Kẹt xe hàng km ở cửa ngõ TP.HCM ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16
Ngày đầu TP.HCM thắt chặt kiểm soát người và xe cộ qua cửa ngõ theo Chỉ thị 16, tuyến quốc lộ 1K – Bình Dương xảy ra kẹt xe kéo dài từ 7h sáng.
Sáng 9/7 cửa ngõ TP.HCM qua quốc lộ 1K (đoạn giáp tỉnh Bình Dương) kẹt xe nối dài hàng km. Hôm nay là ngày đầu TP.HCM áp dụng lệnh phong tỏa toàn địa bàn cùng nhiều quy định giám sát người và phương tiện lưu thông.
Theo ghi nhận của Zing , quá trình lực lượng chức năng kiểm tra giấy xét nghiệm, giấy thông hành diễn ra nhanh chóng, khoảng 1-2 phút mỗi trường hợp. Tuy nhiên, lưu lượng xe đổ về đông khiến tuyến đường xảy ra ùn ứ kéo dài.
Từ ngày 9/7, người dân ra vào TP.HCM phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-CoV-2 (có giá trị 5 ngày).
Tài xế Trần Văn Triều cho biết anh mất hơn 6 giờ để chờ làm thủ tục xét nghiệm, lấy mẫu tầm soát Covid-19 tại bệnh viện. “Sau đó, tôi phải chờ thêm một giờ để qua khỏi chốt chặn”, tài xế Triều nói.
Những người không có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm nCoV được cảnh sát hướng dẫn quay đầu xe.
Video đang HOT
Chị Ngô Thị Kim Hương (công nhân, ngụ tại Bình Dương) cho biết không thể qua chốt kiểm soát vì thiếu giấy chứng nhận kết quả âm tính nCoV. “Tôi không biết làm thế nào vì ở lại TP.HCM thì không có người thân, không có nhà, còn về Bình Dương thì không được”, chị Hương nói.
Tài xế lưu thông qua chốt kiểm soát phải đáp ứng đủ 5 bước khai báo y tế điện tử, xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy công tác, và xuất trình giấy xét nghiệm âm tính, thực hiện quy định 5K tại chỗ.
Các đơn vị trực chốt chuẩn bị sẵn nhiều bản in mã QR để các tài xế khai báo.
Anh Trương Việt Toàn, phụ xe tải vận chuyển hàng hóa, cho biết đã chuẩn bị giấy tờ, thủ tục thông hành đầy đủ nên khi qua chốt không mấy khó khăn.
Lúc 11h, dòng xe đổ về cửa ngõ thành phố qua quốc lộ 1K vẫn rất đông. Người dân chen chúc từng mét đường để đến vị trí khai báo.
Tối 8/7, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM có công văn hướng dẫn những loại xe được lưu thông đi, đến TP.HCM trong 15 ngày, kể từ 9/7. Thông qua mã QR được cấp theo danh sách các đơn vị đăng ký, thống nhất trước đó, thành phố sẽ tạo “luồng xanh” để các phương tiện di chuyển. 12 chốt kiểm soát cũng được thiết lập tại 12 khu vực cửa ngõ TP.HCM nhằm kiểm tra, giám sát người và phương tiện ra, vào địa bàn.
Phạt 1-3 triệu đồng với 3 người tập thể dục quanh công viên buổi sáng đầu tiên giãn cách
Ngày đầu tiên áp dụng chỉ thị 16, các lực lượng chức năng quận Phú Nhuận, TP.HCM đã xử phạt những trường hợp vi phạm quy định chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.
Một trường hợp bị lập biên bản vì không đưa ra được lý do khi ra đường không thật sự cần thiết - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online , từ sáng sớm 9-7, cơ quan chức năng quận Phú Nhuận đã triển khai các chốt kiểm soát trên nhiều tuyến đường trọng điểm và các tổ cơ động xử lý vi phạm quy định phòng chống dịch.
Tại công viên Gia Định, tổ xử lý của quận Phú Nhuận phối hợp UBND phường 9 đã lập biên bản 3 người tập thể dục xung quanh công viên trong khi chỉ thị 16 yêu cầu người dân chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết (mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị dừng hoạt động).
Trong đó, ông H.M.Đ. (43 tuổi, ngụ chung cư Orchard Parkview, phường 9) mặc trang phục, giày thể thao đã tranh cãi quyết liệt với tổ công tác. Ông khăng khăng mình chỉ ra đường để tìm mua đồ ăn sáng cho con như mọi ngày.
"Tôi không đủ tiền vào siêu thị để mua đồ ăn cho con nên mới ra đường tìm chỗ bán bắp. Ngoài đường còn nhiều người đi nên theo quán tính mình cũng đi" - ông Đ. trình bày.
Tổ công tác đặt câu hỏi, quy định không cho bán đồ ăn uống mang về thì người này định mua ở đâu và vì sao khu vực xung quanh chung cư có đến 3-4 siêu thị nhưng không vào mua thì ông Đ. tiếp tục "kêu" "siêu thị đông, phải xếp hàng rất dài trong khi con khóc la...".
Cho đến khi bảo vệ công viên cung cấp đoạn video clip ông Đ. chạy nhiều vòng xung quanh công viên trước đó thì ông này mới ký vào biên bản vi phạm. Riêng 2 trường hợp vi phạm còn lại thừa nhận hành vi vi phạm của mình và đồng ý lập biên bản.
Theo ông Nguyễn Dương Quang Hiển - phó chủ tịch UBND phường 9, quận Phú Nhuận, mỗi người sẽ bị phạt tiền 1 - 3 triệu đồng theo quy định tại nghị định 117.
"Chủ trương ngày đầu tiên chúng tôi sẽ tập trung chấn chỉnh, nhắc nhở người dân chấp hành chỉ thị 16. Tuy nhiên, với những trường hợp cố tình vi phạm, có hành vi chống đối, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định" - ông Hiển nói.
Đầu các tuyến đường đều có lực lượng kiểm tra "giấy thông hành" của người dân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phường 4, quận Phú Nhuận kiểm tra giấy tờ người dân đi lại trên địa bàn - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phường 9, quận Phú Nhuận lập biên bản xử phạt người dân vi phạm quy định phòng chống dịch - Ảnh: DUYÊN PHAN
Các chốt kiểm soát được tăng cường hạn chế vấn đề đi lại của người dân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Muốn đi lại, người dân phải có lý do chính đáng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ra đường khi không cần thiết, người TP.HCM bị phạt bao nhiêu tiền? Theo Nghị định 117/2020NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực y tế, khi thực hiện Chỉ thị 16, người dân ra đường khi không có lý do chính đáng bị phạt 1-3 triệu đồng.