Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam-Trung Quốc
Với mục đích cung cấp những thông tin về tình hình thương mại nông sản giữa hai nước, phổ biến các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản, đồng thời giải quyết, hướng dẫn những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong việc xuất nhập khẩu nông sản, ngày 18.8 Bộ NN&PTNN phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam- Trung Quốc tại TP.Lạng Sơn.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới. Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc.Tính đến hết tháng 6.2018 đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Một trong những thị trường lớn và truyền thống nhập khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam đó là Trung Quốc.
Trong 7 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh của Việt Nam, đặc biệt là nông sản trái cây và thủy sản.
Hội nghị với sự tham gia của nhiều cơ quan, đợn vị và doanh nghiệp hai bên để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ khó khăn.
Tại Hội nghị, ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Tỉnh Lạng Sơn cam kết thực hiện nhất quán quan điểm luôn đồng hành với doanh nghiệp, luôn định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đồng thời triển khai quyết liệt hiệu quả các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hợp tác và phát triển. Thực hiện tốt công khai minh bạch cơ chế chính sách và quản lý điều hành, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phân công phân cấp giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan để giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp.
Hội nghị sáng nay cũng trưng bày, giới thiệu nhiều loại nông sản là đặc sản của Lạng Sơn có tiềm năng hợp tác phát triển sản xuất, tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu như Na Chi Lăng, rượu Mẫu Sơn, Hoa Hồi, Hồng không hạt Bảo Lâm và nhiều sản vật đến từ nhiều địa phương trong tỉnh.
Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và tiềm năng được trưng bày tại Hội nghị.
Anh Vy Minh Thông, cán bộ Phòng NN&PTNN huyện Chi Lăng cho biết: Hội nghị hôm nay đã trưng bày nhiều nông sản tiêu biểu của tỉnh trong đó có sản phẩm na Chi Lăng được sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP đã được chứng nhận tem truy xuất nguồn gốc. Qua hội nghị, cũng mong muốn đưa các sản phẩm không chỉ là Na Chi Lăng mà còn cả các sản phẩm cao khô Vạn Linh, măng ớt và mật ong Vân Thủy được nhiều người không chỉ trong nước mà quốc tế biết tới.
Video đang HOT
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, lễ hội na Chi Lăng cũng sẽ được khai mạc vào tối cùng ngày.
Cũng tại Hội nghị, các đơn vị và doanh nghiệp hai bên đã tiến hành ký bản ghi nhớ hợp tác nhằm mở ra hơn nữa những cơ hội kết nối hợp tác giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng 2 nước Việt Nam- Trung Quốc.
Theo Danviet
Quả trăm mắt được mùa, được giá, dân xứ Lạng ước thu 700 tỷ đồng
Những ngày này, người dân huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đang tất bật thu hoạch na. Năm nay lại được mùa, được giá...
Sản lượng cao hơn năm ngoái
Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên cây na ở Chi Lăng (Lạng Sơn) sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân gọi vui là "cây làm giàu", bởi nó đem lại giá trị kinh tế cao, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.
Thu hoạch na
Chúng tôi về xã Chi Lăng, nơi được mệnh danh là "vựa na" của huyện. Ngay từ đầu giờ chiều, bà con đã rục rịch lên sườn núi thu hoạch.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết, từ lâu na đã trở thành cây trồng chủ lực của xã. Toàn xã trồng 355ha na, trong đó có 60ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, 5ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Những diện tích còn lại thực hiện SX theo hướng an toàn.
Ông Tuấn cho biết thêm, vụ na năm 2017, toàn xã thu được 3.200 tấn na, giá trị SX ước đạt gần 90 tỷ đồng. Năm 2018, dự kiến tăng lên 3.500 tấn, ước đạt trên 100 tỷ đồng.
Vụ na năm ngoái, toàn xã Chi Lăng thu được 3.200 tấn na, giá trị SX ước đạt gần 90 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Quý
"Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền. Ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện tổ chức các buổi tập huấn cho bà con nông dân SX theo tiêu chuẩn VietGAP, yêu cầu các hộ ký cam kết SX theo hướng sạch", ông Tuấn thổ lộ.
