Khả năng tự chủ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đến đâu?
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, khả năng tự chủ sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước còn yếu.
Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi JAPFA Comfeed Việt Nam, chi nhánh Thái Bình. Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang có sự tăng trưởng rất ấn tượng với bình quân từ 5 – 6%/năm. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong thời gian gần đây và nguyên nhân chính được chỉ ra là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, cộng với chi phí vận chuyển tăng do dịch COVID-19. Nhiều chuyên gia lĩnh vực này đã chỉ ra rằng, khả năng tự chủ sản xuất trong nước còn yếu, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản.
Cùng với sự tăng trưởng của ngành nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam cũng đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân từ 13 – 15%/năm. Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số 1 khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, xếp trên cả Thái Lan và Indonesia.
Theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp của nước ta sẽ cần khoảng từ 28 – 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, giá trị từ 12 – 13 tỷ USD với tỷ lệ tăng trưởng trung bình từ 11 – 12%/năm. Trong số đó, hơn một nửa sản lượng thức ăn chăn nuôi sẽ dành cho gia cầm.
Tuy nhiên, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 70 – 85% nguyên liệu từ nước ngoài và hàng năm đều tăng cả về lượng cũng giá trị.
Nguyên nhân lượng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta lớn và không ngừng gia tăng là do mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa từ 4,5 – 5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, nhu cầu hàng năm cần tới từ 26 – 27 triệu tấn các loại, chủ yếu 2 là ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu động thực vật và đây vốn không phải là các loại cây trồng thế mạnh của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các đơn vị đã tập trung nghiên cứu, chọn tạo giống ngô lai theo hướng đa dạng hóa bộ giống ngô phục vụ sản xuất; trong đó, ưu tiên đối với nhóm ngô lai năng suất cao, chịu hạn, ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc, ngô thực phẩm phục vụ thị trường ăn tươi và chế biến.
Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã công nhận chính thức 50 giống ngô lai. Các giống ngô do Việt Nam lai tạo chiếm 40% thị phần ngô giống trong cả nước. Các giống ngô của Việt Nam năng suất, chất lượng tương đương giống của các công ty nước ngoài, nhưng giá rẻ hơn khoảng 1/3.
Tuy nhiên, diện tích ngô năm 2019 chỉ còn 991 nghìn ha, giảm 135 nghìn ha so với năm 2010, nhưng năng suất tăng nhanh. Bởi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa giống ngô lai vào sản xuất đại trà với trên 95% tổng diện tích gieo trồng, đạt 48 tạ/ha, tăng 6,9 tạ/ha nên sản lượng đạt 4,75 triệu tấn, tăng 130 ngàn tấn so với năm 2010. Tuy nhiên, sản lượng ngô sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Còn với cây đậu tương, diện tích cũng giảm mạnh, diện tích chỉ còn gần 50 nghìn ha, sản lượng 76 nghìn tấn chỉ bằng 25% so với năm 2010.
Video đang HOT
Ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết, ở Việt Nam cây ngô được đánh giá có lợi thế thấp hơn so với các cây trồng khác. Hiện một số vùng trồng ngô ở Việt Nam nhỏ lẻ, vùng trồng chủ lực hiện nay như Sơn La được trồng chủ yếu trên đất dốc. Theo nghiên cứu, nếu năng suất đạt trung bình trên 5 tấn/ha và giá thành sản xuất ngô vào khoảng 5.500 đồng/kg sẽ hòa vốn.
Những năm gần đây, có thời điểm giá ngô thế giới xuống rất thấp, khoảng 200 USD/tấn, giá ngô nhập từ Nam Mỹ về Việt Nam dưới 5.000 đồng/kg. Do đó, nông dân trồng ngô thua lỗ và diện tích ngô giảm nhanh hàng năm. Thay vào đó, nhiều diện tích ngô chuyển sang trồng cây ăn quả.
Theo ông Trần Xuân Định, năng lực cạnh tranh trong trồng ngô ở trong nước khó có thể cạnh tranh được với thế giới. Nếu giá ngô lên trên mức 300 USD/tấn thì trong nước diện tích ngô có khả năng phục hồi.
