Khắc phục sai lầm khi dùng thuốc trị hen
Hen phế quản là một trong những bệnh mạn tính đường hô hấp phổ biến. Bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng do tình trạng ô nhiễm môi trường, chất thải công nghiệp, nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc và hóa chất tùy tiện, stress…
Trong quá trình điều trị, người bệnh hen thường mắc một số sai lầm dùng thuốc, nên việc kiểm soát bệnh sẽ khó khăn hơn.
Bệnh hen có nguy hiểm?
Trong bệnh hen có sự tham gia của nhiều loại tế bào gây viêm làm tăng phản ứng phế quản gây nên tình trạng co thắt, phù nề, tăng xuất tiết làm tắc nghẽn phế quản. Biểu hiện trên lâm sàng bằng cơn khò khè khó thở, chủ yếu ở thì thở ra. Hen phế quản có biến chứng nặng nhưng lại ít được người bệnh chú ý đến. Khi thời tiết thay đổi, nhất là lúc giao mùa thu – đông là thời điểm dễ xảy ra biến chứng bệnh nhất. Lúc này, bệnh nhân hen cần có biện pháp và thuốc điều trị thích hợp.
Hen là bệnh mạn tính, không thể khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị chỉ nhằm kiểm soát bệnh, giúp người bệnh hen có được cuộc sống, sinh hoạt và làm việc bình thường, phòng ngừa biến chứng. Bệnh hen không được kiểm soát gây ra những gánh nặng to lớn cho bệnh nhân. Bệnh hen đã khiến cho 25% bệnh nhân phải nhập viện, 42% trẻ nghỉ học, 29% người lớn nghỉ làm. Đồng thời, bệnh gây ra 3.000 người chết mỗi năm. Điều đáng nói là 85% trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, xử lý đúng và kịp thời.
Dùng thuốc trị hen phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, dùng đều đặn trong thời gian dài.
Các thuốc điều trị hen phế quản
Thuốc điều trị hen phế quản được chia thành 2 nhóm: Thuốc cắt cơn và thuốc dự phòng dài hạn.
Nhóm thuốc cắt cơn hen: Tác dụng chủ yếu nhằm giảm co thắt phế quản, hoặc tắc nghẽn đường dẫn khí có hồi phục, đồng thời giúp ngăn ngừa cơn co thắt phế quản do gắng sức hay trước khi tiếp xúc với dị nguyên đã biết trước nhưng không tránh khỏi.
Thuốc cắt cơn chia làm 2 loại: Thuốc cắt cơn tác dụng ngắn và thuốc cắt cơn tác dụng lâu dài. Thuốc tác dụng ngắn là salbutamol, fenoterol, terbutalin (bricanyl) cho tác dụng nhanh và thời gian tác dụng trong khoảng từ 4-6 giờ. Thuốc tác dụng kéo dài như salmeterol, formoterol có thời gian tác dụng kéo dài khoảng 12 giờ. Hoặc sử dụng thuốc chứa corticosteroid dùng đường toàn thân. Loại này được sử dụng để điều trị những cơn hen suyễn cấp độ trung bình đến nặng. Các thuốc này cũng giúp làm giảm nguy cơ lên cơn hen trở lại.
Thuốc có nhiều dạng khác nhau: Viên uống, thuốc tiêm, bột hít hay xịt khí dung. Để dứt cơn hen nhanh nhất bệnh nhân nên sử dụng thuốc cắt cơn dưới dạng xịt khí dung. Thuốc khí dung nhanh chóng làm ngừng cơn co thắt cơ trơn quanh đường dẫn khí, giảm cảm giác tức ngực, khó thở làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu chỉ sau 2 – 4 phút dùng thuốc.
