Khách hàng bị mê hoặc bởi miếng “bánh vẽ” của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba
Suốt mấy ngày qua, các khách hàng bị Công ty cổ phần địa ốc Alibaba lừa đảo đã đến cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh trình báo, cung cấp thông tin tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án.
Ông Nguyễn Văn S. (Sn 1957, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), bức xúc: “Để thực hiện hành vi lừa đảo, Luyện đã đánh vào lòng tham của nhiều người, bằng cách cùng người của mình vẽ ra một viễn cảnh giúp khách hàng giàu lên nhanh chóng. Khách hàng mua đất nền tại các dự án của Alibaba sẽ được chia lại khoản lợi nhuận lớn lên đến 38%/năm. Người khác tham gia cùng mua, thì khoản lợi nhuận của khách hàng sẽ được tăng theo cấp số nhân.
Với cách thức lấy tiền của người mua sau đem trả lợi nhuận cho người mua trước, nên Luyện ngày càng kéo nhiều người tham gia với con số hiện tại lên đến cả nghìn người”.
Đông đảo khách hàng đến Công ty cổ phần địa ốc Alibaba yêu cầu rút vốn sau khi Luyện bị bắt
“Tôi là khách hàng thân thuộc của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, và được Luyện trực tiếp mời xuất hiện thường xuyên tại các chương trình, dự án do công ty tổ chức nhằm tăng niềm tin cho các khách hàng đến mua sau. Ban đầu, tôi đầu tư hơn 100 nền với hàng tỷ đồng. Sau khi biết mình bị lừa, tôi rút dần và còn khoảng 8 nền với số tiền gần 3 tỷ đồng. Khách hàng bị lừa nhiều còn do có niềm tin vào mối quan hệ rộng trong xã hội của Luyện.
Nhìn vào tủ trưng bày, khách hàng thấy quà lưu niệm, kỷ vật của lãnh đạo cấp trung ương tặng Luyện. Ngoài ra, Luyện còn “đạo đức” với khách hàng mà không đặt mình ở vị trí một Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba như, dẫn xe vào cổng công ty cho khách, bưng đồ ăn sáng, nước uống…khiến ai cũng ngợi khen về cách sống đạo đức này”, ông S, nhấn mạnh.
Video đang HOT
Hai anh em Luyện-Lĩnh tại thời điểm bị bắt
Còn anh Trần Văn C. (ngụ quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ vui mừng. Anh C, cho biết: “Tôi may mắn khi đã kịp đòi lại tiền trước khi công ty bị cơ quan chức năng điều tra, phong tỏa tài khoản. Sau khi mua mua dự án bánh vẽ của công ty này, tôi mới biết mình bị lừa. Tôi dính bẫy vì sự quan tâm ân cần của các nhân viên bán hàng đã được Luyện đào tạo. Sáng nào, tôi cũng nhận được một lời chúc ngày mới an lành và hỏi thăm về ăn uống, ức khỏe và gia đình. Sau đó, là những lời thạm gia dự án này nọ của công ty để lấy lãi suất cao. Tôi đến công ty thì được dẫn xe, mời mọc ăn sáng, uống nước…trò chuyện thân mật như những người thân trong gia đình”.
Anh C. nói: “Nghe tư vấn có thể mua đất với giá rẻ, tôi rất thích. Họ hứa hẹn sẽ có sổ đỏ, thủ tục pháp lý đầy đủ. Do vậy, tôi cùng em ruột đã đầu tư 700 triệu vào một dự án đất nền ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhân viên bán hàng công ty này hứa là sau 12 tháng sẽ có sổ đỏ, nhưng chờ hoài vẫn không thấy hồi âm. Nóng ruột, tôi đã đến công ty hỏi. Họ không nói giật tiền của mình nhưng cứ hứa hẹn để kéo dài thời gian. Cứ mỗi lần tôi hỏi, nhân viên luôn trấn an như, anh cứ để đó, chắc chắn sẽ có lời hơn lãi suất của ngân hàng nhiều mà. Cứ như vậy mà họ hẹn đến mấy lần. Sau đó, nhận thấy tình hình không ổn, thời gian kéo dài hơn 1 năm mà sổ đỏ vẫn không có, đất sở hữu lại ở xa. Tôi quyết tâm đến công ty để lấy lại tiền vào tháng 12/2018. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ trao đổi, công ty Alibaba mới chịu hoàn trả tiền gốc”.