Cùng với các giải pháp mở rộng các giống ngô ưu thế lai, ngô ứng dụng công nghệ sinh học có tính kháng bệnh, chịu hạn tốt thì giá ngô ở mức từ 7.000 – 8.000 đồng/kg, nông dân sẽ quay trở trồng ngô trong vụ Đông ở Đồng bằng sông Hồng hay một số nơi có điều kiện thuận lợi.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng cho rằng, tính toán chi phí và lợi nhuận, nông dân sẽ quyết định trồng cây gì. Thời gian qua, cây ngô không cạnh tranh được với cây trồng khác, bởi Việt Nam chủ yếu trồng các loại ngô truyền thống, năng suất thấp, canh tác chủ yếu trồng tận dụng trên sườn đồi, không thâm canh được. Từ đó, dẫn đến giá thành cao, hiệu quả sản xuất thấp.
Một trong các giải pháp là phát triển các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm thức ăn chăn nuôi có năng suất và sản lượng cao, góp phần giảm thiểu nhập khẩu các nguyên liệu, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước.
“Nếu giá ngô thế giới thời gian tới vẫn duy trì như hiện nay, chắc chắn dù ngành nông nghiệp không khuyến kích thì nông dân cũng sẽ quay trở lại trồng ngô, kể cả ngô thô xanh cho phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định.
Còn ông Trần Xuân Định cho rằng, với diện tích nhỏ nông dân trồng ngô không có lãi, nhưng hy vọng thời gian tới, Luật Đất đai được sửa đổi sẽ tạo cơ hội được chuyển nhượng và thuê đất thì có thể hình thành sản xuất lớn. Từ đó, đưa khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất có thể giảm giá thành với các loại cây trồng; trong đó có ngô.
Khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu gia tăng, giá thành sản xuất và giá bán thức ăn chăn nuôi thành phẩm lập tức tăng theo. Để giảm chi phí nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, thực hiện bằng các biện pháp phát triển cảng biển nước sâu, hệ thống logistics… Đồng thời, tăng cường sản xuất thức ăn chăn nuôi ở trong nước; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như bột cá, bã bia, rơm rạ… để làm thức ăn chăn nuôi.
Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng phát huy lợi thế vùng miền, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững.
Theo đó, đến 2030 duy trì diện tích ngô gieo trồng khoảng từ 600 – 700 nghìn ha, sản lượng 3,5 triệu tấn, chú trọng phát triển ngô nếp, ngô đường, ngô rau, ngô sinh khối. Vùng sản xuất ngô trọng điểm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo các chuyên gia, với tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp thay cho sản xuất nông nghiệp thì việc quy hoạch, định hướng sản xuất cùng với việc phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ đa mục tiêu cần tính đến sự linh hoạt để có thể điều tiết sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.
Doanh nghiệp Hàn Quốc phàn nàn về thủ tục, Chủ tịch TPHCM nói gì?
Đối thoại với lãnh đạo UBND TPHCM, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, các thủ tục hành chính như phát triển dự án, thành lập thêm pháp nhân, giấy phép chuyển đổi pháp nhân, thủ tục mua đất cho các dự án nước ngoài chưa rõ ràng và phức tạp, gây khó khăn cho việc thực hiện đầu tư...
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong
Ngày 25/3, UBND TP.HCM và Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc phối hợp tổ chức buổi 'Đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc'.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chia sẻ về những vướng mắc, khó khăn khi làm ăn tại TP.HCM, cũng như ở cả nước. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh hạn chế sở hữu nước ngoài trong kinh doanh vận tải; hỗ trợ vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục đăng ký mới và gia hạn giấy phép tại Việt Nam...
Đơn cử như Công ty TNHH CJ Vina Agri (một trong những công ty chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi trực thuộc tập đoàn CJ - Hàn Quốc), cho biết đơn vị đang gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm phù hợp để thành lập một nhà máy giết mổ/chế biến hiện đại ở khu vực phía Bắc của TP.HCM (Hóc Môn/Củ Chi).
