Khách Tây đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đến miền Tây
Trong mắt du khách Anh Lorna Parkes, miền Tây đủ màu sắc, âm thanh, hương vị… Dọc hành trình xuôi theo dòng Mekong, cô trải nghiệm cuộc sống bình dị của người địa phương.
Lorna Parkes – một cây bút của National Geographic, đã viết những dòng phóng sự đầy cảm xúc về thiên nhiên và con người Việt Nam sau chuyến hành trình dài tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Dưới đây là chia sẻ của Lorna.
Chợ nổi Cái Răng nức tiếng miền Tây. Ảnh: Tạ Quang
Cửu Long Giang huyền bí
Trước khi bắt đầu hành trình đến vùng đất này, Lorna từng nghe kể về dòng sông Cửu Long huyền bí như một xứ sở nơi được cai trị bởi muôn loài thủy quái. Nữ du khách Anh đã tin vào những lời đồn đoán đó, tới tận khi ngồi trên con thuyền tam bản, thả trôi theo dòng Cửu Long cuồn cuộn.
Trên mặt nước, những chiếc xuồng lớn nhỏ dập dềnh va vào nhau, xua tan đi những đám bèo tây và những vỏ dừa trôi nổi giữa dòng nước đục ngầu. Nhưng hóa ra, những “con mắt” rực lửa Lorna thấy lại chỉ là những họa tiết trang trí trên mạn thuyền.
“Trang trí thuyền bằng những con mắt là truyền thống lâu đời của khu vực này”, Jerry Lê – hướng dẫn viên địa phương. “Người dân nơi đây tin rằng đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, do đó, vẽ mắt lên thuyền sẽ mang lại linh hồn cho con thuyền, giúp bảo vệ chủ nhân của nó, đặc biệt là vào ban đêm”.
Hành trình của Lorna bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh. Sau hơn hai tiếng đồng hồ di chuyển về hướng tây nam, cô đến một bến tàu nhỏ ẩn mình trong khu rừng gần bến Mỏ Cày (Bến Tre), gần nơi sông đổ ra Biển Đông. Hành trình đưa nữ du khách len lỏi sâu hơn vào các nhánh sông Cửu Long để tìm đường tới xứ Tây Đô – thành phố Cần Thơ kiều diễm.
Bến Tre – Thủ phủ dừa
Thuyền cập bến Bến Tre, Lorna choáng ngợp trước những vườn dừa bạt ngàn trải dài tít tắp. Dừa được người dân nơi đây chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau, từ nước dừa, sữa dừa, thạch dừa, dầu dừa đến sợi dừa đều đủ cả.
Video đang HOT
Hướng dẫn viên Jerry Lê nói với cô: “Văn hóa sông Mekong đã tồn tại ở Việt Nam qua hàng trăm năm”. Sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, Jerry lớn lên với tuổi thơ gắn liền với vùng sông nước này.
Thủ phủ dừa Bến Tre. Ảnh: Thành Nhân
Nhiều năm qua, chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình thu hút đầu tư quốc tế đến vùng đồng bằng này, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện sống cho người dân. Dù vậy, Jerry chia sẻ, nếp sống giản dị vẫn được người dân nơi đây giữ gìn nguyên vẹn.
Lorna chứng kiến điều này trên một cù lao giữa dòng sông Cổ Chiên ở Tiền Giang. Cuộc sống nơi đây diễn ra bình dị, không có điện lưới, xe cộ, chỉ có những con đường đất uốn lượn qua những vườn cây ăn trái trĩu quả. Cộng đồng này được hình thành cách đây một thế kỷ bởi vài gia đình nông dân, tới nay đã có tới 24 hộ gia đình.
Tuy nhiên, điều khiến cây bút người Anh lo ngại chính là cuộc sống của người dân nơi đây đang đối mặt với thách thức lớn từ tình trạng xói mòn đất do biến đổi khí hậu. Theo một nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong, khoảng hơn 30% diện tích đồng bằng sông Mekong có nguy cơ chìm ngập do mực nước biển dâng cao 80 cm. Điều này có lẽ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vựa lương thực của Việt Nam.
