Khắc phục ‘thẻ vàng’ IUU: Không sang Việt Nam, EC sẽ họp trực tuyến
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 5/10, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, do dịch COVID-19 nên dự kiến năm nay Ủy ban châu Âu (EC) sẽ không sang Việt Nam kiểm tra.
Tàu cá neo đậu trên vùng biển huyện An Biên. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Phía EC cũng dự kiến ngày 27/10 sẽ có cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Thủy sản và họp trực tiếp tại EC. Tổng cục Thủy sản đã có báo cáo gửi phía EC về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong việc gỡ “thẻ vàng” những năm qua.
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, sau cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, nhiều địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp. Với sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, bộ, ngành thì Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng trong 2022-2023.
Video đang HOT
Ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, trong gần 4 năm, Việt Nam đã rất nỗ lực triển khai các giải pháp từ Trung ương đến các địa phương, từ các bộ, ngành và cả sự vào cuộc của các cơ quan báo chí. Năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã có cuộc họp triển khai các nội dung để gỡ “thẻ vàng”. Đặc biệt, ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU.
Tại cuộc họp, trực tiếp Chủ tịch UBND xã và các tỉnh đã cam kết với Thủ tướng chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài trong năm nay. Đây là trong những tiêu chí rất quan trọng để phía EC xem xét gỡ thẻ vàng cùng với các nội dung khác.
Sau khi Thủ tướng có cuộc họp với các địa phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã đi kiểm tra tại Thanh Hóa về việc chống khai thác IUU. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra thấy có sự chuyển biến rất tích cực trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Chỉ sau 2 tuần, Thanh Hóa đã có gần 100% tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Tất cả lãnh đạo cấp xã, các đơn vị đều vào cuộc rất quyết liệt. Với chủ trương, các lãnh đạo xã – đơn vị trực tiếp quản lý ngư dân vào cuộc sẽ có kết quản tích cực thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, nếu các xã thực hiện đúng cam kết đến 31/12/2021 chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài thì năm 2022 những vấn đề còn tồn tại ở trong nước chúng ta sẽ cố gắng chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành.
Hiện tổng cục Thủy sản đang xây dựng đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ “thẻ vàng”; trong đó cũng đề ra mục tiêu là phấn đấu năm 2022-2023 gỡ được thẻ vàng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, dự kiến cuối tháng 10 sẽ tiếp tục có hội nghị và sẽ tập trung giải quyết dứt điểm cả 4 nhóm giải pháp để gỡ được thẻ vàng. Cùng với đó là vai trò của truyền thông rất quan trọng để ngư dân hiểu và sẽ chấp hành các quy định, đồng thời giải quyết nghiêm các vi phạm theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Kiên quyết xử lý tàu cá có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, cơ quan này đang phối hợp với các ngành liên quan kiên quyết xử lý tàu cá của ông Trần Văn Ngà ở ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vì có dấu hiệu vi phạm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.
Tàu cá neo đậu trên vùng biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN
Theo đó, ông Trần Văn Ngà là chủ sở hữu 8 tàu cá; trong đó, tàu cá KG-91692-TS bị tai nạn chìm vào năm 2017 không trục vớt, nhưng chưa làm thủ tục xóa đăng ký và tàu cá KG-95598-TS làm dịch vụ hậu cần nghề cá đang hoạt động. Trong quá trình hoạt động trên biển, 6 tàu cá còn lại của ông Ngà thì có 2 tàu cá là KG-93066-TS và KG-94792-TS đã có hành vi vi phạm như tháo thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoạt động thiết bị, mất kết nối trong thời gian dài.
Tàu cá KG-94793-TS bị Vùng Cảnh sát biển 4 đang điều tra xử lý việc thuyền trưởng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ vào sáng ngày 21/7 vừa qua do liên quan đến việc khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài. Còn tàu cá KG-91530-TS hiện đang bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang điều tra do liên quan đến việc khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, tháo gỡ, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Hai 2 tàu cá cuối cùng là KG-91177-TS và KG-94666-TS bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ từ năm 2019 do vi phạm khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài chưa đưa tàu về Việt Nam.
Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao đã yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra, xác minh hành vi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài đối với 2 tàu cá KG-94793-TS và KG-91530-TS để xử lý, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; khẩn trương xử lý nghiêm theo quy định đối với các tàu tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình, không duy trì hoạt động thiết bị, mất kết nối trong thời gian dài và thu hồi giấy phép khai thác thủy sản.
Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đề nghị Chi cục Thủy sản tỉnh yêu cầu ông Trần Văn Ngà làm thủ tục xóa đăng ký tàu cá bị tai nạn chìm vào năm 2017 theo quy định. Đối với 2 tàu cá đã bị nước ngoài bắt giữ, chi cục cần phối hợp với đơn vị liên quan điều tra, xác minh, xử lý, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản và xóa đăng ký tàu.
Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về IUU, toàn tỉnh vẫn còn hơn 300 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng số tàu cá bắt buộc phải lắp thiết bị này. Những tháng đầu năm nay, đơn vị chức năng đã phát hiện hơn 2.000 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, chiếm 55,5% tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; hơn 1.050 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên cảng, nhưng việc xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm còn rất hạn chế.
Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh, trên cơ sở báo cáo rà soát, thống kê số lượng tàu cá toàn tỉnh đã lắp thiết bị giám sát hành trình mất kết nối của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Kiên Giang tiến hành phân loại, đề xuất giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
Kiên Giang tiến tới chấm dứt khai thác hải sản trái phép Tỉnh Kiên Giang vừa tập trung phòng, chống dịch COVID-19, vừa thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU để đảm bảo đến hết năm 2021, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép có chuyển biến tích cực. Tỉnh hướng đến năm 2022 chấm dứt tình trạng này theo chỉ đạo của Thủ tướng...