Khách nhậu giảm mạnh, quán xá nhiều nơi hiu hắt chưa từng thấy
Nhiều quán ăn, quán nhậu tại TP.HCM, Hà Nội và một số thành phố khác đang có không khí buôn bán vô cùng ảm đạm vì lượng khách đến giảm rất mạnh.
Nhiều quán nhậu tại TP.HCM có lượng khách giảm mạnh dù là ngày cuối tuần trong dịp cận Tết. Ảnh: Đại Việt
Trên các tuyến đường như Trường Sa ( quận Bình Thạnh – quận Phú Nhuận), Hoàng Sa (quận 3 – quận Tân Bình), Thành Thái, Tô Hiến Thành (quận 10), Ba Tháng Hai (quận 11)…, lượng khách đến quán nhậu có phần giảm mạnh.
Anh Trần Hải, đại diện một quán nhậu trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh) cho biết, sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ ngày 1/1 thì lượng khách đến quán bắt đầu giảm dần.
“Hôm nay Chủ nhật mà khách vắng như vậy đó, cả quán chỉ có đúng một bàn. Bình thường, 8 – 9h tối là khách đông lắm, nhất là cuối tuần. Người ta sợ bị phạt nồng độ cồn nên họ đâu có đi nhậu nhiều như trước”, anh Hải chỉ quán nói.
Theo anh Hải, doanh thu trong hai ngày cuối tuần này giảm “thê thảm”, chỉ bằng 1/2 so với trước. Trong khi, cuối năm là đợt có doanh thu cao điểm nhất vì liên hoan, tất niên nhiều.
Một số quán nhậu khác trên đường Trường Sa cũng có cảnh buôn bán ảm đạm tương tự quán của anh Hải, mỗi quán chỉ “lác đác” vài ba bàn nhậu. Trong khi đó, trước đây, khu vực này luôn ồn ào, náo nhiệt về đêm. Không khí ăn nhậu rầm rộ từ tối đến mờ sáng hôm sau.
Quán nhậu trên đường Trường Sa (quận Bình Thạnh) chỉ có một bàn có khách ngồi. Ảnh: Đại Việt
Ghi nhận của Dân Trí, nhiều bàn tiệc đã không có rượu, bia, thay vào đó là những loại nước ngọt, nước suối dù đàn ông luôn chiếm tỉ lệ lớn trong bàn. Đặc biệt là bàn tiệc của các bạn trẻ, trên bàn chủ yếu là nước ngọt nhưng không khí liên hoan vẫn rất vui vẻ.
Bạn Phương Tuyền, sinh viên ngụ quận Phú Nhuận chia sẻ, hôm nay là buổi liên hoan nhóm bạn chơi chung ở trường đại học. Bình thường, cả nhóm đều uống bia để có không khí rôm rả hơn. Tuy nhiên, hôm nay cả nhóm quyết định không uống.
“Bọn em đều đi xe máy đến quán nên tất cả thống nhất không uống bia, ai cũng sợ bị phạt nặng. Không uống bia vừa an toàn, vừa không lo bị phạt. Bọn em uống nước ngọt nhưng không khí vẫn rất vui”, Tuyền nói.
Anh Vinh (ngụ quận Tân Phú) cho biết, cuối tuần anh cũng thường tụ tập bạn bè ngồi nhậu ở khu Bắc Hải (quận 10). Tuy nhiên, cuối tuần này, ai cũng làm biếng ra quán.
“Giờ đi nhậu là phải đặt xe đi, về là đặt xe về nên bạn bè ai cũng không muốn đi. Với lại bọn tôi đi làm thuê, thu nhập không bao nhiêu tiền. Mỗi lần nhậu, một người góp vài trăm ngàn, giờ lại thêm gần 100.000 ngàn bắt xe ôm đi và về. Thấy cực quá nên ở nhà cho khỏe”, anh Vinh nói.
Theo đại diện một số quán nhậu trên đường Thành Thái và Hoàng Sa, lượng khách đến quán giảm mạnh đang khiến doanh thu của các quán nhậu “tụt dốc”. Nhiều quán có doanh thu giảm từ 30 – 50% trong vài ngày qua. Một số quán nhậu lâu năm, doanh thu lớn cũng chịu cảnh sụt giảm khách hàng tương tự.