Vẻ đẹp Khmer giữa miền Tây
Sau một đêm nghỉ ngơi trên cù lao, Lorna bắt đầu ngày mới với chuyến tham quan bằng xe đạp, khám phá cuộc sống gắn liền với văn hóa sông nước của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Dọc theo con đường quê, những hàng sầu riêng trĩu quả ẩn hiện sau những nếp nhà truyền thống. Trên hiên nhà, người dân thong dong thả câu, tận hưởng làn gió mát từ sông lùa qua những cánh cửa kiểu Pháp cổ kính.
Tuy nhiên, không phải tất cả cộng đồng dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long đều sinh sống ngay sát mép sông. Lần này, Jerry đưa nữ du khách Anh đến thăm một ngôi làng của người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long, cách Bến Tre hai tiếng rưỡi đi xe.
Khu vực này là nơi sinh sống của cộng đồng người Khmer, nổi tiếng với một trong những quần thể kiến trúc Phật giáo – Khmer độc đáo nhất Việt Nam – chùa Phù Ly 1 (xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Khác với kiến trúc đa dạng mang ảnh hưởng của nhiều tôn giáo tại Việt Nam, chùa Phù Ly 1 mang đậm dấu ấn văn hóa Khmer độc đáo. Những bức tượng Garuda – vị thần đại bàng trong Ấn Độ giáo – được chạm khắc tinh xảo trên tường, cùng với các cột đá mang hình đầu ba cạnh đặc trưng của Angkor Wat nổi tiếng ở Campuchia.
Chùa Phù Ly 1 là quần thể kiến trúc độc đáo bậc nhất Việt Nam. Ảnh: Chùa Phù Ly 1
Quần thể chùa Phù Ly 1 sừng sững với những bức tường cao kiên cố như một pháo đài. Phía sau cánh cổng màu đỏ thẫm, tượng Phật vàng cao 6m tọa lạc uy nghi trên đài sen. Xung quanh tượng là các điện thờ, lò hỏa táng, sala, trai đường, tháp cốt, và khu tu viện đủ cho 200 nhà sư tu tập.
Về xứ Tây Đô
Bước ra khỏi không gian thanh tịnh của chùa Phù Ly 1, Lorna cùng hướng dẫn viên của mình quay trở lại sông và tiếp tục hành trình đến Cần Thơ – thành phố lớn thứ năm Việt Nam với nhịp sống hiện đại và năng động.
Điểm dừng chân cuối cùng trong ngày là chợ nổi Cái Răng – nét đặc trưng của cuộc sống miền Tây hàng trăm năm nay. Chợ nổi Cái Răng từng là trung tâm mua bán sầm uất khi hệ thống đường bộ chưa phát triển. Những chiếc xuồng đầy ắp hàng hóa như hành, tỏi, bí ngô, dưa hấu… nhộn nhịp dập dìu trên sóng nước.
Chợ Nổi Cái Răng là nét đẹp độc đáo của người dân Cần Thơ. Ảnh: Phong Linh
Tuy nhiên, theo thời gian, nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại đã dần thay đổi diện mạo của khu chợ. Quy mô chợ thu hẹp đáng kể, thay thế cho những chiếc thuyền đầy ắp hàng hóa là những chiếc xe máy tấp nập trên bờ.
“Mọi người muốn tiến về phía trước, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy buồn vì khu chợ này có lẽ sẽ không còn tồn tại cho thế hệ sau,” Jerry khẽ nói với tôi.
Dù chợ không còn sầm uất như xưa, những giá trị văn hóa và lịch sử của nó vẫn luôn trường tồn. Chợ nổi Cái Răng vẫn là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa của vùng đất này, lưu giữ ký ức về một thời kỳ giao thương sôi động trên sông nước.
Chợ nổi - nét văn hóa đặc sắc vùng sông nước Việt Nam
Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân.
