Khách sạn tình yêu ở Nhật kỳ thị đồng tính nam
Các đôi đồng tính nam ở Nhật Bản cảm thấy bị đối xử như công dân hạng hai khi nhiều khách sạn tình yêu từ chối cho thuê phòng.
Zing trích dịch bài viết trên The Guardian, nói về thực trạng các cặp đồng tính nam bị phân biệt đối xử, từ chối khi thuê phòng tại phần lớn khách sạn tình yêu ở Nhật Bản.
Vào tháng 5, khi làn sóng Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, một đôi đồng tính nam sống cùng nhau tại Amagasaki (Nhật Bản) quyết định tìm kiếm “làn gió mới” giữa không khí nhàm chán của thời giãn cách xã hội. Họ tìm đến một “khách sạn tình yêu”, nơi các cặp tình nhân trả tiền để có khoảng thời gian ngắn ân ái bên nhau.
Nhưng thay vì có trải nghiệm lãng mạn như dự định, đôi tình nhân thậm chí không đi được đến cửa phòng. “Nhân viên lễ tân rất lịch sự. Họ chỉ nói các cặp nam giới không được ở đây”, một trong hai người nói với Kobe Shimbun.
Hai người đàn ông thử tìm phòng ở một khách sạn tình yêu khác gần đó nhưng cũng không được chấp nhận. Lời từ chối không khác mấy so với nơi đầu tiên.
“Các đôi đồng tính nam sử dụng cơ sở vật chất không đúng cách”, nữ lễ tân nói với họ mà không giải thích gì thêm.
“Đó rõ ràng là phân biệt đối xử. Chúng tôi bị đối xử như công dân hạng hai”, một người tỏ ra bức xúc.
Đôi đồng tính nam trong câu chuyện trên không phải những người duy nhất bị phân biệt đối xử vì giới tính của mình. Trong khi hàng nghìn khách sạn tình yêu ở Nhật Bản chào đón hàng triệu đôi dị tính đến tìm trải nghiệm riêng tư, nhiều cặp đồng tính nói rằng họ thường xuyên bị quay lưng.
Khách sạn tình yêu ở Nhật Bản từ chối cho các đôi đồng tính nam thuê phòng.
Bị đối xử như công dân hạng hai
Mặc dù đã có sự nâng cao nhận thức về quyền của LGBT, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm G7 không công nhận hôn nhân đồng giới. Ngành công nghiệp khách sạn tình yêu trị giá hàng tỷ đôla của đất nước này đa phần chỉ chấp nhận các cặp tình nhân khác giới.
Taiga Ishikawa – nghị sĩ đồng tính công khai đầu tiên của Nhật Bản – ước tính rằng trong 143 khách sạn tình yêu ở quận Toshima (Tokyo), nơi ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách thành viên hội đồng, có 30 khách sạn từ chối cho các cặp đồng tính thuê phòng.
Người đồng tính nam cảm thấy bị phân biệt đối xử khi các khách sạn từ chối.
Một người là thành viên cộng đồng LGBT cho rằng những lời từ chối được đưa ra với kỳ vọng người đồng tính sẽ coi khách sạn tình yêu là “khu vực giới hạn”.
Akira Nishiyama, trợ lý giám đốc điều hành của Liên minh Nhật Bản về Luật LGBT, nhận xét các đôi đồng tính bị khách sạn từ chối là thực trạng phổ biến, dù nó bất hợp pháp theo bản sửa đổi năm 2018 của luật kinh doanh khách sạn. Trong luật này nêu rõ các khách sạn “không nên từ chối khách vì khuynh hướng tình dục hoặc bản dạng giới của họ”.
Trong những trường hợp hiếm hoi, khi khách hàng báo cáo một khách sạn vì kỳ thị người đồng tính, các nhà chức trách cũng chỉ đơn giản cung cấp cho chủ sở hữu “hướng dẫn hành chính” – một biện pháp được các nhà vận động cho là thiếu ảnh hưởng pháp lý.