Theo anh Nguyễn Hồng Điệp, người chuyên mua bán bất động sản, phân tích: Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba chỉ là đơn vị phân phối, ăn hoa hồng từ chủ đất. Tuy nhiên, họ lại sẵn sàng trả lợi nhuận lên đến 45%/15 tháng để nhằm lôi kéo khách hàng.
Hiện nay, tiền hoa hồng môi giới mỗi dự án cao nhất cũng chỉ 8-10%/tổng giá trị dự án. Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba lấy đâu ra tiền để trả cho khách hàng cao hơn nhiều. Như vậy, nếu không phải là lấy của những khách hàng sau trả cho khách hàng trước ?
Thời gian qua, nhiều tỉnh thành phía Nam siết chặt quản lý đối với Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba để chặn đứng những dự án ma khiến doanh nghiệp này không thể làm hạ tầng và chào bán công khai mua bán các dự án. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng phát hiện ra mô hình kinh doanh như “đa cấp” nhiều rủi ro này thì sẽ đồng loạt đến hạn thanh lý rút tiền. Khi đó, Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba sẽ rơi vào cơn khủng hoảng thực sự vì dòng tiền cạn kiệt, thu không đủ bù chi.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Những ngày qua, Công an các đơn vị, địa phương luôn túc trực tiếp nhận các nạn nhân của Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba) và Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Chúng lập ra Công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên đã thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp (trong đó có một số rất ít đất ở tại nông thôn) giao cho các cá nhân đứng tên và tự “vẽ” ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam.
Các dự án này chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án…rồi tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho các khách hàng với số lượng hàng ngàn người và số tiền thu được lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Theo Đức Mừng (Công an nhân dân)
Điều tra nhiều đối tượng liên quan đến Alibaba
Từ khi hai anh em Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng trăm người đã đến trụ sở Công an TP HCM làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Alibaba
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định trong thời gian tới, các đơn vị tập trung lực lượng tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra vụ án để xử lý các đối tượng khác có liên quan.
200 đơn tố cáo
Ban Giám đốc Công an TP HCM cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP HCM đã phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an, công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra, xác minh các dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện) lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên để thu gom số lượng lớn đất nông nghiệp rồi giao cho các cá nhân đứng tên và tự vẽ ra nhiều dự án không có thật tại một số tỉnh, thành phía Nam; chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... Đồng thời, tổ chức quảng cáo là đất dự án để bán cho hàng ngàn khách hàng, thu hàng ngàn tỉ đồng. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin: "Qua kiểm tra bước đầu, có rất nhiều mảnh đất (đất nông nghiệp), đất không nằm trong quy hoạch phát triển đô thị. Bằng hình thức như vậy, Công ty Alibaba đã quảng cáo tạo niềm tin, kêu gọi nhiều người góp tiền để phát triển dự án, cùng chia lợi. Nhưng bản chất thì không phải như vậy".
Lực lượng công an phong tỏa, khám xét trụ sở Công ty Alibaba
Một nguồn tin của Báo Người Lao Động xác nhận Công ty Alibaba đã lập 40 dự án "ma" ở 3 tỉnh, thành để bán đất nền cho 6.700 người, thu 2.650 tỉ đồng. Từ khi hai anh em Nguyễn Thái Luyện bị bắt, hàng trăm người đã đến trụ sở Công an TP HCM làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo. Đến nay, Công an TP HCM đã nhận gần 200 đơn của các nạn nhân tố cáo Công ty Alibaba.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng kêu gọi các khách hàng là nạn nhân của Công ty Alibaba liên hệ Cơ quan CSĐT Bộ Công an và cơ quan CSĐT ở các địa phương có liên quan cung cấp thông tin để phục vụ điều tra làm rõ vụ án.