Doanh nghiệp này kiến nghị UBND TP.HCM hỗ trợ tìm kiếm địa điểm xây dựng và hỗ trợ cấp phép sớm.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc bày tỏ nhiều ý kiến bức xúc về thũ tục, thuế tại buổi đối thoại với lãnh đạo UBND TPHCM
Về cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) Kim Heung Soo cho rằng, các thủ tục hành chính như phát triển dự án, thành lập thêm pháp nhân, giấy phép chuyển đổi pháp nhân, thủ tục chuyển nhượng đất cho các dự án nước ngoài của các công ty FDI đã đầu tư còn chưa rõ ràng và phức tạp, các thủ tục này bị trì hoàn gây khó khăn cho việc thực hiện đầu tư...
Ông Kim Heung Soo còn cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị về việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định quản lý thuế mới, như tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hằng quý hiện nay tính đến quý 3 nếu không đạt 75% số thuế thực tế tính theo quyết toán cả năm, thì phải nộp phạt chậm nộp. Điều này có nghĩa để nộp hơn 75% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế hằng năm theo quy định, cần phải dự đoán tổng số thuế cả năm. Nhưng việc này là không thể trong bối cảnh dịch bệnh, môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
"Có sự bất hợp lý trong quy định nộp phạt theo dự đoán số thuế tương lai không chắc chắn, do đó, các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi căn cứ để tính số tiền thuế dự kiến phải nộp, dựa trên tổng số thuế đã nộp của năm trước hoặc theo doanh số thực tế của các quý trong năm đã được khai báo" - ông Kim Heung Soo đề xuất.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh hạn chế sở hữu nước ngoài trong kinh doanh vận tải; hỗ trợ vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục đăng ký mới và gia hạn giấy phép tại Việt Nam...
Trả lời các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện nay theo quy định, TP.HCM thu hút đầu tư các dự án thân thiện với môi trường, không thâm dụng lao động, nên trước mỗi trường hợp phải xin ý kiến của Sở Khoa học - công nghệ và các sở ngành khác để có hướng dẫn nên thời gian còn bị chậm.
"Thực hiện chủ đề năm 2021 "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư", TPHCM sẽ thực hiện cơ hế phối hợp sở ngành để làm sao giải quyết cho nhanh nhất cho các nhà đầu tư" - bà Mai cam kết.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, tính đến tháng 2, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại thành phố với 1.892 dự án (chiếm gần 19% tổng số dự án nước ngoài) và tổng vốn đầu tư đạt 5,2 tỷ USD (chiếm 10,8% tỷ lệ vốn đầu tư). Tuy nhiên, những con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác phát triển của hai nước.
Ghi nhận tất cả những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc và những đề xuất cần cải thiện, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Sau sự kiện này, Tổ công tác đầu tư và Tổng Công ty đối ngoại hợp tác quốc tế sẽ tăng cường trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp phải để sớm có phản hồi, hướng dẫn cụ thể cho từng doanh nghiệp.
"Tôi mời gọi cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cùng hợp sức với TP.HCM vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa ứng phó hiệu quả với đại dịch. TP.HCM cam kết sẽ làm tốt hơn nữa các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư đã đề ra, đồng thời kiên trì các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để TP.HCM luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ban ngành tiếp tục nghiên cứu giải quyết những vướng mắc, kiến nghị và sớm có phản hồi, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp; thông tin đến từng doanh nghiệp kết quả giải quyết của chính quyền TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, chính quyền TP.HCM mong muốn lắng nghe và ghi nhận từ thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc những khó khăn, kiến nghị và các sáng kiến nhằm tăng cường hợp tác kinh tế TP.HCM - Hàn Quốc trước những tác động của đại dịch để TP.HCM thực sự là điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy với các nhà đầu tư.
Cần giải pháp đồng bộ Ngành chế biến gỗ và lâm sản là ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, số cơ sở chế biến có quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản và chưa có biện pháp hiệu quả hạn chế các nguồn gây tác động đến môi trường vẫn...