Kết tội kiểu ai cũng có thể bị dính
Kết tội dựa vào tin nhắn như TAND quận 7, TP.HCM trong vụ đánh bạc hóa ra nếu bị ai đó ghét, nhắn tin vào điện thoại ta nội dung đánh đề xem như ta chết chắc!
Vụ án đánh bạc mà TAND quận 7, TP.HCM vừa xét xử gần đây còn có nhiều điều đáng bàn về chứng cứ, về suy đoán vô tội và về nghĩa vụ chứng minh của cơ quan tiến hành tố tụng. Theo đó, bị cáo Lưu Mỹ Liên bị kết án chín tháng tù về tội đánh bạc do bị “bắt quả tang” trong điện thoại có mấy tin nhắn của người khác với nội dung đánh đề tổng cộng hơn 8 triệu đồng.
Điều đáng nói, trong các tin nhắn, cơ quan tố tụng chỉ làm rõ được hơn 1,8 triệu đồng (xác định được người nhắn tin), số tiền còn lại thì thua, không biết ai nhắn tin, chỉ suy đoán họ nhắn đánh đề.
Phải chứng minh “tính liên quan” của chứng cứ
Thời điểm bị cáo Lưu Mỹ Liên thực hiện hành vi đánh bạc là vào cuối năm 2016. Điều 248 BLHS 1999 đòi hỏi Liên phải đánh bạc trên 2 triệu đồng mới bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tại Điều 321 BLHS 2015 đòi hỏi phải đánh bạc trên 5 triệu đồng mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề quan trọng nhất trong vụ án này là phải xác định được số tiền bị cáo Lưu Mỹ Liên đánh bạc là bao nhiêu, trên cơ sở đó mới xác định Liên có phạm tội hay không.
CQĐT kiểm tra điện thoại của Liên có tổng số tiền nhắn tin đánh số đề hơn 8 triệu đồng nhưng lại chỉ chứng minh được có ba người tham gia đánh bạc là bà Hương, bà Oanh, ông Long với số tiền hơn 1,8 triệu đồng, cuối ngày có Oanh thắng được hơn 300.000 đồng. Số tiền còn lại hơn 6 triệu đồng, CQĐT không xác minh được người đánh bạc mà chỉ dựa vào các tin nhắn trên điện thoại của Liên để suy ra và quy ra số tiền đánh bạc. Vấn đề đặt ra là số tiền này có được coi là chứng cứ để kết tội bị cáo Liên về tội đánh bạc hay không.
Theo tôi, các tin nhắn đánh bạc trong điện thoại của bị cáo Liên chỉ là nguồn chứng cứ “dữ liệu điện tử”, theo Điều 87 BLTTHS 2015. Tuy nhiên, để trở thành chứng cứ theo quy định tại Điều 86 BLTTHS (để kết tội bị cáo) thì ngoài tính hợp pháp, tính khách quan, nó còn phải có “tính liên quan” mới được coi là chứng cứ của vụ án.
Bị cáo Lưu Mỹ Liên đã kháng cáo kêu oan. Ảnh: NGÂN NGA
Video đang HOT
Trái với nguyên tắc suy đoán vô tội
TAND quận 7, TP.HCM không xác định được người đánh bạc hơn 6 triệu đồng trong điện thoại của bị cáo Liên cụ thể là những ai. Tòa này cho rằng: “Thống kê phơi đề cùng bản giải phơi đề thể hiện số điện thoại có tên SJ Phuc trong danh bạ của bị cáo. Chủ (thầu) đề tên Tú được bị cáo lưu trong danh bạ điện thoại của mình là Đ. Các đối tượng này CQĐT đã xác minh, thu thập chứng cứ để làm rõ nhân thân, lai lịch nhưng chưa có kết quả. Tuy nhiên, căn cứ cách thức ghi bán số đề của bị cáo qua lời khai của bị cáo, của bà Hương, bà Oanh, ông Long, tin nhắn lưu trong điện thoại của bị cáo và bản giải phơi đề đã đủ cơ sở kết luận bị cáo ghi bán số đề, giao phơi đề cho các con bạc này”.
Như vậy, TAND quận 7 kết tội Liên đánh bạc hơn 6 triệu đồng với những người chưa rõ lai lịch khi cho rằng những người này cũng tương tự các trường hợp đã xác định được danh tính là bà Hương, bà Oanh, ông Long.
Theo tôi, đây là suy đoán bất lợi cho bị cáo. Việc suy đoán có tội này trái với nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2015. Điều luật này nêu rõ:”Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Điều này cũng có nghĩa là các tin nhắn số tiền trên điện thoại của bị cáo Liên mà không xác định được người đánh bạc thì không được sử dụng làm chứng cứ, vì nó không có tính liên quan (không xác định được người đánh bạc) và trái với nguyên tắc suy đoán vô tội.
