Khách sạn 105 tầng ở Triều Tiên mở cửa sau 30 năm “đắp chiếu”
Khách sạn Ryugyong 105 tầng với kiến trúc kim tự tháp, được mệnh danh là Khách sạn Ngày tận thế, ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên được cho là đã mở cửa hôm qua 14/12 sau 30 năm xây dựng.
Khách sạn Ryugyong của Triều Tiên (Ảnh: Mirror)
Khách sạn Ryugyong ở thủ đô Bình Nhưỡng được khởi công xây dựng từ năm 1987 dưới thời Chủ tịch Kim Nhật Thành với hy vọng có thể trở thành biểu tượng của Triều Tiên và thu hút khách du lịch tới quốc gia này. Chi phí xây dựng khách sạn hình kim tự tháp này lên tới 588 triệu USD và dự kiến khai trương vào năm 1989.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng đã gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế khiến dự án không hoàn thành theo đúng tiến độ. Ngoài ra, khách sạn này cũng gặp các vấn đề về xây dựng, bao gồm chất lượng bê tông kém và hệ thống thang máy không ổn định.
Mới đây, đoạn video do NK News công bố hôm 14/12 cho thấy ánh đèn đã phát ra từ hai tầng cao nhất trên đỉnh khách sạn, khiến nhiều người tin rằng công trình kiến trúc cao 330m này cuối cùng cũng mở cửa sau 30 năm “đắp chiếu”. Peter Ward, chuyên gia về Triều Tiên tại một cơ quan nghiên cứu ở Seoul, Hàn Quốc cho biết ông rất ngạc nhiên khi nhìn thấy đỉnh khách sạn Ryugyong sáng đèn.
Một số nguồn tin tiết lộ Chủ tịch Kim Jong-un đã hồi sinh dự án dang dở này bằng cách cho lắp đặt thêm kính cửa sổ và mạng điện thoại. Nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là muốn biến tòa tháp thành biểu tượng của quyền lực và sẽ mở cửa khách sạn để đón khách trong thời gian tới.
Vào thời điểm xây dựng, Ryugyong được kỳ vọng là khách sạn cao nhất và là tòa nhà chọc trời cao thứ 7 thế giới. Khách sạn được thiết kế dưới dạng tổ hợp, gồm các văn phòng, căn hộ, sòng bạc, hộp đêm và spa cao cấp.
Thành Đạt
Theo Mirror
Video đang HOT
Phòng 1046 - án mạng ở Mỹ với những nút thắt bất ngờ trong 7 thập kỷ
Án mạng trong phòng khách sạn 1046 vào năm 1935 được coi là một trong những vụ án có nhiều diễn biến phức tạp nhất lịch sử Mỹ.
Người đàn ông trong phòng 1046. Ảnh: kclibrary
Ngày 2/1/1935, một người đàn ông nhận phòng 1046 của khách sạn President ở Kansas, Missouri, đăng ký với tên Roland T. Owen. Anh ta không mang theo hành lý và khi được nhân viên đưa vào phòng 1046, những thứ anh ta lấy ra từ túi áo chỉ vỏn vẹn có lược, bàn chải và kem đánh răng, theo kclibrary.
Người đàn ông cuối cùng không thể sống sót để rời khỏi khách sạn.
Vào khách sạn
Khi một người giúp việc đến dọn dẹp vào ngày Owen làm thủ tục nhập phòng, cô thấy ông ta ngồi trong bóng tối, chỉ có một ngọn đèn nhỏ. Owen bảo cô ấy để cửa mở vì đang đợi một người bạn, nhưng lại rời khỏi phòng trước khi người phụ nữ dọn dẹp xong. Sau đó, cô nói rằng anh ta có vẻ lo lắng và sợ hãi.
Người dọn phòng trở lại một vài giờ sau đó để thay khăn và thấy Owen đã về phòng. Cô thấy một mẩu giấy ghi chú để lại trên bàn viết: "Don, tôi sẽ trở lại trong 15 phút. Chờ nhé".
10h30 ngày 3/1, người dọn phòng lại đến phòng của Owen. Cửa phòng bị khóa từ bên ngoài, cô nghĩ rằng Owen đã ra ngoài nên mở phòng bằng chìa khóa vạn năng của khách sạn. Thế nhưng, cô lại thấy ông đang ngồi một mình trong bóng tối.
Một thời gian ngắn sau khi cô vào phòng, chuông điện thoại reo và Owen trả lời: "Không, Don, tôi không muốn ăn. Tôi không đói. Tôi vừa ăn sáng xong". "Chiều hôm đó, cô trở lại phòng 1046 để thay khăn và nghe thấy hai giọng nam nói chuyện trong phòng. Cô gõ cửa nhưng rời đi vì có giọng nói khàn vọng ra rằng phòng không cần khăn.
Người xin quá giang
Đêm đó, một người đi xe máy là Robert Lane đã cho một người lạ đi nhờ tại nơi cách khách sạn vài dãy nhà. Mặc dù trời lạnh, người đàn ông ăn mặc phong phanh và có một vết trầy xước sâu ở cánh tay trái. Khi Lane nói với người đó rằng anh trông như thể vừa có một đêm tồi tệ, người đàn ông trả lời: "Tôi sẽ giết... (báo chí năm đó đã xóa bỏ từ này) vào ngày mai". Lane sau đó xác định người xin quá giang chính là Roland T. Owen.
