‘Khắc tinh’ của đại dịch
Trong 3 năm qua, thế giới đã hiểu rõ hơn về COVID-19 cũng như có “vũ khí” cần thiết và những chiến lược phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giúp các nước từng bước trở lại cuộc sống bình thường.
Ngày 11/3 năm nay đánh dấu tròn 3 năm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, là đại dịch toàn cầu. Trong 3 năm qua, thế giới đã hiểu rõ hơn về COVID-19 cũng như có “vũ khí” cần thiết và những chiến lược phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giúp các nước từng bước trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, WHO vẫn quyết định duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất với đại dịch này trên toàn cầu, trong khi nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ đại dịch tiếp diễn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc Trung Quốc, đất nước đầu tiên phát hiện các mắc bệnh COVID-19 cuối năm 2019, chính thức dỡ bỏ chính sách hạn chế nghiêm ngặt “Không-COVID”, bước vào giai đoạn mới kiểm soát COVID-19 từ đầu năm 2023 có thể coi là “bước ngoặt” trong cuộc chiến kéo dài ứng phó với virus SARS-CoV-2. Kể từ ngày WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, virus SARS-CoV-2 đã không ngừng biến đổi thành các “biến thể đáng quan ngại” (VOC), gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron, cùng hàng chục “biến thể đáng quan tâm” (VOI). Tuy nhiên, sự biến đổi không ngừng của SARS-CoV-2 cũng thúc đẩy thế giới nhanh chóng điều chế vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Video đang HOT
Các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rầm rộ đã giúp giảm số ca mắc mới COVID-19, số ca bệnh nặng và tử vong trên thế giới, qua đó chứng minh hiệu quả mà vaccine mang lại trong cuộc chiến chống dịch. Theo WHO, hiện khoảng 90% dân số thế giới có mức độ miễn dịch nhất định đối với virus SARS-CoV-2 do đã mắc bệnh hoặc tiêm vaccine trước đó. Nhờ kết quả bao phủ vaccine, từ cuối tháng 2/2022 – tức là hơn 2 năm sau khi đại dịch bùng phát, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Âu, đã dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế liên quan COVID-19, mở cửa trở lại nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường. Hiện ngày càng nhiều quốc gia hướng tới coi COVID-19 là căn bệnh đặc hữu và chuyển sang “sống chung an toàn”.
Dù COVID-19 hiện không còn là nỗi lo thường trực như trước, nhưng WHO tiếp tục đánh giá dịch bệnh này vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu (PHEIC). Trong cuộc họp cuối tháng 1 vừa qua, cơ quan này đã quyết định duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất, cho rằng đại dịch vẫn gây ra một cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc tế. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhận định khó có thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 trong “một sớm, một chiều”. Giới chuyên gia cũng chung quan điểm rằng đây vẫn là một mối đe dọa.
Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ), cho rằng COVID-19 sẽ vẫn luôn hiện hữu do virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục biến đổi. Trong khi đó, bà Akiko Iwasaki, Giáo sư về miễn dịch học tại Đại học Yale (Mỹ), cảnh báo thế giới vẫn chưa đối mặt với biến thể có khả năng lây truyền cao nhất, trong khi khả năng miễn dịch từ vaccine đã “suy giảm đáng kể”. Theo bà, điều này tạo cơ hội để virus liên tục biến đổi trong tương lai gần. Liên quan đến vaccine, nhà miễn dịch học Matthew Miller tại Đại học McMaster (Canada) cho rằng các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay không phù hợp với các biến thể đang lưu hành. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra những loại vaccine tốt hơn, có tác dụng lâu dài và hiệu quả hơn.
