Kết quả xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng tới khu vực Trung Đông như thế nào
Nhiều nước Arab và Hồi giáo có quan hệ mật thiết với Nga, cả về ngoại giao lẫn quốc phòng, an ninh.
Đó là lý do vì sao kết quả cuộc chiến hiện nay giữa Nga và Ukraine có tác động nhất định tới bàn cờ địa chính trị Trung Đông.
Một người lính Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ảnh: Sputnik
Một số nước Arab và Hồi giáo phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao của Nga. Một trong số những quốc gia như vậy là Syria. Damascus đã nhận được sự hỗ trợ quân sự và chính trị rất lớn của Nga kể từ năm 2015, sau quyết định của Tổng thống Vladimir Putin gửi quân đội nước này đến quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá để giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đánh bại các nhóm khủng bố và chiến binh nước ngoài. Syria cũng là nơi duy nhất hiện nay Nga đặt căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Một quốc gia khác là Ai Cập, vốn từ lâu đã là khách hàng quen thuộc mua vũ khí Nga. Tiếp đó là Iran, một cường quốc ở khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, Moskva còn hỗ trợ của đồng minh của Tehran là phong trào Hồi giáo vũ trang dòng Shiite Hezbollah ở Liban. Saudi Arabia cũng có mối quan hệ gắn bó với Nga trong lĩnh vực dầu mỏ…
Đã hơn 100 ngày trôi qua kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm thực hiện mục tiêu mà Moskva tuyên bố là phi quân sự hóa và phi phát xít hóa quốc gia láng giềng này. Theo ước tính, trong hơn 3 tháng chiến sự vừa qua, Nga đã giành quyền kiểm soát hơn 20% lãnh thổ của Ukraine. Tại phương Tây, điều này được đánh giá như một thất bại và báo giới cho rằng cuộc chiến truyền thông chống lại Nga đang tác động không nhỏ tới suy nghĩ của một số người ở Trung Đông.
Nhiều người dân ở Trung Đông tin rằng Nga đã thất bại trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine một cách nhanh chóng. Kết quả là một số người nói rằng Moskva đang đánh mất vị thế một siêu cường và chỉ có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán của Điện Kremlin mới có thể khôi phục niềm tin của họ vào nước Nga.
Kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ vào cuối tháng 2, phái đoàn của nhiều quốc gia Arab đã đến thăm Moskva. Ngược lại, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có các chuyến thăm tới vùng Vịnh và khu vực Trung Đông. Ngoài ra, ông đã tổ chức nhiều cuộc điện đàm với quan chức cấp cao của các cường quốc, nhằm duy trì và củng cố vị thế của Nga ở Trung Đông.
Video đang HOT
Pháo tự hành M109 mà Na Uy cam kết cung cấp cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Ảnh: Reuters
Các cuộc gặp này được thúc đẩy từ thực tế cấp bách hiện nay. Giá khí đốt và dầu mỏ tiếp tục tăng sau một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Những hành động đó đã dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng trên toàn thế giới và áp lực cũng đang tăng lên đối với các quốc gia vùng Vịnh trong việc xuất khẩu thêm dầu thô. Nga và các nước vùng Vịnh đang phối hợp hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng này. Sự hợp tác cũng được ghi nhận trong lĩnh vực xuất khẩu lúa mì của Nga, vốn gặp trở ngại vì các đòn trừng phạt.
Ông Ahmed Ayyach, nhà báo của tờ A-Nahar tại Liban, nói: “Nga là một quốc gia vĩ đại và chúng tôi ở Trung Đông hy vọng Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến đó. Bởi vì nếu không, hậu quả đối với khu vực này sẽ không thể tránh được. Và thực tế là một số quốc gia, đang ở trong quỹ đạo của Nga, sẽ không thể đối phó với phương Tây”.
Một số nước Trung Đông phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự và chiến lược của Nga mới chỉ mạnh mẽ hơn trong mấy năm qua. Các quốc gia vùng Vịnh cũng đang dần ngả về phía Moskva trong vài năm gần đây.
Ngay cả từ trước khi xung đột bùng phát tại Ukraine, các nước vùng Vịnh đã là khách hàng thường xuyên của ngành công nghiệp vũ khí Nga. Sự kiện ông Joe Biden lên cầm quyền tại Mỹ với những tuyên bố mạnh mẽ không thân thiện với vùng Vịnh lúc đầu càng đẩy các quốc gia ở khu vực này xích lại gần với Moskva hơn. Bên cạnh ngoại giao-quốc phòng, hợp tác giữa các bên cũng được thúc đẩy trong lĩnh vực du lịch, chống khủng bố và thương mại.
