Kết quả ban đầu của mô hình trả lương bằng nhân dân tệ điện tử ở Trung Quốc
Cuối tháng là kỳ nhận lương của cô Sammy Lin. Nhưng lương của nữ quản lý bộ phận tại chi nhánh của một nhân hàng nhà nước Trung Quốc này không phải là khoản tiền chuyển về tài khoản như bao người khác, mà nó là tiền kỹ thuật số trong ứng dụng có tên “ e-CNY”.
Ứng dụng e-CNY. Ảnh: Getty Images
Từ ứng dụng này, tiền có thể chuyển vào tài khoản ngân hàng của Lin. Tiếp đó, cô lựa chọn rút tiền mặt.
Lin là một trong những nhóm người lao động đầu tiên được trả lương hoàn toàn bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, trong bối cảnh Trung Quốc cố gắng phổ biến loại tiền này thông qua chương trình thí điểm với công chức, viên chức của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.
Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tại một số thành phố được lựa chọn từ năm 2019, để chuẩn bị cho việc triển khai trên toàn quốc. Một năm trước, thành phố cấp huyện Thường Thục thuộc Tô Châu (tỉnh Giang Tô) đã đi tiên phong trả lương cho tất cả người lao động trong lĩnh vực công bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Nhưng giống như hầu hết những người khác trong nhóm tiên phong này, Lin không thực sự sử dụng trực tiếp tiền kỹ thuật số. Lý do là hạn chế về tính năng, lo ngại về quyền riêng tư… Cô chia sẻ: “Tôi không muốn giữ tiền trong ứng dụng e-CNY vì chẳng có lãi. Cũng không có nhiều địa điểm, cả trực tuyến hoặc ngoại tuyến để tôi có thể sử dụng nhân dân tệ điện tử”.
Đặc biệt, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), vấn đề về quyền riêng tư khiến nhiều người không muốn chấp nhận loại tiền mới. Cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang đã đánh giá quyền riêng tư là “thách thức lớn nhất của kỷ nguyên tài chính kỹ thuật số”.
Không giống như tiền giấy, tất cả các giao dịch bằng e-CNY về mặt lý thuyết đều có thể truy xuất trong sổ cái kỹ thuật số. Đồng tiền này kết hợp một số yếu tố của công nghệ chuỗi khối (blockchain) khiến nhiều người gọi nó là vũ khí chống tham nhũng.
Video đang HOT
Nhà nghiên cứu Ye Dongyan tại Trường Kinh doanh Cheung Kong ở Bắc Kinh, đánh giá nhu cầu cân bằng giữa quyền riêng tư và bảo mật đã cản trở tiến trình thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Ông nói: “Tiền giấy được sử dụng ẩn danh, nhưng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số lại khác. Ranh giới giữa theo dõi thông tin và bảo vệ an ninh thông tin cần được cân nhắc kỹ hơn”.
Trước lo ngại này, trong một diễn đàn tổ chức vào tháng 3 ở Bắc Kinh, ông Yi Gang nhận định rằng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có thể bảo vệ hoàn toàn quyền riêng tư thông qua “ẩn danh có thể kiểm soát”, nghĩa là không có dấu vết kỹ thuật số của các giao dịch nhỏ và có khả năng truy xuất nguồn gốc các giao dịch lớn.
Bên cạnh đó, ông Mu Changchun, Giám đốc Viện Nghiên cứu tiền kỹ thuật số thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, người dùng chỉ cần số điện thoại di động để sở hữu ví kỹ thuật số cho các giao dịch giá trị nhỏ. Các đơn vị viễn thông không được công bố danh tính liên quan đến số điện thoại này cho bên thứ ba, dựa trên luật và quy định hiện hành.
Nhưng các giao dịch có giá trị chỉ có thể được thực hiện trong các ví điện tử đã được định danh, để có thể theo dõi. Ông Mu Changchun cho biết điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tội phạm như rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Albert Wang, một công chức tại Tô Châu, được trả một phần lương bằng nhân dân tệ kỹ thuật số. Anh chia sẻ bản thân không bận tâm đến việc trả lương này bởi đây chỉ là một phần nhỏ, khoảng vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng. Vợ Albert Wang, cũng là một công chức trong thành phố, được trả lương hoàn toàn bằng nhân dân tệ kỹ thuật số và cô cũng xử lý số tiền này giống như Lin. Albert Wang kể: “Cô ấy rút tiền mặt vì không thể gửi tiết kiệm trực tuyến hoặc mua các sản phẩm tài chính bằng ví e-CNY”.
Bên cạnh đó, anh nhận xét: “Nhược điểm là rõ ràng bởi nhân dân tệ kỹ thuật số không được chấp nhận ở tất cả các cửa hàng và chỉ đóng vai trò như một công cụ thanh toán”. Anh đánh giá điều này khiến đồng tiền này chưa thể cạnh tranh với Alipay và WeChat Pay.
Trung Quốc đã trở thành một xã hội không dùng tiền mặt trong khoảng một thập niên nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh và các công cụ thanh toán trực tuyến tư nhân như Alipay và WeChat Pay đã “hòa nhập” vào cuộc sống hàng ngày. Nhưng những nền tảng đó không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ.
Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố mốc thời gian cụ thể ra mắt nhân dân tệ kỹ thuật số trên toàn quốc, nhưng đã chủ động quảng bá loại tiền này kể từ giai đoạn đầu thử nghiệm.
