Kết quả kinh doanh cao nhất 3 quý, GTNfoods vẫn mới chỉ hoàn thành 20% kế hoạch lợi nhuận 2019
So với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận sau thuế của GTNfoods chưa bằng phân nửa. Tuy vậy, nếu so với con số lỗ 11,4 tỷ quý 4/2018 hay 17 tỷ quý 1/2019 thì quý 2/2019 cho thấy lợi nhuận của công ty đã hồi phục khá mạnh mẽ.
Công ty cổ phần GTNfoods (mã chứng khoán GTN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019. Đây là quý đầu tiên kể từ khi Vinamilk chính thức làm cổ đông lớn nhất của GTNfoods.
Doanh thu và lợi nhuận hồi phục sau 3 quý ảm đạm
Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, doanh thu thuần quý 2/2019 đạt 812 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2018 nâng luỹ kế 6 tháng lên 1.437 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tuy vậy, nếu so sánh quý 2/2019 với 3 quý liền trước thì có thể thấy, doanh thu của GTNfoods đã tăng trở lại sau 3 quý liên tiếp về dưới 800 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế riêng quý 2 đạt 23,21 tỷ đồng trong đó phần lợi nhuận thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 3,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, lợi nhuận sau thuế của GTNfoods chưa bằng phân nửa. Tuy vậy, nếu so với con số lỗ 11,4 tỷ quý 4/2018 hay 17 tỷ quý 1/2019 thì quý 2/2019 cho thấy lợi nhuận của công ty đã hồi phục khá mạnh mẽ.
Năm 2019, GTNfoods đặt kế hoạch 3.350 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 11% và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 92% so với kết quả đạt được năm 2018. Như vậy là, nửa năm đã trôi qua nhưng GTNfoods mới hoàn thành được 43% kế hoạch doanh thu và hơn 20% kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất của cả năm.
Tuy cả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ nhưng KQKD quý 2/2019 cho thấy GTNfoods đã hồi phục mạnh mẽ, đạt cao nhất 3 tháng
Tăng chiết khấu tặng kèm để giữ thị phần sữa, lãi gộp của trà đang tăng nhanh
Video đang HOT
Mảng sữa là mảng kinh doanh trọng yếu của GTNfoods. 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần từ bán sữa đạt 1.270 tỷ đồng, tương đương bằng cùng kỳ. Kết quả này có được nhờ quý 2/2019, Mộc Châu Milk đã đạt tăng trưởng doanh thu 5% so với cùng kỳ năm 2018 giúp kéo kết quả kinh doanh chung 6 tháng lên bằng cùng kỳ năm ngoái. Hồi quý 1/2019, cạnh tranh gay gắt trong ngành sữa khiến Mộc Châu Milk phải tăng mạnh chiết khấu tặng kèm và giữ được thị phần, Sang quý 2/2019, tình hình khí hậu phù hợp, thị trường tiêu thụ tốt nên kết quả doanh thu, lợi nhuận của Mộc Châu Milk tốt hơn.
Tuy kết quả kinh doanh quý 2/2019 của Mộc Châu Milk đã cải thiện đáng kể so với quý 1 nhưng biên lãi gộp giảm nhẹ. Lý giải việc lãi gộp thấp, ngoài vấn đề tăng chiết khấu bán hàng để giữ thị phần trong giai đoạn ngành sữa cạnh tranh khốc liệt thì theo trao đổi của các lãnh đạo GTNfoods tại ĐHĐCĐ, Mộc Châu Milk tập trung vào sản phẩm sữa tươi chất lượng cao nên lãi gộp thấp hơn. Để duy trì chất lượng sữa, Mộc Châu Milk đã đầu tư nhiều chi phí để hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất sữa như kiểm soát chất lượng thức ăn, thú y, dịch bệnh, đảm bảo giá mua sữa ổn định cho nông dân…dẫn đến giá thành sản xuất cao. Trong thời gian tới, Mộc Châu Milk hướng tới mục tiêu nâng biên lãi gộp sản phẩm sữa thông qua đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm có biên lợi nhuận gộp cao hơn, quản trị giá thành sản xuất để giảm giá vốn. Tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo cũng chia sẻ trong thời gian tới sẽ làm việc với đơn vị tư vấn quản trị doanh nghiệp và chiến lược phát triển doanh nghiệp với trọng điểm là GTNfoods, Mộc Châu Milk và Vinatea, đồng thời nghiên cứu phương án kết hợp với Vinamilk và các đối tác phù hợp khác để phát triển mảng Sữa.
Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận gộp 6 tháng của mảng trà tại Vinatea vẫn duy trì ở mức 15%, cao hơn mức 9% cùng kỳ năm ngoái, là kết quả của việc chuyển dịch thị trường xuất khẩu và sản phẩm chất lượng có biên lợi nhuận cao hơn của Vinatea.
Đã thoái hết vốn tại Forimex, dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu, thoái vốn những khoản đầu tư ngoài ngành đã được Đại hội cổ đông thường niên thông qua từ nhiều năm trước, 6 tháng đầu năm 2019, GTNfoods đã thoái vốn đầu tư khỏi CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn. Đối với khoản đầu tư vào Forimex, GTNfoods thanh lý khoản đầu tư này tương đương với giá gốc, không phát sinh lãi thoái vốn như cùng kỳ năm 2018 (đem lại lợi nhuận khoảng 14 tỷ đồng). Việc thoái vốn này đem lại dòng tiền khoảng 44 tỷ VNĐ để phục vụ cho mục đích đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty.
“Cục tiền” nghìn tỷ vẫn chưa tiêu
Theo bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 30/6/2019, GTNfoods vẫn có 220 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Ngoài ra, công ty còn hơn 860 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng tới 24 tháng.
