Khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất
Sáng 28-2, ông Nguyễn Mạnh Hiển – Thứ trưởng Bộ TN&MT trả lời về một số vấn đề dư luận nhân dân quan tâm liên quan đến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
- PV: Một trong những mục tiêu của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất. Ông cho biết điều này đã được cụ thể hóa như thế nào?
- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển: Trong Luật Đất đai 2003 có 2 cơ chế thu hồi đất, cơ chế thứ nhất là do Nhà nước đứng ra thu hồi đất, tiến hành giải phóng mặt bằng. Cơ chế thứ hai là doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, bồi thường. Tuy vậy, trong dự thảo việc thu hồi đất chủ yếu được thực hiện theo cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất để giao, cho thuê đất theo hình thức chỉ định chủ đầu tư, trong đó có bổ sung quy định tổ chức họp để lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ do các tổ chức chuyên nghiệp đảm nhận, nhà đầu tư không tham gia vào công việc này như trước đây nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về năng lực tài chính, tiền ký quỹ, các dự án đã triển khai trước đó phải đúng quy định của pháp luật…
- Theo ông dự thảo có thể khắc phục hoàn toàn những bất cập của nguyên tắc định giá đất cũ không, thưa ông?
- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bổ sung 4 phương pháp xác định giá đất phổ biến trên thế giới và đã được áp dụng tại Việt Nam. Đó là phương pháp so sánh trực tiếp, phương pháp thu nhập, phương pháp chiết trừ và phương pháp thặng dư. Quy định việc áp dụng phương pháp xác định giá đất để định giá đất nông nghiệp và định giá các loại đất khác. Ngoài ra, Chính phủ sẽ quy định khung giá các loại đất để định hướng cho UBND cấp tỉnh, thành phố xây dựng bảng giá đất tại địa phương đồng thời, bổ sung quy định về định giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố để xử lý chênh lệch về giá đất giáp ranh. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật bỏ quy định bảng giá đất ban hành và công bố vào ngày 1-1 hàng năm. Bảng giá đất được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh khi giá đất thị trường có biến động tăng hoặc giảm.
- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ xử lý vấn đề dự án treo thế nào, thưa ông?
- Dự thảo Luật quy định cụ thể về việc xử lý đối với trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo hướng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được phép chấp thuận cho phép chậm tiến độ một lần và chậm không quá 12 tháng. Trường hợp không được chấp thuận cho chậm tiến độ hoặc quá thời hạn cho phép được chậm tiến độ nêu trên thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất và người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán giá trị đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất. Còn đối với những dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư thì Nhà nước sẽ rà soát lại. Nếu thấy dự án này không thể triển khai được thì có thể hủy dự án.
- Trong dự thảo luật mới có quy định người sử dụng đất bị Nhà nước thu hồi đất có thể được bồi thường bằng đất. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Đây là một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người sử dụng đất khi bị thu hồi đất nếu có đủ điều kiện thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. Về điều kiện để được bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất có bổ sung thêm trường hợp “sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê”. Quy định giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
- Không ít người băn khoăn là liệu Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có được chỉnh sửa theo ý kiến đóng góp của đa số người dân không, thưa ông?
- Sau khi tổng hợp các ý kiến đóng góp của người dân, Bộ TN&MT sẽ có văn bản trình Chính phủ để báo cáo trước Quốc hội. Nếu ý kiến nào chính xác, đúng đắn sẽ được tiếp thu kịp thời. Chúng tôi rất mong trong thời gian còn lại, người dân sẽ tham gia đóng góp ý kiến nhiều nữa, đặc biệt là việc đề xuất những giải pháp khắc phục những hạn chế (nếu có) của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để văn bản này được hoàn thiện hơn và sớm đi vào cuộc sống.
- Xin cảm ơn ông!
Theo ANTD
Mở rộng đối tượng được thuê đất
Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là nghị quyết rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Lao Động xin trích giới thiệu nội dung nghị quyết quan trọng này.
Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân. Ảnh: Trần Lâm
Tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là: Đất đai có nguồn gốc rất đa dạng chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ chủ trương, chính sách, pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp việc thể chế hoá còn chậm, chưa thật đồng bộ. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và các chính sách, pháp luật có liên quan chưa nghiêm việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai chưa tốt. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn hạn chế. Hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn thấp. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai và các cơ quan liên quan còn nhiều bất cập, hạn chế một bộ phận còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng.
Đất đai thuộc sở hữu toàn dân
Về quan điểm chỉ đạo quản lý đất đai trong thời kỳ mới, nghị quyết nêu rõ: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn và có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tuỳ theo từng loại đất và nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai. Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân, nhưng Nhà nước có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng với hiệu quả cao nhất.
Chính sách, pháp luật về đất đai phải bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư bảo đảm cho thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất, phát triển lành mạnh, ngăn chặn tình trạng đầu cơ. Sử dụng có hiệu quả các công cụ về giá, thuế trong quản lý đất đai nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai.
Xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ đất
Về định hướng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, nghị quyết chỉ rõ: Thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất. Việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất .
Tiếp tục giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành để khuyến khích nông dân gắn bó hơn với đất và yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp. Sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và việc làm cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đang không có đất sản xuất.
Tập trung rà soát, xử lý dứt điểm những trường hợp đất đã giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đoàn thể nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật. Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi sắp xếp lại trụ sở, cơ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước để chuyển sang mục đích phát triển kinh tế.
Quy định cụ thể điều kiện để nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội đồng thời có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất, giá trị đã đầu tư vào đất đối với các trường hợp bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản. Tăng cường sự quản lý, điều tiết của Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Việc phát triển đô thị, các dự án kinh doanh bất động sản phải phù hợp với quy hoạch, nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để từng bước cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân.
Đối với các dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị, cần quy hoạch cả phần diện tích đất bên cạnh công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để thu hồi đất, tạo nguồn lực từ đất đai đầu tư cho các công trình này, hỗ trợ người có đất bị thu hồi và tăng thu ngân sách nhà nước đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất ở được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật.
Nhà nước chủ động điều tiết thị trường bằng quan hệ cung - cầu từng bước thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản rà soát lại các điều kiện lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm nhà đầu tư phải có đủ năng lực thực hiện các dự án bất động sản.
Định giá đất phù hợp với thị trường
Giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chính phủ quy định phương pháp định giá đất và khung giá đất làm căn cứ để uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành bảng giá đất. Bổ sung quy định về điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất bảo đảm linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất. Có cơ chế để xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Làm tốt công tác theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất tới từng thửa đất. Có cơ chế giám sát các cơ quan chức năng và tổ chức định giá đất độc lập trong việc định giá đất. Khuyến khích phát triển các tổ chức tư vấn định giá đất độc lập.
* Tít bài và các tít phụ do Lao Động đặt.
Theo laodong
Dự thảo Luật Đất đai: Chưa rõ khái niệm "phù hợp với giá thị trường" "Khi thu hồi đất, giá đất sẽ do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường" thay cho nguyên tắc "sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường" - đó là một trong những điểm quan trọng và được quan tâm nhất của Dự luật Đất...