Khách Tây thích thú quay phim, chụp ảnh đoàn nhà sư đi khất thực lúc sáng sớm
Rất nhiều khách du lịch phương Tây đã tụ tập để theo dõi đoàn khất thực. Một số người tỏ ra thích thú, liên tục quay phim, chụp ảnh…
Chuyến khất thực diễn ra lúc sáng sớm khi trời vẫn còn rất mát mẻ.
Chuyến đi khất thực của 53 nhà sư tới từ 5 quốc gia lưu vực sông Mê Kông bắt đầu từ lúc sáng sớm dọc khu phố cổ của thành phố Luang Prabang, tỉnh Luang Prabang (Lào).
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ ‘Chương trình giao lưu văn hoá tôn giáo tại 5 nước lưu vực sông Mê Kông’ (Dharma Yatra) được tổ chức bởi Quỹ Verapuchong và Học viện Bodhigayavijijalaya từ ngày 14-31/10.
Xuyên suốt hành trình hành hương là những chuyến đi khất thực của các nhà sư theo đặc điểm truyền thống của Phật giáo nguyên thuỷ. Lần này, chuyến khất thực được tổ chức dọc theo con phố cổ dài khoảng 7km của thành phố Luang Prabang – thành phố du lịch nổi tiếng của Lào.
Năm 1995, thành phố này được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới về kiến trúc, tôn giáo và văn hoá. Kiến trúc các công trình ở Luang Prabang có sự ảnh hưởng bởi kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20.
Luang Prabang vốn là cố đô của Lan Xang (Vương quốc triệu voi) và là một trong những thành phố lâu đời nhất ở Lào. Nó được thành lập cách đây khoảng 1.200 năm trước.
Dọc một bên đường của con phố cổ là các ngôi chùa nổi tiếng và cổ xưa của thành phố này. Bên kia là các nhà hàng, khách sạn và dịch vụ dành cho khách du lịch.
Rất nhiều khách du lịch phương Tây đã tụ tập để theo dõi đoàn khất thực. Một số người tỏ ra thích thú, liên tục quay phim, chụp ảnh, thậm chí thử trải nghiệm ở vị trí người dân cúng dường đồ ăn cho các nhà sư.
Một số hình ảnh chuyến đi khất thực dài 7km ở thành phố Luang Prabang:
Khoảng hơn 6 giờ sáng, 53 nhà sư tới từ 5 quốc gia đã bắt đầu chuyến đi khất thực.
Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức ở thành phố Luang Prabang (Lào), vì thế chính người dân bản địa cũng rất háo hức tham gia.
Nhiều người dân đã có mặt dọc 2 bên đường từ lúc 4-5 giờ sáng.
Bà Bouasavanh Chanthanith cho biết, làng của bà ở rất xa thành phố nên bà đã dậy sớm để đến đây tham gia một sự kiện mà bà chưa từng có cơ hội được chứng kiến. ‘Tôi cúng dường cho các nhà sư hằng ngày, bởi vì đó là việc thực hành đạo Phật lâu dài của chúng tôi. Nó mang lại cho tôi hạnh phúc’.
Các du khách phương Tây tỏ ra rất tò mò trước những hình ảnh này.
Hàng dài nhà sư đi khất thực thu hút cả các tay máy chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư.
Luang Prabang là thành phố du lịch nổi tiếng của Lào.
Một số du khách thử trải nghiệm cảm giác cúng dường cho các nhà sư.
Theo truyền thống của Phật giáo nguyên thuỷ, các nhà sư chỉ được đi khất thực vào buổi sáng và bữa ăn cuối cùng của họ là bữa trưa.
Những ngôi chùa đẹp của Luang Prabang nằm dọc bên đường.
Trong hàng dài người dân cúng dường cũng có những đứa trẻ hoặc người nghèo mang túi đi xin lại một chút đồ ăn từ nhà sư.
Hai cậu bé ngồi xin đồ ăn nhận được ‘chiến lợi phẩm’ khá mỹ mãn.
Chia sẻ lại đồ ăn cho những người khó khăn khác cũng là một hình ảnh đẹp trong hoạt động khất thực của Phật giáo nguyên thuỷ.
Đến khoảng 7-8 giờ sáng, người dân bắt đầu đổ ra đường đông hơn.
Tại mỗi quốc gia đặt chân tới, các nhà sư đều có ít nhất một chuyến đi khất thực như thế này.
Nguyễn Thảo
Theo vietnamnet.vn
Trải nghiệm cung đường du lịch mùa thu bờ Đông nước Mỹ
Tại sao vùng Đông Bắc nước Mỹ lại được coi là một trong những khu vực có mùa thu đẹp nhất thế giới?
Theo VTV24
Lúc yêu thì nồng nàn, vừa về một nhà đã muốn chia tay "Em mới lấy chồng được hơn một năm và có em bé đầu hơn 3 tháng, nhưng mọi việc diễn ra trong thời gian qua lại cho em cảm nhận cuộc hôn nhân này bức bí và ngột ngạt quá. Lúc yêu thì nồng nàn thế, vừa về một nhà đã muốn chia tay..." - Nguyễn Thuý, 23 tuổi quê gốc ở tỉnh...