So với con số 1.140 tỷ đồng số dư đầu năm thì dư tiền và tương đương tiền cuối tháng 6/2019 có giảm nhẹ xuống còn 1.080 tỷ đồng. Trước đây, GTNfoods từng công bố khoản tiền này công ty sẽ dùng để đầu tư thêm vào Mộc Châu Milk, Vinatea và tiến hành các hoạt động M&A các doanh nghiệp khác nếu phù hợp. Con số dư tiền nghìn tỷ cuối quý 2/2019 cho thấy, trước và hậu M&A vào Vinamilk, GTNfoods vẫn chưa tiến hành đầu tư lớn.
Phương Chi
Theo Trí thức trẻ
Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 19/7
Tổng hợp toàn bộ tin vắn nổi bật liên quan đến doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán.
Tin doanh nghiệp
GAS - Tổng CTCP Khí Việt Nam - Đã công bố Báo cáo tài chính quý II/2019 với doanh thu thuần tăng nhẹ lên 20.353 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 3.057 tỷ đồng, giảm gần 5% so với quý II/2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của GAS tăng 2% lên 38.993 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 5% đạt 6.120 tỷ đồng.
PGS - CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam - Thông báo kết quả kinh doanh quý II/2019 với doanh thu thuần đạt 1.645 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 21,6 tỷ đồng, giảm 23%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PGS đạt 3.159 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 47,6 tỷ đồng, giảm 22%.
BTP - Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa - Quý 2/2019 ghi nhận doanh thu tăng 194,7% lên 469,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý II gấp gần 7 lần cùng kỳ, đạt gần 51 tỷ đồng.
DRC - CTCP Cao su Đà Nẵng - Đã thông bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với doanh thu bán hàng 2.003 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 109 tỷ đồng. Trong quý III tới, DRC đặt mục tiêu doanh thu bán hàng 1.091 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng.
PDR - CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Đã thông qua việc phát hành 225 tỷ đồng trái phiếu, với giá bán bằng mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 01 năm, lãi suất 9,5%/năm. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III/2019.
SCS - CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn - Đã thông qua phương án phát hành 380.000 cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt với giá 48.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý III/2019.
S4A - CTCP Thủy điện Sê San 4 - Ngày 23/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019, ngày đăng ký cuối cùng là 24/7. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 7%, thanh toán bắt đầu từ ngày 02/8/2019.
TDH - CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức - Đã thông qua chủ trương tham gia đầu tư dự án Khu đô thị mới - Khu 3 (Lô số 14) thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư hơn 586 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 5 năm.
TVB - CTCP Chứng khoán Trí Việt - CTCP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt, công ty mẹ đã bán ra 2 triệu cổ phiếu TVB trong ngày 16/7. Sau giao dịch, Công ty mẹ của TVB đã giảm sở hữu xuống còn hơn 16,07 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 66,17%.
VPS - CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam - Ngày 19/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức còn lại năm 2018, ngày đăng ký cuối cùng là 22/7. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 6%, thanh toán dự kiến bắt đầu từ ngày 08/8/2019.
ACB - Ngân hàng TMCP Á Châu - Ngày 25/7 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2018, ngày đăng ký cuối cùng là 26/7. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 30% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu mới).
Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông
SCR - CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre, cổ đông lớn đã bán ra 7 triệu cổ phiếu SCR trong ngày 12/7 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, cổ đông trên đã giảm sở hữu tại SCR xuống còn hơn 24,88 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,34%.
MWG - CTCP Đầu tư Thế giới di động - Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT chỉ mua được hơn 119.000 cổ phiếu MWG trong tổng số 300.000 cổ phiếu MWG đăng ký mua từ ngày 18/6 đến 17/7 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Tài đã nâng sở hữu tại MWG lên hơn 11,58 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,6%.
PVT - Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí - Yurie Vietnam Securities Investment Trust (Stock) đã bán ra 5,75 triệu cổ phiếu vào ngày 9/7. Sau giao dịch, tổ chức này giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,98% về 3,93% và không còn là cổ đông lớn.
Giao dịch cổ phiếu của cổ đông
PVI - CTCP PVI - HDI Global SE, cổ đông lớn đã mua bất thành 3 triệu cổ phiếu PVI đăng ký mua từ ngày 17/6 đến 16/7. Như vậy, hiện tại cổ đông trên vẫn chỉ đang nắm giữ hơn 92,06 triệu cổ phiếu PVI, tỷ lệ 39,84%.
NTP - CTCP Nhựa Thiếu niên - Tiền Phong - Ông Đào Anh Thắng, Ủy viên HĐQT đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu NTP từ ngày 22/7 đến 20/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện tại, ông Thắng đang nắm giữ hơn 60.000 cổ phiếu NTP, tỷ lệ 0,07%.
DLG - CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai - Ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc đăng ký bán ra 2,44 triệu cổ phiếu DLG từ ngày 23/7 đến 21/8 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, ông Kiên sẽ chỉ còn nắm giữ hơn 11.000 cổ phiếu DLG.
NBB - Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy - Ông Đoàn Tường Triệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký bán ra 2,5 triệu cổ phiếu NBB từ ngày 22/7 đến 20/8 theo phương thức khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, ông Triệu sẽ giảm sở hữu tại NBB từ 3 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 3,21% xuống còn 500.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,54%.
Trần Dũng
Theo Tài chính Plus/HNX&HSX
Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 18/7 Tổng hợp toàn bộ tin vắn nổi bật liên quan đến doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán. Tin doanh nghiệp CTD - CTCP Xây dựng Coteccons - Công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 với doanh thu thuần 5.788 tỷ đồng, giảm 30% so cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế gần 124 tỷ đồng, giảm...