Nhóm thuốc dự phòng hen: Có tác dụng phòng ngừa các triệu chứng hen. Bệnh nhân dùng đầy đủ và đều đặn thuốc dự phòng sẽ giảm sự co thắt phế quản, đồng thời làm giảm viêm đường dẫn khí, hiện được coi là thuốc đặc trị hen. Do đó, thuốc dự phòng hen phế quản nên được dùng lâu dài, thậm chí là suốt đời.
Nhóm thuốc dự phòng hen có các loại như: Thuốc làm giãn đường dẫn khí tác dụng kéo dài (các thuốc đồng vận beta-2 tác dụng kéo dài: salmeterol, formoterol). Thuốc corticosteroid giúp cải thiện chức năng phổi, dự phòng các triệu chứng hen suyễn, giảm thiểu khả năng tổn thương dài hạn đường dẫn khí.
Video đang HOT
Những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc trị hen
Mặc dù được bác sĩ điều trị hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ cách sử dụng thuốc điều trị hen, nhưng nhiều người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi vẫn thực hiện sai, dẫn đến việc điều trị kém hiệu quả, bệnh hen không được kiểm soát, trường hợp nặng còn phải cấp cứu. Những sai lầm thường gặp khi dùng thuốc điều trị hen gồm:
Dùng kháng sinh để chữa bệnh hen: Thuốc kháng sinh chỉ được dùng khi có bội nhiễm, tức là hen kèm nhiễm trùng, còn hen thông thường là một bệnh dị ứng, việc dùng kháng sinh không có tác dụng và dễ dẫn đến kháng kháng sinh.
Chỉ sử dụng thuốc cắt cơn (khi có triệu chứng hen) mà không dùng thuốc dự phòng cơn hen: Những trường hợp này có thể gặp cơn hen kịch phát gây nguy hiểm đến tính mạng. Việc lạm dụng thuốc cắt cơn còn dẫn đến hiện tượng nhờn thuốc, càng về sau càng phải tăng liều, khi cơn hen cấp xảy ra thường rất nặng.
Có dùng thuốc điều trị dự phòng hen nhưng không đều đặn: Khi thấy bệnh hen đã ổn định, người bệnh thường hay ngưng thuốc vì cho rằng không cần thiết hoặc lo ngại tác dụng phụ khi sử dụng kéo dài. Thực ra, theo phác đồ điều trị, thuốc điều trị dự phòng hen phải được dùng hàng ngày kể cả khi không còn triệu chứng và ít nhất là 3 đến 6 tháng. Không nên ngưng thuốc ngừa cơn hen đột ngột.
Sử dụng kéo dài các thuốc uống, bột chứa corticosteroid: Các tác dụng phụ có thể thấy ở bệnh nhân dùng thuốc uống có corticosteroid kéo dài gồm: phù, giữ nước (nặng mi mắt khi thức dậy, mặt và bụng bệu ra, phù chân), thay đổi nội tiết (mặt đỏ, mọc mụn, mọc lông ở mặt, chân tay), loãng xương, tăng huyết áp, loét dạ dày… Đặc biệt, cảnh giác với các thuốc được quảng cáo là gia truyền nhưng thực chất lại chứa corticosteroid nên đã gặp phải các tác dụng phụ kể trên.
Dùng bình xịt chưa đúng cách: Bệnh nhân sử dụng thuốc hít và xịt không đúng hướng dẫn, nên thực hiện sai thao tác, thuốc hít không đủ sâu, không phát huy được hết tác dụng. Đối với thuốc dạng phun xịt thì cần thực hiện đúng 6 bước sau: Lắc đều bình xịt; xịt kiểm tra ra ngoài không khí; thở sâu để loại bỏ hết không khí trong phổi; miệng ngậm kín đầu phun; hít càng sâu càng tốt và phun thuốc; bỏ bình xịt ra và ngưng thở trong vài giây. Nếu thực hiện sai ở bất kỳ bước nào đều làm cho thuốc không đạt hiệu quả tối đa.
