Kẹt xe là do taxi, ô tô cá nhân!
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định như vậy và cho rằng phải đẩy mạnh tuyên truyền để hạn chế ô tô cá nhân, quy hoạch lại mạng lưới hoạt động của taxi.
Phóng viên: Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới mới đây khẳng định việc tăng mức độ sử dụng ô tô sẽ dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Quan điểm của ông về nhận định này?
- Ông Nguyễn Văn Huyện:Đây là một đánh giá hoàn toàn đúng. Tôi cho rằng gia tăng ô tô cá nhân là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM. Một thành phố giao thông tốt thì tỉ suất diện tích đất dành cho giao thông phải chiếm khoảng 16% nhưng thực ra ở Hà Nội và TP HCM chỉ có 7%-9%. Trong khi đó, xe máy và ô tô, nhất là ô tô cá nhân và taxi, phát triển quá nhanh. Hạ tầng đã không đáp ứng được nên việc ùn tắc là tất yếu.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Cũng có ý kiến cho rằng xe buýt mới là nguyên nhân gây ùn tắc?
- Tôi cho rằng số lượng xe buýt hiện chưa phải là nhiều và không phải là nguyên nhân gây ùn tắc. Tuy nhiên, đối với ô tô, chỉ riêng với taxi, tại Hà Nội có 17.000 chiếc, TP HCM có 14.000 chiếc; rồi ô tô cá nhân nữa, nó chiếm rất nhiều diện tích lòng đường.
Vậy với xe máy, theo ông, có phải là 1 trong những “thủ phạm” gây kẹt xe?
- Xe máy hiện là phương tiện phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số người dân. Việc lượng xe máy đang sử dụng quá nhiều nên gây ra ùn tắc ở các đô thị là điều không thể chối cãi. Thế nhưng, tôi cho rằng ý thức của không ít người tham gia giao thông rất kém đã khiến tình trạng kẹt xe tồi tệ hơn. Nhiều người không chấp hành luật giao thông, chen lấn nhau, lao xe lên vỉa hè để đi. Đây là điều không thể chấp nhận được. Mà điều này xảy ra ở Hà Nội rất nhiều trong khi ở TP HCM thì rất ít. Tôi cho rằng Hà Nội phải chấn chỉnh việc này để giảm ùn tắc.
Video đang HOT
Để giảm ùn tắc giao thông trước việc quá nhiều xe cá nhân, có ý kiến cho rằng nên tăng phí để hạn chế. Quan điểm của ông về điều này?
- Tôi không đồng tình. Tăng phí là không phù hợp đối với thực trạng giao thông Việt Nam hiện nay vì chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông công cộng nên dân phải tự túc phương tiện xe cá nhân. Khi nào chúng ta nâng cao được chất lượng giao thông công cộng, đáp ứng được nhu cầu của xã hội thì mới tính tới chuyện tăng phí để hạn chế xe cá nhân. Trước đây, chúng ta đã tăng thuế nhập khẩu gấp đôi so với nước ngoài đối với ô tô, rồi tăng thuế trước bạ, giờ tăng thêm thì sẽ không hợp lý.
Đường tại Hà Nội đã quá chật chội và không đủ chỗ để cho 17.000 taxi hoạt động. Trong ảnh: Hàng dài taxi đậu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Vậy theo ông, chúng ta phải có những giải pháp gì trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết nạn kẹt xe ở các đô thị?
- Ngoài các giải pháp mà chúng ta đang nỗ lực triển khai thì cần đẩy mạnh tuyên truyền để làm sao hạn chế được ô tô cá nhân. Cạnh đó, phải rà soát và quy hoạch lại mạng lưới hoạt động của các hãng taxi vì thực tế hiện nay đường đã quá tải và không còn đủ chỗ đỗ cho các xe này nữa. Đặc biệt, Hà Nội phải chấn chỉnh hoạt động taxi để nâng quy mô của các hãng. Ở TP HCM có 14.000 taxi với 26 hãng. Trong khi đó, Hà Nội có 17.000 taxi nhưng lại có đến 120 hãng, trong đó có rất nhiều hãng taxi nhỏ lập ra chỉ để bán đàm, hoạt động như taxi “dù”. Các hãng này không hề có bãi đỗ xe nên hầu hết xe phải chạy long nhong và đỗ ngoài đường.
Về hạ tầng, hiện tại ở TP HCM và Hà Nội, việc mở rộng đường là rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Vì vậy, ngoài việc phát triển giao thông công cộng thì việc làm đường trên cao và đường ngầm dưới đất là tất yếu.