Chính quyền địa phương ở đâu?
Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TP HCM), cách đây vài năm, các dự án bất động sản "chui, không phép, ma", thường thi công hạ tầng như đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng, cắm cọc phân lô hay xây dựng các công trình khác vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần nên chính quyền địa phương có thể do lực lượng mỏng, thiếu và một phần người dân xung quanh chưa cảnh giác, không phát hiện hoặc phát hiện chậm.
Cũng theo luật sư Toàn, 3 năm trở lại đây, các dự án "ma" tập hợp vật tư, thiết bị, nhân lực rầm rộ, khuếch trương... thi công vào cả các ngày làm việc trong tuần, thậm chí khi có mặt của chính quyền địa phương. Vì vậy, những chủ dự án "ma" mới có đất sống, đánh vào sự ham muốn lợi nhuận của nhiều người. "Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để cho người dân gom góp tiền bạc, thậm chí có người còn dùng cả gia tài của gia đình để đầu tư vào những dự án "ma" này?" - luật sư Toàn đặt câu hỏi. Để người dân không bị dính bẫy các dự án "ma", LS Toàn cho rằng chính quyền cần công khai quy hoạch sử dụng đất hằng năm, dài hạn và chi tiết từng khu vực để mọi người biết. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các ngành, nhất là cán bộ phụ trách tài nguyên và môi trường, địa chính, tư pháp ở các địa phương phải đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân không bị mắc lừa bởi các dự án đất "ma", đất ảo. Luật sư Toàn đề nghị nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức và kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức. Các địa phương phải nắm bắt và giải quyết kịp thời những vi phạm, đặc biệt là ràng buộc trách nhiệm công vụ cho các cán bộ được phân công phụ trách. Đồng thời, có hình thức kỷ luật thích đáng nếu phát hiện cán bộ có hành vi tiếp tay với các đối tượng lợi dụng việc mua đất đai bất hợp pháp để trục lợi.
"Đối với thực trạng các dự án bất động sản "ma" đã xử lý theo quy định của pháp luật về hình sự với chủ dự án thì các cấp chính quyền, những người đứng đầu phải bị kỷ luật thật nặng để nêu gương" - luật sư Toàn nói.
Biểu dương 6 tập thể
Ngày 21-9, tại trụ sở Công an TP HCM, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc đã chủ trì buổi trao thưởng cho 6 tập thể, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba và các công ty liên quan. Phát biểu tại buổi trao thưởng, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương các đơn vị đã chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong điều tra án, bước đầu khởi tố vụ án, bị can đúng người, đúng tội.
Sau khi 2 anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt, website của Alibaba https://www.tapdoandiaocalibaba.com đã không thể truy cập. Trang web này là một trong những phương tiện để Alibaba đăng tải các dự án không có thật để quảng cáo, lừa bán đất nền. Bên cạnh đó, Alibaba còn đăng thông tin trên YouTube và Facebook để đánh bóng tên tuổi công ty và tung những thông tin không có thật về các dự án "ma" nhằm lôi kéo khách hàng.
Bài và ảnh: PHẠM DŨNG
Theo nld.com.vn
Vì sao nhân viên "sống chết" với địa ốc Alibaba và Nguyễn Thái Luyện? Công an lý giải một thực tế vì sao nhân viên của công ty địa ốc Alibaba "sống chết" với công ty và bảo vệ ông Nguyễn Thái Luyện đến cùng khi bị phanh phui, điều tra. Trong vụ án Công ty CP địa ốc Alibaba, đến nay cơ quan công an đã giải mã ít nhiều câu hỏi vì sao nhân viên...