Kết nối những trái tim đam mê hoạt động tình nguyện
Những người đam mê hoạt động tình nguyện có dịp hội ngộ tại Liên hoan câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm tình nguyện toàn tỉnh lần thứ IV do Tỉnh Đoàn-Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Gia Lai, Ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện Quốc gia khu vực Tây Nguyên, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức vào ngày 14-10 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku. Mỗi CLB, đội, nhóm có hình thức hoạt động khác nhau nhưng đều chung tinh thần sẻ chia, nhiệt huyết vì cộng đồng.
Tạo dựng hệ sinh thái tình nguyện
Trong số 23 CLB, đội, nhóm tình nguyện tham gia liên hoan, CLB Tấm lòng vàng An Khê đã có 12 năm hoạt động. Câu lạc bộ đã triển khai hiệu quả một số dự án như: hỗ trợ định kỳ cho 25 trẻ mồ côi được đến trường; chương trình “Nồi cháo yêu thương” và “Bát cơm ngàn nhà” thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ; địa chỉ nhân đạo chăm sóc 25 người khuyết tật, khiếm thị…
Cùng với những dự án dài hơi, CLB còn tổ chức các chuyến tình nguyện về vùng khó. Riêng từ đầu năm đến nay, CLB đã thực hiện các hoạt động tình nguyện trị giá hơn 600 triệu đồng. Chủ nhiệm CLB Phan Thị Nhung cho hay: “Nhờ uy tín và sự minh bạch, CLB nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ của nhiều Mạnh Thường Quân”.
Câu lạc bộ Kỹ năng sống thuộc Trường Cao đẳng Gia Lai tham gia liên hoan để học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động tình nguyện. Ảnh: P.L
Với 8 năm thành lập, nhóm tình nguyện Chung tay Gia Lai cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa. Nổi bật là việc kêu gọi xây dựng nhà nhân ái, nhà tình nghĩa cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hơn 25.000 cây giống các loại cho hộ nghèo ở huyện Ia Grai. Cùng với đó, nhóm kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ cho 12 trường hợp bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo… với tổng kinh phí trên 280 triệu đồng.
Anh Nguyễn Chí Nguyên-Trưởng nhóm tình nguyện Chung tay Gia Lai-chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Qua mỗi hoạt động, các thành viên đều phấn khởi vì có thể sẻ chia, giúp đỡ cho người cần giúp”.
Video đang HOT
Câu lạc bộ Kỹ năng sống thuộc Trường Cao đẳng Gia Lai khá mới, đối tượng tham gia chủ yếu là sinh viên. Để duy trì hoạt động, CLB triển khai Dự án “Tấm handmade” để bán vật phẩm gây quỹ, đồng thời hướng đến việc lan tỏa lối sống xanh, ý thức bảo vệ môi trường cho thanh thiếu nhi. Cùng với đó, CLB tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng cho các thành viên thông qua những hoạt động tình nguyện như: giáo dục kỹ năng sống cho 100 thiếu nhi TP. Pleiku; sửa chữa xe đạp miễn phí cho trẻ ở Làng trẻ em SOS Pleiku.
Chị Trịnh Thị Phượng-Chủ nhiệm CLB-tâm sự: “Những hoạt động tình nguyện giúp các bạn trẻ có thêm kiến thức, vốn sống và bài học về sự yêu thương để nỗ lực hơn trong học tập, phấn đấu thành người có ích cho xã hội”.
Tôn vinh những điển hình
Tại liên hoan, các CLB, đội, nhóm đã giao lưu, chia sẻ về các dự án tình nguyện, kinh nghiệm tổ chức hoạt động, kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa, minh bạch trong thu-chi. Nhiều “thủ lĩnh” CLB, đội, nhóm tình nguyện từng nhận Giải thưởng tình nguyện Quốc gia trao đổi những kinh nghiệm trong công tác tổ chức và triển khai hoạt động.