Theo Văn Duẩn
Ng ư ời Lao động
Hiệu quả của hệ thống "mắt thần" giám sát giao thông
Sau hơn 1 năm được lắp đặt và đưa vào sử dụng, hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu tai nạn cũng như nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
Giai đoạn 1 dự án lắp đặt hệ thống giám sát giao thông bằng camera tại TP Biên Hòa được công an tỉnh Đồng Nai triển khai vào đầu năm 2014. Có 58 trụ camera được lắp đặt tại 25 điểm giao thông quan trọng và phức tạp trên địa bàn TP như quốc lộ 1A, quốc lộ 51 (đoạn qua TP Biên Hòa), các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, Bùi Hữu Nghĩa... tại mỗi trụ camera đều có gắn 2 loa phóng thanh nhằm nhắc nhở người dân mỗi khi vi phạm các lỗi như dừng xe không đúng vạch khi đèn đỏ, đỗ xe không đúng nơi quy định. Tổng kinh phí gần 92 tỉ đồng.
Hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt và sử dụng đã nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.
Theo Thiếu tá Trần Trọng Thủy (Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Biên Hòa), đơn vị tiếp nhận và điều hành hệ thống camera cho biết: Đây là hệ thống camera giám sát hiện đại, sử dụng phần mềm tự động, mã hóa các lỗi vi phạm của các phương tiện tham gia giao thông như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lạng lách, lấn tuyến . sau khi nhận dạng lỗi phương tiện vi phạm giao thông, hệ thống tự động truyền trực tiếp về trung tâm giám sát để trung tâm thông báo cho lực lượng tuần tra giao thông tại chỗ hoặc hoặc lập biên bản gửi về địa phương, kể cả xe ngoài tỉnh.
Trường hợp phương tiện vi phạm có phiếu báo tới ba lần mà người vi phạm vẫn không đến nộp phạt thì Đội CSGT TP Biên Hòa sẽ phối hợp với công an địa phương mời lên làm việc. Nếu người vi phạm vẫn không chấp hành thì sẽ tiến hành cưỡng chế, tịch thu giấy tờ xe hoặc tang vật vi phạm. Thiếu tá Thủy nhấn mạnh.
Ngày 29/5/2014 hệ thống camera giám sát giao thông chính thức đi vào hoạt động, sau hơn 9 tháng đã phát hiện hơn 32.200 trường hợp vi phạm, lập biên bản hơn 22.000 trường hợp, trong đó xử lý hơn 17.500 trường hợp vi phạm, bao gồm phạt tại chỗ và phạt nguội bàng cách gửi giấy về nhà, phạt và nộp ngân sách nhà nước gần 7 tỉ đồng.
Hệ thống camera giám sát giao thông được lắp đặt tại các điểm giao thông quan trọng và phức tạp trên địa bàn TP Biên Hòa, Đồng Nai
Theo ghi nhận của PV, từ khi có hệ thống camera giám sát giao thông, ý thức chấp hành luật lệ của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sự chuyển biến tích cực, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, lấn tuyến đã giảm hẳn trên các tuyến đường, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn TP Biên Hòa, đặc biệt ý thức tự giác chấp hành giao thông của người dân đã nâng cao một bước.
Từ hiệu quả rõ rệt của dự án thí điểm hệ thống camera giám sát giao thông tại TP Biên Hòa, Ban giám đốc Công an tỉnh quyết định nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh. Hiện tại giai đoạn 2 của dự án tiến hành xong bước khảo sát, đang thuê các đơn vị lập dự án. Dự kiến hoàn thành trong năm 2015.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thọ (Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đồng Nai), Ban đầu thực hiện dự án Công an tỉnh đã cử người đi học hỏi mô hình này từ một số tỉnh thành khác và dự kiến lắp đặt trên toàn tỉnh, nhưng do kinh phí đầu tư quá lớn, mặt khác cần phải có thời gian thử nghiệm về kỹ thuật cũng như con người vận hành, nhưng qua triển khai thí điểm thành công trên địa bàn TP Biên Hòa là cơ sở để công an tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên phạm vi toàn tỉnh trong thời gian tới.
Ngoài camera còn có 2 loa phát thanh nhắc nhở mỗi khi người tham gia giao thông vi phạm.
Được biết ngoài việc phát hiện vi phạm giao thông, hệ thông camera giám sát giao thông còn ghi nhận, phát hiện và xử lý nhanh các vụ tai nạn giao thông cũng như các vụ gây mất an ninh tật tự trên địa bàn. Điển hình nhờ hệ thống camera giám sát giao thông, công an Biên Hòa đã bắt nóng hai đối tượng cướp giật trên đường phố. Truy lùng nhanh chóng và xử lý hai trường hợp ô tô gây tai nạn nhưng bỏ trốn. Thiếu tá Trần Trọng Thủy cho biết thêm.
Quang Đạm
Theo Dantri
Sẽ giám sát giao thông từ điện thoại di động người dân Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết trong năm 2016 có thể đưa công nghệ sử dụng dữ liệu điện thoại di động của người dân tham gia giao thông để giám sát giao thông. Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Sáng 18/3, Ủy...