nay thị trường không còn nhộn nhịp như các năm khi thông thường đến tháng 10-12 là thời điểm nhiều gia đình đi mua xe cuối năm, công ty trang bị thêm xe mới.
Khách hàng đến tham khảo xe tại một đại lý Toyota ở TP HCM. Ảnh: Phạm Trung
Tương tự Hà Nội, tình hình ở TP HCM cũng không khá khẩm hơn. "Showroom hiện vẫn chia ca nhân viên làm việc, lượng khách đến showroom tham khảo, lái thử vẫn chưa tăng", bà Ngân Hà, giám đốc bán hàng đại lý Mitsubishi Phương Nguyên, quận Bình Tân, TP HCM cho hay. "Tâm lý khách vẫn còn e ngại dịch bệnh, ít muốn tiếp xúc người khác và quan trọng hơn, dịch khiến thu nhập của họ giảm sút nên việc mua xe cũng được cân nhắc lâu hơn".
Bà Hà cho biết, trong khoảng nửa tháng qua, đại lý ký trung bình 5-7 hợp đồng/ngày, tương đương ngày thường khi chưa có dịch. Trong khi đó, trung bình có khoảng 7 lượt khách đến showroom xem xe, giảm 40% so với ngày thường.
Một số đại lý khác ghi nhận con số khả quan hơn, ví như showroom Toyota ở quận 7. "Hợp đồng chốt khách tăng khoảng 50% so với ngày thường nhưng chủ yếu là khách được nhân viên chăm sóc từ trước, không phải khách mới. Trong khi lượng hợp đồng mới phát sinh trong 2 tuần đầu không có gì đột biến", quản lý showroom cho biết.
Tương tự Mitsubishi và Toyota, các đại lý của Honda cũng khởi động lại chậm chạp. Phó giám đốc kinh doanh một đại lý Honda nói rằng thị trường vẫn chưa bùng nổ. Anh dự đoán cao điểm rơi vào hai tháng cuối của năm 2021. "Hiện một lượng lớn khách hàng, dù chưa có thông tin chính thức về giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp nhưng đã sinh tâm lý chờ đợi", anh nói.
Đại lý nơi anh làm việc ngày thường khi chưa có dịch, cao điểm có khoảng 10-12 khách đến tham khảo xe nhưng hiện trung bình chỉ còn khoảng 5-6 khách. Không sôi động tại các showroom, khách hàng chuyển sang các kênh online để tương tác với nhân viên bán hàng. Nửa tháng qua, đại lý này chốt 22 hợp đồng, trong khi nếu trước dịch, nửa tháng đã bán được khoảng 70 xe.
Thị trường chưa nhộn nhịp sau giãn cách còn do nhu cầu sụt giảm từ nhóm mua xe kinh doanh dịch vụ. Dịch bệnh khiến nguồn thu của họ sụt giảm, kinh tế bắt đầu hồi phục nhưng vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường như trước. Khách có xu hướng mua xe phục vụ cho gia đình vì muốn chăm lo sức khỏe hơn là kinh doanh. Bên cạnh đó, quyết định mua xe đã được cân nhắc kỹ hơn chứ không dễ như trước.
Việc cầm chừng hoạt động lại có một tác động tích cực khác tới những người tiêu dùng có khả năng mua xe vào lúc này. Hiện khắp các đại lý của các hãng đều có chương trình giảm sâu cho tất cả các dòng xe, từ vài chục tới hàng trăm triệu. Ưu đãi này có thể khiến Thanh Vũ có cơ sở hơn để thuyết phục vợ anh "xuống tiền", và cũng là đòn bẩy giúp thị trường ấm trở lại trong những tháng cuối năm.
Mạnh tay khuyến mại, Hyundai Tucson vượt doanh số Mazda CX-5 Hyundai Tucson có lượng xe bán ra trong tháng 9 cao hơn đối thủ Mazda CX-5, qua đó lần đầu tiên trong năm nay dẫn đầu phân khúc crossover cỡ C tại Việt Nam. Theo báo cáo của Hyundai, thương hiệu này đã giao 485 xe Tucson tới tay khách hàng trong tháng 9, tăng gấp đôi so với tháng trước. Trong khi...