Khách quốc tế đến TP.HCM chi tiêu 145 USD mỗi ngày
Thời gian lưu trú trung bình của một lượt khách quốc tế đến TP.HCM là 5,21 ngày. Mức chi tiêu bình quân mỗi ngày của họ khoảng 145 USD, tương đương 3,3 triệu đồng.
Sở Du lịch TP.HCM cho biết, đơn vị này đã phối hợp cùng Cục Thống kê thực hiện khảo sát về số liệu cũng như đánh giá về thị trường khách du lịch đến TP.HCM trong năm 2017.
Theo thống kê, thời gian lưu trú bình quân của một lượt khách quốc tế đến ở TP.HCM là 5,21 ngày. Trong tổng số khách được khảo sát cho thấy có 40% lưu trú từ 8 – 14 ngày, 48% khách ở lại từ 4 – 7 ngày.
Số tiền khách quốc tế chi tiêu khi đến TP.HCM vào khoảng 145 USD/1 ngày, tương đương 3,3 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi lượt khách nội địa có mức chi tiêu chỉ 1,58 triệu đồng mỗi ngày, thấp hơn một nửa so với khách quốc tế.
Tại hội nghị gặp gỡ đầu năm giữa doanh nghiệp và lãnh đạo TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho rằng, ngành du lịch Thành phố đang gặp khó khăn về cơ cấu sản phẩm. Cụ thể, TP thiếu những sản phẩm du lịch trong khung giờ đêm, tức là từ 18h đến 2h sáng hôm sau. Theo ông Kỳ, khảo sát cho thấy các sản phẩm du lịch trong khung giờ đêm chiếm 70% doanh thu của doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị này, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngoài số lượng khách quốc tế đến Thành phố, điều quan tâm nữa là họ tiêu bao nhiêu tiền?
Video đang HOT
Chủ tịch TP.HCM lấy dẫn chứng năm 2016, khách quốc tế đến Thái Lan tiêu xài 47 tỷ USD, con số này bằng tổng giá trị GDP của TP.HCM trong năm 2015. Theo thống kê năm 2017, TP.HCM đón hơn 64 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu của ngành du lịch Thành phố chiếm trên 50% doanh thu toàn ngành.
Theo Phương Anh Linh (Infonet)
Tổng cục Du lịch: Khách Trung Quốc mặc áo "đường lưỡi bò" là "sự cố nhỏ" (!)
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, vụ 14 khách du lịch Trung Quốc vào Cam Ranh mặc áo phông in bản đồ có hình "đường lưỡi bò" phi pháp là "sự cố nhỏ", do vậy cần phải xử lý mềm dẻo không để ảnh hưởng đến hợp tác du lịch với Trung Quốc.
Ngày 18/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đang phát triển chưa từng có và nhận thức về du lịch đang có chuyển biến tốt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển nhanh như vậy, ông Tuấn thừa nhận cũng không tránh khỏi "điều này điều khác".
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch nói về khách du lịch Trung Quốc mặc áo in hình "đường lưỡi bò" phi pháp.
Một vấn đề cụ thể được ông Tuấn đề cập đến là sự cố xảy ra vào tối 13/5, có liên quan đến đoàn khách du lịch Trung Quốc gồm 14 người đến sân bay quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh, nhóm khách này đã cởi áo khoác, lộ ra bên trong áo phông in bản đồ có hình "đường lưỡi bò" phi pháp.
Ông Tuấn cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ việc, đơn vị này đã tham mưu cho Bộ VHTT&DL xử lý kịp thời. "Tinh thần là chúng ta xử lý kịp thời nhưng phải mềm dẻo và không để những sự cố nhỏ như thế ảnh hưởng đến đại cục, nó làm ảnh hưởng đến hợp tác du lịch giữa chúng ta với Trung Quốc cũng như những thị trường khác trên thế giới", ông Tuấn nói.
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm vừa qua đó là "tour 0 đồng" cũng được ông Tuấn đề cập đến. Theo ông Tuấn, để giải quyết vấn đề này, chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn.
Ông Tuấn cho biết, vừa qua Tổng Cục Du lịch có đi Trung Quốc khảo sát, chính các doanh nghiệp của Trung Quốc và các hãng hàng không cũng kiến nghị vấn đề này. "Việc này chính quyền địa phương phải vào cuộc nhưng đang có dấu hiệu làm ngơ đi. Còn tại sao làm ngơ thì chúng tôi cho rằng có thể cũng có động cơ", ông Tuấn nhận định.
Về hướng dẫn viên nói tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn Quốc, ông Tuấn cho hay, đây là hai thị trường du lịch phát triển bùng nổ nhất nên có một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi xảy ra sự cố có hướng dẫn viên hành nghề trái phép và giới thiệu xuyên tạc lịch sử, Bộ VHTT&DL đã làm việc trực tiếp với các địa phương để phối hợp giải quyết theo phương án mềm dẻo, linh hoạt, không tạo ra cách hiểu mang tính kỳ thị.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ VHTT&DL trong sáng nay
Đề cập đến vấn đề "tour 0 đồng", Bộ Trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, khách du lịch vào Việt Nam ở khách sạn phải trả tiền, ăn cũng phải trả tiền cho dân mình, đi chơi cũng phải trả tiền vé cho di tích... "Vấn đề ở đây là nhà bán tour bên kia rất rẻ thì họ lấy tiền đâu trả cho mình thôi, còn mình vẫn thu đủ", ông Thiện giải thích.
Theo ông Thiện, chính vì bán tour 0 đồng nên mới có chuyện các đơn vị tổ chức lữ hành đưa khách vào các cửa hàng bán giá rất cao để bù lại những gì đã bỏ ra.
"Nhiệm vụ của ngành du lịch là đưa khách vào và quản lý họ, còn bán cửa hàng nào, mua ở đâu thì phải quản lý thị trường. Họ trốn thuế thì thuế phải quản lý; họ chuyển tiền, đổi tiền thì ngân hàng quản", ông Thiện phân tích.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá phát biểu của Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện là đúng nguồn gốc vấn đề. Theo ông Dũng bản chất không phải không có tiền vẫn sang được Việt Nam. Ông Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ VHTT&DL có văn bản tham mưu, đề xuất, trên cơ sở đó Thủ tướng có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng giải quyết.
Quang Phong
Theo Dantri
Sơn nữ, trai bản xuống phố mưu sinh: Ngổn ngang đời làm thuê Đa số những người vùng cao bỏ núi, bỏ nương xuống Thủ đô làm thuê trên các công trường đều là những người chí thú làm ăn, biết dành dụm mang về cho gia đình. Nhưng cũng có người vẫn ham vui, sống thiếu trách nhiệm, nên ngay cả người chủ quản lý cũng vô cùng vất vả bởi cách làm ăn tuỳ...