Kết quả bầu tổng thống Mỹ khó đổi dù Trump không công nhận
Nếu bà Clinton giành thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới nhưng ông Trump không chấp nhận thua cuộc, kết quả vẫn khó lòng thay đổi.
Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump nhiều lần tỏ ý rằng sẽ không công nhận kết quả bầu cử tổng thống nếu Clinton giành chiến thắng. Ảnh: Reuters
Triển vọng về một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kịch tính dường như ngày càng giảm đi sau mỗi cuộc thăm dò ý kiến, theo CNN. Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton đang vững vàng dẫn điểm đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump trong hầu hết các cuộc khảo sát. Nhưng có lẽ công chúng Mỹ sẽ vẫn phải hồi hộp chờ đợi cho đến tận ngày bỏ phiếu 8/11 bởi những nỗ lực không biết mệt mỏi từ ông Trump.
Dù chuyên gia đánh giá nhà tài phiệt New York khó lòng lật ngược thế cờ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Trump tuần trước vẫn tuyên bố kết quả bầu cử sẽ bất ngờ gấp 5 lần sự kiện Brexit (cử tri Anh bỏ phiếu chấp thuận rời Liên minh châu Âu (EU) bất chấp những dự đoán trước đó cho thấy khả năng này ít có cơ hội xảy ra).
Nhiều người hiện đặt niềm tin vào một chiến thắng dành cho cựu ngoại trưởng Mỹ. Song, trong trường hợp thua cuộc, liệu Trump có sẵn sàng đón nhận thất bại? Nếu không, ông sẽ dùng tới biện pháp gì để thay đổi tình hình?
“Dù Trump thừa nhận thua cuộc hay không, tổng số phiếu bầu vẫn giữ nguyên”, giáo sư Rick Hasen từ Đại học California – Irvine, người điều hành trang blog Luật Bầu cử, nhận định. “Điều đó không có bất kỳ tác dụng pháp lý độc lập nào”.
Quy trình kiểm phiếu lại chỉ được tự động kích hoạt ở 20 bang và quận Columbia khi chênh lệch phiếu bầu giữa hai ứng viên ở mức rất sít sao, tùy theo luật quy định ở mỗi bang. Ví dụ, tại bang Florida và bang Pennsylvania, việc kiểm phiếu lại chỉ xảy ra nếu mức chênh lệch giữa hai đối thủ chiếm từ 0,5% tổng số phiếu bầu trở xuống. Trong khi đó, luật của bang Michigan quy định mức chênh lệch để kiểm phiếu lại là 2.000 phiếu bầu trở xuống.
Video đang HOT
Lần kiểm phiếu lại đáng chú ý nhất gần đây là sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 ở bang Florida. Nguyên nhân không xuất phát từ việc ứng viên đảng Dân chủ Al Gore bất mãn dẫn tới kiện tụng gian lận như ban vận động tranh cử của ông Trump nói mà bởi quy định chênh lệch phiếu bầu mà bang này đặt ra từ trước.
Tổng cộng, có 43 bang “cho phép một ứng viên thua cuộc, một cử tri, một nhóm cử tri hoặc các bên liên quan khác khiếu nại kiểm phiếu lại”. Tuy nhiên, một số bang đòi hỏi ứng viên thua cuộc phải đáp ứng một số tiêu chí, chẳng hạn luật của bang Idaho quy định chỉ xem xét yêu cầu kiểm phiếu lại nếu mức chênh lệch phiếu bầu giữa hai ứng viên thấp hơn 0,1% tổng số phiếu.
Cuối cùng, tân tổng thống Mỹ sẽ được xác định và công nhận bởi Hạ viện và Thượng viện, nơi số phiếu đại cử tri mà mỗi ứng viên nắm giữ sẽ được công bố vào đầu tháng 1/2017. Sau đó, Chủ tịch Thượng viện, trong trường hợp này là Phó tổng thống Joe Biden, sẽ chính thức phê chuẩn.
Trong lịch sử, ứng viên tổng thống Al Gore cũng như Richard Nixon, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, đã tự quyết định số phận của mình khi chính thức phê chuẩn kết quả bầu cử mà họ là người thua cuộc.
Bình luận viện Gregory Krieg của CNN cho rằng Trump nhiều khả năng sẽ chấp thuận kết quả bầu cử trước thời điểm nêu trên nhưng nếu tranh cãi kéo dài sang năm sau, dư luận chắc chắn sẽ ít quan tâm đến những gì ông nói dù bây giờ nhà tài phiệt New York tuyên bố bất cứ điều gì.