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho các thủ lĩnh tiêu biểu trong phong trào tình nguyện. Ảnh P.L
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh: Mỗi CLB, đội, nhóm tình nguyện có hoạt động hướng đến những đối tượng khác nhau nhưng đều có điểm chung là tinh thần sẻ chia vì cộng đồng. Sự chung tay của các CLB, đội, nhóm tình nguyện đã góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, chăm lo những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Bên cạnh đó, CLB, đội, nhóm chính là nơi phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực để bổ sung cho phong trào Đoàn-Hội ở địa phương, góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên.
Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đại diện các CLB, đội nhóm cũng đề xuất một số vấn đề như: Tỉnh Đoàn-Hội LHTN Việt Nam tỉnh cần kết nối các CLB, đội, nhóm tình nguyện để tổ chức nhiều hoạt động quy mô; những CLB có bề dày kinh nghiệm có thể hỗ trợ cho CLB mới hoạt động; cần xây dựng được một hệ sinh thái tình nguyện…
Anh Nguyễn Đắc Kiên Bình-Trưởng nhóm từ thiện Chư Prông-cho biết: “Thực tế, một số CLB hoạt động chưa có chiều sâu, kỹ năng yếu nên chưa tạo được dấu ấn. Chính vì thế, Hội LHTN Việt Nam tỉnh cần tổ chức tập huấn, liên hoan nhằm kết nối để các CLB giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; đồng thời, định kỳ tổ chức hoạt động quy mô, có sự tham gia của các CLB, huy động nguồn lực nhiều hơn”.
Trong khuôn khổ liên hoan, các CLB, đội, nhóm tình nguyện đã đi bộ hưởng ứng chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” và tham gia các trò chơi team building. Những tiết mục văn nghệ, nhảy dân vũ, nhảy hiện đại… giúp liên hoan thêm sôi động. Dịp này, Tỉnh Đoàn-Hội LHTN Việt Nam tỉnh cùng các CLB, đội, nhóm tình nguyện cũng đã trao tặng 140 suất ăn cùng một số nhu yếu phẩm cho các đối tượng đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh; tặng 1 công trình sân chơi cho thiếu nhi Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ). Riêng BIDV Gia Lai tặng 10 suất quà (mỗi suất trị giá 500 ngàn đồng) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở TP. Pleiku.
Nhằm tôn vinh, biểu dương những người cống hiến trong công tác tình nguyện, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tặng bằng khen cho 21 tập thể và 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc” năm 2023. Đồng thời, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh tặng bằng khen cho 4 tấm gương tiêu biểu “Tỏa sáng nghị lực Việt” cấp tỉnh năm 2023; Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tặng giấy khen cho 8 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu vươn lên trong cuộc sống năm 2023.
Là nhân vật vừa được tuyên dương gương tiêu biểu “Tỏa sáng nghị lực Việt” vừa là cá nhân tiêu biểu trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, anh Nay Djruêng-Trưởng nhóm tình nguyện Đi qua mùa rẫy-bày tỏ: “Tôi rất vui khi nhận được sự động viên của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh. Những hoạt động tại liên hoan mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị và học hỏi được nhiều kinh nghiệm hoạt động của các CLB. Qua liên hoan này, tôi muốn gửi gắm một thông điệp: “Bất kỳ ai cũng có thể tham gia hoạt động tình nguyện, chỉ cần có tinh thần nhiệt huyết và tấm lòng sẻ chia với cộng đồng”.
Bác sĩ trẻ tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao
Từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 6/2020 đến nay bác sĩ Nghiêm Thị Thắm tình nguyện về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động, phát huy tinh thần xung kích vì cộng đồng, nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao.
Bác sĩ Nghiêm Thị Thắm khám sức khỏe cho một bệnh nhi tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động.