Không thể coi đây là chứng cứ kết tội
Tòa án cấp sơ thẩm cũng cho rằng có mối liên hệ giữa lời khai ban đầu của bị cáo với các tin nhắn số tiền trên điện thoại của bị cáo Liên là đã xác định được số tiền này là chứng cứ phạm tội đánh bạc. Tuy nhiên, tại tòa, bị cáo Liên đã phủ nhận lời khai này nên lời khai ban đầu không thể là căn cứ để xác định các tin nhắn về số tiền trong điện thoại của bị cáo là để đánh bạc.
Do đó, không thể suy đoán số tiền trong tin nhắn lưu trong máy điện thoại bị cáo Liên là tiền dùng để đánh bạc khi bị cáo phủ nhận điều này. Bởi lẽ trường hợp này có rất nhiều khả năng xảy ra, tỉ như ai đó ghét bị cáo và cố tình nhắn tin vào điện thoại của bị cáo một số tiền nào đó nói là để đánh bạc (bởi thực tế chỉ có số điện thoại mà không biết rõ là ai) rồi báo cho công an bắt thì sao? Hoặc ai đó cố tình nhắn tin đánh bạc với hy vọng nếu trúng thì tìm đến lấy tiền, còn nếu thua thì không đưa tiền đánh số đề (vì không xác định được ai do chỉ có số điện thoại). Việc bị cáo lưu trong danh bạ điện thoại ký hiệu SJ Phuc, Đ. cũng không đồng nghĩa là bị cáo biết những người này… Vì thế, phải suy luận theo nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo chứ không thể suy luận theo hướng có tội cho bị cáo Liên.
Từ những phân tích nêu trên, có thể đưa ra kết luận rằng số tiền hơn 6 triệu đồng trong tin nhắn lưu trong điện thoại của bị cáo Liên mà CQĐT không xác minh được người đánh bạc thì không thể sử dụng làm chứng cứ để kết tội bị cáo Liên. Số tiền 1,8 triệu đồng chứng minh được thì chưa đủ định lượng xử lý hình sự bị cáo, trường hợp này bị cáo chỉ bị xử phạt hành chính mà thôi.
Tòa tịch thu 12 triệu đồng là sai
Ngoài việc áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo Liên, TAND quận 7, TP.HCM còn buộc bị cáo Liên phải nộp lại số tiền 12 triệu đồng thu lợi bất chính trong thời gian ghi bán số đề để sung quỹ nhà nước.Việc tịch thu số tiền này cũng không hợp lý. Kể cả trong trường hợp bị cáo Liên có khai trong thời gian ghi bán số đề bị cáo thu lợi bất chính được 12 triệu đồng thì cũng không được tịch thu số tiền này vì không có cơ sở nào xác định số tiền này do phạm tội mà có. Bởi tại Điều 98 BLTTHS quy định: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
Bị cáo Liên đã kháng cáo kêu oan
Theo hồ sơ, cuối năm 2016, Lưu Mỹ Liên (là công nhân) đang trên đường đi làm về thì bị công an phường chặn xe, kiểm tra điện thoại, phát hiện có tin nhắn phơi đề. Theo công an, tổng số tiền đánh bạc trên phơi đề trong ngày 21-12-2016 là hơn 8 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra chỉ xác định được ba người mua số tiền phơi đề tổng cộng hơn 1,8 triệu đồng và có một người trúng hơn 300.000 đồng. Số tiền còn lại hơn 6 triệu đồng thì không tìm ra được người chơi. Dù vậy, cuối tháng 11-2018, TAND quận 7 vẫn tuyên phạt Liên chín tháng tù về tội đánh bạc.
Hiện bị cáo Liên đã kháng cáo kêu oan.
TS PHAN ANH TUẤN, ĐH Luật TP.HCM
Theo PL
Tòa kết tội chỉ dựa vào tin nhắn là thiếu cơ sở
Theo các chuyên gia, việc kết tội chỉ dựa vào tin nhắn mà không chứng minh được người chơi đề là ai là quá vội vàng, thiếu cơ sở.