Video đang HOT
“Hầu hết khách sạn sẽ tiếp tục phớt lờ luật”
Khách sạn tình yêu hiện đại, được đặt theo tên đầu tiên của loại hình này – Love Hotel – mở cửa ở Osaka vào cuối những năm 1960, ban đầu phục vụ cho các cặp vợ chồng muốn thoát khỏi cảnh phải thân mật trong ngôi nhà chung có nhiều thế hệ.
Song việc già hóa dân số, sự gia tăng của những người sống một mình, cộng với tình hình dịch bệnh hiện nay đã buộc nhiều khách sạn phải cải thiện hình ảnh, nhằm thu hút khách du lịch và cả những người độc thân có nhu cầu tìm chỗ ở rẻ và thoải mái.
Do vậy, số khách sạn có chủ đề tình dục quá mức chỉ còn 10.000 trong những năm gần đây, giảm rất nhiều so với con số 30.000 khách sạn cách đây 20 năm.
Tuy nhiên, ước tính mỗi ngày có khoảng 1,4 triệu người Nhật ghé thăm khách sạn tình yêu. Các nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 2-3 tỷ yen mỗi năm.
Tại Nhật Bản, cộng đồng LGBT vẫn chưa hoàn toàn được chấp nhận.
Song Gon Matsunaka, người sáng lập và chủ tịch của Pride House Tokyo, nhận định rằng hầu hết khách sạn sẽ tiếp tục phớt lờ luật và từ chối các cặp đồng tính.
“Họ thường phân biệt đối xử, không đưa ra lý do rõ ràng để từ chối cấp phòng cho các cặp đồng tính. Họ sẽ viện lý do như không còn phòng trống”.
“Chúng ta sẽ đón nhiều khách nước ngoài đến trong kỳ Olympics vào năm sau, và nếu các cặp đồng tính bị từ chối cho vào khách sạn tình yêu thì nó sẽ tạo ấn tượng không hay về Nhật Bản”, Gon Matsunaka nói.
Mặc dù một số trang web đã bắt đầu liệt kê các khách sạn tình yêu “thân thiện với người đồng tính nam”, Matsunaka cho biết Nhật Bản chưa hoàn toàn chấp nhận cộng đồng LGBT, điển hình là lệnh cấm hôn nhân đồng giới.
“Một số khách sạn tình yêu chấp nhận các cặp đồng tính, như ở quận ni-chome của người đồng tính tại Tokyo, nhưng nó rất hạn chế. Chẳng có áp lực nào buộc ngành này thay đổi cách làm của mình”.
Một cuộc khảo sát mới được công bố cho thấy 79% người LGBT được hỏi cho biết họ từng nghe những nhận xét kỳ thị về giới tính tại nơi làm việc hoặc trường học. 67% trong đó cho biết thái độ của xã hội đối với sự đa dạng của xu hướng tình dục và bản dạng giới đã được cải thiện trong 5 năm qua.
Con lai Nhật Bản bị kỳ thị ở chính quê nhà
Dù sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, những người con lai vẫn bị cộng đồng phân biệt đối xử vì mang hai dòng máu và sở hữu ngoại hình khác biệt.
Zing trích dịch bài đăng trên CNN, nói về sự phân biệt đối xử của xã hội Nhật Bản đối với hafu - những công dân mang hai hay nhiều dòng máu.
"Xin lỗi, bạn có phải là hafu không?", tài xế taxi mở lời.
Anna, con lai Nhật - Mỹ, không quá bất ngờ khi nhận được câu hỏi này. Dù được sinh ra và dành trọn tuổi thơ tại xứ hoa anh đào, vẻ ngoài lai Tây của cô vẫn thu hút ánh mắt hiếu kỳ của nhiều người.
"Biết bao lần tôi phải giải thích xuất thân của mình để thỏa mãn sự tò mò của người khác. Tôi tự hỏi: 'Mình có cần chia sẻ chuyện đó với những người lạ mặt, chỉ gặp một lần trong đời không?'", Anna nói.
Theo số liệu thống kê năm 2018, chỉ 2% dân số Nhật Bản là công dân mang hai dòng máu. Vì vậy, các hafu - khái niệm chỉ con lai trong tiếng Nhật - thường bị cô lập, dè chừng.