Bác sĩ Thắm sinh năm 1991, quê ở xã Nam Dương (Lục Ngạn), tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình chuyên ngành đa khoa. Năm 2016, chị Thắm được phân công về làm việc tại Bệnh viện Nhi Trung ương công tác. Cuối năm 2018, chị được biết Bộ Y tế triển khai dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn trong cả nước. Những năm tháng còn là sinh viên đại học cho đến khi công tác, chị luôn ấp ủ khát vọng được đem kiến thức, sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân miền quê nghèo nên chị đăng ký tham gia dự án. Rất mừng là hồ sơ của chị đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Làm việc ở vùng cao, chị mới thấy hết khó khăn của hệ thống y tế cơ sở, nhất là thiếu nhân lực phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phần lớn người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số nên kiến thức phòng bệnh theo y học hiện đại còn hạn chế. Nhiều người khi có triệu chứng sốt, đau đầu, sổ mũi, cảm tự ý dùng lá, rễ cây rừng hay mua thuốc về uống hoặc lạm dụng kháng sinh rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Được đồng nghiệp giúp đỡ, nữ bác sĩ nhanh chóng bắt tay với công việc. Ở tuyến trung ương, thầy thuốc chứng kiến phần đông bệnh nhân bị biến chứng nặng do chưa được khám, phát hiện bệnh kịp thời và điều trị đúng phương pháp. Việc điều trị trở nên khó khăn, kéo dài, lại tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh sau này, thậm chí không ít trường hợp tử vong. Bởi vậy, bác sĩ Thắm luôn xác định công tác phòng bệnh, phát hiện và điều trị sớm từ cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Bác sĩ Thắm chia sẻ: "Trẻ sơ sinh với hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh. Phần lớn các chứng bệnh thường gặp ở trẻ như viêm đường hô hấp, tiêu chảy... không nguy hiểm nhưng diễn tiến nặng rất nhanh. Vì thế bố mẹ cần nhận biết và chủ động xử lý kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc". Nhẹ nhàng kiểm tra sức khỏe một bệnh nhi 7 ngày tuổi, dân tộc Nùng, ở xã Vĩnh An vừa kết thúc liệu trình điều trị vàng da sau sinh, bác sĩ Nghiêm Thị Thắm tư vấn cho mẹ bé yên tâm về nhà tiếp tục thực hiện chế độ chăm sóc và theo dõi sức khỏe. Người nhà khi cần thiết có thể gọi điện để được bác sĩ tư vấn từ xa.
Bác sĩ Thắm cùng đồng nghiệp tận tình chăm sóc sức khẻo người bệnh.
Cuối năm nay, bác sĩ Thắm hoàn thành thời gian công tác ở Trung tâm Y tế huyện Sơn Động và trở về Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục nhiệm vụ. Điểm lại hơn 2 năm ở vùng cao Sơn Động, bác sĩ Thắm cùng đồng nghiệp đã khám, chữa khỏi bệnh cho hàng trăm em nhỏ. Cùng đó chị cũng tích cực tham gia tư vấn cho bà con nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh.
Bác sĩ Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cho biết, thời điểm bác sĩ Thắm kết thúc nhiệm vụ cũng là khi đội ngũ y, bác sĩ của đơn vị hoàn thành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực. Cùng với sự quan tâm của Sở Y tế và UBND huyện trong đầu tư trang thiết bị hiện đại, đến nay chất lượng khám, chữa bệnh nói chung và chuyên khoa Nhi nói riêng tại đơn vị được củng cố, tăng cường, giúp người dân trên địa bàn yên tâm chăm sóc sức khỏe.
Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè giúp đoàn viên trưởng thành Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023 tại An Giang gồm chương trình Tiếp sức mùa thi và các chiến dịch: Hoa phượng đỏ, Kỳ nghỉ hồng, Hành quân xanh và Mùa hè xanh. Sáng ngày 1.6, tại TP.Long Xuyên, Tỉnh đoàn An Giang tổ chức lễ ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè và Tháng hành động Vì...