Tại cuộc tranh luận tổng thống trực tiếp cuối cùng hay trong các phát biểu cũng như những thông điệp đưa ra trên tài khoản mạng xã hội Twitter trước và sau sự kiện, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa nhiều lần ẩn ý ông sẽ không thừa nhận thua nếu bà Clinton đắc cử.
“Đến lúc đó, tôi sẽ cân nhắc”, Trump trả lời khi Chris Wallace, người điều phối phiên tranh luận tổng thống lần ba, hỏi liệu ông có sẵn sàng “chấp nhận kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử hay không”
Wallace cố nhắc nhở Trump về các giá trị tốt đẹp của “một cuộc chuyển giao quyền lực ôn hòa” nhưng tỷ phú Mỹ vẫn kiên quyết chốt lại vấn đề: “Đến lúc đấy, tôi sẽ nói với ông. Tôi sẽ khiến ông hồi hộp chờ đợi”.
Song thực tế, theo Krieg, cái kết dành cho cuộc vận động tranh cử của Trump “sẽ không kịch tính như phim”.
Giáo sư Rick Hasen cho rằng dù Trump đang gây xói mòn “một phần kết cấu xã hội” bằng những phát biểu của ông ấy, hiệu quả mà chúng tạo ra có thể rất bình thường.
“Ở mức cực đoan nhất, các tuyên bố của Trump có khả năng kích động những người ủng hộ ông xuống đường biểu tình, thậm chí dẫn đến bạo lực. Dù vậy, khả năng cao hơn là ông ấy sẽ đưa ra một lời kêu gọi tập hợp mọi người phản đối tính hợp pháp của chức tổng thống thậm chí trước cả khi bà Clinton nhậm chức. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho Clinton trong việc theo đuổi các chương trình nghị sự”, Hasen nói.
Hồng Vân
Theo VNE
Bà Clinton dẫn trước ông Trump 5 điểm trong khảo sát mới
Khảo sát mới cho thấy ứng viên đảng Dân chủ giành được nhiều ưu thế hơn so với đối thủ, trong thời điểm còn hai tuần là đến ngày bầu cử tổng thống.
Bà Clinton được nhiều cử tri đánh giá có khí chất phù hợp với vị trí tổng thống hơn. Ảnh: Reuters
Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton dẫn trước đối thủ Donald Trump 5 điểm và được cử tri Mỹ yêu thích hơn trên nhiều phương diện, CNN hôm 24/10 dẫn kết quả khảo sát mới của CNN/ORC cho biết.
Trong số các cử tri tiềm năng, bà Clinton được 49% người tham gia khảo sát ủng hộ, trong khi số người nói sẽ bỏ phiếu cho ông Trump là 44%.
Cựu ngoại trưởng giành được sự ủng hộ lớn từ các cử tri trẻ tuổi hơn và từ những người không phải da trắng, còn người da trắng không có bằng đại học chiếm phần lớn trong số cử tri ủng hộ tỷ phú Trump. Số người da trắng có bằng đại học tiếp tục có xu hướng nghiêng về bà Clinton.
Cụ thể, người dưới 45 tuổi chiếm đến 53% trong số người ủng hộ bà Clinton, người không phải da trắng chiếm 72%. Số người da trắng ủng hộ ông Trump chiếm 54%.
Mặc dù ông Trump được tin cậy có thể giải quyết các vấn đề kinh tế hơn bà Clinton, với tỷ lệ 51% so với 47%, cựu ngoại trưởng Mỹ giành được tỷ lệ ủng hộ cao hơn trong nhiều khía cạnh so với đối thủ.
Bà Clinton nhận được sự ủng hộ của nữ giới (53% so với 41%), những người cảm thấy ứng viên đứng về phía mình hơn (49% và 44), được đánh giá có tầm nhìn rõ ràng hơn với tương lai nước Mỹ (49% và 42%), người có khí chất phù hợp với vị trí tổng thống (61% và 32%), người có năng lực của một tổng tư lệnh (55% so với 40%), và người được ngưỡng mộ hơn (42% so với 29%).
Khảo sát được thực hiện qua điện thoại trong thời gian từ ngày 20/10 đến 23/10, với hơn 1.000 người trưởng thành, trong đó gần 800 người là cử tri tiềm năng, với sai số cộng trừ 3,5%.
Khánh Lynh
Theo VNE
Những đại gia đứng sau quỹ tranh cử tỷ USD của Clinton Quỹ tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton đã chạm mốc hơn một tỷ USD, bỏ xa đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump. Ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton tại một buổi vận động tranh cử. Ảnh: LATimes Vài tuần trước khi Hillary Clinton tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng, nỗi lo về quỹ tranh cử...