“Khách sạn bay” A380 phải hạ cánh khẩn vì khoang ngập nước
Một chiếc máy bay A380, vốn được mệnh danh là “khách sạn bay”, của hãng hàng không Qantas của Úc hôm 1/7 đã phải quay trở lại Los Angeles, Mỹ khi đang trên hành trình tới Melbourne, do hệ thống nước trên máy bay bị rò rỉ, khiến trong khoang ướt sũng.
Sự cố hy hữu này xảy ra trên chuyến bay mang số hiệu QF94, khi một đường ống nước trên máy bay bị vỡ, khiến nước chảy lênh láng.
Sự việc xảy ra ở tầng trên của chiếc máy bay dân dụng lớn nhất thế giới, sau khi nó đã cất cánh được khoảng một giờ. Khoảng 20 giờ giờ địa phương ngày thứ Ba, máy bay buộc phải hạ cánh.
Hành khách nhốn nháo vì nước rò rỉ khắp nơi
Các hành khách có mặt trên máy bay đã mô tả cảnh tượng mọi người bật dậy khỏi ghế, và đứng ở hành lang để tránh nước dột từ trên trần xuống.
“Chúng tôi nhìn thấy nước chảy ùa ra khắp nơi từ khoang hành lý trên đầu”, Ken Price, một người đến từ thành phố Melbourne đang trên hành trình về nhà sau 6 tuần đi nghỉ cho biết. “Lúc đó chúng tôi ở phía đuôi máy bay, và cầu thang lên tầng trên đầy nước chảy tràn xuống.
Video đang HOT
Nước chảy lênh láng trên lối đi
Do nước chảy mạnh, ông Price cho biết hệ thống giải trí và lò nướng trên “khách sạn bay” này đã bị tắt đi, còn hành khách được đưa cho một “hộp đồ ăn khẩn cấp”.
“Mọi người đều chỉ đứng tại hành lang và tự hỏi điều gì đang diễn ra. Sự việc kéo dài khoảng 45 phút trước khi họ quyết định cho máy bay quay trở lại”, ông Price, một chủ khách sạn cho biết.
Sự cố khiến ông buộc phải ở lại Los Angeles và chờ tới thứ Tư mới có chuyến bay về nhà.
Ghế ngồi của nhiều hành khách sũng nước
Một người phát ngôn của hãng Qantas đã xác nhận với tờ Daily Mail rằng một ống nước uống và nước dùng để rửa tay trên máy bay đã bị rò rỉ.
Quyết định cho máy bay quay đầu lại Los Angeles được đưa ra sau đó chủ yếu mang tính thận trọng, và không có vấn đề lớn nào đối với an toàn của máy bay hay hành khách.
Máy bay sau đó đã được các nhân viên kỹ thuật tại sân bay kiểm tra, và hãng máy bay Airbus cũng đã được Quantas thông báo về sự cố hy hữu này.
16 giờ ngày 2/7 theo giờ địa phương, máy bay đã rời Los Angeles.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ Daily Mail
Hàn Quốc chi gần 1,4 tỷ USD mua máy bay tiếp liệu trên không
Hàn Quốc ngày 1/7 cho biết nước này đang cân nhắc hồ sơ chào thầu từ Airbus, Boeing và tập đoàn Công nghiệp Hàng không vũ trụ Israel (IAI) nhằm cung cấp các máy bay tiếp liệu trên không trong một hợp đồng ước tính trị giá khoảng 1,38 tỷ USD.
Một máy bay tiếp liệu tại Dubai. (Ảnh minh họa)
Cơ quan quản lý mua sắm quốc phòng (DAPA) của Hàn Quốc cho hay họ đã nhận được thư chào thầu từ 3 công ty, với mục tiêu là chọn một nhà thầu cuối cùng vào cuối tháng 11 tới.
Các hồ sơ chào thầu liên quan tới máy bay tiếp liệu MRTT của Airbus, chiếc KC-46 của Boeing và máy bay cải tiến B767-300ER của IAI.
"Chúng tôi sẽ đánh giá 3 mẫu máy bay trên bắt đầu từ tháng 7", DAPA cho biết trong một tuyên bố.
Cơ quan quản lý mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc không nói rõ số máy bay sẽ được mua nhưng một số nguồn tin cho biết con số sẽ là 4.
Hãng Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu đang trong cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm giành các hợp đồng quân sự để chế tạo các máy bay tiếp liệu.
Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's , MRTT của Airbus hiện đang được sử dụng tại Áo, Ả-rập Xê-út, Anh, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Hồi tháng 3 năm nay, Airbus đã giành một hợp đồng trị giá 1,4 tỷ USD nhằm thay thế các máy bay tiếp liệu trên không cũ kỹ của không quân Singapore, vốn do Boeing chế tạo.
Vào năm 2011, Boeing đã đánh bại đối thủ châu Âu để giành hợp đồng trị giá khoảng 30 tỷ USD nhằm thay thế phi đội máy bay tiếp liệu nhiều tuổi KC-135 của không quân Mỹ bằng các máy bay tiếp liệu KC-46 mới hơn. Các máy bay KC-46 sẽ bắt đầu được bàn giao cho không quân Mỹ vào năm 2017.
Các thu cầu mua sắm quân sự của Hàn Quốc, đặc biệt cho không quân, trước đây thường do các hãng sản xuất Mỹ đáp ứng, phản ánh liên minh quân sự chặt chẽ giữa 2 nước.
Ninh Vân
Theo Dantri/AFP
Airbus ra mắt thiết kế siêu máy bay xuất hiện trong năm 2050 Airbus mới cho ra mắt mẫu thiết kế siêu máy bay sẽ xuất hiện vào năm 2050 với cửa sổ panoramic, ghế massage, phòng tắm... Khoảng 30 năm trở lại đây, ngành công nghiệp hàng không đã trải qua nhiều thay đổi và cải tiến lớn. Những thế hệ máy bay mới ra đời có tốc độ nhanh hơn, kích cỡ lớn hơn...