Cũng theo ông Tuấn, vụ na năm nay vừa được mùa, vừa được giá. Bà con rất phấn khởi. Na loại 1 đang được bán với giá dao động từ 30 - 40 nghìn đồng/kg.
Na Chi Lăng quả tròn, mắt to, thịt dày, kẽ mắt trắng, da xanh non
Anh Vũ Văn Phương (thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng) chia sẻ, gia đình anh trồng hơn 1ha na theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017, gia đình thu hoạch khoảng 3 tấn. Dự kiến, năm nay sản lượng sẽ cao hơn năm ngoái.
Theo anh Phương, trung bình 1 sào Bắc bộ sẽ trồng được 40 gốc na. Sau 1 thời giam chăm sóc, 1 cây cho thu hoạch từ 80 - 100 quả (khoảng 20 kg/cây). Hộ gia đình nào chăm sóc tốt, có thể hơn.
"Năm nay, na Chi Lăng được mùa kép. So với cùng kỳ năm ngoái, giá tăng 10 nghìn đồng/kg. Hiện tại, giá bán dao động từ 35 - 40 nghìn đồng/kg. Thời điểm này, bà con đang tích cực thu hoạch na", anh Phương vui mừng nói.
Xã Quang Lang là "hàng xóm" của xã Chi Lăng. Tại xã này, người dân cũng vui mừng, phấn khởi không kém so với xã bạn, họ đều khẳng định vụ na năm nay được mùa, các chủ vườn bội thu hơn năm ngoái. Trung bình, 1ha thu hoạch được khoảng 8 tấn. Với giá bán như hiện nay, người dân thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha.
Dán tem truy xuất nguồn gốc
Na Chi Lăng nổi tiếng với đặc trưng là vị ngọt, hương thơm hấp dẫn, quả tròn, mắt to, thịt dày, kẽ mắt trắng, da xanh non... Bởi thế mà khi vào vụ, rất nhiều thương lái trong nước và người Trung Quốc đến tận vườn thu mua.
Tại những vùng SX na theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân treo bẫy ruồi đục quả
Theo Phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng, toàn huyện trồng khoảng 1.600ha na, tập trung ở các xã Chi Lăng, Quang Lang, Sao Mai, thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng... Trong đó, có 160ha theo tiêu chuẩn VietGAP và 50ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng cho biết, ngay từ đầu năm, Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức phát động SX na theo hướng an toàn theo Thông tư 51 của Bộ NN-PTNT. Từ tháng 4/2018, đơn vị đã giám sát việc trồng na của bà con, vận động trồng đồng loạt sử dụng phương pháp đặt bẫy Pheromone phòng trừ ruồi đục quả.
Dọc hai bên đường QL.1A, người dân bày bán na
Cũng theo ông Chung, vụ na năm 2018, dự kiến toàn huyện đạt 30.000 tấn na. Tăng 2.000 tấn so với năm ngoái. Điểm nhấn của vụ na năm nay là sẽ dán tem truy xuất nguồn gốc trên những quả na được SX trong vùng an toàn, để hướng tới xuất khẩu vào thị trường khó tính.
"Để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho na, ngày 18/8 tới đây "Ngày hội na Chi Lăng 2018" sẽ được khai mạc tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Ngày hội sẽ có chuỗi các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Tiếp đó, từ ngày 22 - 28/8, tại Hà Nội, ngành nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp Việt Nam tổ chức tuần lễ "Triển lãm đặc sản na Chi Lăng", ông Chung cho hay.
Lạng Sơn hiện có 2.800ha na, tập trung ở 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Sản lượng hàng năm ước đạt trên 26.000 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 700 tỷ đồng.
Theo Văn Chiến (Nông nghiêp Viêt Nam)
Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa Trung thu Nhiều giải pháp đã được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) triển khai để hạn chế tối đa tình trạng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng có thể thâm nhập vào thị trường mùa trung thu 2018. Đầu mùa, đã xuất hiện hàng kém chất lượng Ngày 8/8/2018, Đội QLTT số 24, Chi Cục...