Đối với nhiều người, Nga đang phát triển thành một quốc gia đại diện cho tiếng nói của sự thấu hiểu và hành động có trách nhiệm. Các chính sách của Moskva trái ngược hoàn toàn với chính sách của Washington. Nga không can thiệp vào công việc của nước khác và áp đặt ý trí của Moskva đối với họ.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Mỹ cuối cùng đã nhận thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga ở Trung Đông và Washington cũng có hành động. Thời gian gần đây, Washington liên tiếp cử hàng loạt quan chức cấp cao thực hiện các chuyến công du tới khu vực này. Cuối tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thăm Israel, khu Bờ Tây để thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine, quan hệ Israel-Palestine, các vấn đề liên quan Iran và khủng hoảng giá năng lượng toàn cầu.
Theo Axios, điều phối viên phụ trách khu vực Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk và đặc phái viên về năng lượng của Bộ Ngoại giao Mỹ Amos Hochstein cũng đã đến Saudi Arabia, đồng minh lâu năm của Mỹ ở Trung Đông, vào ngày 24/5 để gặp các quan chức cấp cao nước này. Trọng tâm chuyến thăm là một thỏa thuận về tăng cường sản lượng dầu mỏ và một thỏa thuận về bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia, Israel và Ai Cập. Mới đây nhất, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 6/6 cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét kế hoạch thăm Saudi Arabia trong tháng 6 này.
Thời điểm này, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, hình ảnh của Nga như một quốc gia đứng ngoài xung đột đã bị tổn hại, song một khi chiến tranh kết thúc, nước Nga sẽ đứng vững một lần nữa. Và kết quả cuộc chiến có như thế nào, thì vị thế nước Nga thời hậu chiến sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khu vực Trung Đông, vùng Vịnh.
Chìa khóa để đảm bảo an ninh lương thực
Xung đột, thời tiết khắc nghiệt, những cú sốc kinh tế, tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, gánh nặng nợ công khổng lồ và ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine đang đẩy hàng triệu người ở nhiều quốc gia vào cảnh nghèo đói, khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng đột biến đe dọa sự ổn định ở hàng chục quốc gia
. Các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang làm đình trệ hoạt động sản xuất và tiếp cận lương thực của nhiều người trên thế giới. Trong vài tháng qua, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) có trụ sở tại Rome, Italy đã liên tục phát đi những cảnh báo về nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu.
Người dân tại một trại tị nạn ở Baidoa, Somalia ngày 14/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Báo cáo Toàn cầu về khủng hoảng lương thực, số người bị đói trên thế giới năm 2021 đã lên tới gần 193 triệu, tăng 40 triệu người so với năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Các nước Afghanistan, Somalia, Nam Sudan và Yemen đều đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói. Có một số yếu tố gây ra nạn đói toàn cầu.
Thứ nhất là xung đột. Trong giai đoạn 2018-2021, số người bị đói ở các quốc gia, mà xung đột là nguyên nhân chính, đã tăng 88% lên 139 triệu người. Tổng cộng, khoảng 811 triệu người bị suy dinh dưỡng vào năm 2020, nhiều hơn 161 triệu người so với năm 2019. Theo các dự báo mới nhất của FAO, xung đột có thể làm tăng số người bị suy dinh dưỡng mãn tính thêm 18,8 triệu vào năm 2023.
Thứ hai là các cú sốc khí hậu thường xuyên và lặp đi lặp lại. Thế giới đã bước vào một "trạng thái bình thường mới", khi hạn hán, lũ lụt, bão và lốc xoáy liên tục tàn phá hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, khiến người dân phải rời bỏ nhà cửa và đẩy hàng triệu người đến bờ vực đói nghèo. Các xu hướng khí hậu đáng lo ngại liên quan đến hiện tượng La Nia bắt đầu từ cuối năm 2020 và tiếp tục kéo dài sang năm 2022. Một đợt hạn hán chưa từng có đang hoành hành ở Đông Phi, Afghanistan, trong khi nguy cơ lũ lụt đe dọa Nam Sudan và khu vực Sahel, một mùa bão dữ dội hơn ở khu vực Caribe.
Thứ ba là cuộc xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu và hậu cần, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp lương thực. Cả Nga và Ukraine hiện là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng biển, trong khi Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt. Các nhà phân tích đánh giá, Ukraine, quốc gia đã xuất khẩu 43 triệu tấn ngũ cốc từ đầu vụ vào tháng 7/2021 cho đến khi chiến sự bùng phát vào tháng 2/2022, chỉ có thể xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn trong 3 tháng tới, do những khó khăn về logistics. Sự gián đoạn nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp này đang tàn phá an ninh lương thực của nhiều quốc gia.