Thái độ kỳ thị với các hafu tại Nhật hiện có những chuyển biến tích cực. Nhiều người nổi tiếng mang dòng máu lai như người mẫu Rina Fukushi hay tay vợt Naomi Osaka đang nhận được sự ủng hộ của cộng đồng trong nước.
Tuy nhiên, hầu hết công dân có bố hoặc mẹ là người nước ngoài vẫn chịu sự phân biệt đối xử của xã hội nước này. Lối hành xử dè chừng, ánh mắt dò xét của một bộ phận người Nhật đã biến các hafu trở thành "người ngoài" trên chính quê hương.
Tại Nhật Bản, con lai thường chịu sự phân biệt đối xử của những người Nhật "chính thống". Ảnh: Tetsuro Miyazaki.
Bị kỳ thị trên mảnh đất quê hương
Nhạc sĩ David Yano, mang trong mình hai dòng máu Nhật - Ghana, đã gắn bó với xứ hoa anh đào suốt hơn 20 năm qua. Anh từng lên sóng truyền hình để chia sẻ trải nghiệm với tư cách một người con lai trên đất Nhật.
Theo lời kể, Yano từng là nạn nhân của bắt nạt học đường, bị cảnh sát chặn đường khi đi dạo trên phố vì vẻ ngoài khác biệt. Khi trở thành khách mời trên truyền hình, người đại diện còn khuyên anh nên thể hiện sự dí dỏm, hài hước "đặc trưng của người da đen".
Đặc biệt, đối với những người con lai da màu như David Yano, việc tìm chỗ ở vô cùng khó khăn do định kiến của nhiều chủ nhà.
"Họ thẳng thừng từ chối cho tôi thuê phòng vì là người da màu. Thay vì dành thời gian tìm hiểu xuất thân của tôi, họ chỉ quan tâm đến suy nghĩ của những khách trọ khác", chàng nhạc sĩ bộc bạch.
Nhạc sĩ David Yano, con lai Nhật - Ghana, đã chia sẻ trải nghiệm trưởng thành ở Nhật Bản với tư cách một hafu. Ảnh: Hafu the Film.
Những khó khăn Yano gặp phải là tình trạng chung của các hafu xứ Phù Tang. Thực tế, rất khó để thống kê những bất lợi của người mang hai dòng máu ở nước này bởi về mặt pháp lý, họ là công dân Nhật Bản.
"Con lai ở Nhật Bản thường bị kỳ thị. Nhưng vì là công dân hợp pháp, họ không được coi là đối tượng của các nghiên cứu, khảo sát về vấn đề phân biệt đối xử", Shimoji - nhà xã hội học tại ĐH Ritsumeikan - nói.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản năm 2019, cứ 30 đứa trẻ sinh ra thì 1 em có bố hoặc mẹ là người nước ngoài. Số liệu này đã gia tăng đáng kể so với 3 thập kỷ trước, khi 1/50 trẻ sơ sinh là con lai.
Dù đa dạng sắc tộc trong cơ cấu dân số, xã hội Nhật Bản có xu hướng đánh giá quốc tịch của người khác dựa trên ngôn ngữ, ngoại hình và địa vị. Tất cả những yếu tố này đều quy về hai lựa chọn - "người Nhật" hoặc "người nước ngoài".
Sở hữu vẻ ngoài không quá khác biệt, những người con lai châu Á như Nhật - Hàn hay Nhật - Trung dễ bị đánh giá khi thừa nhận gốc rễ thứ hai của mình. Với những trường hợp còn lại, màu mắt xanh, làn da sậm có thể trở thành đặc điểm thu hút sự chú ý, đẩy họ vào cảnh bị phân biệt đối xử.
Nỗ lực xóa bỏ định kiến
Năm 2018, sau khi tay vợt nữ người Nhật Naomi Osaka giành chiến thắng Giải Quần vợt Mỹ Mở rộng, giới truyền thông và cộng đồng mạng trong nước nổ ra tranh cãi về xuất thân của cô.