Lưu ý: Ngoài việc dùng thuốc điều trị hen theo đơn của bác sĩ, người bệnh hen cần chủ động phòng bệnh hen bằng cách: Tránh xa các dị nguyên gây bệnh, có chế độ ăn uống bổ sung dưỡng chất hỗ trợ điều trị bệnh, nên có những bài tập thể dục thể thao phù hợp sức khỏe để nâng cao thể trạng, đặc biệt tâm lý không bi quan rất có lợi trong việc kiểm soát bệnh.
DS. Nguyễn Thanh Hoài
Theo SK&ĐS
Ô nhiễm khói bụi từ quán nướng, xe cộ, công trình xây dựng... bủa vây TP.HCM
Xây dựng, xe cộ đi lại, thậm chí nấu nướng... Tại TP.HCM, mỗi ngày có đủ loại khói bụi xả thẳng ra đường phố khiến bầu không khí ngày càng trở nên ô nhiễm trầm trọng.
Từ cầu Sài Gòn nhìn xuống, quận 2, TP.HCM mờ đục trong khói bụi - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Những ngày gần đây, mù khô xuất hiện và kéo dài nhiều ngày tại TP.HCM, đây là kiểu thời tiết đặc trưng vào thời điểm giao mùa tại Nam Bộ. Tuy nhiên, theo ông Cao Tung Sơn - giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM), đây cũng là một dạng ô nhiễm bụi, khói.
Kết quả quan trắc cho thấy trong không khí có nhiều chất gây ô nhiễm như NO2, SO2, CO và cả bụi mịn PM2.5... Đây là các chất rất độc hại, nếu tiếp xúc lâu ngày có thể gây nhiều bệnh về đường hô hấp.
Theo đó, việc xây dựng, đi lại, sinh hoạt, thậm chí nấu nướng bằng than... của người dân là một trong những yếu tố chính gây ô nhiễm môi trường.
Một số hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi nhận được về các nguồn gây ô nhiễm không khí diễn ra hằng ngày tại TP.HCM.
Mặt nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Q.1, TP.HCM mờ ảo trong mù khô - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Các công trình xây dựng, sửa chữa đường sá đưa vào không khí một lượng bụi đáng kể - Ảnh: LÊ PHAN
Một chiếc xe ba gác cũ xì khói ra đường gây ô nhiễm - Ảnh: LÊ PHAN
Đốt đủ loại rác, thậm chí cả rác thải nguy hại một cách vô tư là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: LÊ PHAN
Khói từ một nhà máy thải thẳng ra bầu không khí tại quận Bình Thạnh - Ảnh: LÊ PHAN
Không chỉ có các loại khí thải công nghiệp và phương tiện có thể gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ ung thư mà khói thịt nướng cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những chiếc lò nướng nhỏ bé này cũng làm thoát ra bầu khí quyển một lượng khổng lồ những hạt độc hại - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khói than thải ra môi trường cực kỳ độc hại - Ảnh: DUYÊN PHAN
Những lò nướng thịt đặt ven đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khiến người đi đường phải hứng chịu khói thải ra từ đó - Ảnh: DUYÊN PHAN
Người lớn và trẻ nhỏ ra đường phải trang bị khẩu trang để bảo vệ chính mình - Ảnh: DUYÊN PHAN
Không khí mờ đục chứa nhiều chất ô nhiễm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhìn từ trên cao thành phố chìm trong lớp mù trắng xóa chiều 3-10 - Ảnh: DUYÊN PHAN
LÊ PHAN - DUYÊN PHAN
Theo tuoitre
Bệnh hô hấp tăng cao ở trẻ Gần đây, Khoa Hô hấp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai liên tiếp nhận nhiều ca bệnh viêm phổi. Ghi nhận tại khoa cho thấy, hành lang bệnh viện phải kê thêm giường, nhiều gia đình mắc võng cho trẻ nằm. Đáng chú ý, nhiều trẻ nhỏ, chỉ vài tháng tuổi đã phải nằm viện điều trị viêm phổi. Số trẻ nhập viện...