Thứ tư là việc gia tăng giá phân bón, thức ăn, nhiên liệu đang gây nhiều khó khăn cho duy trì sản lượng lương thực trong mùa thu hoạch sắp tới, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế tại tất cả các khu vực. Các nhà sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với khủng hoảng, song tần suất và mức độ các "cú sốc" đang trở nên nghiêm trọng hơn, khi bất ổn kinh tế và giá cả leo thang kết hợp với sự sụt giảm sản lượng lương thực.
Cuối cùng là những điều kiện kinh tế vĩ mô tồi tệ ở một số quốc gia, do hậu quả của đại dịch COVID-19 cũng như sự biến động gần đây trên thị trường lương thực và năng lượng toàn cầu, đang gây ra thiệt hại đáng kể về thu nhập của các cộng đồng nghèo nhất và hạn chế năng lực của các chính phủ trong việc tài trợ cho mạng lưới an sinh xã hội, các biện pháp hỗ trợ thu nhập và nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley đã cảnh báo rằng thế giới "đang phải đối mặt với một cơn bão không chỉ gây tổn thương cho những người nghèo nhất, mà còn cho cả hàng triệu gia đình lâu nay vẫn phải vật lộn với sinh kế". Tình hình hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ "mùa Xuân Arab" năm 2011 và cuộc khủng hoảng giá lương thực 2007-2008. Những gì đang xảy ra ở Indonesia, Pakistan, Peru và Sri Lanka chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Đáng nói hơn, tình trạng này đang đe dọa việc thực hiện mục tiêu toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói vào năm 2030 theo Chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ.
Nông nghiệp là một trong những chìa khóa cho hòa bình và an ninh lâu dài. Trước tình hình khủng hoảng hiện nay, thế giới cần chạy đua với thời gian để giúp đỡ nông dân ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bằng cách tăng nhanh sản lượng lương thực và tăng cường khả năng chống đỡ thách thức của họ.
FAO đã kêu gọi tài trợ nhiều hơn cho nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực và thực phẩm trong các tình huống khủng hoảng. Hiện chỉ 8% tổng tài trợ cho lĩnh vực an ninh lương thực được dành cho nông nghiệp. Trong năm ngoái, FAO đã hỗ trợ nông nghiệp khẩn cấp và các chương trình xây dựng khả năng chống đỡ cho hơn 30 triệu người trên thế giới. Ví dụ, tại Afghanistan, FAO đã cung cấp các gói canh tác lúa mỳ với giá 160 USD/gói cho 3 triệu người, đáp ứng được các yêu cầu về ngũ cốc chủ yếu cho một gia đình 7 người trong cả năm. Tại Ethiopia, bất chấp những khó khăn về đi lại, việc FAO và các đối tác của Cụm Nông nghiệp cung cấp hạt giống và vật tư nông nghiệp đã cho phép nông dân địa phương sản xuất 900.000 tấn lương thực - gấp 5 lần so với số lương thực nhân đạo và thương mại được cung cấp cho khu vực.
Người dân xếp hàng chờ được phát lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở Mogadishu, Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN
Để ngăn chặn sự gia tăng của xu hướng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong những năm tới, FAO cũng khuyến nghị các quốc gia cần ưu tiên mở rộng sản xuất lương thực bằng cách cung cấp tiền bạc và đầu vào thiết yếu cho sản xuất ngũ cốc và rau quả cũng như bảo vệ vật nuôi. Khu vực nhà nước và tư nhân cần tham gia vào các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản để hỗ trợ những nông dân sản xuất nhỏ và các hộ gia đình.
Cộng đồng toàn cầu cũng cần phải phân bổ các nguồn lực mới để duy trì sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh đầy thách thức và đầu tư nhiều hơn vào đổi mới và công nghệ mới. Các nước cần nỗ lực giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí lương thực, đồng thời chú ý sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, canh tác. Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc đã nhấn mạnh: "các quốc gia cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống nông sản để hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn để sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn - không để ai bị bỏ lại phía sau".
Trên bình diện quốc tế, những hành động đa phương, tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh lương thực, bảo đảm các chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối... đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, một yếu tố mấu chốt không thể thiếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, chính là những biện pháp toàn diện và bền vững trong ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa và thúc đẩy giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình...
WB: Indonesia có triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,1% trong năm 2022 Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass ngày 8/6 cho biết, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn và bóng ma suy thoái kinh tế trên diện rộng đang dần hiện hữu, tác động sâu sắc ngay cả tới các quốc gia phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, Indonesia là một điểm...