TAND quận 7, TP.HCM vừa xét xử vụ án đánh bạc mà chứng cứ kết tội còn gây nhiều tranh cãi. Theo hồ sơ, cuối năm 2016, Lưu Mỹ Liên (là công nhân) đang trên đường đi làm về thì bị công an phường chặn xe, kiểm tra điện thoại, phát hiện có tin nhắn phơi đề. Theo công an, tổng số tiền đánh bạc trên phơi đề trong ngày 21-12-2016 là hơn 8 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra chỉ xác định được ba người mua số tiền phơi tổng cộng hơn 1,8 triệu đồng và có một người trúng hơn 300.000 đồng. Số tiền còn lại hơn 6 triệu đồng thì không tìm ra được người chơi. TAND quận 7 đã tuyên phạt Liên chín tháng tù về tội đánh bạc với nhận định: "Tin nhắn trên điện thoại của bị cáo cùng các tài liệu chứng cứ khác đã được làm rõ tại phiên tòa thể hiện bị cáo đã sử dụng điện thoại của mình nhắn tin bán số đề cho các con bạc với số tiền hơn 8 triệu đồng. Bị cáo đã tổng hợp các tin nhắn mua số đề từ các con bạc rồi tổng hợp và nhắn tin chuyển đến chủ đề tên Tú (hiện CQĐT vẫn chưa xác định được lai lịch người này), Tú đã nhắn tin xác nhận cho bị cáo. Căn cứ kết quả xổ số thì có NHO thắng được số tiền 300.000 đồng. Do đó hành vi của bị cáo đã phạm tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 248 BLHS 1999".
Tại tòa, bị cáo Liên cho biết chưa nhận được bất cứ đồng nào của người mua số đề vì khi đó Liên đang làm việc, khi vừa lấy xe ra về là đã bị công an bắt. Liên cũng cho rằng mình chỉ là người được hưởng hoa hồng từ Tú. Hiện Liên đã kháng cáo kêu oan lên TAND TP.HCM.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: "Cơ quan tố tụng quận 7 cần phải làm rõ bị cáo Liên là chủ đề hay chỉ là người trung gian, tức vai trò đồng phạm giúp sức. Bởi việc xác định chủ đề hay trung gian rất quan trọng vì sẽ quyết định trong việc phân hóa trách nhiệm hình sự.
Theo điểm a mục 5.2 Điều 1 Nghị quyết 01/2010 của TAND Tối cao, "số tiền chủ đề dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề đã nhận của những người chơi số đề và số tiền mà chủ đề phải bỏ ra để trả cho người trúng". Có thể thấy hướng dẫn này đã chỉ rõ tiền chơi đề phải là số tiền thực tế đã nhận. Nhưng trong vụ án này, cơ quan tố tụng chỉ chứng minh được có ba người mua đã thừa nhận số tiền hơn 1,8 triệu đồng. Riêng O. trúng đề hơn 300.000 đồng thì chủ đề là Tú phải có nghĩa vụ phải trả cho người trúng chứ không phải bị cáo Liên.
Do đó chỉ có thể quy kết Liên đánh bạc với số tiền hơn 1,8 triệu đồng. Việc TAND quận 7 buộc tội bị cáo đánh bạc hơn 8 triệu đồng dựa trên tin nhắn điện thoại mà không chứng minh được người gửi tin nhắn là chưa có căn cứ pháp lý vững chắc. Từ những phân tích trên, căn cứ Điều 248 BLHS 1999, số tiền đánh bạc dưới 2 triệu đồng nên Liên không phạm tội đánh bạc".
Cạnh đó, luật sư Nguyễn Văn Phước (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) phân tích thêm yếu tố cấu thành tội đánh bạc là bắt buộc phải chứng minh bị cáo Liên "được thua bằng tiền". Trong khi TAND quận 7 nhận định bị cáo đã tổng hợp các tin nhắn mua số đề từ các con bạc rồi tổng hợp và nhắn tin chuyển đến chủ đề tên Tú. Cạnh đó, Liên cũng khai được hưởng hoa hồng từ Tú, tức Liên chỉ là đồng phạm tội tổ chức đánh bạc do Tú là chủ đề.
Cấp sơ thẩm cũng chỉ chứng minh được có ba người chơi với số tiền hơn 1,8 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 6 triệu đồng do những người khác nhắn tin mua. Tòa chưa làm rõ được những người nhắn tin kia là ai... Do đó luật sư Phước cho rằng việc tòa chỉ dựa vào tin nhắn để buộc tội bị cáo Lưu Mỹ Liên đánh bạc hơn 8 triệu đồng là quá vội vàng, không có cơ sở.
NGÂN NGA
Theo PLO
Đánh bạc chưa đầy 2 triệu đồng vẫn bị truy cứu hình sự? Quy kết cho bị cáo đánh bạc 8 triệu đồng nhưng chỉ chứng minh được 1,8 triệu đồng là của những người tham gia đánh. Số tiền còn lại hơn 6 triệu đồng, nhà chức trách không chứng minh được là của ai, nhưng vẫn khởi tố, truy tố, xét xử bị cáo về tội đánh bạc. Ảnh chỉ mang tính minh họa...