Khách sạn President vào năm 1930. Ảnh: kclibrary
Sáng hôm sau
Sự kiện quan trọng tiếp theo xảy ra vào lúc 7h ngày 4/1, khi khách sạn nhận thấy điện thoại trong phòng 1046 bị kênh máy.
Nhân viên Randolph Propst được điều lên phòng 1046 để chỉnh lại điện thoại. Anh ta thấy cánh cửa bị khóa và tấm biển "Đừng làm phiền" cài trên nắm đấm cửa. Propst gõ cửa và có người nói "vào đi" mặc dù cửa khóa. Propst gõ thêm lần nữa và lại có người gọi vào, lần này còn được yêu cầu "bật đèn".
Nghĩ rằng người trong phòng đã say, Propst gõ cửa thêm vài lần rồi hô to lên rằng người trong phòng cần phải chỉnh lại điện thoại.
Một vài giờ sau, khách sạn lại thấy điện thoại phòng 1046 bị kênh. Propst lại được điều lên kiểm tra. Propst mở cửa bằng chìa khóa vạn năng của khách sạn và thấy trên sàn nhà là Roland T. Owen, trần truồng, bị đánh đập dã man, người đầy máu. Máu còn bắn tung toé trên giường, các bức tường, và trong phòng tắm.
Khi cảnh sát đến, họ phát hiện ra Owen đã bị trói và tra tấn trong nhiều giờ. Ông này bị đâm nhiều lần, hộp sọ vỡ vì bị đánh liên tục. Thế nhưng Owen vẫn sống sót sau cuộc tấn công. Khi cảnh sát cố gắng hỏi ông, tất cả những gì Owen nói là anh ta bị ngã vào bồn tắm. Owen hôn mê và chết đêm đó.
Những chi tiết nổi lên sau cái chết của Owen càng làm vụ án thêm phức tạp.
Giới chức lùng sục phòng 1046 để tìm đầu mối nhưng họ không hề thấy quần áo trong phòng, không áo khoác, không áo sơ mi, không quần, không giày hay tất. Các đồ dùng của khách sạn như xà phòng, dầu gội đầu cũng biến mất. Họ chỉ thấy nhãn hiệu từ một chiếc cà vạt, một điếu thuốc còn nguyên, kẹp tóc của phụ nữ, một kim băng, và một lọ axit sulfuric nhỏ. Ngoài ra còn có hai ly nước, một trong số đó mang 4 dấu vân tay có thể là của nữ.
Nhưng diễn biến khó hiểu nhất còn chưa đến. Khi cảnh sát cố gắng xác nhận danh tính của nạn nhân, họ không thể tìm thấy bất kỳ hồ sơ nào có tên Roland T. Owen phù hợp với nạn nhân. Người đàn ông đã sử dụng tên giả.
Một phụ nữ giấu tên đã gửi tiền và đặt hoa để tổ chức đám tang cho người đàn ông phòng 1046, với một tấm card viết: "Mãi yêu - Louise". Lễ tang chỉ có cảnh sát tham dự.
Một năm sau, năm 1936, một phụ nữ từ Birmingham, Alabama đọc về vụ giết người trên tạp chí American Journal Weekly. Bà tin rằng nạn nhân có thể là Artemus, con trai mất tích của bạn mình, người rời nhà vào tháng 4/1934. Trong hơn một năm, Ruby Ogletree chỉ nhận được ba lá thư ngắn đánh máy từ con mình, bức đầu tiên được gửi vào mùa xuân năm 1935, sau khi Owen/Scott đã chết. Ruby sau đó liên lạc với giới chức và xác nhận thi thể người chết trong phòng 1046 là con trai mình.
Thế nhưng, bí ẩn chưa dừng lại ở đó. Vào đầu những năm 2000, khoảng 70 năm sau vụ giết người, tiến sĩ John Horner, một thủ thư tại thư viện công cộng thành phố Kansas, nhận được cuộc gọi ngoại bang nặc danh.
Người gọi nói rằng ông đang phân loại đồ đạc của một người cao tuổi mới qua đời. Trong số đồ đạc là một hộp chứa những bài báo về vụ giết người Artemus Ogletree/Roland T. Owen được cắt ra. Ngoài ra người gọi còn nói rằng chiếc hộp chứa một vật từng được nêu trong một bài báo. Tuy nhiên, người gọi từ chối cho Horner biết tên hay nói chính xác anh ta tìm thấy gì.
Ai giết Artemus Ogletree? Tại sao anh ta bị ám sát, và tại sao anh ta dùng tên Roland T. Owen? Người đàn ông tên Don và người phụ nữ dường như đã vào phòng 1046 là ai? Sự thật về những gì xảy ra trong phòng 1046 vẫn còn là bí ẩn.
Phương Vũ
Theo VNE
Các nghi can ám sát ông Erdogan bị đề nghị mức án tù chung thân Truyền thông địa phương ngày 29/11 đưa tin, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mức án tù chung thân "nhiều lần" đối với gần 50 nghi can âm mưu ám sát Tổng thống Tayip Erdogan trong vụ đảo chính bất thành hôm 15/7. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ các đối tượng tình nghi âm mưu đảo chính...