Quán Vuvuzela có nhõn một người ngồi uống bia vào tối Chủ nhật: Đó là chính là… chủ quán!
Tại Hà Nội, nhiều quán, hàng ăn uống cũng đã rơi vào tình trạng tương tự. Ngày cuối tuần, có những quán bia vốn rất đông khách nay trở nên vắng vẻ. Quán Vuvuzela trên đường Tràng Thi, theo ghi nhận, vào tối chủ nhật chỉ có đúng 1 người ngồi uống: Đó chính là…chủ quán!
Một số quán khác tuy còn khách nhưng khá nhiều bàn chỉ uống lavie, nước ngọt.
Như Dân Trí đã thông tin, sau khi Nghị định 100/2019 có hiệu lực, một số nhà hàng, quán nhậu đã ngay lập tức triển khai dịch vụ đưa khách uống rượu bia về nhà, giữ xe máy cho khách… Việc này nhằm giữ chân khách hàng đến quán trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các nhà hàng, quán nhậu có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong thời gian tới.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, vượt quá 80 miligram/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligram/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 – 24 tháng. Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng nếu nồng độ cồn ở mức cao nhất.
Theo Đại Việt (Dân Trí)
Sợ bị phạt nặng vì lái xe sau khi uống rượu bia, thanh niên cưỡi ngựa đi nhậu
Nghị định 100/2019 quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với hành vi lái xe sau khi uống rượu bia. Vì thế mà nam thanh niên trong clip lách luật bằng cách cưỡi ngựa đi nhậu.
Nghị định 100/2019 có hiệu lực từ 1.1.2020 quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với một số vi phạm giao thông, đặc biệt là lái xe sau khi uống rượu bia.
Mức phạt cũ và mới dựa trên nồng độ cồn- ảnh: Zing
Ba ngày qua, không ít tài xế ô tô bị CSGT phạt kịch khung 35 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng vì nồng độ cồn ở mức từ 0,5 miligam/lít khí thở.
Có người đi xe máy bị phạt 7 triệu và tước giấy phép lái xe 23 tháng vì uống hai chén rượu, nồng độ cồn đạt mức 0,489 miligam/lít khí thở.
Nghị định 100/2019 là nỗi ám ảnh với dân nhậu và ma men. Có lẽ vì thế mà nam thanh niên trong clip không dám lái xe máy đi nhậu mà... cưỡi ngựa.
Theo Nghị định 100/2019, người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sau khi uống bia rượu cũng có thể bị phạt từ 400 - 600 ngàn đồng. Thế còn cưỡi ngựa sau khi uống bia rượu thì sao?
Hiện chưa có quy định cụ thể về chuyện này, mà chỉ có chế tài với người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện với mức phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng.
Trường hợp chủ gia súc không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 của Quốc hội quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.
Dù vậy, có lẽ không nhiều người có ngựa hay biết cưỡi ngựa để lách luật sau khi uống bia rượu.
Hồi tháng 6.2018, ở Trung Quốc có tài xế cưỡi ngựa phi như bay trên phố sau khi bị phạt vì say rượu lái ô tô.
Tài xế này bị cảnh sát dừng ô tô ở TP Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vào ngày 10.6.2018 và khi kiểm tra, hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định. Khi bị phạt, anh ta lớn tiếng thách thức cảnh sát rằng sẽ cưỡi ngựa thay cho việc lái ô tô.
Khoảng 3 tiếng sau, nhân vật này xuất hiện trên phố và cưỡi ngựa. Song "người tính không bằng trời tính", anh ta ngã từ lưng ngựa xuống đường rồi nằm bẹp một hồi. Nạn nhân được đưa tới bệnh viện nhưng không bị nguy hiểm tới tính mạng.
Nhân Hoàng
Theo motthegioi.vn
Phút sinh tử qua lời kể của người thoát chết sau vụ sập vũ trường 'Tối mọi người định làm xong sẽ liên hoan để mai Linh về nhà, vé máy bay đã đặt sẵn đây rồi. Lẽ ra chiều mai là nó được về quê ăn Tết', nạn nhân sống sót sạu vụ việc kể lại. "'Linh! Toàn! Nhảy xuống đi!'. Tôi chỉ nhớ lúc đó mình đã hô lớn như vậy trước khi toàn bộ giàn...