Sau 3 năm, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD, mà còn làm lộ rõ những hạn chế về khả năng ứng phó toàn cầu đối với đại dịch. Theo nhận định của WHO, tình trạng bất bình đẳng vẫn là rào cản lớn nhất trong cuộc chiến chấm dứt đại dịch, mà như khẳng định của Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus, đây chính là nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài. Ở rất nhiều quốc gia kém phát triển, những công cụ như vaccine, phương pháp điều trị hay chẩn đoán vẫn chưa đến được với những người dân cần chúng nhất, đặc biệt là người già và nhân viên y tế. Nhiều hệ thống y tế trên khắp thế giới đang phải vật lộn để đối phó với COVID-19 cũng như tình trạng nhân viên y tế mệt mỏi. Trong khi đó, niềm tin của người dân vào các công cụ an toàn và hiệu quả để kiểm soát COVID-19 đang bị hủy hoại bởi một loạt thông tin sai lệch…
Trên quan điểm đó, từ tháng 2 vừa qua, WHO đã khởi động các cuộc đàm phán để thúc đẩy một thỏa thuận về đại dịch toàn cầu, trong đó đề cập những biện pháp nhằm bảo đảm rằng thế giới ứng phó mạnh mẽ và công bằng hơn nếu xảy ra đại dịch tiếp theo. Đó là việc dự trữ thuốc và vaccine để WHO phân phối cho các nước nghèo, tránh lặp lại kịch bản thiếu hụt như trong đại dịch COVID-19, hay thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng để bảo đảm phân bổ nguồn lực nhanh chóng và công bằng hơn. Mục tiêu của WHO là tăng cường khả năng chống chọi của thế giới trước các đại dịch trong tương lai, đồng thời không để bất cứ quốc gia nào bị bỏ lại phía sau.
Ở thời điểm hiện tại, khó có thể chắc chắc khi nào WHO sẽ tuyên bố COVID-19 không còn là đại dịch. Trong khi đó, giới chuyên gia y tế nhận định, sau COVID-19, thế giới có thể sẽ phải đương đầu những đại dịch khác, nhất là khi các điều kiện để bùng phát đại dịch như chiến tranh, nạn đói, thiên tai, dịch bệnh, đang hội tụ với tần suất và cường độ lớn chưa từng thấy.
Mặc dù vậy, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus, thế giới bước sang năm thứ tư của đại dịch với vị thế tốt hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Những mất mát và thất bại mà đại dịch gây ra trong 3 năm qua giúp thế giới nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của đoàn kết và hợp tác toàn cầu, bởi đây chính là “khắc tinh” của mọi đại dịch. Một thỏa thuận về đại dịch toàn cầu được kỳ vọng sẽ giúp thế giới xích lại gần nhau hơn để sẵn sàng và chủ động ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Brazil tiêm vaccine ngừa COVID-19 thể lưỡng trị cho nhóm người dễ tổn thương
Bộ Y tế Brazil ngày 27/2 thông báo đã bắt đầu áp dụng tiêm vaccine ngừa COVID-19 thể lưỡng trị cho những nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm cả những người trên 70 tuổi.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Minas Gerais, Brazil ngày 1/5/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong giai đoạn đầu của chương trình tiêm chủng này, vaccine cũng sẽ được tiêm cho những người bị suy giảm miễn dịch hoặc sống trong các viện dưỡng lão, thành viên của các cộng đồng người bản xứ và người Brazil gốc Phi. Giai đoạn tiếp theo sẽ nhắm đến những người trên 60 tuổi, phụ nữ đang mang thai và mới sinh con, nhân viên y tế, người khuyết tật và các tù nhân.
Cũng theo Bộ Y tế Brazil, khác với các loại vaccine trước đây chỉ nhằm mục đích bảo vệ con người khỏi một loại virus, vaccine thể lưỡng trị chứa hai loại kháng nguyên, một loại từ chủng virus SARS-CoV-2 gốc và loại còn lại từ biến thể Omicron BA.1. Để có đủ điều kiện tiêm loại vaccine này, mọi người phải hoàn thành việc tiêm 2 mũi vaccine cơ bản.
Brazil đã ghi nhận hơn 37 triệu trường hợp mắc COVID-19 với gần 700.000 ca tử vong kể từ khi đại dịch này bắt đầu bùng phát tại quốc gia trên.
Thái Lan áp dụng trở lại chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 với du khách Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, từ ngày 8/1, Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) yêu cầu tất cả du khách quốc tế phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ trước khi lên chuyến bay đến Thái Lan. Hành khách làm thủ tục tại sân bay sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Bộ trưởng Giao thông vận...