"Tôi xin lỗi nhưng những người gọi Naomi Osaka là 'niềm tự hào của Nhật Bản' khiến tôi phát ốm. Họ không thể chỉ vinh danh các hafu nổi tiếng là con lai và kỳ thị những con lai bình thường như chúng tôi", một người dùng Twitter có tên @phie_hardison bình luận.
Thực tế, xã hội xứ hoa anh đào ngày nay có xu hướng ưu ái người nổi tiếng mang hai dòng máu. Với các trường hợp còn lại, họ vẫn là tâm điểm của những người qua đường hiếu kỳ, bảo thủ.
Năm 2018, chiến thắng của tay vợt nữ Naomi Osaka dấy lên cuộc tranh luận về sự phân biệt đối xử giữa các hafu là ngôi sao nổi tiếng và người thường. Ảnh: Essentially Sports.
Năm ngoái, cô gái lai Anna nảy ra ý tưởng về "tấm thiệp gặp mặt". Đó là những mẩu giấy nhỏ, ghi rõ câu trả lời cho một số thắc mắc cô thường nhận được như bố hay mẹ là người Nhật, lông mi là thật hay giả...
Thông qua những tấm thiệp nhỏ, Anna đã bày tỏ quan điểm "soi mói ngoại hình, quốc tịch của người khác trong lần đầu gặp mặt là bất lịch sự".
Tuy nhiên, không phải ai cũng vui vẻ đón nhận ý tưởng này. Cô gái lai Nhật - Mỹ kể rằng mình từng bị một người đàn ông ngoài 60 tuổi ném trả lại mẩu giấy sau khi nhầm lẫn cô là người nước ngoài.
Tháng 6 vừa qua, cô đã đăng tải tấm thiệp đặc biệt của mình lên Twitter. Bức hình nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, với hơn 124,000 lượt thích và 33,400 lượt chia sẻ.
Nhiều người khen ngợi những tấm thiệp của Anna "rất hữu ích trong thực tế". Ngược lại, không ít ý kiến cho rằng phát kiến này "chỉ khiến người nhận cảm thấy xấu hổ".
Sau khi hình ảnh tấm thiệp lan truyền trên mạng xã hội, Anna nhận được nhiều phản hồi từ những học sinh là con lai bị bắt nạt ở trường. Cô nhận ra rằng sự phân biệt đối xử đối với hafu ở mọi lứa tuổi, mọi địa vị chưa có thay đổi rõ rệt.
Anna mong những ngôi sao là con lai ở Nhật Bản sẽ lên tiếng chia sẻ trải nghiệm bị kỳ thị của mình trước khi thành danh. "Các chính trị gia, CEO và người nổi tiếng cần lên tiếng bảo vệ sự đa dạng sắc tộc và nguồn gốc của mình", cô khẳng định.
Anna khẳng định: "Các chính trị gia, CEO và người nổi tiếng cần lên tiếng bảo vệ sự đa dạng sắc tộc và nguồn gốc của mình".
Những năm gần đây, cộng đồng hafu ở Nhật Bản đang nỗ lực để xóa bỏ định kiến xã hội.
Chàng nhạc sĩ David Yano đã sáng lập Enijie - tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục và tăng cường hiểu biết giữa Ghana - Nhật Bản. Những hoạt động trao đổi văn hóa của tổ chức này nhằm đem hình ảnh Ghana đến gần hơn với người dân Nhật Bản.
Năm 2018, nhà xã hội học Shimoji đã thành lập diễn đàn HafuTalk dành cho các bậc cha mẹ, người mang nhiều dòng máu và giáo viên. Chủ đề của các cuộc thảo luận thường xoay quanh sự đa dạng sắc tộc, vấn đề danh tính và những định kiến về hafu.
'Chồng cười, vợ khóc' khi phải ở nhà trông con mùa dịch Nhiều người vợ cảm thấy stress khi chồng con kè kè bên cạnh, trong khi phần lớn đàn ông lại vui vẻ khi được ở nhà. Theo cuộc khảo sát kín của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda, khoảng 70% ông chồng tại Nhật Bản vui mừng khi được ở nhà chăm sóc gia đình trong thời gian giãn cách xã...