Ở miền Tây, hầu như vùng sông nước nào cũng có chợ nổi. Chợ ở đây không chỉ là một vài chiếc thuyền trao đổi mua bán trên sông mà là cả một cái chợ lớn tụ tập đông đúc trên những chiếc ghe thuyền neo đậu ở các ngã ba con sông lớn. Mỗi chiếc ghe thuyền sẽ bán những món hàng khác nhau từ hoa quả ngọt lành của miền Tây, tới những chiếc ghe bán bún, hủ tiếu buổi sáng cho tới những ghe bán đồ gia dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Về thời gian ra đời của chợ nổi, một số thương hồ (người buôn bán hàng hóa trên ghe, xuồng) cho biết họ không rõ chợ chính xác có tự khi nào, chỉ biết rằng từ thuở ấu thơ đã theo cha mẹ lên ghe, xuồng rong ruổi trên sông, khi lớn lên tại tiếp tục mưu sinh bằng nghề bán buôn nông sản, hàng hóa ở chợ nổi.
|
Ngắm trọn nét đẹp độc đáo khi khám phá chợ nổi ở Miền Tây. Ảnh: Vntrip.vn. |
Du khách đến đây sẽ được tận mắt chứng kiến hàng trăm ghe lớn nhỏ mua bán các loại trái cây và nông sản của vùng quê sông nước. Dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển ngày một sầm uất.
Chợ nổi ở miền Tây hầu như họp cả ngày nhưng náo nhiệt nhất vẫn là vào buổi sáng. Dù mặt trời chưa tỏ nhưng tiếng máy nổ, tiếng chèo khua trên những dòng kênh đã vang vọng hướng về phía chợ. Đến khoảng 4 - 5 giờ sáng, chợ bắt đầu đông đúc hơn, tấp nập kẻ mua người bán cho đến khách du lịch cũng tranh thủ dậy sớm để đến khám phá văn hóa chợ nổi.
Chợ nổi là văn hóa đặc trưng khi nói đến miền Tây sông nước. Ảnh: Vietravel. |
Đến đây, chúng ta có thể mua được bất kỳ thứ gì mình muốn tại chợ nổi, cũng như khám phá thêm được nhiều nét đẹp lao động của người dân miền sông nước nơi đây.
Một điểm nổi bật khi nói đến hoạt động giao thương ở chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long là sự xuất hiện của những cây bẹo - cách thức tiếp thị, quảng cáo độc đáo, là dấu hiệu giúp người mua nhận biết trên ghe, xuồng bán loại nông sản, hàng hóa nào để ghé lại mua hàng.
Cây bẹo - cách thức tiếp thị, quảng cáo độc đáo (Ảnh: sưu tầm) |
Cây bẹo được coi là linh hồn của chợ nổi, thường là cây sào làm bằng tre tầm vông, được sử dụng để treo lên đầu ngọn sào các loại trái cây, rau củ mà trên ghe có bày bán để từ xa người mua đã có thể nhận biết. Trước mũi ghe, người bán chỉ cần cắm hoặc gác một cây bẹo là sào dài, treo lủng lẳng trên đó những thứ nông sản hàng hóa mà họ bán. Đây là lối rao hàng độc đáo, không ồn ào, vồn vã, không níu kéo nhưng lại có sức thu hút khách hàng. Đây là cách quảng bá hàng hóa tại chỗ rất sinh động. Cây bẹo vì thế trở thành một quy ước, nét sáng tạo trong quảng cáo và tiếp thị từ rất sớm.
Vẻ đẹp người lao động thể hiện rõ tại chợ nổi Cái Bè. Ảnh: Anpha Travel. |
Hình thành gắn với đặc thù vùng sông nước, chợ nổi có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ hàng nông sản ở vùng, đem lại việc làm đáng kể cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của cư dân thương hồ. Tại chợ, hình thức mua bán hàng hóa diễn ra trên cơ sở kết tinh giữa môi trường sông nước và tập quán mua bán trên sông của người dân trong suốt chiều dài lịch sử.
Xã hội ngày càng phát triển, nhưng văn hóa chợ nổi của miền Tây sông nước vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng. Người dân địa phương nơi đây luôn gìn giữ được nét văn hóa này để có thể mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
Sông nước miền Tây đông nghịt du khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 Các địa điểm du lịch, điểm tham quan du lịch sinh thái tại miền Tây, thu hút đông đảo du khách đổ về tham quan dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Chợ nổi Cái Răng hút khách trong kỳ nghỉ lễ. Du lịch "xanh" hút khách Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay rơi đúng vào thời điểm nắng nóng tại các địa phương của miền...