Trong báo cáo thường niên công bố năm 2023, Ngân hàng Công thương Trung Quốc xác nhận có hơn 15 triệu ví e-CNY cá nhân mới được mở và hơn 1,3 triệu ví do các tổ chức kinh doanh mở. Có trên 2,7 triệu cửa hàng bổ sung vào danh sách những nơi chấp nhận e-CNY. Việc sử dụng loại tiền này đã được mở rộng sang một số dịch vụ công, bao gồm đóng thuế và an sinh xã hội.
Lý do đằng sau sự suy yếu của các đồng tiền châu Á so với USD
Các đồng tiền trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm xuống mức yếu nhất trong nhiều tháng so với đồng USD, do tình hình chưa mấy khởi sắc ở Trung Quốc phủ bóng đen lên các quốc gia có quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ với Bắc Kinh.
Nhân viên ngân hàng kiểm đồng rupiah của Indonesia tại thủ đô Jakarta. Ảnh: AFP/TTXVN
Đồng peso của Philippines, đồng rupiah của Indonesia và đồng ringgit của Malaysia nằm trong số những đồng tiền chạm mức thấp nhất trong ba tháng so với đồng USD vào thứ Tư (24/1). Đồng baht Thái và đồng AUD của Australia cũng đang giao dịch quanh mức yếu nhất trong một đến hai tháng so với đồng bạc xanh.
Các đồng tiền châu Á và châu Đại Dương đã sụt giảm so với đồng USD kể từ cuối năm 2023, với đồng baht, AUD và NZD của New Zealand giảm khoảng 4% và đồng won Hàn Quốc giảm hơn 3%.
Trong khi đó, đồng euro chỉ mất giá khoảng 1,6% và bảng Anh chỉ mất 0,3% so với USD.
Xu hướng này một phần bắt nguồn từ sự vững chắc của đồng USD kể từ đầu năm. Thông thường, đồng USD mạnh hơn sẽ khiến các nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ bằng USD, từ đó làm suy yếu đồng nội tệ của họ.
Các số liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố trong tháng này, chẳng hạn như chỉ số giá tiêu dùng và số liệu doanh số bán lẻ tháng 12/2023 cho thấy sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư đang mua vào đồng USD trong bối cảnh những kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm cắt giảm lãi suất đã yếu dần.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến các đồng tiền châu Á là tình hình kinh tế chưa mấy khởi sắc của Trung Quốc.
Mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã hồi phục phần nào vào mùa Xuân năm 2023, động lực này lại không thể duy trì. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) lĩnh vực chế tạo tháng 12/2023 của Trung Quốc ở mức 49, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp ở dưới ngưỡng 50 (phân cách giữa tăng trưởng và suy giảm). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này cũng đã giảm ba tháng liên tiếp kể từ tháng 10/2023.
Nhiều nước châu Á phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc, đồng nghĩa sự quy yếu của nước này có xu hướng thúc đẩy việc bán ra đồng nội tệ của các quốc gia đó. Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 30% hàng xuất khẩu của Australia cùng hơn 20% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc và Indonesia là sang Trung Quốc vào năm 2022. Bởi vì Trung Quốc nhập khẩu từ châu Á nhiều hơn so với Mỹ hoặc các nền kinh tế lớn ở châu Âu, nên điều kiện kinh tế của nước này có tác động lớn hơn đến khu vực.
Ngoài ra, những lo ngại về suy thoái kinh tế đang thúc đẩy suy đoán về việc cắt giảm lãi suất trên khắp châu Á.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã lần thứ tám liên tiếp giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 3,5% trong cuộc họp tháng này. Nhưng văn bản công bố quyết định chính sách tiền tệ mới nhất không đề cập đến việc BoK cần phải tăng lãi suất, một điểm khác biệt đáng chú ý so với những văn bản trước.
Tại Australia, số liệu việc làm ở nước này trong tháng 12/2023 đã giảm lần đầu tiên sau năm tháng. Thông tin này củng cố kỳ vọng của giới quan sát thị trường là ngân hàng trung ương nước này sẽ hạ lãi suất trong năm nay.
Áp lực chính trị về việc cắt giảm lãi suất cũng đang gia tăng do tác động tiềm tàng của lãi suất cao hơn đối với hoạt động kinh tế. Tại Thái Lan, Thủ tướng Srettha Thavisin được cho là đã kêu gọi ngân hàng trung ương hạ lãi suất chính sách từ mức 2,5% hiện tại.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) hôm 24/1 đã công bố giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Động thái này nhằm mục đích đưa thêm tiền vào lưu thông, thúc đẩy hoạt động cho vay để vực dậy nền kinh tế.
Công ty nghiên cứu thị trường và cố vấn tài chính Mizuho Research & Technologies cho biết PBoC có thể tiến hành hạ lãi suất chính sách một lần nữa trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2024.
Nếu các nước láng giềng của Trung Quốc cũng cắt giảm lãi suất trong bối cảnh tồn tại nhiều điều không chắc chắn kế hoạch điều chỉnh lãi suất của Fed, thì các đồng tiền châu Á có thể suy yếu hơn nữa so với đồng USD.
'Ăn' phải gián, ruồi... đến 200 lần, cô gái bị cảnh sát 'tóm gáy' Cảnh sát chú ý đến cô Đặng do 200 suất đồ ăn cô đặt qua mạng đều có ruồi, gián, móng tay... và nhờ đó, cô không phải trả tiền, lại được bồi thường gần 70 triệu đồng. Trong 6 tháng gần đây, cô Đặng ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc thường xuyên đặt đồ ăn trên mạng giao về nhà....